Mới đây, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành chương trình xúc tiến đầu tư năm 2022. Tỉnh này cho biết, năm 2021 đã ban hành chấp thuận chủ trương đầu tư cho 47 dự án với tổng vốn đầu tư khoảng gần 20.000 tỷ đồng, trong đó chấp thuận 32 nhà đầu tư thực hiện dự án với tổng số vốn đăng ký khoảng hơn 14.500 tỷ đồng.
Đối với các dự án FDI, tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 4 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký 169,1 triệu USD (tương đương 3.873 nghìn tỷ đồng). Đáng chú ý, trong đó dự án Khu công viên phần mềm, công nghệ thông tin tập trung Thừa Thiên Huế do Liên danh Công ty TNHH SMC Huế - Korea Land and Housing Corporation đầu tư với tổng vốn khoảng 3.458 tỷ đồng.
Trong năm 2022, Thừa Thiên Huế ưu tiên kêu gọi đầu tư trong các lĩnh vực tập trung kêu gọi của tỉnh, tập trung ở các địa bàn: Khu đô thị mới An Vân Dương, địa bàn TP Huế, thị xã Hương Thủy, Hương Trà và các huyện Phú Lộc, Phong Điền,...
Đối với địa bàn Khu kinh tế Chân Mây Lăng Cô, các khu công nghiệp, căn cứ danh mục dự án kêu gọi đầu tư giai đoạn 2021 – 2022 trên địa bàn Khu kinh tế, khu công nghiệp tỉnh, sẽ thường xuyên cập nhật định kỳ để có cơ sở kêu gọi đầu tư.
Thừa Thiên Huế đặt mục tiêu phấn đấu thu hút khoảng 20 dự án đầu tư trong và ngoài nước, tổng mức đầu tư đạt 20.000 tỷ đồng ở ngoài địa bàn khu kinh tế, khu công nghiệp.
Địa phương phấn đấu thu hút vào khu kinh tế bình quân 5 - 8 dự án/năm, với vốn đăng ký bình quân 4.000 - 5.000 tỷ đồng/năm, vốn đầu tư thực hiện bình quân 6.000 - 7.000 tỷ đồng/năm, tăng gấp ba lần so với giai đoạn trước.
Phấn đấu thu hút vào các khu công nghiệp bình quân 10 - 15 dự án/năm, với vốn đăng ký bình quân 3.500 - 4.000 tỷ đồng/năm, vốn đầu tư thực hiện bình quân 3.500 - 4.000 tỷ đồng/năm, tăng gấp 2 - 2,5 lần so với giai đoạn trước.
Thừa Thiên Huế cũng đặt mục tiêu thu hút được nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp Phú Đa, Quảng Vinh.