Thủ tướng: Phát triển đô thị thông minh là cuộc chơi lớn, cần những ‘người cùng chơi’ có tầm nhìn và tiềm lực

Bình An | 22-10-2020 - 21:45 PM

(Tổ Quốc) - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng cho rằng đô thị thông minh phải là đô thị của chính người dân, không thực hiện theo phong trào…

Chia sẻ tại Diễn đàn Cấp cao về Đô thị thông minh ASEAN 2020 (ASEAN Smart Cities Summit & Expo 2020), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhìn nhận: Sự phát triển vượt bậc của khoa học kỹ thuật và công nghệ, đặc biệt cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã làm sáng tỏ nhiều chân trời tri thức mới, trong đó mở rộng thêm không gian mới cho phát triển đô thị thông minh, không chỉ giúp nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, tăng trưởng kinh tế, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ tài nguyên hiệu quả, mà còn có thể định hướng, dự báo được các vấn đề rủi ro, nguy cơ một cách chính xác hơn, nhanh chóng hơn, từ đó tăng khả năng thích ứng, tự phục hồi của xã hội và đô thị.

Năm 2018, Mạng lưới Đô thị Thông minh ASEAN đã được thành lập tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 32 ở Singapore, xác định các mục tiêu, bao gồm: Nền kinh tế cạnh tranh; Môi trường bền vững; và Chất lượng cuộc sống cao hơn.

Trong đó, Việt Nam có 3 thành phố tham gia Mạng lưới là Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.

"Phát triển đô thị thông minh thực sự là một "cuộc chơi lớn" trong đó cần có những "người cùng chơi" có "tầm nhìn" và "tiềm lực", hướng tới mục tiêu nhân văn là cuộc sống hạnh phúc, sự phát triển toàn diện của con người, bảo vệ môi trường và thiết lập hệ sinh thái đô thị phát triển bền vững", Thủ tướng chia sẻ.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhấn mạnh: Việt Nam xác định phát triển đô thị thông minh, bền vững là một hướng đi có tính đột phá để góp phần nâng cao tính cạnh tranh quốc gia. Và để đạt được điều này, Thủ tướng nhấn mạnh 6 nội dung quan trọng:

Trước hết, phát triển đô thị thông minh phải gắn kết chặt chẽ với hạ tầng thông tin mạnh, xây dựng chính quyền điện tử, tiến tới chính quyền số trong CMCN 4.0 và quá trình phát triển đô thị Việt Nam.

Thứ hai, phát triển thông minh phải trên cơ sở cân nhắc cơ hội và rủi ro, thách thức gắn với nhu cầu và năng lực của địa phương, không thực hiện theo phong trào, đồng thời cần làm từng bước, có chọn lọc, theo lộ trình.

Thứ ba, tiếp cận đô thị thông minh theo hướng hiệu quả, kế thừa và phát huy kinh nghiệm của 35 năm Đổi Mới, đồng thời phát triển những giá trị gia tăng do công nghệ, kỹ thuật mới đem lại, phát huy bản sắc văn hóa đặc trưng riêng của khối ASEAN và đặc thù của các quốc gia thành viên.

Thứ tư, các địa phương, cùng với phát triển các tiện ích thông minh, cần chú trọng xây dựng nền tảng cơ sở dữ liệu thông minh phục vụ đưa ra các quyết định thông minh; thúc đẩy quy hoạch và các giải pháp quản lý đô thị thông minh.

Thứ năm, thu hút sự tham gia mạnh mẽ của khối tư nhân, phát huy năng lực đổi mới, sáng tạo; tạo hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ.Đô thị thông minh phải là đô thị của chính người dân, đó là đô thị có quy hoạch xã hội tốt nhất, giữ dìn phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp, con người nhân văn.

Thứ sáu, tiếp tục đẩy mạnh các chương trình chiến lược khoa học, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, gắn kết hài hòa các chương trình đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và định hướng phát triển đô thị thông minh bền vững.

Diễn đàn Cấp cao về Đô thị thông minh ASEAN 2020 (ASEAN Smart Cities Summit & Expo 2020) có chủ đề "Đô thị thông minh - hướng tới Cộng đồng, Bản sắc và Phát triển bền vững vì một ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng", do thành phố Hà Nội, Ban Kinh tế Trung ương và Bộ Xây dựng đồng chủ trì và tổ chức, với sự phối hợp của Văn phòng Chính phủ, Bộ Ngoại giao, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài Nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Công an, Ban Thư ký ASEAN, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, UBND TPHCM, UBND TP Đà Nẵng.

Trong khuôn khổ Diễn đàn Cấp cao về Đô thị thông minh ASEAN 2020, đã diễn ra 5 Hội thảo chuyên đề về Quy hoạch và quản lý đô thị thông minh trong chiến lược đô thị hoá và phát triển đô thị; Phát triển hạ tầng số và công nghệ số nền tảng cho đô thị thông minh; Phát triển các dịch vụ thông minh tại các đô thị trong triến trình chuyển đổi số quốc gia; Năng lượng thông minh trong quá trình đô thị hoá và phát triển đô thị; Giao thông thông minh trong chiến lược đô thị hoá và phát triển đô thị.

Đây là sự kiện quốc tế có quy mô lớn gắn với các hoạt động chính thức của Năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam với sự tham gia trực tiếp của nhiều lãnh đạo cấp cao trong nước, trong khu vực ASEAN và đại diện lãnh đạo quốc tế, gần 2.000 đại biểu lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương, các đại sứ quán, tổ chức quốc tế, các đối tác là cộng đồng doanh nghiệp trong nước và các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài. Diễn đàn còn có sự tham dự của khoảng trên 60 đại biểu quốc tế dự trực tiếp, và gần 50 đại biểu quốc tế tham gia trực tuyến tại 35 điểm cầu trên thế giới.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM