London, thành phố mù sương, Thủ đô của Anh Quốc. Michael Coates - chuyên gia kiểm soát dịch hại của thành phố này đang đi lục lọi từng chiếc thùng rác một. Ông kiểm tra để xử lý một trong những thứ phiền toái nhất của thành phố - chuột.
"Kiểu gì cũng sẽ có (chuột) trong đó," - ông cho biết. "Chuột giống như một cỗ máy sinh tồn vậy. Chỉ cần còn nguồn thức ăn, chúng sẽ quay trở lại."
Vấn đề là London đang trở thành một vương quốc chuột đúng nghĩa, kể từ khi lệnh phong tỏa toàn nước Anh diễn ra.
Các chuyên gia kiểm soát dịch hại cho biết, khi nhà hàng và các tòa văn phòng tại London đóng cửa, chuột bắt đầu xâm lấn dần vào khu dân cư để tìm thêm thức ăn. Bởi các gia đình ở nhà nhiều hơn, họ cũng ăn nhiều hơn, nghĩa là số rác thải ra nhiều hơn và thu hút cũng nhiều chuột hơn. Hơn nữa, với việc nhiều người dân nuôi chim và phải bổ sung thức ăn cho chúng thường xuyên, chuột cũng làm tổ rất nhiều tại sân vườn để "hưởng sái", hoặc tấn công chính lũ chim đó.
"Từng có một bà cụ thường cho lũ chim ngoài vườn ăn," - Coates chia sẻ. "Thế rồi bà gọi cho chúng tôi, và khi đến nơi thì phát hiện ra có 10 - 15 con chuột đã đào hang xung quanh các luống hoa để chờ đợi."
Paul Claydon, một chuyên gia trừ dịch hại khác tại phía Đông London còn chứng kiến cảnh tượng kinh khủng hơn. Ông cho biết mình từng xuống tay giải quyết cả một đàn chuột lớn đang tìm cách đào xuyên vào một hang thỏ để ăn thịt chúng.
"Tôi nghĩ rằng thành phố này sẽ khá sốc khi tái mở cửa," - Claydon cho biết. "Đặc biệt là với những cơ sở kinh doanh vốn đã gặp nhiều vấn đề với chuột từ trước."
Cả Coates và Claydon từng từ bỏ sự nghiệp gắn bó lâu dài để dấn thân vào dịch vụ trừ dịch hại - ngành nghề đang bùng nổ trong các thành phố. Với Coates, ông là một cựu chiến binh. Còn Claydon đã từng có 25 năm kinh nghiệm làm công nghệ thông tin trong công ty tài chính, trước khi đổi nghề vào 2 năm trước.
Hiệp hội Kiểm soát Dịch hại Anh Quốc (BPCA) - đại diện cho hơn 700 cơ sở khắp nước cho biết, các thành viên đã báo cáo hoạt động của chuột tăng đến 51% trong lần phong tỏa đầu tiên vào mùa xuân 2020, 78% vào tháng 11/2020 sau lần phong tỏa thứ 2. Lần này họ chưa tính, nhưng dự tính sẽ vẫn là một đợt bùng nổ mạnh.
"Giờ chúng ta thậm chí có thể thấy chuột ở những nơi bất thường nhất," - Natalie Bungay từ BPCA cho biết. "Chuột có thể cắn thủng những vật cứng như kim loại và tường gạch."
Có điều với việc kiểm soát chuột, London chưa có bất kỳ kế hoạch nào cụ thể. Thị trưởng London cho biết Hội đồng thành phố là nơi có thể cung cấp câu trả lời rõ ràng nhất. Nhưng họ lại bảo rằng đây là việc của từng khu vực riêng trong tổng số 32 khu vực. Và như tại Richmond, họ chẳng có dữ liệu nào về chuột, cũng không có kế hoạch gì liên quan đến trừ dịch hại.
Chuột nhiều gấp đôi người
Không ai biết rõ thực chất có bao nhiêu chuột tại London. Dẫu vậy, một số khảo sát cho rằng con số có thể lên tới 20 triệu, trong khi quy mô dân số thành phố chỉ là 9 triệu, lại tăng trưởng rất chậm. Còn chuột, chúng sinh sôi rất nhanh. Chỉ một đôi chuột thôi, nếu bỏ mặc, chúng có thể tạo ra tới... 1250 con chuột sau 1 năm.
Kích cỡ của chuột cũng ngày càng tăng lên. Claydon cho biết chuyện ông bắt được những con dài tới 40cm là khá bình thường. Chúng cần đến bẫy khỏe hơn và độc mạnh hơn để xử lý.
Theo Bungay, cách kiểm soát dịch hại tốt nhất là ngăn chặn từ đầu. Nghĩa là cần phải đóng kín thực phẩm thừa bị vứt bỏ, đóng kín thực phẩm còn trong nhà, và kiểm tra các đường thông khí, sao cho tất cả phải được bọc thép. Mọi kẽ hở phải được trám lại bằng thép hoặc xi măng. Ngoài ra, bà cho biết những người làm vườn cũng phải thật cẩn thận, vì phân bón có thu hút chuột.
Bên cạnh đó, có vẻ như người London cũng dần quen với chuột, dựa trên việc lũ chuột đang trở nên gan dạ hơn.
"Tôi đã thấy một con bò ngay bên cạnh lúc đang đi bộ," - Jen Johnson, cư dân sống tại khu vực Tower Hamlets cho biết. "Rồi thêm một con nữa chạy trong chung cư nữa. Sợ kinh khủng. Tôi sống ở London 4 năm rồi mà đây là lần đầu tiên thấy chuyện như vậy. Chúng xuất hiện ở những nơi đáng ra rất tươi đẹp. Giờ thì toàn chuột, lại còn là chuột khổng lồ."
Nguồn: CNN