Trong cuộc họp trực tuyến với Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19, ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT khẳng định nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát và học sinh có thể đi học trở lại trước ngày 15/6 thì học sinh lớp 12 vẫn có thể dự thi THPT quốc gia như lịch trình dự kiến với tinh thần tổ chức giảm nhẹ nhất có thể.
Tuy nhiên trong trường hợp xấu nhất học sinh không thể đi học trước ngày 15/6/2020, Bộ GD-ĐT sẽ trình Quốc hội cân nhắc phương án thi phù hợp hơn. Dự kiến hôm nay (14/4), Bộ GD-ĐT sẽ trình Chính phủ phương án thi THPT Quốc gia, trong đó có cả tình huống không tổ chức kỳ thi này.
Chia sẻ với báo Thanh niên, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho biết Bộ cũng đã tính toán về việc không tổ chức kỳ thi THPT quốc gia mà giao cho các địa phương xét tốt nghiệp. Bộ sẽ xin ý kiến Chính phủ và trình Ủy ban thường vụ Quốc hội cho phép việc này để phù hợp với luật Giáo dục.
Dự kiến ngày 14/4, Bộ GD-ĐT sẽ trình Chính phủ phương án thi THPT Quốc gia, trong đó có cả tình huống không tổ chức kỳ thi này.
Thứ trưởng cũng cho biết thêm nếu vẫn tiếp tục thi thì phương thức cơ bản vẫn giữ nguyên năm cũ, nhưng sẽ xem xét giảm một số môn thi phù hợp. Đề thi sẽ được giảm nhẹ hết mức có thể, không ra vào các phần kiến thức đã được tinh giản nhưng vẫn phải đảm bảo phân loại được mức độ học lực của học sinh.
Trong thời gian nghỉ học tránh dịch, Bộ GD-ĐT đã yêu cầu các nhà trường và địa phương tích cực thực hiện theo quan điểm "tạm dừng đến trường, không dừng việc học". Bộ đã có hướng dẫn chi tiết các nhà trường về việc tổ chức dạy học qua Internet và trên truyền hình để thực hiện chương trình giáo dục và đánh giá thường xuyên kết quả học tập của học sinh.
Bộ cũng đã tinh giản nội dung học, công bố khung kế hoạch năm học. Theo đó học sinh sẽ kết thúc năm học trước ngày 15/7 và dự kiến tổ chức thi THPT quốc gia từ ngày 8-11/9/2020. Học sinh các cấp sẽ được học bù kiến thức được rút ngắn trong 1-2 tuần năm học 2020-2021.
Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.