Ngày 9-12/4/2020, các nước thuộc nhóm OPEC đã nhóm họp phiên khẩn cấp để bàn về các biện pháp ổn định thị trường trong tình hình giá dầu lao dốc không gì ngăn cản được. Trái với dự đoán của các nhà quan sát chính trị, hội nghị đã đạt được thỏa thuận nhanh chóng về cắt giảm sản lượng chung và phân chia tỷ lệ cho từng nước trong và ngoài OPEC. Đây là đợt giảm sản lượng dầu lớn nhất trong lịch sử từ trước tới nay.
Theo thỏa thuận, các nước OPEC sẽ cắt giảm sản lượng 9,7 triệu thùng/ngày, trong đó Ả Rập Saudi và Nga cắt giảm nhiều nhất, mỗi nước 2,5 triệu thùng/ngày và các nước xuất khẩu dầu mỏ khác cũng cắt giảm chừng ấy nữa, đưa tổng sản lượng cắt giảm trên toàn thế giới lên tới khoảng 19 triệu thùng/ngày trong hai năm, bắt đầu từ 1/5/2020.
Việc OPEC quyết định giảm sản lượng là một bước tích cực góp phần làm dịu đi sự căng thẳng của thị trường dầu mỏ đang đứng trước nguy cơ sụp đổ, nhưng chưa thể làm cho giá dầu tăng trở lại nhanh chóng và ổn định trong thời gian tới.
Thứ nhất, mặc dù sản lượng được cắt giảm lớn như vậy, nhưng vẫn chưa tương ứng với nhu cầu giảm mạnh do sự lây lan của dịch COVID-19. Năm 2019 nhu cầu dầu của toàn thế giới ở mức 100 triệu thùng/ngày.
Hiện nay, theo đánh giá của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), do hơn một nửa số quốc gia trên thế giới đóng cửa, nhiều ngành sản xuất ngừng hoạt động, hơn 3 tỷ người bị phong toả, nhu cầu dầu mỏ hiện nay đã giảm 20%, tức khoảng 20 triệu thùng/ngày.
Như vậy, việc cắt giảm khoảng 19 - 20 triệu thùng/ngày chỉ là giải pháp tạm thời, để OPEC và các nước sản xuất dầu khác trên thế giới khắc phục tình trạng trước mắt hiện nay.
Thứ hai, nhiều nhà phân tích thị trường dầu mỏ cảnh báo rằng, nhu cầu dầu của thế giới có thể sẽ còn giảm tới 30-40%, tức khoảng 30-40 triệu thùng/ngày.
Trong tình hình như vậy, việc cắt giảm 19-20 triệu thùng/ngày hoàn toàn không đủ để khôi phục lại sự cân bằng của thị trường và làm cho giá dầu tăng trở lại. Đây là còn chưa tính đến các kho chứa dầu dự trữ của các nước vẫn đầy ắp, không tiêu thụ được. Theo IEA, tổng dự trữ dầu của toàn thế giới hiện nay lên tới 5-6 tỷ thùng.
Thứ ba, trong tình hình hiện nay, một mình các nước OPEC không thể duy trì được sự ổn định của giá dầu.
Điều hết sức quan trọng là phải kết hợp những nỗ lực không chỉ của các quốc gia tham gia thỏa thuận OPEC trong giai đoạn 2017-2020, mà còn các nhà sản xuất lớn khác, đặc biệt là Mỹ, Canada, Na Uy, Mexico, Brazil, Argentina, Columbia và các nước trong nhóm G-20. Nhưng, đây là tất cả những gì các nước trong nhóm OPEC có thể làm được trong tình hình hiện nay.
Thứ tư, thỏa thuận cắt giảm sàn lượng của OPEC và các nước sản xuất dầu mỏ khác mới chỉ là trên giấy, việc phân chia tỷ lệ cắt giảm cho từng nước và việc thực hiện thỏa thuận không dễ dàng.
Mexico với sản lượng 2,2 triệu thùng/ngày tuyên bố không tham gia thỏa thuận cắt giảm sản lượng của nhóm OPEC . Các nước khác, đặc biệt là các nước thu nhập GDP phụ thuộc hoàn toàn vào xuất khẩu dầu mỏ sẽ tranh thủ thời cơ để tăng sản lượng.
Các nước trong nhóm G-20 cũng chỉ tuyên bố sẽ cắt giảm sản lượng, nhưng vẫn còn trong quá trình đàm phán. Hơn nữa, việc cắt giảm này hầu như trên tinh thần tự nguyện và không có một cơ chế nào có thể giám sát được chặt chẽ việc thực hiện.
Kinh tế thế giới đang lâm vào tình trạng khủng hoảng chưa từng có, nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ vẫn đang trên đà giảm mạnh. Các chuyên gia thị trường dầu mỏ cảnh báo khả năng tổng cầu còn tiếp tục suy giảm hơn nữa khi đại dịch Covid-19 vẫn còn đang lan rộng và chưa thấy có khả năng kết thúc sớm, triển vọng phục hồi kinh tế toàn cầu còn hết sức mù mịt.
Những biến động liên tục trên thị trường dầu mỏ, cuộc chiến giữa các nhà sản xuất lớn để giành thị phần và nhu cầu dầu giảm liên tục do đại dịch Covid-19 gây ra không phải là vấn đề có thể giải quyết được trong một sớm một chiều. Nhiệm vụ cấp bách hiện nay là tất cả các nước trên thế giới cần chung sức hợp tác để chấm dứt sự lây lan của đại dịch này. Một khi đại dịch Covid-19 còn chưa kết thúc thì chưa thể tiên đoán được kinh tế thế giới sẽ đi đến đâu.
* Tiêu đề bài viết do tòa soạn đặt lại.