Trong bài báo độc quyền đăng ngày 2/11, tờ EurAsian Times cho hay, gần 300 phi công quân sự Thổ Nhĩ Kỳ đã bị "thanh trừng" do nghi có liên quan tới cuộc đảo chính bất thành vào năm 2016. Một số buộc phải nghỉ hưu, một số bị bỏ tù và số khác buộc phải xin tị nạn ở những nước khác.
Cuộc thanh trừng đã giáng một đòn mạnh vào Không quân Thổ Nhĩ Kỳ và làm suy yếu nghiêm trọng năng lực quân sự của Ankara.
Tổng thống Erdogan được cho là đã ra lệnh bù đắp tình trạng thiếu hụt này bằng cách buộc một số phi công đã nghỉ hưu quay trở lại hoặc buộc họ phải chấm dứt hợp đồng với các hãng hàng không tư nhân. Bên cạnh đó, việc đào tạo một thế hệ phi công mới cho Thổ Nhĩ Kỳ cũng được xúc tiến.
Quyết định loại bỏ hàng trăm phi công vào mùa hè năm 2016 đã gây ra một cuộc khủng hoảng lớn cho lực lượng không quân Thổ, khiến nhiều máy bay chiến đấu phải "đắp chiếu" vì không có phi công điều khiển.
Gần 300 phi công quân sự Thổ Nhĩ Kỳ đã bị "thanh trừng" do nghi có liên quan tới cuộc đảo chính bất thành vào năm 2016?
Tuy nhiên, theo thông tin mà EurAsian Times nắm được thì Không quân Thổ đã phải đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng này ngay cả trước khi có âm mưu đảo chính vào năm 2016.
Trong năm 2012, chính quyền Tổng thống Erdogan đưa ra một dự luật mà ở khía cạnh nào đó đã "tạo điều kiện" cho các phi công rời đi, thu hút những người muốn có công việc được trả lương cao tại ngành công nghiệp hàng không tư nhân.
Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ sau đó đã phải tìm cách thuyết phục ông Erdogan hủy bỏ dự luật này để làm chậm tình trạng "chảy máu" lực lượng. Cuối cùng, chính quyền Ankara đồng ý sửa đổi dự luật vào năm 2014.
"Nhưng thiệt hại đã xảy ra trong thời gian chờ đợi, với 251 phi công yêu cầu được về hưu hoặc từ chức theo điều luật năm 2012, điều này đã rút ngắn thời gian phục vụ bắt buộc xuống còn 13 năm" – Bản tin của Nordic Monitor [website tin tức do Mạng giám sát và nghiên cứu Nordic tại Stockholm vận hành] cho hay.
Trang tin này đã có trong tay báo cáo nội bộ của Không quân Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 19/1/2016. Theo đó, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ cần 554 phi công mới, và trong số này phải có 190 phi công chiến đấu, để quay trở lại cấp độ hoạt động "thông thường".
"Việc nhiều phi công rời đi đã đẩy tỷ lệ phi công/máy bay xuống còn 0,65, ở mức thấp nguy hiểm vào năm 2014" - Nordic Monitor cho hay – "Tính tới tháng 1/2017, Thổ Nhĩ Kỳ rơi vào tình trạng thiếu 1.154 phi công quân sự và sự thiếu hụt lớn như vậy khó có thể bù đắp được. Tỷ lệ phi công/máy bay giảm xuống còn 0,37".
Những nỗ lực của chính phủ nhằm gọi tái ngũ một số phi công đã nghỉ hưu hoặc đang làm việc trong ngành công nghiệp tư nhân đã không thành công do không đáp ứng đủ nhu cầu về tài chính. Bên cạnh đó, những người này cũng e ngại bầu không khí đáng sợ trong quân đội trước các cuộc thanh trừng có thể xảy ra.
Tiết lộ đáng kinh ngạc
Theo EurAsian Times, nhận thấy rằng cuộc khủng hoảng có thể khiến an ninh quốc gia bị đe dọa nghiêm trọng, Ankara đã tìm tới đồng minh Pakistan để nhờ huấn luyện các phi công mới theo chương trình cấp tốc, đồng thời đề nghị chính phủ Pakistan cử phi công huấn luyện sang lái các máy bay chiến đấu F-16.
Ankara cũng tìm tới Mỹ để mong Washington chấp nhận cho các công dân không mang quốc tịch Thổ Nhĩ Kỳ được phép điều khiển F-16 nhưng nhanh chóng bị từ chối, dù trước đó Mỹ từng cho phép Thổ sử dụng các phi công người Saudi và Qatar.
EurAsian Times cho rằng điều đó có thể xuất phát từ sự giận dữ đối với ông Erdogan. Quyết định của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã khiến NATO rơi vào rắc rối.
Ankara đã phải nhờ cậy tới Pakistan để cứu vớt cuộc khủng hoảng nghiêm trọng trong Không quân?
Những động thái hung hăng được nối lại tại Đông Địa Trung Hải, cùng với sự can dự ngày càng gia tăng của Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria, Libya và nay là Nagorno-Karabakh đòi hỏi Ankara phải có sự chuẩn bị đầy đủ về năng lực quân sự.
Truyền thông Hy Lạp đưa tin Ankara đã triển khai các phi công chiến đấu Pakistan trên máy bay chiến đấu F-16 ngay từ khi bắt đầu tổ chức các cuộc tập trận chung với Pakistan tại Địa Trung Hải.
Tiết lộ đáng kinh ngạc này đã gây xôn xao trên các phương tiện truyền thông Hy Lạp kể từ năm 2017 và được các tờ báo hàng đầu của nước này đăng tải.
"Với sự hỗ trợ của Pakistan, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đang tìm cách lấp đầy những khoảng trống lớn do nỗ lực đảo chính thất bại vào năm 2016 để lại.
Theo một số nguồn tin từ các tờ báo ủng hộ chính phủ tại Thổ Nhĩ Kỳ, Ankara đã yêu cầu Pakistan giúp đỡ để giải quyết những lỗ hổng phát sinh trong Không quân Thổ, chủ yếu là ở nhóm phi công F-16" – Giáo sư Nikos Stelgias viết trên Kathimerini [tờ báo hàng đầu của Hy Lạp] năm 2017.
Cho rằng Pakistan đang hỗ trợ quân sự mạnh mẽ cho Thổ Nhĩ Kỳ, nhà báo Paris Karvounopoulos có tiếng của Hy Lạp tuyên bố ông Erdogan đã "mượn" các phi công từ Pakistan sau cuộc thanh trừng hàng loạt trong Không quân Thổ năm 2016.
Đáng lưu ý, ông Karvounopoulos đã có hơn 20 năm làm việc với tư cách là phóng viên của Bộ Ngoại giao Hy Lạp, và 25 năm công tác tại một đài truyền hình nhà nước của Athens.
Hiện tờ EurAsian Times chưa thể xác minh được những tuyên bố được đưa ra từ phía Hy Lạp.
Trao đổi với EurAsian Times, nhà báo Paul Antonopoulos đến từ tờ Greek City Times [người đưa ra tuyên bố tương tự trong một bài viết khác] cho biết mối nghi ngờ của họ bắt đầu gia tăng sau cuộc tập trận chung tháng 11/2019 giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Pakistan.
Giới phân tích quân sự Hy Lạp cho rằng cuộc tập trận này đã đánh dấu cho sự khởi đầu một liên minh mới ngày càng sâu sắc giữa Pakistan và Thổ Nhĩ Kỳ.
"Các nhà phân tích quân sự và các tập đoàn truyền thông hàng đầu Hy Lạp ghi nhận thấy rằng, người Pakistan đang lái các máy bay chiến đấu của Thổ Nhĩ Kỳ, và thậm chí còn xâm phạm không phận Hy Lạp nhiều lần" – Ông Paul cho hay.
Tổng thống Erdogan hứng chỉ trích dữ dội
Quyết định loại bỏ hàng trăm phi công chiến đấu của ông Erdogan vào năm 2016 đã bị nhiều nước lớn và giới phân tích quân sự chỉ trích dữ dội, bởi họ cho rằng phải mất hàng triệu USD và hàng năm trời mới có thể đào tạo được các phi công sẵn sàng chiến đấu.
"Huấn luyện phi công chiến đấu không hề rẻ. Không quân Mỹ ước tính chi phí đào tạo một phi công mới lái F-35 là 11 triệu USD, và những năm kinh nghiệm của một phi công kỳ cựu là vô giá" – nhà phân tích Michael Peck viết trên tạp chí National Interest.
Vị chuyên gia cho biết thêm rằng, việc hàng trăm phi công F-16 bị loại bỏ sau âm mưu đảo chính vào năm 2016 cũng là một phần lý do khiến chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ phải chú trọng tăng cường các hệ thống phòng không, bởi cuộc thanh trừng đã dẫn tới thiệt hại nghiêm trọng đối với năng lực quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ và dẫn tới vấn đề nghiêm trọng về an ninh quốc gia.
Nhiều nhà phân tích khác cũng có cùng quan điểm này.
"Vì vậy, một quốc gia tống các phi công chiến đấu của mình vào tù không chỉ là việc lãng phí tiền bạc, mà còn lãng phí nguồn tài nguyên vô cùng quý giá. Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã thanh trừng lực lượng không quân của mình theo cách tồi tệ đến mức họ gần như không thể cất cánh các máy bay chiến đấu F-16" – Nhà phân tích Michael Peck kết luận.