Những biến đổi ngầm
Theo nhà phân tích Nikola Mikovic trên tờ Times Now, trong 30 năm qua, Nga là một trong những cường quốc nước ngoài lớn nhất hoạt động ở khu vực nam Caucasus đầy biến động. Tuy nhiên, tình hình hiện tại đang khiến Armenia và Azerbaijan cố gắng tạo khoảng cách với Moscow.
Các thế lực khác trong khu vực và trên toàn cầu – cụ thể là Liên minh châu Âu (EU) và Thổ Nhĩ Kỳ - đang hướng tới việc thay thế Nga làm trọng tài chính trong tranh chấp kéo dài hàng thập kỷ giữa Armenia và Azerbaijan.
Thổ Nhĩ Kỳ trước đây đã ủng hộ Azerbaijan chống lại Armenia – nước mà Nga coi như một đồng mình trên danh nghĩa. Giờ đây, trong lúc Điện Kremlin có mối bận tâm khác, Thổ Nhĩ Kỳ được cho là đang tìm cách bình thường hóa quan hệ với Armenia, bất chấp lịch sử cay đắng giữa hai nước. Trong lúc này, EU cũng đang cố gắng gia tăng ảnh hưởng của họ ở Nam Caucasus.
Ngày 6/4, Charles Michel, chủ tịch Hội đồng Châu Âu, đã đề xướng cuộc họp giữa Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev và Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan. Hai nhà lãnh đạo đã gặp nhau tại Brussels và thảo luận về việc thực hiện thỏa thuận ngừng bắn được ký kết tại Moscow năm 2020.
Thỏa thuận này đã chấm dứt một cách hiệu quả cuộc chiến kéo dài 44 ngày giữa Armenia và Azerbaijan ở khu vực Nagorno-Karabakh, mặc dù các cuộc đụng độ lẻ tẻ vẫn tiếp diễn cho đến ngày nay.
Sau cuộc họp, Armenia và Azerbaijan đã nhất trí thành lập một ủy ban biên giới chung nhằm phân định biên giới giữa hai nước và đảm bảo tình hình an ninh dọc theo biên giới này, cũng như tại các vùng lân cận biên giới.
Nói cách khác, ông Pashinyan trên thực tế đã chấp nhận kế hoạch 5 điểm của Baku để bình thường hóa quan hệ với nước láng giềng giàu năng lượng. Tài liệu của Azerbaijan kêu gọi mỗi bên công nhận sự toàn vẹn lãnh thổ của bên kia, tránh các mối đe dọa, phân định biên giới và mở các liên kết giao thông.
Tuy nhiên, vẫn còn những nghi ngại về việc liệu hai nước này có sớm đạt được một thỏa thuận hòa bình lâu dài hay không. Các Đảng đối lập ở Armenia phản đối mạnh mẽ bất cứ thỏa thuận nào xác định Artsakh (tên tiếng Armenia của Nagorno-Karabakh) là một phần của Azerbaijan. Quan trọng hơn cả, mặc dù vị thế của Nga trên trường quốc tế gần như không còn mạnh như trước nhưng Điện Kremlin vẫn có sức ảnh hưởng đáng kể đối với Yerevan.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov (phải) trong lần tiếp Ngoại trưởng Ararat Mirzoyan của Armenia tại Moscow ngày 8/4 - Ảnh: REUTERS
Theo kết quả của thỏa thuận ngừng bắn năm 2020 do Moscow làm trung gian, khoảng 2.000 quân Nga đã được triển khai tới Nagorno-Karabakh để bảo vệ người Armenia thiểu số vẫn đang sinh sống trong khu vực này.
Do đó, không có gì ngạc nhiên khi Bộ trưởng Ngoại giao Armenia Ararat Mirzoyan đã tới Moscow vào ngày 8/4 để gặp người đồng cấp Nga Sergey Lavrov. Điện Kremlin được cho là sẽ nỗ lực duy trì vai trò trung gian hòa giải ở Nam Caucasus.
Trong khi đó, Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev đã nhanh chóng gọi điện cho đồng minh của mình – Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Sau chiến tranh Karabakh lần thứ hai, Thổ Nhĩ Kỳ đã cố gắng tăng cường sự hiện diện của mình ở Nam Caucasus.
Đồng thời, Moscow và Ankara đã thành lập một trung tâm quan sát chung Nga-Thổ Nhĩ Kỳ để giám sát lệnh ngừng bắn giữa Armenia và Azerbaijan.
Tuy nhiên, trước một thực tế địa chính trị mới, giới chuyên gia dự đoán Nga sẽ gặp khó khăn trong việc bảo tồn nguyên trạng của khu vực. Mặc dù Armenia là đồng minh của Điện Kremlin trong cả Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể và Liên minh Á-Âu nhưng nước này cũng đang tích cực tiến hành bình thường hóa quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ, bất chấp việc hơn 2/3 dân số Armenia phản đối mạnh mẽ việc thiết lập quan hệ ngoại giao với Ankara.
Thất bại địa-chính trị của Nga?
Nhà phân tích chính trị Armenia Areg Kochinyan cảnh báo rằng "nhà nước Armenia sẽ bị đe dọa trong trung hạn nếu nước này không bình thường hóa quan hệ với Ankara và Baku".
Thực tế thì trong hoàn cảnh hiện tại, Armenia không thể trông chờ vào sự hỗ trợ nghiêm túc của Nga. Đây là lý do tại sao quốc gia này dự kiến sẽ "nhượng bộ đau đớn" trước Azerbaijan – phía chiến thắng rõ ràng trong cuộc chiến tranh kéo dài 44 ngày.
Một đơn vị pháo binh Armenia tham chiến tại Nagorno-Karabakh hồi cuối tháng 9. Ảnh: Bộ Quốc phòng Armenia.
Về phần mình, Baku hiện đang lợi dụng sự sao nhãng của Nga để thu lợi nhuận ở Nagorno-Karabakh. Vào ngày 25/3, sau cuộc đụng độ giữa lực lượng Azerbaijan và Armenia ở khu vực miền núi, Azerbaijan đã thiết lập quyền kiểm soát đối với làng Farrukh – vốn nằm dưới sự bảo vệ của lực lượng gìn giữ hòa bình Nga kể từ tháng 11/2020.
Tại Brussels, ông Pashinyan và ông Aliyev đã thảo luận về các hành động của Azerbaijan, mặc dù các cuộc đàm phán "không dẫn đến đánh giá chung về tình hình."
Theo quan điểm của Yerevan, trạng thái cuối cùng của Nagorno-Karabakh nên là chủ đề của các cuộc đàm phán, trong khi đối với Baku, vấn đề đó đã được giải quyết vào năm 2020 khi Azerbaijan khôi phục chủ quyền đối với một bộ phận đáng kể ở vùng này, cũng như các khu vực xung quanh.
Ông Mikovic nhận định, xét tới việc Azerbaijan đang được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn vững chắc, trong khi đồng minh của Yerevan là Nga còn đang có quá nhiều vướng bận, thì một thỏa thuận hòa bình trong tương lai giữa hai nước khó có thể bao gồm số phận của Nagorno-Karabakh.
Tuy nhiên, có một điều chắc chắn là: Nếu hiệp định hòa bình giữa Armenia và Azerbaijan được ký kết tại Brussels, thay vì ở Moscow, đó sẽ là một thất bại địa chính trị khác của Nga.