Quân Thổ rút khỏi cứ điểm Morek
Hôm 19/10, trang Asharq al-Awsat đưa tin Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ (TAF) đã bắt đầu rút quân khỏi "điểm giám sát ngừng bắn" hay nói đúng hơn là cứ điểm quân sự "thứ 9" (được triển khai theo sau thỏa thuận Sochi năm 2018) gần thị trấn Morek, phía bắc tỉnh Hama, Syria.
Dưới sự giám sát của các lực lượng chính phủ Syria, một đoàn xe cơ giới đã tiến vào cứ điểm này và di chuyển binh lính đồn trú tới một địa điểm khác. Cứ điểm của TAF ở Morek là căn cứ lớn nhất của Thổ Nhĩ Kỳ trong khu vực và đã được triển khai trong gần 2 năm và 4 tháng.
Vào cuối tháng 8/2019, dưới hỏa lực dữ dội của Không quân Vũ trụ Nga (VKS), các nhóm phiến quân và khủng bố đã tuyên bố rút lui khỏi Kafr Zita, Lataminah, Morek và một số làng mạc xung quanh, đánh dấu sự sụp đổ của thành lũy lớn nhất của phiến quân ở Hama.
Quân đội Arab Syria (SAA) cùng các lực lượng đồng minh đã giải phóng một loạt vị trí quan trọng ở khu vực này, đặt cứ điểm của TAF ở phía đông nam thị trấn Morek vào trong vòng vây.
Đà tiến quân của Quân đội Arab Syria (SAA) tháng 8/2019 đặt cứ điểm ở đông nam Morek của TAF (vòng tròn vàng) trong vòng vây.
Phóng viên hãng Sputnik của Nga tại Hama xác nhận rằng phía Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt đầu tháo dỡ các trang thiết bị khỏi cứ điểm đang bị "bao vây" này.
Tổ chức SOHR có trụ sở tại Anh đưa tin rằng phía Thổ Nhĩ Kỳ đã không chịu trả tiền thuê đất cho chủ sở hữu của khu đất nơi cứ điểm được thiết lập.
Các nguồn tin của SOHR cho biết chủ sở hữu đã yêu cầu nhóm phiến quân Faylaq al-Sham do Thổ Nhĩ Kỳ trả tiền thuê đất vì trước đó nhóm này đã làm trung gian giữa người này và TAF để thiết lập cứ điểm ở đó.
Tuy nhiên, cả TAF lẫn Faylaq al-Sham vẫn chưa trả tiền thuê do khu đất này trong những năm qua.
Cảnh quay Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ (TAF) tiến hành tháo dỡ cứ điểm tại Morek, Hama (Nguồn: Ruptly).
"Tín hiệu xấu" cho SAA?
Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar đã khẳng định rằng quân đội nước này sẽ không rút khỏi các "điểm giám sát ngừng bắn" trong các khu vực "giảm căng thẳng" ở Idlib, đồng thời cho rằng vấn đề này là không thể thương lượng.
Các nguồn tin an ninh xác nhận với Sputnik rằng TAF đã quyết định rút lực lượng tại cứ điểm này về phía Jabal al-Zawiya, ở vùng nông thôn phía đông nam Idlib, nó cho thấy nhiều khả năng quyết định này đã được phía Thổ Nhĩ Kỳ thống nhất với phía Nga.
Các nguồn tin cho biết thêm, rằng TAF dự kiến sẽ được rút khỏi cứ điểm này trong vòng 24 giờ (trong ngày 20/10).
Cần phải nhấn mạnh rằng vào kỷ niệm 5 năm Nga can thiệp vào Syria (30/9/2015), Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã trả lời Sputnik rằng "cuộc chiến ở Syria vẫn còn tiếp tục cho tới khi mọi khu vực nằm trên lãnh thổ nước này được giải phóng khỏi các lực lượng khủng bố".
Tổng thống Syria Bashar al-Assad cùng các tướng lĩnh SAA bao gồm cả Tướng Suheil al-Hassan chỉ huy Sư đoàn 25 đặc nhiệm (tên cũ là Lực lượng Tiger) tại mặt trận Idlib tháng 10/2019 (Nguồn: SANA/Reuters).
Cùng thời điểm, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu tuyên bố rằng:
"Nhiệm vụ mà Tổng thống Nga Vladimir Putin đặt ra cách đây 5 năm đã hoàn thành. Tổ chức khủng bố quốc tế Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) không còn tồn tại ở Syria và không có kẻ khủng bố nào xâm nhập vào Nga".
Có thể hiểu rằng đối với Moscow, các mục tiêu mà họ đặt ra ở thời điểm 5 năm trước đã hoàn thành.
Còn đối với chính phủ Damascus, tuyên bố của ông Assad nhằm sử dụng giải pháp quân sự để giải phóng toàn bộ lãnh thổ cần phải cân nhắc tới việc thực hiện bằng chính sức mình chứ không thể trông chờ vào người Nga như những năm trước đây.
Sau khi hỗ trợ chính phủ Syria giải phóng phân nửa Idlib (màu xanh) có lẽ nỗ lực của Nga chỉ là biến khu vực xung quanh cao tốc M4 (màu tím) trở thành khu phi quân sự.
Chiến dịch "Bình minh Idlib" sẽ "đóng băng" vô thời hạn?
Vào thời điểm cuộc xung đột Nagorno-Karabakh đang là tin quân sự chính trên các mặt báo, việc TAF rút khỏi cứ điểm Morek để củng cố tuyến phòng thủ tại Jabal al-Zawiya có thể sẽ là trở ngại chính cho kế hoạch của SAA nhằm giải phóng khu vực phía nam cao tốc M4 ở Idlib.
Ngày 10/3/2020, Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu đưa ra tuyên bố rằng Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ (TAF) sẽ kiểm soát khu vực phía bắc cao tốc M4 còn quân cảnh Nga sẽ kiểm soát khu vực phía nam bao gồm Jabal al-Zawiya.
Ông Cavusoglu bình luận rằng phía Nga sẽ phải đảm bảo các lực lượng chính phủ Syria không cố gắng đi vào tiến vào hành lang phi quân sự rộng 12 km dọc theo M4 và phiến quân được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn sẽ giữ nguyên vị trí.
Tuy nhiên tính tới thời điểm hiện tại, các cứ điểm của TAF trong khu vực phía nam cao tốc M4 đang được tăng cường, và cùng với việc họ rút quân khỏi Morek với sự đồng ý của người Nga, chắc chắn hướng tấn công này sẽ bị "đóng băng" trong một thời gian dài.
Mặc dù rút khỏi Morek (góc dưới bản đồ), việc các cứ điểm của TAF ở phía nam cao tốc M4 đang được tăng cường khiến các nỗ lực giải phóng Jabal al-Zawiyah của SAA đồng nghĩa với việc đối đầu trực tiếp với người Thổ.
Cùng với thế bế tắc ở mặt trận Zuwayqat - Kabanah phía bắc tỉnh Latakia và việc SAA củng cố tuyến phòng thủ phía tây thị trấn trọng điểm Saraqeb thuộc tỉnh Idlib trong thời gian gần đây, rõ ràng là tất cả các cánh cửa để đi vào "vùng lõi" của Idlib do phiến quân kiểm soát đã đóng lại.
Điều này đồng nghĩa với việc giai đoạn tiếp theo của chiến dịch "Bình minh Idlib" sẽ bị "đóng băng" vô thời hạn, mặc dù một lực lượng lớn bao gồm khí tài và binh lính đã được tập trung.
Có lẽ lúc này Damascus đang tập trung vào các nỗ lực củng cố vị thế ở khu vực miền đông, trong bối cảnh khá phức tạp liên quan tới bầu cử tổng thống Mỹ, kế hoạch rút quân khỏi Syria của ông Trump và nguy cơ Thổ Nhĩ Kỳ tấn công lực lượng người Kurd.
Cảnh quay pháo tự hành và xe tăng Leopard 2 của Thổ Nhĩ Kỳ được triển khai tại khu vực Jabal al-Zawiyah hôm 18/10 (Nguồn: Twitter).