Thịt lụi nướng xuất phát từ ẩm thực miền Trung, phổ biến nhất là ở tỉnh Quảng Ngãi.
Thịt nướng là món không thể thiếu trong mâm cỗ đãi khách.
Thịt lụi là món ăn thần sầu được các bà các mẹ trổ tài nấu nướng thết đãi khách trong các dịp lễ lộc hay ngày đặc biệt dù là vui hay buồn như sinh nhật, đám giỗ... Đây là món ăn đặc biệt trong ẩm thực xứ Quảng cũng giống như chả giò trong ẩm thực Sài Gòn vậy.
Nếu thịt nướng ở miền Nam phải ăn kèm với bún, rau, nước mắm thì thịt lụi không cần món ăn "phụ kiện" đi kèm quá nhiều mà chỉ cần bánh tráng nướng. Vừa đơn giản, vừa đủ chất đạm và đường bột thì bộ đôi này chỉ có "lụi tim" bạn thôi!
Món thịt lụi nhìn vậy mà làm không khó!
Tảng thịt nạc dăm (vừa có nạc vừa có mỡ) đem về rửa để ráo và xắt thành từng thớ thịt dày tầm 1 cm. Sau đó bỏ vào tô ướp cùng với nước mắm, chút muối, bột ngọt và củ hành tím bào và thêm đường nữa để thịt nướng lên có màu nâu đẹp mắt.
Dùng một que bằng tre hoặc gỗ rồi lụi (xiên) các thớ thịt lại với nhau, không lỏng lẻo cũng không quá chặt tay. Xiên lụi được bó trong lá chuối quấn chặt hai đầu như một viên kẹo cốm khổng lồ.
Mục đích của việc bó lá chuối là để lửa có lỡ cháy cũng không làm sém thịt, tránh việc thịt vừa khét vừa khô.
Sẵn mớ than hồng chưa tàn trên bếp, dăm ba bánh tráng lề (loại bánh tráng dày hơn bánh tráng trong Sài Gòn) được đặt lên nướng qua nướng lại đến khi bánh vàng ruộm, nổi những u u lên thơm phức là ăn được rồi. Người miền Trung rất thích ăn bánh tráng nướng, từ món cháo, gỏi, hột vịt lộn... đều phải bẻ miếng bánh tráng nướng giòn rụm ra ăn cùng.
Bánh tráng nướng ngon là phải có vết vàng xém và những cục u.
Nếu có dịp tới thăm miền đất xứ Quảng, bạn hãy nhớ thưởng thức món thịt lụi ăn kèm bánh tráng này nhé! Còn nếu chưa có dịp tới tận nơi để thưởng thức hay đã từng thử rồi và trót đem lòng thương nhớ, sao bạn không thử tự mình trổ tài làm món thịt lụi này ngay hôm nay?