Thiếu gia phở 10 Lý Quốc Sư: Chuyển hướng từ review công nghệ sang review xe chỉ bằng một dòng chat, muốn xây dựng một văn hóa chơi xe mang tên ‘Đường 2 Chiều’

Khánh Huyền | 11-06-2022 - 08:12 AM

(Tổ Quốc) - "Có gì khó thì về nhà bán phở với bố mẹ, lo gì” - Phạm Ngọc Tân "khởi nghiệp" làm YouTuber với lời dặn dò từ gia đình. Tuy nhiên, chàng trai này đã tự mình gây dựng thương hiệu "Tân Một Cú" với hàng loạt kênh YouTuber chất lượng về công nghệ và ô tô. "Thiếu gia" phở 10 Lý Quốc Sư sẽ chọn con đường nào?

Xuất thân là một thành viên trong đội ngũ Schannel - kênh thông tin công nghệ giải trí hàng đầu dành cho giới trẻ, Phạm Ngọc Tân (Tân Một Cú) với lối nói chuyện, review theo cách dễ hiểu, hài hước vui tính đã trở thành một trong những thành viên được yêu thích nhất trong Schannel.

Anh cũng nổi tiếng khi được biết tới là con trai của chủ thương hiệu Phở 10 Lý Quốc Sư, một thương hiệu sở hữu món phở truyền thống được coi là có hương vị ngon nhất tại Việt Nam.

Anh tốt nghiệp ngành marketing tại RMIT - Đại học có tiếng đắt đỏ tại Việt Nam. Tuy nhiên, thay vì kế nghiệp gia đình, anh lại theo đuổi đam mê làm YouTuber. Hiện nay, anh đang làm chủ của 2 kênh YouTube khá nổi trong giới trẻ là Tân Một Cú và Đường 2 Chiều – một về công nghệ và một về lĩnh vực ô tô.

Giờ đây, sau nhiều năm lăn lộn với nghề review, anh đã quyết định lựa chọn duy trì cả công việc gia đình lẫn công việc cá nhân.

Thiếu gia phở 10 Lý Quốc Sư: Chuyển hướng từ review công nghệ sang review xe chỉ bằng một dòng chat, muốn xây dựng một văn hóa chơi xe mang tên ‘Đường 2 Chiều’ - Ảnh 1.

Là thiếu gia bán phở nhưng rẽ hướng làm YouTuber, trong tương lai anh sẽ chọn kế nghiệp gia đình hay theo đuổi đam mê riêng?

Khi còn trẻ, mình vẫn đi theo lý tưởng là sống hết mình với công việc mà mình yêu, mình giỏi, vậy thì sẽ không cần làm những việc khác nữa. Nhưng bây giờ nhìn lại, đến một thời điểm nào đó mình sẽ chán, hoặc khả năng của mình bị suy giảm, lúc đó mình sẽ phải tính đến những trường hợp khác.

Dự định hiện tại của mình là sẽ duy trì công việc gia đình và vẫn tiếp tục đam mê cá nhân. Vì dù sao tính ra nó cũng là tài sản, mà tài sản sinh ra tiền thì mình phải bảo trì nó.

Hiện tại, mình quay trở về nhà nhiều hơn và học hỏi việc quản lý công việc kinh doanh vào buổi sáng. Tới buổi chiều, mình sẽ tiếp tục làm YouTuber, lại lên mạng xàm xàm với các khán giả của mình.

Thiếu gia phở 10 Lý Quốc Sư: Chuyển hướng từ review công nghệ sang review xe chỉ bằng một dòng chat, muốn xây dựng một văn hóa chơi xe mang tên ‘Đường 2 Chiều’ - Ảnh 2.

Sau này có con, anh muốn con kế nghiệp gia đình bán phở không? Nếu con cũng thích làm YouTuber thì anh sẽ ủng hộ ra sao?

Mình sẽ học tập từ bố mình: không cần nói nhiều về chuyện đấy, cho thích làm gì thì làm, ra ngoài đi tự kiếm ăn bươn chải, xong tự va vấp bên ngoài. Sau đó tự nhận ra là làm ở nhà sướng nhất rồi, kiểu gì con cũng tự ‘mò về’ thôi.

Trừ khi con mình kiếm được công việc khác quá tâm huyết hoặc là hiệu quả vượt xa cả công việc kinh doanh của gia đình thì mình sẵn sàng ủng hộ con theo con đường đó. Còn nếu ra ngoài vất vả quá thì bố đã nói từ đầu rồi: "về kinh doanh quán phở đi".

Thiếu gia phở 10 Lý Quốc Sư: Chuyển hướng từ review công nghệ sang review xe chỉ bằng một dòng chat, muốn xây dựng một văn hóa chơi xe mang tên ‘Đường 2 Chiều’ - Ảnh 3.

Từ một YouTuber được yêu mến trong lĩnh vực công nghệ, vì đâu anh "nhảy cóc" sang lĩnh vực ô tô?

Nguồn gốc của sự bắt đầu chỉ từ đúng 1 dòng chat của sếp Lạc Huy Schannel (Nguyễn Lạc Huy): "Em ơi, làm về xe đi em."

Lúc đó là giữa năm 2019, thị trường xe bắt đầu nổi lên giống như một mảnh đất màu mỡ cho anh em YouTuber nhảy vào làm nội dung. Mình cũng tự nhận thấy có kinh nghiệm làm kênh rồi, có kinh nghiệm hiểu về gu xe của khán giả, đồng thời cũng thích về khoa học công nghệ nên mình nghĩ có thể làm được.

Thế nhưng, đấy là mình nghĩ thế. Về sau nó cũng xuất hiện nhiều khó khăn và vất vả mà mình không lường trước được. Nhiều lúc cũng muốn bỏ cuộc nhưng mình đã vượt qua và đến bây giờ nó cũng ổn hơn, êm xuôi và quen hơn rồi. Kênh đã có 190.000 lượt đăng ký.

Đường 2 Chiều giống như 1 thử thách cho bản thân vậy. Hiện giờ mình đang có 1 đối tượng khán giả rất là trẻ, xe lại hướng tới đối tượng khán giả lớn hơn. Mình muốn làm theo cách riêng để kết hợp cả hai đối tượng này với nhau.

Thiếu gia phở 10 Lý Quốc Sư: Chuyển hướng từ review công nghệ sang review xe chỉ bằng một dòng chat, muốn xây dựng một văn hóa chơi xe mang tên ‘Đường 2 Chiều’ - Ảnh 4.

Điều gì tạo nên sự khác biệt cho Đường 2 Chiều với những kênh review xe cộ khác?

Sự khác biệt đầu tiên chắc chắn tới từ cái tên. Khi đặt tên cho kênh, mình nhất quyết không để chữ xe trong tên. Hiện nay có rất nhiều kênh về xe như Xehay, Autodaily, vlogxe, Xe và đời sống. Nên mình muốn một cái tên thật là khác biệt. Đang ngồi thì mình chợt nhớ ra bài hát Đường 1 Chiều, vậy thì đặt tên là Đường 2 Chiều.

Điểm thứ 2 có lẽ đến từ tư duy của người trẻ như mình. Mình vẫn quen với các anh lớn làm xe, các anh đến từ thế hệ khác nên tư duy làm về review của các anh cũng khác. Mình lại muốn đi theo một hướng tư duy làm xe hoàn toàn mới.

Theo mình, với thế hệ trước, việc dùng xe giống như mua một tài sản rất lớn, còn đến bây giờ các bạn bắt đầu coi xe là một phương tiện. Vì vậy, mình và kênh muốn đi theo cái hướng nó trẻ và năng động hơn.

Thiếu gia phở 10 Lý Quốc Sư: Chuyển hướng từ review công nghệ sang review xe chỉ bằng một dòng chat, muốn xây dựng một văn hóa chơi xe mang tên ‘Đường 2 Chiều’ - Ảnh 5.

Mọi người hiện giờ vẫn phân chia Mercedes và BMW là xe sang. Còn tư duy ở Việt Nam mình thì vẫn phân chia kiểu xe cỏ - xe sang. Vì vậy mà mình muốn làm một cái khác đi, dần dần cho mọi ng thấy là xe nó đắt hơn vì nội thất xịn hơn, công nghệ đi kèm như thế nào, còn lại về bản chất thì 2 con xe cùng phân khúc.

Có thể so 1 chiếc Mazda CX5 với GLC 300 chẳng hạn, đó hoàn toàn là điều bình thường. Nó phụ thuộc vào việc sử dụng, kích thước của xe, các tính năng trên xe để xếp chung phân khúc với nhau chứ không phân biệt xe cỏ - xe sang hay 1 tài sản lớn quá. Đôi khi nhận định của mọi người về xe nó cũng chưa tối ưu so với thế giới vì họ đã coi xe là 1 phương tiện từ rất lâu rồi.

Vậy cái đích của Đường 2 chiều sẽ là gì, thưa anh?

Trước hết thì mình muốn kênh tăng sub nhanh hơn. Bên cạnh đó, mình muốn mở rộng team, có thêm nhiều nhân lực chất lượng hơn.

Còn trong tương lai, mình muốn trở thành một đơn vị media được công nhận ở trong giới xe. Không chỉ được các đàn anh công nhận, bọn mình muốn dành được nhiều sự đồng ý từ khán giả. Ngày xưa thì dù những cái mình nói là đúng nhưng bởi vì tuổi đời của mình quá trẻ, danh tiếng mình chưa có nên chưa nhận được sự tin tưởng của mọi người.

Về đường dài, kênh có thể phát triển thành một văn hóa, một club, một cộng đồng mang tên ‘Đường 2 Chiều’. Văn hóa Đường 2 Chiều - nơi anh em đến chơi, vui vẻ, giao lưu văn minh, nói chuyện về xe và đặc biệt là không ai nói chuyện với nhau bằng tiền cả. Đó có lẽ là điều mà mình mong muốn nhất.

Sau này, khi khán giả muốn tìm hiểu, đánh giá về một chiếc xe, phân vân việc có nên mua hay không, mình mong là mọi người sẽ tìm đến kênh ‘Đường 2 Chiều’ đầu tiên.

Thiếu gia phở 10 Lý Quốc Sư: Chuyển hướng từ review công nghệ sang review xe chỉ bằng một dòng chat, muốn xây dựng một văn hóa chơi xe mang tên ‘Đường 2 Chiều’ - Ảnh 6.

Anh đang làm song song cả review công nghệ và xe. Vậy điểm giống và khác biệt giữa review công nghệ và xe là gì?

Điểm giống: cả 2 đều đòi hỏi tích lũy kinh nghiệm, kiến thức. Bất kì ai chưa tham gia nghề này, mà chủ yếu xem thông tin qua báo chí, kênh YouTube khác thì sẽ không có trải nghiệm thực tế đầy đủ về các dòng sản phẩm. Điện thoại ngày xưa mình nghĩ chắc là Samsung làm ngon hơn Apple hoặc Apple làm tốt hơn Samsung cái kia nhưng thực tế đến khi mình sử dụng thì mình biết là không phải như vậy.

Điểm khác: công sức bỏ ra cho từng loại sản phẩm. Điện thoại và các sản phẩm máy tính thì nó rất là tiện lợi vì nó đi theo mình hàng ngày, 24/7 và số lượng sản phẩm cho mượn rất có sẵn. Mình dùng liên tục như vậy thì mình sẽ hiểu nó nhanh hơn là hiểu xe.

Xe thì mình còn bị giới hạn chỉ được mượn trong ngày hoặc 2-3 ngày thôi. Chạy xe một lúc thì mình không thể đánh giá hết được nên sẽ tốn nhiều thời gian hơn. Kéo theo đó là chi phí cho việc trải nghiệm sẽ cao hơn khi mình phải đổ xăng cho người ta, không như điện thoại laptop chỉ việc sạc pin thôi. Rồi còn cả chỗ gửi xe nữa, gửi trong khu trung tâm cũng phải hơn 100 nghìn/đêm, ví dụ mình mượn nhà sản xuất 7 ngày là đi gần 1 triệu tiền gửi xe, chưa kể tiền xăng nữa, do vậy chi phí sẽ rất là cao.

Bên cạnh đó, điện thoại thì có thể làm trong nhà được còn xe thì bắt buộc phải ra bên ngoài để quay. Nó sẽ phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố về thời tiết, ngoại cảnh. Làm điện thoại thì dễ béo hơn là làm xe, làm xe không thể nào béo nổi vì phải lăn lộn ngoài đường để cho ra những video chất lượng và ấn tượng nhất.

Anh có công thức thành công riêng nào khi là một reviewer không, hay theo anh đó là đam mê, bản năng sẵn có của mình?

Nói thật thì mình cũng không có một công thức nào cả. Nhưng có một cái mình rất thích, đó là ‘Google’. Kể cả làm xe hay làm điện thoại, đến một vấn đề nào đó mình không hiểu thì mình sẽ Google thẳng trực tiếp luôn. Mình nghĩ rằng đó là một trong những kỹ năng cơ bản nhất khi làm một reviewer: "Nghiên cứu và học hỏi không ngừng".

Không chỉ nghiên cứu về cái xe đấy mà phải quan tâm đến vấn đề lõi. Ví dụ như là một hệ thống truyền động awd, 4wd như nào, so sánh 2 chiếc xe này như nào, rồi bên trong động cơ bao gồm những cái gì. Đó là những vấn đề mà mình phải làm thường xuyên, làm liên tục.

Thiếu gia phở 10 Lý Quốc Sư: Chuyển hướng từ review công nghệ sang review xe chỉ bằng một dòng chat, muốn xây dựng một văn hóa chơi xe mang tên ‘Đường 2 Chiều’ - Ảnh 7.

Để nói về thành công thì mình cũng chưa dám nhận, vì trên mình có rất nhiều người ‘khủng’. Mình chỉ may mắn hơn là qua nhiều năm làm review, mình luyện tập được cách nói chuyện, cách dẫn dắt, trình bày một vấn đề gì đấy thì người ta xem sẽ dễ hiểu hơn. Đây có lẽ là một lợi thế của bản thân mình, trông mặt hơi ‘nhố nhăng’ nên người ta xem cũng không bị khó chịu lắm.

Ví dụ mình so sánh trong giới xe có anh Hùng Lâm. Anh ấy là một người mà mình nghĩ còn rất lâu mới có người có thể thay thế được. Bởi vì anh ấy có quá nhiều yếu tố hội tụ tạo nên một reviewer xe gọi là thành công. Anh ấy có khả năng dẫn rất chuyên nghiệp nhờ làm việc tại đài truyền hình, ngoại hình như người mẫu, giọng nói rất hay và cuốn hút. Anh ấy làm về những chiếc siêu xe thì vô cùng hợp lý. Đó là những điểm mà một mình anh ấy có, không ai khác có được. Đấy là những vấn đề liên quan tới reviewer mà mình nghĩ sẽ giúp dẫn tới thành công hay không, chủ yếu đến từ yếu tố con người.

Review chủ yếu đến từ yếu tố con người, có thành công hay không thì phần lớn cũng dựa vào bản chất con người, người ta như thế nào, người ta có kiến thức sâu hay không, có chịu tìm tòi hay không, tính cách có hài hước không, đều là từ con người mà ra. Mình không thể đào tạo qua một tập kịch bản xuông được, mỗi người có một kỹ năng, một cái duyên khác nhau.

Thiếu gia phở 10 Lý Quốc Sư: Chuyển hướng từ review công nghệ sang review xe chỉ bằng một dòng chat, muốn xây dựng một văn hóa chơi xe mang tên ‘Đường 2 Chiều’ - Ảnh 8.

Nói một chút về chiếc xe của anh đi. Chiếc xe đầu tiên anh mua gây ra rất nhiều sự tò mò cho khán giả của anh – một chiếc Triumph Street Twin 900. Anh có thể chia sẻ thêm về nó không?

Đó là chiếc xe phân khối lớn đầu tiên mình tự mua.

Ngày đầu tiên mua xe về thích lắm, lúc đấy cũng đang định làm review nữa, thế là ngay từ lúc cầm xe về chưa có biển gì nhưng mình đã chạy tóe khói ở Hà Nội, chạy không cần biết luật lệ gì luôn.

Xong đen 1 cái là đúng cái hôm trước ngày đi lấy biển thì mình bị công an bắt. Mình bị phạt mấy trăm nghìn, xong vào họ nhìn cái xe ‘à xe xịn nhỉ, bố mẹ mua cho đúng không?’. Mình không dám nói là xe tự mua nên đành nói là mẹ cho tiền mua. Đấy cũng là kỉ niệm khó quên với chiếc xe này.

Mình mua chiếc xe này với mục đích vừa làm hình ảnh của mình với cộng đồng, vừa để chạy làm xe camera. Mua hẳn một con 300 triệu xong về sau chỉ để chạy camera thôi vì có một số những con xe có đặc thù cần những cảnh quay chạy rất là gắt thì mình bắt buộc phải sử dụng nó để người ngồi sau quay dễ dàng.

Thiếu gia phở 10 Lý Quốc Sư: Chuyển hướng từ review công nghệ sang review xe chỉ bằng một dòng chat, muốn xây dựng một văn hóa chơi xe mang tên ‘Đường 2 Chiều’ - Ảnh 9.

Khi nói đến thiếu gia phở Lý Quốc Sư đi xe gì, mọi người hay nhắc đến chiếc Lexus LX570 2008. Anh có nghĩ xe nhiều tỷ mới thể hiện được đẳng cấp của người thành công?

Theo mình, tư duy ấy sinh ra cũng là có lý do. Vì những người mua xe tiền tỉ, mọi người nhìn vào nghĩ ngay rằng người này có tiền, có G63, có Lexus LX570 chắc chắn nhà rất giàu và thành công. Vì vậy, mà các chủ doanh nghiệp tại Việt Nam rất hay mua một chiếc xe xịn chủ yếu để làm hình ảnh.

Thời điểm mà bố mình mua chiếc Lexus một phần là vì thích chơi xe, một phần là câu chuyện hình ảnh khi bố mình đi gặp khách hàng, đối tác, từ đó tạo sự uy tín.

Chuyện mà chủ một doanh nghiệp họ cố gắng có hình ảnh thành công thì đó hoàn toàn là điều bình thường. Không chỉ đơn thuần tại Việt Nam đâu, trên thế giới cũng vậy, mình đi một chiếc Rolls-Royce hay Maybach, Bentley, người ngoài cũng sẽ thắc mắc là họ đang làm gì.

Thiếu gia phở 10 Lý Quốc Sư: Chuyển hướng từ review công nghệ sang review xe chỉ bằng một dòng chat, muốn xây dựng một văn hóa chơi xe mang tên ‘Đường 2 Chiều’ - Ảnh 10.

Trên TikTok có một kênh rất nổi tiếng, họ chỉ đi gặp những chủ siêu xe và hỏi họ đang làm công việc gì. Có người làm bác sĩ, người chơi bitcoin, sugarbaby,... Nó là vấn đề về tài sản và khả năng chi tiêu của người đó như thế nào, chứng tỏ được họ thành công, nhiều tiền. Sau này nếu nhiều tiền thì chắc mình cũng sẽ cố gắng mua một chiếc để phát triển hình ảnh thôi, chứ cũng không đến mức đam mê như anh Cafe Trung Nguyên, Cường Đô la,...

Khoảng 10 năm, 20 năm nữa, mình có tuổi rồi, có thêm nhiều mối quan hệ ‘bạn giàu’, bạn đưa xe cho mình review thì lúc đó mình sẽ có một chuyên mục chuyên đánh giá xe siêu sang. Nhưng đó là chuyện tương lai, mình cũng chưa thể nói trước được.

Khánh Huyền
Hải An
Theo Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM

Đa dạng lựa chọn TV Samsung 98 inch: Màn hình cực đại cho trải nghiệm Tết cực đỉnh

Đón đầu xu hướng TV màn hình siêu lớn, Samsung với vị thế là thương hiệu TV đứng hàng đầu thế giới 18 năm liên tiếp đã nhanh chóng xác lập thị phần áp đảo ở phân khúc sản phẩm trên 90 inch, đặc biệt là 98 inch. Những thiết bị nghe nhìn đẳng cấp này chính là khởi đầu lý tưởng cho trải nghiệm Tết đỉnh năm nay.