Tôi cảm ơn "cậu mợ" vì không cho tôi tiền!
Tìm đến căn biệt thự rộng 700 mét vuông tại số 6 Đinh Liệt (Hà Nội), chúng tôi không khỏi choáng ngợp trước vẻ đẹp cổ kính, tráng lệ và bề thế của căn nhà.
Căn biệt thự rộng 700 mét vuông của ông Phạm Ngọc Giao nằm bề thế giữa phố Cổ, Hà Nội
Dù nằm giữa trung tâm phố Cổ, Hà Nội, nhưng căn biệt thự như được tách biệt hẳn với thế giới tấp nập, vội vã bên ngoài. Khuôn viên nhiều cây xanh, yên tĩnh, thoáng mát đến lạ thường.
Căn biệt thự này là công trình hiếm hoi tại Hà Nội còn giữ được nguyên vẹn những nét cổ kính cho đến ngày nay. Chủ nhân căn nhà là vợ chồng cụ ông Phạm Văn Thanh và cụ bà Phạm Thị Tề, hai người là những thợ kim hoàn hàng đầu ở Hà Nội vào những năm đầu thế kỷ 20.
Căn nhà vẫn giữ được những nét cổ kính từ xa xưa
Khuôn viên rộng lớn, quanh năm xanh mát
Ồng Phạm Ngọc Giao (80 tuổi), là một trong những người con của cụ Thanh hiện đại diện cho con cháu họ Phạm trong dòng tộc sinh sống trong ngôi nhà này.
Sinh ra trong "nhung lụa" nhưng thay vì được cho nhiều tiền tiêu xài hoang phí, ông Giao lại sớm được cha mẹ giáo dục về cách tiêu tiền hợp lý, trau dồi những phép tắc, lễ nghi được cho là chuẩn mực đạo đức của những năm tháng xưa.
Ông Giao chia sẻ về cuộc sống của gia đình bề thế trước đây
Mọi vật dụng trong nhà vẫn nguyên vẹn từ xa xưa
Bức tranh, ảnh về cụ Thanh và các thành viên trong gia đình, dòng họ
"Gia đình tôi xuất thân ở làng Châu Khê (Bình Giang, Hải Dương) lên Hà Nội an cư lập nghiệp với nghề lọc vàng truyền thống. Hồi ấy văn hoá gia đình của bố tôi là một nhà buôn, trước đây chúng tôi vẫn gọi cha mẹ là "cậu mợ". Hồi ấy nhà có 10 người giúp việc, mỗi người đều có riêng một người trông coi, chăm sóc nên chúng tôi được chăm sóc cẩn thận", ông Giao chia sẻ.
Theo ông Giao, căn nhà cổ kính vào trước năm 1944 thuộc về một nữ đại gia phố Hàng Bồ. Sau đó căn nhà được cụ Thanh mua lại với giá khoảng một nghìn cây vàng thời bấy giờ.
Hoa văn được tạo dựng tinh tế
Căn nhà rộng lớn "đi mỏi chân không hết"
Trong tiềm thức của ông Giao, bố ông luôn là một người biết quan tâm, chăm sóc gia đình. Cụ Thanh không bao giờ to tiếng với vợ con hay người giúp việc trong nhà.
"Tôi học được từ bố rất nhiều điều, ông không bao giờ to tiếng với ai cả. Với người giúp việc ông cũng coi như con cháu trong nhà, không để thiệt thòi. Mỗi dịp lễ Tết, ông vẫn mua sắm đầy đủ cho từng người giúp việc, tạo sự gần gũi với họ. Bởi lẽ vì vậy nên tôi định hình suy nghĩ được từ nhỏ chứ không ăn chơi, quậy phá", ông Giao tâm sự.
Ông Giao ấn tượng mãi ngày ông sinh nhật 18 tuổi, cái tuổi ranh giới từ một cậu bé trở thành một chàng thanh niên. Đó cũng là lần đầu tiên ông được cụ Thanh coi như một người "đàn ông" đã trưởng thành.
Căn nhà được kiến trúc sư Phạm Hoàng thiết kế 2 tầng, mang phong cách kiến trúc Pháp pha trộn với kiến trúc đình làng Việt cổ
Hoa văn trên mái nhà được thiết kế tỉ mỉ
Cụ Thanh mời ông đi ăn riêng, mời đi uống cà phê với tư cách hai người đàn ông trưởng thành: "Đi ăn uống xong cụ bảo, giờ "cậu" đưa đi mua quà sinh nhật 18 tuổi chứ không có tiền cho. Cụ mua cho tôi một cái áo mưa, cái xe đạp thiếu niên rồi ra hợp tác xã mùa thu sắm cái mũ cho tôi với ý muốn tôi sẽ tự chọn hướng lập nghiệp", ông Giao nhớ lại.
Từ ngày hôm ấy, ông Giao tự kiếm việc, làm ra được những đồng tiền đầu tiên của mình. Ông Giao vẫn luôn cảm thấy may mắn vì cụ Thanh không cho ông nhiều tiền tiêu xài hoang phí để ông vẫn giữ được những nét giản dị đến ngày hôm nay.
"Tết là dịp sum vầy, chuyện cũ bỏ qua"
Là một gia đình giàu có hồi ấy nên Tết đến là một dịp vô cùng quan trọng đối với gia đình ông Giao. Dù ai có đi đâu, làm gì thì Tết vẫn luôn phải cố gắng để có mặt ở nhà, sum vầy dịp Tết bên người thân, gia đình.
Ông Giao cảm thấy may mắn vì không được cụ Thanh cho nhiều tiền tiêu xài hoang phí
"Dịp Tết xưa quan trọng lắm, ai có đi đâu, đi xa đến mấy cũng đều muốn cố gắng về để dự mâm cơm Tết, chuẩn bị cho ngày mới chúc nhau những điều tốt đẹp nhất, chúc nhau sức khoẻ để có sự tăng trưởng trong năm mới. Điều quan trọng nhất mà mọi người vẫn chúc nhau là phải có đoàn kết, Tết đến là xoá đi những điều không tốt đẹp, chuyện cũ bỏ qua để lập lại các mối quan hệ", ông Giao tâm sự.
Một trong những nét đẹp không thể thiếu dịp Tết là phong tục, tập quán của người Hà Nội xưa là chào hỏi. Dù ai có chưa vừa lòng nhau, có những chuyện cũ ngoài ý muốn từng xảy ra nhưng mỗi khi Tết đến là xua tan đi hết để cùng nhau vui xuân.
Theo ông Giao, Tết của người Hà Nội xưa là dịp để "đại gia đình đoàn kết", mang nhiều ý nghĩa vô cùng thiêng liêng
Sinh ra trong gia đình giàu có, Tết xưa của ông Giao không phải suy nghĩ, lo lắng quá nhiều thứ. Khác với các vùng thôn quê nghèo khó, người Hà Nội xưa không hỏi nhau "ăn Tết có to không?" hay "Tết đã đến nhà chưa?". Thay vào đó, mọi người chỉ gửi nhau những câu chào, lời chúc cho một năm mới may mắn, thành công.
Ngoài bánh chưng, câu đối đỏ là những thứ không thể thiếu ngày Tết thì các món ăn như cá chép kho, chè kho, bánh mỳ, canh măng tây nhập từ Pháp... là những món mà gia đình ông Giao hay giới thượng lưu ngày ấy không thể thiếu.
Quan trọng nhất dịp Tết của người Hà Nội xưa là mâm cơm cuối năm, đêm giao thừa. Nhiều gia đình sẽ dành trọn vẹn một ngày cuối năm để chuẩn bị cho mâm cơm giao thừa chu đáo, đủ đầy nhất.