Nối tiếp phần trước: Khi nhận thấy lũ chuột bị tha hóa hành vi và chia thành những nhóm cụ thể: chuột cái động dục, chuột đực địa vị cao mang nhiều xu hướng bạo lực, và ba nhóm chuột ở địa vị thấp: "toàn tính luyến ái - pansexual", "kẻ đi đêm - somnambulist " và "lũ lần mò - prober".
Trước công chúng, trợ lý của giáo sư Calhoun mô tả cái chuồng chuột ghê tởm chính là quang cảnh "địa ngục". Đây cũng là lúc Calhoun chấm dứt thí nghiệm, đồng thời phỏng đoán dựa trên hành vi của chuột, rằng cộng đồng gặm nhấm này sẽ không còn tồn tại được lâu.
Sau đó, ông nhặt ra 8 cá thể khỏe mạnh nhất, với 4 đực và 4 cái nhằm cho chúng tiếp tục sinh sản. Nhưng hành vi của những con chuột này đã bị bóp méo quá nặng nề, khiến chuột con không thể sống tới tuổi trưởng thành.
Năm 1962, Calhoun xuất bản một bài báo trên tạp chí "Scientific American", cho thấy kết quả của sáu trong số các thí nghiệm này. Ngay lập tức, ảnh hưởng của kết luận "tha hóa hành vi" khiến người đọc và các học giả lập tức liên tưởng tới hiện tượng bùng nổ dân số tại các đô thị lớn.
Những hành vi khác nhau của những con chuột trong thí nghiệm dường như ám chỉ đến xã hội lúc bấy giờ: áp lực nặng nề từ tốc độ tăng dân số, việc phân tầng địa vị xã hội, cha mẹ bỏ bê chăm sóc con cái, tội phạm cao, ngày một nhiều cá thể sống tách biệt với xã hội. Người ta sợ thực tại hoặc giống với quang cảnh trong nghiên cứu, hoặc sẽ sớm tới giai đoạn này.
"Mật độ dân số" đã trở thành chủ đề nghiên cứu và thảo luận sôi nổi lúc bấy giờ, nhưng mặt khác, nhiều người cũng đặt câu hỏi về thí nghiệm của Calhoun và cho rằng thiết kế thí nghiệm có phần quy chụp. Nhiều dự án khảo sát khu vực dân số được bày ra nhằm chứng minh mô hình chuồng chuột của Calhoun hiện hữu trong thực tế, song không một báo cáo nào đưa ra bằng chứng vững chãi về sự tồn tại của "thành phố chuột" đời thực.
Nhưng với sự ủng hộ của nhiều bên và thành công của thử nghiệm trước, Calhoun đã tiến hành thêm một thí nghiệm không tưởng khác. Ông đã tạo ra một ngôi nhà dành cho chuột có tên là "Universe 25", và toàn bộ cuộc thử nghiệm đã mất 11 năm từ khi lên kế hoạch cho đến khi xuất bản bài nghiên cứu cuối cùng. Báo cáo mang tên "Cái chết bình phương: Tốc độ tăng trưởng bùng nổ và sự suy đồi của một cụm chuột" đã được đăng tải trên tạp chí Royal Society of Medicine vào tháng 1/1973.
Vũ trụ 25 là một thiên đường chuột thực sự, ngoài thức ăn không giới hạn và nước uống không giới hạn, thì ngôi nhà này cũng không hề có lưới điện cách ly các khu vực cũng như các cây cầu kết nối. Thay vào đó, nó được bao quanh bởi 16 "khu tập thể chuột" và khu vực trung tâm là một quảng trường rộng với nguồn thức ăn và nước uống ở khắp nơi, ước tính ngôi nhà này có thể chứa 3.840 con chuột.
Lần này Calhoun cũng chọn ra 4 con đực, 4 con cái để đưa vào Universe 25, nhưng không sử dụng chuột Na Uy nữa mà Calhoun dùng chuột bạch. Nhóm chuột này được chọn lọc và nuôi với mục đích nghiên cứu, hoàn toàn không có dịch bệnh lây lan giữa các cá thể. Không còn tương tác với Vũ trụ 25 nữa, nhiệm vụ của ông chỉ còn là quan sát, và ông chỉ ra 4 giai đoạn rõ ràng trong hoạt động của bầy chuột.
Ban đầu, đàn chuột gia tăng với tốc độ chậm, và cũng giống như những người tiên phong khi đến một nơi xa lạ, chúng phải mất một thời gian dài để thích nghi, trong đó cũng diễn ra những trận chiến tranh giành lãnh thổ, con cái và thậm chí đã có những con chuột phải bỏ mạng. Giai đoạn này kéo dài tới trước thời điểm con non đầu tiên ra đời, và được Calhoun gọi là "Giai đoạn dàn xếp".
Sau ngày thứ 104, đàn chuột này bước sang một giai đoạn thứ hai - Giai đoạn Khai thác. Chúng bắt đầu sinh sản nhanh, cứ sau 55 ngày thì số lượng cá thể chuột lại tăng lên gấp đôi, tốc độ tăng nhanh của quần thể chuột tiếp tục cho đến ngày thứ 315, sau đó tăng trưởng chậm lại. Ngày thứ 315 đánh dấu sự kết thúc của giai đoạn thứ hai, mở ra khoảng thời gian được Calhoun gọi là "Giai đoạn Trì trệ".
Giai đoạn Trì trệ, kéo dài từ ngày thứ 315 tới ngày 560 là thời điểm tha hóa hành vi bắt đầu hiện hữu.
Ở giai đoạn này, xã hội loài chuột bắt đầu trở nên bất bình thường, giống hệt như lần thí nghiệm trước. Đầu tiên là các gia đình chuột có địa vị cao sẽ chiếm các khu tập thể thuận lợi cho việc sinh sống, trong khi một số lượng lớn chuột có địa vị thấp hơn sẽ tập trung ở khu vực trung tâm và sống bên ngoài "khu tập thể".
Những con chuột "ngoài vòng xã hội" sống co cụm, không di chuyển gì để rồi sau này tỏ ra bạo lực với các cá thể nằm gần mình. Những con chuột bị tấn công chỉ nằm im chịu đau đớn, không hề đáp trả hành vi gây hấn. Cùng lúc đó, chuột cái ngoài vòng xã hội sống co cụm lại với nhau trong những tầng cao của "chung cư".
Tuy nhiên, những con chuột đực có địa vị cao cũng không khá hơn, do dân số mở rộng nhanh chóng, chúng không thể đối phó với những thách thức liên tục của thế hệ chuột đực mới, do đó chúng dần kiệt sức vì duy trì lãnh thổ của mình và không thể bảo vệ chuột cái trong tổ.
Chuột sống thành những nhóm nhỏ vây quanh điểm đặt thức ăn. Lại một lần nữa Calhoun thấy hành vi của chuột Na Uy trong thí nghiệm trước hiện hữu: chuột từ chối ăn riêng, chỉ ăn khi có sự hiện diện của đồng loại.
Chuột mẹ lúc này buộc phải vừa chăm sóc đàn con vừa bảo vệ tổ. Trong trường hợp này, con chuột cái ngày càng trở nên hung dữ, thậm chí vô tình làm tổn thương đàn con của mình. Và sau đó những con chuột cái dần hình thành "Hiệu ứng Bruce" - còn gọi là hiệu ứng tự phá thai là xu hướng được ghi nhận ở các loài động vật có vú thuộc giống cái đang mang thai sẽ tự chấm dứt thai kỳ sau khi tiếp xúc với mùi hương của một con đực xa lạ. Cùng với tập tính phá phách của chuột đực, tốc độ gia tăng dân số của đàn chuột cũng ngày càng chậm. Áp lực từ việc tự bảo vệ tổ, "đãng trí" quên con mỗi khi dời sang tổ mới, hành vi bạo lực lên cả các cá thể khác lẫn con non, khiến tỷ lệ tử vong của chuột tăng cao.
Và giai đoạn thứ tư, được Calhoun đặt tên là Giai đoạn Chết, bắt đầu từ ngày thứ 560.
Calhoun tin rằng tập tính ban đầu của bầy chuột đã thực sự bị sụp đổ, và việc chúng bị tiêu diệt chỉ còn là vấn đề thời gian. Tại thời điểm này, số lượng chuột đã không còn tăng nữa và giá trị tối đa vẫn ở mức khoảng 2.200 con.
Hầu hết tất cả chuột con lớn lên ở giai đoạn sau đó đều có vấn đề nghiêm trọng về tinh thần, chúng bị chuột cái bỏ rơi khi còn nhỏ và thiếu sự hỗ trợ, chăm sóc của con mẹ. Sau đó, những con chuột cái ở những thế hệ sau cũng cũng mất dần tình mẫu tử. Thế hệ chuột cái có vấn đề này không biết nuôi con ngay cả khi chúng đang mang thai và sinh con.
Mặt khác, những con chuột đực cũng không có ham muốn giao phối, và chúng không tỏ ra bạo lực với đồng loại; trên người những cá thể này không có lấy một vết sẹo. Cuộc sống của chúng cực kỳ đơn giản, chỉ ăn, uống, ngủ và chải chuốt. Calhoun gọi chúng là "những con đực xinh đẹp". Calhoun tính toán rằng con chuột đực cuối cùng còn khả năng sinh sản sẽ chết vào ngày thứ 1.780, đây sẽ là thời điểm tuyên bố cái chết của cộng đồng chuột.
Vào thời điểm bài báo được viết vào năm 1973, Universe 25 vẫn đang hoạt động. Những sự "Tha hóa hành vi" khác nhau được thể hiện bởi bầy chuột trong điều kiện không tưởng rất giống với xã hội tập thể của con người trong một số kịch bản đặc biệt, chẳng hạn như trong nhà tù, xung đột băng đảng, v.v. Nhưng sự hủy diệt không tưởng của loài chuột thực sự liên quan trực tiếp đến thói quen đặc biệt của loài gặm nhấm chứ không thế đem kết quả này ra là chuẩn mực để áp vào xã hội loài người. Nếu những con vật thí nghiệm được thay thế bởi những con chó, có thể có kết quả sẽ rất khác nhau.
Dù từ báo cáo này có sinh ra những tư tưởng gì (những tư tưởng đã và đang bị bóp méo bởi một số bộ phận, hòng lọc ra những lý lẽ phù hợp với động cơ của riêng họ), ta hãy tôn trọng công trình nghiên cứu của giáo sư John B. Calhoun và kết lại bài viết bằng lời của ông. Calhoun mở đầu báo cáo rằng "Tôi nói nhiều về chuột, nhưng suy nghĩ của tôi lại hướng về con người, về hồi phục, về sự sống và về tiến hóa. Có hai cái chết đe dọa tới sự sống và tiến hóa là, cái chết của tinh thần và cái chết của thể xác".
Và ông nói một phần lời kết như sau:
Với một động vật phức tạp như con người, có lý do hợp lý để ta tin rằng một chuỗi những hành động tương tự trên người sẽ dẫn đến cái kết của toàn bộ giống loài. Nếu cơ hội hoàn thành trách nhiệm không được thỏa mãn bởi những cá thể có khả năng thực hiện chúng, hay thậm chí là còn không có dự định hoàn thành chúng, thì ắt một xã hội bạo lực và chia rẽ sẽ xuất hiện. Những cá thể sinh ra dưới các điều kiện này sẽ mất đi liên kết với thực tại, thậm chí còn không thể sinh trưởng một mình. Những hành vi phức tạp nhất của giống loài sẽ rã rời.
Khả năng tiếp nhận, kiến tạo và tận dụng những ý tưởng vốn được dùng để duy trì sự sống trong một xã hội hậu công nghiệp, một xã hội của văn hóa-khái niệm-công nghệ, sẽ bị chặn đứng. Cũng giống với việc truyền đạt mục đích sinh học của loài chuột sẽ xoay quanh hành vi phức tạp nhất mà chúng đang sở hữu [tức là chỉ ăn, ngủ, chải chuốt và không còn tương tác xã hội], thì việc truyền đạt quan niệm trên người cũng sẽ vậy.
Mất đi những hành vi phức tạp này đồng nghĩa với việc giống loài sẽ chết.
Cái chết của cơ thể đồng nghĩa với cái chết thứ hai.
Cái chết của cái chết thứ hai sẽ bằng một cái chết bình phương.