Dầu mất hơn 5% xuống mức thấp nhất 4 tháng
Giá dầu giảm hơn 5% trong phiên vừa qua, theo đó dầu Brent chạm mức thấp nhất trong vòng 4 tháng do số ca nhiễm Covid-19 ở Mỹ và Châu Âu tiếp tục tăng chóng mặt, buộc nhiều nước phải đóng cửa trở lại nền kinh tế và giảm dự báo về nhu cầu nhiên liệu. Số ca nhiễm mới virus Covid-19 ở Mỹ, Nga, Pháp và nhiều nước khác tiếp tục lập những kỷ lục cao mới.
Ngoài ra, tồn trữ dầu thô của Mỹ tăng hơn dự kiến do sản lượng cao kỷ lục cũng góp phần gây áp lực giảm giá dầu.
Kết thúc phiên giao dịch, dầu Brent giảm 2,08 USD (5,1%) xuống 39,12 USD/thùng – thấp nhất kể từ ngày 12/6/2020, trong khi dầu Tây Texas Mỹ (WTI) giảm 2,18 USD (5,5%) xuống 37,39 USD/thùng. Cả hai mức giảm này đều nhiều nhất kể từ ngày 8/9.
Giá dầu giảm cũng phản ánh xu hướng lao dốc ở các thị trường tài sản rủi ro khác, chẳng hạn như chứng khoán Mỹ giảm, trong đó S&P 500 mất 2,9%. Trái lại, đồng USD – nơi trú ẩn an toàn – tăng 0,6% khi Đức và Pháp có nguy cơ phải đóng cửa kinh tế trở lại vì dại dịch.
Trong khi đó, nguồn cung vẫn dồi dào. Sản lượng của Libya dự báo sớm tăng lên 1 triệu thùng/ngày. Người phụ trách mảng thương mại của Saudi Aramco cho biết, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các đồng minh (OPEC ) sẽ phải đối mặt với "rất nhiều vấn đề về nhu cầu" trước khi tăng nguồn cung như dự kiến vào tháng 1/2021.
Vàng và các kim loại quý khác giảm do USD mạnh lên và Mỹ chưa tung ra gói kích thích mới
Giá vàng cũng mất hơn 2% trong phiên vừa qua, trong khi bạc mất gần 6% do đồng USD mạnh lên trong khi chưa thấy dấu hiệu Mỹ sẽ sớm đưa ra những chương trình kích thích kinh tế mới dù Covid-19 vẫn đang lan rộng.
Trong phiên giao dịch vừa qua, giá vàng giao có lúc ngay giảm xuống mức thấp nhất kể từ 28/9 là 1.869,21 USD/ounce, trước khi hồi phục nhẹ lên 1.879,03 USD/ounce; vàng kỳ hạn tháng 12/2020 giảm 1,7% xuống 1.879,2 USD/tấn. Giá bạc cũng giảm còn 23 USD/ounce – thấp nhất kể từ 7/10, trong khi bạch kim mất 1,4% xuống 866,66 USD/ounce, còn palađi mất 3,5% còn 2.249,04 USD/ounce.
Kim loại công nghiệp giảm
Giá đồng và các kim loại công nghiệp khác đều giảm trong phiên vừa qua do số ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 gia tăng chất thêm lo ngại rằng những đợt đóng cửa kinh tế mới sẽ kìm hãm sự hồi phục kinh tế.
Kết thúc phiên giao dịch, giá đồng kỳ hạn giao sau 3 tháng trên sàn London (LME) giảm 0,9% xuống 6.740 USD/tấn. Như vậy, giá đồng đã mất khoảng 4% so với mức cao nhất 28 tháng (7.034 USD/tấn) đạt được vào tuần trước.
Nhiều nền kinh tế lớn ở Châu Âu đang xem xét đóng cửa trở lại vì số ca nhiễm virus tăng vọt. Trong khi đó, kinh tế Trung Quốc năm nay dự kiến sẽ chỉ tăng trưởng 2,1%, mức thấp nhất trong vòng hơn 4 thập kỷ.
Thép không gỉ tăng gần 3%
Thép là một trong số hiếm hoi những mặt hàng tăng giá trong phiên vừa qua. Theo đó, thép không gỉ đã tăng hơn 3% sau khi nhà sản xuất và xuất khẩu quặng nickel hàng đầu của Philippines - Nickel Asia Corp – thông báo tạm dừng hoạt động 4 mỏ khia thác do sự bùng phát của Covid-19. Giá thép không gỉ kỳ hạn tháng 1/2021 trên sàn Thượng Hải lúc đóng cửa phiên 28/10 tăng 3,5% lên 14.775 CNY (2.204,27 USD)/tấn.
Trung Quốc năm nay đã trở nên phụ thuốc nhiều hơn vào nguồn quặng nickel của Philippines sau khi Indonesia – nhà cung cấp nickel chủ chốt từ trước đến nay – hồi tháng 1/2020 đã tạm dừng xuất khẩu khoáng sản chưa qua chế biến.
Thịt lợn Đức vững giá
Giá lợn tại thị trường Đức tuần này không thay đổi so với tuần trước, mặc dù bị nhiều nước cấm nhập khẩu do dịch tả lợn (ASF).
Cụ thể, hiện ở mức 1,27 EUR/kg. Trước khi phát hiện ca ASF đầu tiên, hôm 10/9, giá lợn Đức ở mức 1,47 EUR/kg, sau đó giảm xuống 1,27 EUR/kg vào ngày 11/9 và duy trì mức đó cho tới nay. Xuất khẩu thịt lợn Đức sang các nước Liên minh Châu Âu tăng đã giúp hỗ trợ giá duy trì, trong khi Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản hiện vẫn đang cấm nhập khẩu thịt lợn Đức.
Tới thời điểm hiện tại, Đức đã phát hiện có 94 trường hợp ASF.
Trong khi đó, giá lợn tại Mỹ đi xuống trong phiên 28/10 do giá bán buôn thịt lợn các loại (sườn, mông, thăn) đều giảm. Cụ thể, giá lợn nạc trên sàn Chicago giảm 1,275 US cent xuống 66,375 US cent/lb; giá thịt lợn bán buôn mất 4,31 USD còn 84,52 USD/cwt.
Trong trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh doanh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPBF) diễn ra tại Hà Nội ngày hôm qua, Công ty Liên minh Thương mại Việt Nam (VTA) và tập hợp những nhà cung cấp Mỹ đã ký thỏa thuận về mua thịt lợn ướp lạnh và đông lạnh của Mỹ. Thỏa thuận trị giá khoảng 100 triệu USD cho năm đầu tiên và tổng giá trị giao dịch trong 3 năm lên đến 500 triệu USD.
Đường, cà phê, ngũ cốc đều giảm
Giá nông sản đồng loạt giảm trong phiên vừa qua do số ca nhiễm Covid-19 tăng mạnh.
Đường trắng kỳ hạn tháng 12 giảm 0,9 USD (0,2%) xuống 396,6 USD/tấn; cà phê arabica giao cùng kỳ hạn giảm 1,95 USD (1,8%) xuống 1,05 USD/lb vào cuối phiên, sau khi có thời điểm chạm mức thấp nhất kể từ cuối tháng 7 là 1,032 USD/lb; robusta giao tháng 1/2021 giảm 4 USD (0,3%) xuống 1.347 USD/tấn. Giá arabica thường giảm mạnh hơn so với robusta kể từ khi đại dịch xảy ra, vì các cửa hàng, nhà hàng đều sử dụng nhiều arabica hơn robusta – loại chủ yếu được sử dụng tại nhà.
Trong khi đó, trên sàn Chicago, giá ngũ cốc, ngô và đậu tương đồng loạt giảm do lo ngại về Covid-19. Cụ thể, ngô giảm 14-1/2 US cent xuống 4,01-1/2 USD/bushel, thấp nhất kể từ 15/10; đậu tương giảm 21-3/4 US cent xuống 10,54-3/4 USD/bushel, thấp nhất kể từ 20/10; trong khi lúa mì mất 7 US cent còn 6,08-3/4 USD/bushel.
Cao su tăng gần 8%
Giá caop su tăng lên mức cao nhất gần 12 năm trong phiên vừa qua, sau khi kết quả điều tra của Reuters cho thấy kinh tế Trung Quốc năm 2021 dự báo sẽ hồi phục mạnh.
Trên sàn Osaka, cao su kỳ hạn tháng 4/2021 tăng 20,1 JPY (7,9%) lên 274,3 JPY/kg, cao nhất kể từ tháng 3/2017. Đây cũng là phiên giá tăng mạnh nhất kể từ tháng 12/2008. Trên sàn Thượng Hải, giá cao su kỳ hạn tháng 1 năm sau cũng tăng 6% lên 16.535 CNY/tấn – cao nhất trong vòng hơn 3 năm.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng 29/10