Thị trường ngày 28/10: Giá dầu, vàng, đồng, nông sản đều tăng, cao su tăng 8 phiên liên tiếp

Minh Quân | 28-10-2020 - 08:55 AM

(Tổ Quốc) - Giá các mặt hàng nguyên liệu đồng loạt tăng trong phiên vừa qua: Dầu thêm khoảng 2%, ngô cao nhất 14 tháng, đường lập ‘đỉnh’ 8 tháng, trong khi cà phê cao nhất 1 tháng.

Dầu tăng do bão ở Mỹ

Giá dầu thô tăng trong phiên 27/10 khi hàng loạt các cơ sở sản xuất của Mỹ ở Vịnh Mexico phải đóng cửa để tránh bị tổn thất khi một cơn bão lớn có tên Zeta đang tiến vào bờ, mặc dù số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 cũng như nguồn cung dầu của Libya tiếp tục tăng làm hạn chế nhu cầu xăng dầu.

Các công ty trong đó có BP, Chevron, Shell và Equinor đã sơ tán hoặc đóng cửa các giàn khoan dầu trên biển trước khi bão đến. Tính đến thời điểm này, khoảng 16% công suất sản xuất dầu ở Vịnh Mexico đã tạm dừng hoạt đọng, tương đương 294.000 thùng/ngày.

Kết thúc phiên giao dịch, dầu Brent tăng 75 US cent (1,9%) lên 41,21 USD/thùng, dầu Tây Texas Mỹ (WTI) tăng 1,01 US cent (2,6%) lên 39,57 USD/thùng.

Tuy nhiên, các chuyên gia dự báo, giá dầu sẽ chỉ tăng (do bão) trong thời gian ngắn, bởi nhu cầu dự báo sẽ lại một lần nữa suy yếu do số ca nhiễm Covid-19 tiếp tục tăng.

"Chúng tôi có nhiều bất lợi: Chưa có vắc-xin, chưa có gói kích thích kinh tế nào, và khả năng cuộc bầu cử Tổng thống lần này sẽ là một cuộc bầu cử gây nhiều ‘tranh cãi’ trong một vài hoặc nhiều ngày. Thị trường chứng khoán sẽ không phản ứng tích cực với những điều đó", giám đốc phụ trách mảng năng lượng của Mizuho, ông Bob Yawger cho biết.

Trong khi đó, sản lượng dầu của Libya sẽ hồi phục lên 1 triệu thùng/ngày trong vài tuần tới, khiến cho nỗ lực của các thành viên OPEC trở nên kém hiệu quả. Nhiều người dự đoán OPEC sẽ tiếp tục kéo dài thời gian cắt giảm sản lượng để kích thích giá dầu.

Vàng hướng lên do USD giảm

Giá vàng tăng trong phiên vừa qua do đồng USD yếu đi và lo ngại về số ca nhiễm Covid-19 tiếp tục tăng, mặc dù đà đi lên của giá vàng bị hạn chế bởi các nhà đầu tư đang tập trung theo dõi cuộc bầu cửa Tổng thống Mỹ.

Vàng giao ngay cuối phiên tăng 0,4% lên 1.909,58 USD/ounce, trong khi vàng kỳ hạn tháng 12/2020 tăng 0,3% lên 1.911,90 USD/ounce.

Chỉ số dollar index giảm 0,3% so với rổ các đồng tiền chủ chốt, khiến cho vàng trở nên đắt đỏ hơn đối với những ai mua bằng các loại tiền tệ khác.

Nhà giao dịch hàng đầu của U.S. Global Investors, Michael Matousek, cho hay: "Giá vàng đang bị ‘mắc kẹt’ trong biên độ hẹp, và thị trường có thể sẽ còn trầm lắng trước kỳ bầu cử Tổng thống Mỹ".

Tuy nhiên, nhìn chung các nhà phân tích và nhà đầu tư vẫn lạc quan về triển vọng giá vàng trong tương lai, khi số ca nhiễm Covid-19 tiếp tục tăng, kinh tế toàn cầu vẫn yếu và các ngân hàng trung ương vẫn cần tới các biện pháp kích thích. Mỹ, Nga, Pháp và nhiều quốc gia khác đều đang có số ca nhiễm virus mới cao kỷ lục, buộc một số nước phải áp dụng các biện pháp kiểm soát dịch mới.

Đồng tăng do nhà đầu tư tranh thủ mua khi giá thấp

Giá đồng tăng trong phiên vừa qua do nhiều nhà đầu tư săn giá hời sau 3 phiên giảm liên tiếp trước đó. Tuy nhiên, dự báo giá sẽ giảm trở lại vì số ca nhiễm Covid-19 gia tăng đe dọa nền kinh tế toàn cầu.

Kết thúc phiên, đồng kỳ hạn giao sau 3 tháng trên sàn London tăng 0,2% lên 6.795 USD/tấn. Tuy nhiên, khối lượng giao dịch không nhiều vì nhà đầu tư chờ đợi kết quả cuộc họp tuần này của Trung Quốc về kế hoạch kinh tế giai đoạn 5 năm – được cho là sẽ tác động tích cực đối với nhu cầu kim loại.

Gianclaudio Torlizzi thuộc công ty tư vấn T-Commodity ở Milan, cho biết: "Tôi nghĩ rằng thị trường đồng đang có nhiều yếu tố bất lợi hơn là có lợi, như đồng USD mạnh lên và môi trường nhiều bất ổn," mà yếu tố không chắc chắn lớn nhất là kinih tế vĩ mô cũng như số ca nhiễm Covid-19 gia tăng. Cuộc bầu cửa Tổng thống Mỹ cũng có thể làm tăng tâm lý sợ rủi ro. Nhưng " Về trung và dài hạn, dù ông Trump hay ông Biden đắc cử Tổng thống thì triển vọng thị trường kim loại vẫn tích cực".

Ngô cao nhất 14 tháng do nhu cầu xuất khẩu mạnh

Giá ngô Mỹ tăng mạnh trong phiên vừa qua do nhu cầu xuất khẩu mạnh, giá lúa mì cũng đi lên bởi lo ngại về thời tiết ở khu vực đồng bằng nước Mỹ. Riêng đậu tương giảm nhẹ nhưng vẫn sát mức cao nhất kể từ tháng 7/2016.

Kết thúc phiên giao dịch, giá ngô trên sàn Chicago tăng 1/2 US cent lên 4,18-1/4 USD/bushel, sau khi có thời điểm trong ngày đạt 4,22-1/4 USD, mức cao nhất kể từ tháng 8/2019; lúa mì

tăng 3-1/2 US cent lên 6,23-1/2 USD/bushel, trong khi đậu tương giảm 1-1/2 US cent xuống 10,82 USD/bushel.

Một loạt các thị trường như Hàn Quốc, Đài Loan và Iran đã mở các cuộc đấu thầu mua ngô Mỹ (Mỹ đang là nhà cung cấp ngô chủ chốt và dự kiến điều này sẽ còn tiếp diễn đến năm 2021). Các thương gia đang chờ xem Trung Quốc có mua thêm ngô và đậu tương hay không (nước nhập khẩu đậu tương hàng đầu thế giới này gần đây đã ma rất nhiều ngô và đậu tương).

Bộ Nông nghiệp Mỹ cho biết, 41% diện tích lúa mì vụ Đông của Mỹ đang trong tình trạng tốt, thấp hơn dự báo của các nhà phân tích là 52%. Khô hạn đã ảnh hưởng tới việc gieo trồng lúa mì ở các đồng bằng nước Mỹ. Tuy nhiên, gần đây một số nơi đã có mưa. Trong khi đó ở Brazil, diện tích trồng đậu tương hiện mới đạt 23% kế hoạch do khô hạn.

Đường cao nhất 8 tháng

Giá đường thô vừa tăng lên mức cao nhất trong vòng 8 tháng, vượt ngưỡng 15 US cent, giữa bối cảnh các thương gia chờ đợi Ấn Độ công bố chính sách xuất khẩu đường.

Kết thúc phiên giao dịch, đường thô kỳ hạn tháng 3/2021 tăng 0,4% lên 14,83 US cent/lb, sau khi có thời điểm trong phiên đạt mức cao nhất 8 tháng, là 15,04 US cent; đường trắng kỳ hạn tháng 12/2020 cũng tăng 0,9 USD hay 0,2% lên 397,5 USD/tấn.

Các đại lý kỳ vọng giá đường sẽ tăng, bởi cho rằng mặc dù nước này có thể sẽ vẫn lên kế hoạch xuất khẩu 6 triệu tấn đường, nhưng mức trợ cấp xuất khẩu sẽ giảm so với vụ trước.

Trong khi đó, tại Brazil, các nhà máy chế biến mía ở khu vực Trung Nam nước này dự kiến sẽ sản xuất 36 triệu tấn đường trong niên vụ 2021/22, thấp hơn 5% so với niên vụ hiện tại.

Cà phê robusta cao nhất gần 1 tháng

Giá cà phê robusta kỳ hạn tháng 1/2021 tăng 38 USD (2,9%) lên 1.351 USD/tấn, cao nhất trong vòng gần 1 tháng, giữa bối cảnh bão số 13 đang tiến vào miền Trung Việt Nam – nơi trồng cà phê chính của cả nước.

Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 12 cũng tăng 0,3 US cent, tương đương 0,3% lên 1,0695 USD/lb. Thời tiết ở Brazil đang dần tốt lên khi một số nơi có mưa, giúp cải thiện vụ mùa của niên vụ tới. Tuy nhiên, một số diện tích/cây cà phê đã bị hư hại do khô hạn kéo dài và không thể hồi phục.

Bông duy trì ở mức cao nhất 18 tháng

Giá bông Mỹ phiên 26/10 đã tăng lên mức cao nhất khoảng 1,5 năm do điều kiện thời tiết bất lợi ở các khu vực trồng bông chính, và tiếp tục duy trì ở mức này trong phiên 27/10, mặc dù một số nơi đã bắt đầu thu hoạch.

Bông kỳ hạn tháng 12/2020 kết thúc phiên vừa qua vững ở 72,13 US cent/lb, phiên trước đó đã chạm mức cao nhất kể từ 7/5/2019 là 72,53 US cent.

Mỹ đang thu hoạch bông, song thời tiết rất xấu, và nhiều người tranh thủ thu hoạch và bán bông đi vì lo ngại về thời tiết. Dự báo phía Tây Texas sẽ có tuyết và mưa đá. Nhà kinh doanh bông cũng đang theo dõi chặt chẽ cơn bão Zeta.

Cao su tăng 8 phiên liên tiếp

Giá cao su trên thị trường Nhật Bản tăng phiên thứ 8 liên tiếp, theo xu hướng giá trên sàn Thượng Hải, do nhu cầu mạnh lên, xuất phát từ sự hồi phục kinh tế của Trung Quốc.

Kết thúc phiên, giá cao su kỳ hạn tháng 4/2021 trên sàn Osaka tăng 3,8 JPY (1,5%) lên 254,2 JPY/kg. Giá cao su tại Nhật Bản đã tăng gần 30% trong 8 ngày qua, lên mức cao kỷ lục hơn 3 năm, sau khi số liệu tích cực từ Trung Quốc.

Trên sàn Thượng Hải, cao su kỳ hạn tháng 1/2021 cũng tăng 3,2% lên 15.725 CNY/tấn.

Trong báo cáo mới công bố, Hiệp hội các nước sản xuất cao su thiên nhiên cho biết sản lượng cao su thiên nhiên toàn cầu trong 8 tháng đầu năm 2020 giảm 9%, và dự báo sản lượng trong cả năm 2020 sẽ giảm gần 7%, xuống 12,9 triệu tấn.

Sản lượng rượu vang thế giới thấp do Covid-19

Sản lượng rượu vang toàn cầu năm 2020 dự báo sẽ thấp hơn mức trung bình của 5 năm gần đây, so sản lượng của Nam Mỹ và Liên minh Châu Âu giảm vì áp dụng các biện pháp chống Covid-19.

Tổ chức Nho và Rượu vang Quốc tế (OIV) ngày hôm qua cho biết, sản lượng rượu vang thế giới năm nay sẽ chỉ khoảng 253,9 triệu đến 262,2 triệu hectolitres (mhl), tức là trung bình 258 mhl. Đây là năm thứ 2 liên tiếp sản lượng rượu vang toàn cầu thấp hơn mức trung bình.

Mặc dù vậy, đó vẫn là mức sản lượng khả quan trong bối cảnh hiện tại, khi ăng thẳng chính trị, biến đổi khí hậu, đại dịch Covid-19... đang gây những biến động và bất trắc lớn đối với thị trường rượu vang toàn cầu.

Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng 28/10

Thị trường ngày 28/10: Giá dầu, vàng, đồng, nông sản đều tăng, cao su tăng 8 phiên liên tiếp - Ảnh 1.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM