Dầu giảm do số ca nhiễm virus corona ở Mỹ và Trung Quốc tăng
Giá dầu mỏ phiên 26/6 giảm khi số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 ở Mỹ và Trung Quốc tăng vọt, giữa bối cảnh sản lượng và tồn trữ dầu thô của Mỹ đều tăng mạnh lại làm dấy lên lo ngại về dư thừa nguồn cung.
Kết thúc phiên này, dầu Brent giảm 3 US cent xuống 40,91 USD/thùng, tính chung cả tuần giảm 1%; dầu Tây Texas Mỹ (WTI) giảm 23 US cent xuống 38,49 USD/thùng, tính chung cả tuần mất 1,6%.
Số ca nhiễm virus ở 3 tiểu bang đông dân nhất của Mỹ là California, Texas và Florida đều tăng mạnh gây lo ngại xu hướng nhu cầu nhiên liệu hồi phục (thông qua ảnh vệ tinh về lưu lượng giao thông trên đường bộ) ở Mỹ gần đây có thể đảo ngược. Điều này có thể là nguyên nhân làm suy yếu đà tăng tinh chế dầu của Mỹ - các nhà tinh chế dầu Mỹ đang hoạt động ở gần 75% công suất, theo báo cáo của Chính phủ nước này.
Ngày 26/6, Thống đốc bang Texas, Greg Abbott, đã thay đổi kế hoạch mở cửa của tiểu bang này, yêu cầu hầu hết các quán bar phải đóng cửa khi số ca nhiễm virus gia tăng.
"Các nhà tuyển dụng đang trì hoãn việc đưa nhân viên của họ trở lại văn phòng và điều đó sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu xăng dầu", Andrew Lipow, Chủ tịch của Lipow Oil Associates cho biết.
Triển vọng kinh tế toàn cầu trở nên xấu đi. Phần lớn các nhà kinh tế khi trả lời thăm dò của hãng Reuters cho rằng, suy thoái kinh tế sẽ còn sâu hơn những dự đoán đã đưa ra. Kết quả khảo sát của Ngân hàng Dự trữ Liên bang Dallas cho thấy, các giám đốc điều hành trong lĩnh vực dầu khí của khu vực sản xuất dầu hàng đầu của Mỹ cho thấy, hơn một nửa các giám đốc điều hành đang cắt giảm sản lượng và dự kiến sẽ duy trì điều này đến cuối tháng 7.
Trong khi đó, theo dữ liệu của Baker Hughes, các công ty năng lượng của Mỹ và Canada đã cắt giảm số lượng các giàn khoan dầu và khí tự nhiên hoạt động xuống mức thấp kỷ lục trong tuần này.
Vàng hồi phục khi số ca nhiễm virus tăng và chứng khoán Mỹ giảm
Giá vàng tăng trong phiên cuối tuần do số ca nhiễm virus corona tăng trên toàn cầu, đặc biệt tăng mạnh tại Mỹ, khiến nhu cầu đối với những tài sản rủi ro quay đầu giảm và vàng lên ngôi.
Cuối phiên 26/6, giá vàng giao ngay tăng 0,3% lên 1.767,28 USD/ounce; vàng kỳ hạn tháng 8/2020 tăng 0,5% lên 1.780,30 USD/ounce. Tính chung cả tuần, giá vàng tăng 1,4%.
Bob Haberkorn, chiến lược gia cao cấp của RJO Futures cho biết: "Các nhà đầu tư đang lo lắng khi số ca nhiễm virus corona lại tăng lên, và họ từ bỏ những tài sản rủi ro như chứng khoán, trong khi vẫn tiếp tục đầu tư vào vàng và trái phiếu".
Các chỉ số chứng khoán chính của phố Wall đều giảm, trong khi lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm giảm xuống mức thấp nhất kể từ đầu tháng 6.
Edward Moya, nhà phân tích thị trường cao cấp của hãng môi giới OANDA cho biết: "Chúng ta có thể thấy vàng sẽ tăng vượt 1.800 USD. Ccác yếu tố cơ bản đối với vàng khá tốt khi các ca nhiễm virus gia tăng và chưa có vắc xin hiệu quả, trong khi các ngân hàng trung ương tiếp tục kích thích kinh tế gây lo ngại xảy ra lạm phát".
Đồng vọt lên mức cao nhất 5 tháng do lo ngại về sản lượng của Chile
Giá đồng chạm mức cao kỷ lục trong vòng 5 tháng ở phiên giao dịch cuối tuần do lo ngại sản lượng của Chile sụt giảm khi tình hình Covid-19 tại các mỏ diễn biến xấu đi. Codelco của Chile - công ty khai thác đồng lớn nhất thế giới - đã dừng hoạt động tại nhà máy tinh chế và đúc đồng ở chi nhánh Chuquicamata để ngăn chặn sự lây lan của Covid-19.
Giá đồng kỳ hạn giao sau 3 tháng trên sàn London đã tăng 1% lên 5.952 USD/tấn vào lúc đóng cửa, mức cao nhất kể từ 24/1/2020. Tính chung cả tuần, giá tăng 1,8%, là tuần tăng thứ 6 liên tiếp.
Bộ trưởng Bộ Khai thác mỏ Chile, Baldo Prokurica, dự báo sản lượng đồng của nước này sẽ giảm 200.000 tấn do ảnh hưởng của việc số ca nhiễm virus tăng lên.
Cobalt thấp nhất 10 tháng do ngành hàng không sa sút
Giá cobalt hiện đang ở mức thấp nhất trong vòng 10 tháng do nhu cầu của các lĩnh vực xe điện và hàng không suy yếu vì dịch Covid-19, và nhiều khả năng xu hướng giảm sẽ còn tiếp diễn.
Giá cobalt hiện ở mức khoảng 30.000 USD/tấn, giảm hơn 15% kể từ tháng 2/2020.
Nhà phân tích George Heppel của CRU dự báo nhu cầu cobalt cho các bộ phận động cơ trong không gian vũ trụ trong năm nay ở mức 4.442 tấn, giảm 18% so với năm 2019 và sẽ là mức thấp nhất kể từ năm 2011. Nhìn chung, ông dự báo thị trường sẽ dư thừa 6.300 tấn trong năm nay và mức tiêu thụ toàn cầu ở mức 131.800 tấn.
Doanh số bán xe điện ở Trung Quốc, kể cả của các hãng Tesla và BYD, cũng giảm từ cuối năm ngoái, kéo dài tới đầu năm nay, góp phần làm giảm nhu cầu cobalt.
Ngô, đậu tương, lúa mì đều giảm
Giá ngô và đậu tương Mỹ giảm suốt 5 phiên giao dịch của tuần này do thời tiết ở khu Trung Tây nước Mỹ tốt lên. Lúa mì cũng giảm giá xuống mức thấp mới, trong đó giá lúa mì đỏ mềm vụ Đông thấp nhất gần 10 tháng do áp lực bán ra khi dự báo bội thu lúa mì trên toàn cầu.
Kết thúc phiên cuối tuần, trên sàn Chicago, giá đậu tương kỳ hạn tháng 7 giảm 4-1/4 US cent xuống 8,65 USD/bushel, ngô cũng giao kỳ hạn này giảm 1/4 US cent xuống 3,17 USD/bushel. Tính chung cả tuần, giá đậu tương giảm 1,3%, trong khi ngô giảm 4,7%.
Lúa mì giao cùng kỳ hạn phiên này giảm 12-3/4 US cent xuống 4,74 USD/bushel, sau khi có thời điểm chạm mức thấp nhất kể từ đầu tháng 9 năm ngoái; tính chung cả tuần giá mất 1,5%.
Đường giảm
Giá đường thô kỳ hạn tháng 7 giảm 0,26 US cent (2,2%) xuống 11,55 US cent/lb; đường trắng kỳ hạn tháng 8 giảm 5,4 USD (1,5%) xuống 351,2 USD/tấn.
Những dấu hiệu về tình trạng thiếu hụt đường trên thế giới đang giảm bớt.
Cà phê tăng
Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 9 trên sàn New York tăng 0,85 US cent (0,9%) trong phiên vừa qua, lên 96,65 US cent/lb; robusta giao cùng kỳ hạn giảm 1 USD (0,1%) xuống 1.153 USD/tấn.
Nhà phân tích kỹ thuật của Reuters, ông Wang Tao, dự báo giá cà phê arabica có thể ở trong vùng "kỹ thuật" 87,60 đến 91,10 US cent/lb trong quý tới, và có thể duy trì khoảng giá đó hoặc hồi phục lên 1,08 USD trước khi quay đầu giảm trở lại.
Cao su giảm, kéo theo cả tuần đi xuống
Giá cao su trên sàn Tokyo (TOCOM) phiên cuối tuần (26/6) giảm, và tính chung cả tuần giảm tuần thứ 3 liên tiếp, do số ca nhiễm virus corona tăng ở Mỹ và nhiều nước khác gây lo ngại nhu cầu hàng hóa sẽ giảm sút.
Kết thúc phiên này, hợp đồng kỳ hạn tháng 12 trên sàn TOCOM giảm 2,2 JPY (1,4%) xuống 155,2 JPY/kg. Tính chung cả tuần, giá giảm gần 2%.
Dầu cọ giảm 4% trong tuần
Giá dầu cọ Malaysia kỳ hạn giao sau vừa kết thúc tuần giảm đầu tiên trong vòng 7 tuần do dự báo sản lượng tăng và lo ngại nhu cầu sẽ bị ảnh hưởng khi số ca nhiễm virus corona tăng trên toàn cầu.
Kết thúc phiên cuối tuần, dầu cọ kỳ hạn tháng 9/2020 trên sàn Bursa (Malaysia) giảm 27 ringgit (1,13%) xuống 2.368 ringgit (552,24 USD)/tấn, mức thấp nhất kể từ 17/6/2020. Tính chung cả tuần, giá mất 4%.
Sản lượng dầu cọ Malaysia giai đoạn 1-25/6/2020 tăng 25% so với tháng trước đó.
Nhà phân tích Dorab Mistry nhận định, nhu cầu dầu ăn tại Ấn Độ - nước tiêu thụ mặt hàng này lớn nhất thế giới – đến quý I/2021 mới có thể trở lại mức bình thường.
Philippines hủy kế hoạch nhập khẩu 300.000 tấn gạo
Tổng công ty Thương mại quốc tế (PITC) - thuộc Bộ Công nghiệp và Thương mại Philippines, sau khi thảo luận với Bộ Nông nghiệp nước này, đã hủy kế hoạch nhập khẩu 300.000 tấn gạo thông qua hình thức G2G (liên Chính phủ). Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và Thương mại nước này, ông Ramon M. Lopez, cho biết, kế hoạch nhập khẩu 300.000 tấn gạo được đưa ra dựa trên những đánh giá tiêu cực về nguồn cung trên thị trường quốc tế, sau khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh mẽ khiến một số nước xuất khẩu gạo lớn cách đây một thời gian đã kiềm chế xuất khẩu gạo để đảm bảo an ninh lương thực trong nước. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, xuất khẩu gạo từ các nước đó đã trở lại bình thường, và nguồn cung gạo trong nước của Philippines ở thời điểm này cũng đã được đảm bảo.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng nay 27/6