Dầu giảm 3% do số người nhiễm virus và sản lượng của Libya đều tăng
Giá dầu giảm hơn 3% trong phiên giao dịch đầu tuần, tiếp tục đà đi xuống của tuần trước, khi số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tiếp tục tăng ở Mỹ và Châu Âu, trong khi sản lượng dầu thô của Libya tiếp tục phục hồi, làm gia tăng lo ngại về tình trạng dư cung.
Mỹ thông báo số ca mới nhiễm virus trong hai ngày thứ Sáu và Bảy vừa qua ở mức cao nhất từ trước tới nay, trong khi số ca nhiễm mới ở Pháp trong ngày thứ Bảy cũng cao kỷ lục, hơn 50.000 người. Italy và Tây Ban Nha đã tái áp dụng các biện pháp hạn chế đi lại để ngăn chặn sự lây lan của virus.
Kết thúc phiên này, dầu Brent giảm 1,31 USD (3,1%) xuống 40,46 USD/thùng, dầu Tây Texas Mỹ (WTI) giảm 1,29 USD (3,2%) xuống 38,56 USD/thùng.
Vàng đi ngang
Giá vàng ít thay đổi trong phiên vừa qua so với phiên trước đó, giữa bối cảnh các nhà đầu tư lo ngại về việc số ca nhiễm virus Covid-19 gia tăng và cuộc chạy đua vì chiếc ghế Tổng thống Mỹ đẩy USD mạnh lên.
Phiên này, giá vàng giao ngay nhích nhẹ 0,1% lên 1.904,6 USD/ounce, trong khi vàng kỳ hạn tháng 12/2020 vững ở 1.905,7 USD/ounce.
Chiến lược gia Phillip Streible của Blue Line Futures (ở Chicago) cho biết: "Vàng đã bị mắc kẹt trong khoảng từ 1.930 USD - 1.880 USD. Kim loại này đang chờ đợi có thêm những thông tin tích cực từ cuộc bầu cử cũng như về tình hình Covid-19"
Tâm lý chung của nhà đầu tư nhìn chung vẫn lạc quan, nhưng mối quan ngại ngày thêm lớn dần. Chủ tịch Hạ viện Mỹ, Nancy Pelosi, ngày 25/10 cho biết, chính quyền Tổng thống Donald Trump đang xem xét kế hoạch mới nhất về gói kích thích kinh tế chống Covid-19.
Đồng giảm 3 phiên liên tiếp
Giá đồng tiếp tục giảm sang phiên thứ 3 liên tiếp và chạm mức thấp nhất trong gần một tuần khi các nhà đầu tư bán chốt lời bởi lo ngại về số ca nhiễm Covid-19 gia tăng và gói kích thích kinh tế của Mỹ vẫn bị trì hoãn.
Mặc dù đang chịu áp lực giảm, các nhà đầu tư đồng vẫn theo dõi sát sao thị trường tài chính toàn cầu, nhất là kế hoạch kinh tế 5 năm tới của Trung Quốc.
Kết thúc phiên giao dịch, giá đồng kỳ hạn giao sau 3 tháng trên sàn London giảm 1,3% xuống còn 6.780 USD/tấn, đầu phiên có lúc xuống 6.758,50 USD, mức thấp nhất kể từ 20/10.
Quặng sắt thấp nhất 4 tuần
Giá quặng sắt trên thị trường Trung Quốc giảm xuống mức thấp nhất 4 tuần trong phiên giao dịch vừa qua do lượng lưu kho tại các cảng biển Trung Quốc tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 2/2020 và lo ngại triển vọng nhu cầu trong tương lai sẽ không khả quan.
Kết thúc phiên, quặng kỳ hạn tháng 1/2021 trên sàn Đại Liên giảm 3,3% xuống 760 CNY (113,72 USD)/tấn. Lúc đầu phiên, giá giảm 3,8% xuống mức thấp nhất kể từ 25/9.
Giá quặng sắt trên sàn Singapore (kỳ hạn tháng 11/2020) cũng giảm 1,3% xuống 111,6 USD/tấn, thấp nhất kể từ 29/9.
Lượng quặng sắt nhập khẩu đang lưu tại các cảng biển Trung Quốc đã tăng tuần thứ 5 liên tiếp, lên 127,8 triệu tấn tính đến 23/10.
Sản lượng thép Trung Quốc đang có xu hướng tăng chậm lại.
Đường đi lên
Giá đường thô phiên vừa qua tăng nhẹ do thị trường chú ý tới chính sách xuất khẩu của Ấn Độ. Cụ thể, hợp đồng đường thô kỳ hạn tháng 3/2020 tăng 0,05 US cent (0,3%) lên 14,77 US cent/lb. Đường trắng cũng đi lên, với hợp đồng kỳ hạn tháng 12 tăng 1 USD (0,3%) lên 396,6 USD/tấn.
Về thông tin Ấn Độ thông báo sẽ trợ cấp xuất khẩu đường trong vụ 2020/21, một số phân tích cho rằng khó khăn về tài chính do dịch Covid-19 có thể hạn chế mức hỗ trợ này.
"Chúng tôi vẫn cho rằng, Chính phủ Ấn Độ trong khoảng 2 sẽ công bố lượng xuất khẩu khoảng 5-6 triệu tấn với mức trợ cấp xuất khẩu thấp hơn nhiều so với năm ngoái", nhà phân tích Robin Shaw của Marex Spectron cho biết. Ấn Độ cũng đang chú ý hơn tới khả năng sử dụng mía để sản xuất ethanol.
Cà phê tăng
Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 12 tăng 1,05 US cent (1%) lên 1,0665 USD/lb, trong khi robusta giao tháng 1/2021 tăng 8 USD (0,6%) lên 1.313 USD/tấn.
Thời tiết ở Brazil đã có mưa, giúp cải thiện độ ẩm của đất và có thể giúp các nông trường cà phê hồi phục, chuẩn bị cho một vụ mùa mới.
Đậu tương cao nhất 4 năm
Giá đậu tương Mỹ đã tăng phiên thứ 6 liên tiếp, lên mức cao nhất trong vòng hơn 4 năm do nhu cầu mạnh từ phía Trung Quốc.
Trên sàn Chicago, giá đậu tương đã tăng 4 US cent lên 10,87-3/4 USD/bushel vào cuối phiên, sau khi có thời điểm đạt 10,89-3/4 USD/bushel, mức cao nhất kể từ tháng 7/2016.
Các thương nhân đang theo dõi sát nhu cầu của Trung Quốc vì nước nhập khẩu đậu tương hàng đầu thế giới này gần đây đã tăng cường mua các sản phẩm nông nghiệp của Mỹ. Bộ Nông nghiệp Mỹ xác nhận đã có hợp đồng bán 120.700 tấn đậu tương Mỹ cho khách hàng không xác định và 135.000 tấn khô đậu tương cho Philippines.
Tuy nhiên, thời tiết ở Brazil đã có mưa, giúp giảm khô hạn và làm hạn chế đà tăng giá của đậu tương.
Cao su tiếp tục đi lên bởi kỳ vọng vào nhu cầu của Trung Quốc
Giá cao su trên thị trường Nhật Bản phiên vừa qua tăng mạnh nhất trong vòng 12 năm do hy vọng nhu cầu của Trung Quốc sẽ mạnh lên khi nền kinh tế tiếp tục hồi phục sau đại dịch.
Trên sàn Osaka, cao su kỳ hạn tháng 3/2021 tăng 18,3 JPY (7,9%) lên 250,4 JPY (2,39 USD)/kg – cao nhất kể từ đầu năm 2017. Trên sàn Thượng Hải, giá cũng tăng, với kỳ hạn tháng 1/2021 tăng 3,3% lên 15.350 CNY/tấn.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng 27/10