Dầu tăng khoảng 2%
Thị trường dầu mỏ vừa trải qua một phiên giao dịch đầy biến động khi xuất hiện một số dấu hiệu cho thấy nền kinh tế Mỹ đang dần cản thiện và nhu cầu nhiên liệu hồi phục, song đà tăng nhiên liệu bị hạn chế bởi số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tăng trở lại ở một số tiểu bang của Mỹ.
Kết thúc phiên giao dịch, giá dần Brent tăng 74 US cent (1,7%) lên 41,05 USD/thùng; dầu Tây Texas Mỹ (WTI) tăng 71 US cent (1,9%) lên 38,72 USD/thùng.
Giao thông đường bộ ở một số thành phố lớn trên thế giới trong tháng 6 đã trở lại mức như năm 2019, theo dữ liệu Reuters trích dẫn từ Công ty công nghệ định vị TomTom.
Lúc đầu phiên, giá dầu giảm, nhưng sau đó hồi phục trở lại sau khi dữ liệu cho thấy số người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần qua giảm, và đơn đặt hàng trong tháng 5/2020 cũng tăng lên. Mặc dù vậy, GDP Mỹ trong quý II/2020 vẫn được nhận định có thể giảm 40% so với cùng quý năm trước.
Vàng vững do lo ngại về sự lây nhiễm Covid-19
Giá vàng trong phiên vừa qua ít biến động do nhà đầu tư giữ thái độ chờ đợi xem tình hình lây nhiễm virus corona sẽ như thế nào.
Cuối phiên giao dịch, giá vàng giao ngay trên sàn London vững ở 1.762,11 USD/ounce, vàng kỳ hạn tháng 8/2020 trên sàn New York giảm nhẹ 0,3% xuống 1.770,60 USD/ounce.
David Meger, Giám đốc mảng giao dịch kim loại thuộc High Ridge Futures, cho biết: "Thị trường đang theo dõi làn sóng lây nhiễm virus corona lần 2 trên thế giới để đánh giá mức độ tác động như thế nào tới mỗi khu vực kinh tế" và "Thị trường (vàng) có vẻ vẫn tiếp tục được hỗ trợ khi làn sóng Covid-19 thứ 2 đang lan khắp nơi gây lo ngại về triển vọng hồi phục kinh tế - điều luôn khiến nhu cầu đối với những tài sản an toàn như vàng gia tăng".
Tuy nhiên, xu hướng tăng giá vàng đã bị cản trở bởi nhà đầu tư đang tìm tới đồng bạc xanh. Chỉ số dollar index đã tăng 0,2% trong phiên vừa qua.
Đồng tăng vì lo ngại về nguồn cung
Giá đồng tăng trong phiên giao dịch vừa qua mặc dù thị trường có xu hướng chuyển sang những tài sản an toàn. Lý do giá tăng bởi lo ngại về việc các mỏ đồng ở Chile tạm dừng hoạt động gây thiếu hụt nguồn cung.
Giá đồng kỳ hạn giao sau 3 tháng trên sàn London tăng 0,4% lên 5.887,50 USD/tấn. Mức giá này cao hơn khoảng 35% so với thời điểm giá thấp nhất 45 tháng ở ngày 23/3.
Cao su ít biến động
Giá cao su trên sàn Tokyo (TOCOM) gần như không thay đổi trong phiên giao dịch vừa qua, sau khi số ca nhiễm virus corona trên thế giới tăng lên và Quỹ Tiền tệ Quốc tế hạ triển vọng kinh tế toàn cầu.
Kết thúc phiên giao dịch, cao su kỳ hạn tháng 12/2020 ở mức 157,4 JPY (1,47 USD)/kg, giảm 0,1 JPY so với phiên trước đó. Cao su kỳ hạn giao sau 1 tháng trên sàn Singapore (SICOM), kỳ hạn giao tháng 7, giảm nhẹ 0,4% xuống 113,6 U.S. cent/kg. Thị trường Trung Quốc đóng cửa nghỉ lễ.
Ngô thấp nhất 6 tuần, đậu tương cũng giảm do thời tiết ở Mỹ thuận lợi
Giá ngô các kỳ hạn giao sau trên sàn Chicago giảm xuống mức thấp nhất 6 tuần trong phiên giao dịch vừa qua, trông khi đậu tương giảm phiên thứ 4 liên tiếp bởi dự báo sản lượng ở khu vực Trung Tây nước Mỹ năm nay sẽ bội thu nhờ mưa thuận lợi. Đồng USD mạnh lên cũng góp phần gây áp lực giảm giá nông sản Mỹ - tính bằng USD.
Kết thúc phiên giao dịch, ngô kỳ hạn tháng 7 giảm 7 US cent xuống 3,17-1/4 USD/bushel, mức thấp nhất trong vòng gần 2 tháng; đậu tương giao cùng kỳ hạn cũng giảm 1-1/2 US cent xuống 8,69-1/4 USD/bushel, riêng lúa mì đỏ mềm vụ Đông cũng giao tháng 7 tăng 5-1/2 US cent lên 4,86-3/4 USD/bushel.
Kết quả thăm dò của Reuters cho thấy nông dân Mỹ có xu hướng chuyển đổi chút ít diện tích ngô sang trồng đậu tương.
Đường thô nhích tăng theo dầu mỏ
Giá đường thô kỳ hạn giao tháng 7 tăng 0,06 US cent (0,5%) lúc kết thúc phiên giao dịch vừa qua, lên 11,81 US cent/lb, sau khi có thời điểm xuống thấp chỉ 11,65 US cent. Tuy nhiên, đường trắng kỳ hạn tháng 8/2020 giảm 0,1 USD xuống 356.6 USD/tấn.
Sản lượng đường của Ấn Độ trong năm marketing 2020/21 có thể tăng 12% so với năm trước, lên 30,5 triệu tấn (năm trước đạt 27,2 triệu tấn). Do đó, xuất khẩu đường dự báo cũng sẽ tăng lên, có thể gây áp lực lên giá đường thế giới – vốn đã chịu sức ép vì sản lượng của Brazil tăng.
Brazil và Australia đang trong vụ ép mía. Do tiêu thụ đường thế giới năm 2019/20 dự báo giảm do Covid-19, Rabobank giữ nguyên dự báo kém lạc quan về triển vọng thị trường đường trong ngắn hạn – cho rằng giá đường thô trong quý III/2020 sẽ ở mức 10,5 US cent/lb.
Cà phê giảm
Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 9/2020 giảm 2 US cent (2%) xuống 95,8 US cent/lb do các yếu tố cơ bản cho thấy nhu cầu yếu và sản lượng có thể đạt cao – sẽ tiếp tục gây áp lực lên giá. Robusta giao cùng kỳ hạn cũng giảm 22 US (1,9%) xuống 1.154 USD/tấn.
Ở Châu Á, giá cà phê Việt Nam tăng do nguồn cung khan hiếm, trong khi lượng tồn trữ ở Indonesia tiếp tục nhiều lên.
Người trồng cà phê ở Tây Nguyên chào bán cà phê nhân xô giá 32.000 đồng (1,38 USD)/kg, cao hơn mức 31.300-31.700 đồng cách đây một tuần. Với mức giá này, hầu hết người trồng cà phê lưỡng lự không muốn bán ra vì chi phí sản xuất đã 33.000 đồng cho mỗi kg.
Tuy nhiên, người mua (các thương gia) cho rằng với tình hình nhu cầu hiện tại thì giá đó là quá cao để đem lại lợi nhuận cho hộ. Nhìn chung các thương gia trong ngành cho biết chưa thấy có yếu tố nào sẽ tác động tới thị trường trong ngắn hạn, và giá sẽ vẫn khoảng 30.600 đồng – 32.000 đồng/kg trong tháng tới.
Trong khi đó, mức cộng cà phê robusta xuất khẩu loại 2 (5% đen và vỡ) của Việt Nam hiện là 240 USD/tấn (so với hợp đồng kỳ hạn tháng 9 trên sàn London – ngày 24/6 là 1.176 USD/tấn), giảm so với mức cộng 250 – 260 USD/tấn cách đây một tuần.
Mức cộng cà phê Lamphung (Indonesia) tuần này không thay đổi so với tuần trước mặc dù nguồn cung tăng. Mức cộng này hiện là 340 USD/tấn (so với hợp đồng kỳ hạn tháng 9 trên sàn London).
Gạo Ấn Độ và Thái Lan tăng, gạo Việt Nam giảm
Giá gạo Ấn Độ tuần này tăng khi một số khách hàng Châu Phi tăng cường nhập khẩu bởi lo ngại số ca nhiễm virus corona đang tăng lên. Gạo Thái Lan cũng tăng giá do baht mạnh lên so với USD. Riêng gạo Việt Nam tuần này giảm giá vì nhu cầu mua chậm lại bởi các thương gia lo ngại chất lượng gạo vụ này có thể thấp do có mưa vào giai đoạn thu hoạch.
Gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ hiện giá 373 – 378 USD/tấn, tăng so với 366 – 372 USD/tấn của tuần trước. Trong khi đó, gạo 5% tấm của Thái Lan giá hiện ở mức 514-520 USD/tấn, so với 505-525 USD/tấn cách đây một tuần; còn gạo cùng loại của Việt Nam giá giảm xuống 405 – 450 USD/tấn, từ mức 450 USD/tấn cách đây một tuần.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng nay 26/6