Dầu giảm do kế hoạch tăng sản lượng của Libya
Giá dầu giảm trong ngày hôm qua bởi lo ngại về số ca nhiễm virus corona trên toàn cầu đang tăng và kế hoạch tăng sản lượng của Libya, nhưng đà giảm hạn chế do hy vọng về gói kích thích tài chính của Mỹ.
Các nhà phân tích cũng tập trung vào cuộc họp của ủy ban giám sát cấp bộ trưởng OPEC trong ngày 19/10. Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak cho biết ủy ban khuyến nghị tuân thủ hoàn toàn thỏa thuận của tổ chức này để giảm sản lượng dầu mỏ.
Chốt phiên 19/10, dầu thô Brent giảm 31 US cent xuống 42,62 USD/thùng, dầu WTI giảm 5 US cent xuống 40,83 USD/thùng.
Saudi Arabia, thành viên lớn nhất của tổ chức OPEC cho biết không ai nên nghi ngờ cam kết hỗ trợ của tổ chức này, trong khi 3 nguồn tin từ các nước sản xuất cho biết kế hoạch tăng sản lượng từ tháng 1/2020 có thể bị đảo ngược nếu cần thiết.
Tổ chức OPEC đang hạn chế sản lượng 7,7 triệu thùng/ngày, giảm từ mức cắt giảm tổng cộng 9,7 triệu thùng/ngày và dự kiến giảm mức cắt giảm thêm 2 triệu thùng/ngày trong tháng 1/2020.
Gây sức ép lên giá dầu, Libya đã tăng sản lượng đáng kể sau khi lực lượng miền đông bỏ phong tỏa trong tháng 9. Mỏ dầu Abu Attifel công suất 70.000 thùng/ngày được dự kiến bắt đầu khởi động lại vào ngày 24/10 sau khi đóng cửa trong nhiều tháng.
Trong khi đó số ca nhiễm virus corona trên toàn cầu đã vượt 40 triệu, nhiều chính phủ Châu Âu đang thắt chặt phong tỏa để hạn chế sự lây lan của virus, đây là một lo ngại mới cho giá dầu.
Ngân hàng Mỹ dự kiến giá dầu Brent và WTI sẽ đạt trung bình lần lượt 44 USD và 40 USD/thùng trong năm 2020, 50 USD và 47 USD/thùng trong năm 2021.
Vàng tăng do USD giảm giá
Giá vàng tăng do USD thoái lui và dự đoán một thỏa thuận kích thích kinh tế của Mỹ trước cuộc bầu cử tổng thống vào ngày 3/11 đã củng cố nhu cầu đối với vàng như một biện pháp phòng ngừa lạm phát.
Vàng giao ngay tăng 0,4% lên 1.906,36 USD/ounce. Vàng kỳ hạn tháng 12 của Mỹ đóng cửa phiên tăng 0,3% lên 1.911,7 USD/ounce.
USD giảm 0,4% so với rổ tiền tệ khiến vàng rẻ hơn cho người giữ các đồng tiền khác.
Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi cho biết tuy vẫn còn những khác biệt với chính quyền Tổng thống Donald Trump về gói cứu trợ virus corona trên diện rộng nhưng bà lạc quan rằng dự luật có thể được thông qua trước ngày bầu cử.
Vàng đã tăng hơn 25% từ đầu năm tới nay do các nhà đầu tư tìm kiếm nơi trú ẩn an toàn do đại dịch, nguy cơ lạm phát và đồng tiền mất giá khi các ngân hàng trung ương toàn cầu giảm lãi suất và tung ra các gói kích thích chưa từng có.
Nickel cao nhất 11 tháng do dự đoán nhu cầu mạnh
Giá nickel cao nhất 11 tháng trong phiên đầu tuần do dự đoán nhu cầu mạnh từ các nhà máy thép không gỉ, trong khi các kim loại công nghiệp được hỗ trợ bởi đồng USD giảm giá và tăng trưởng mạnh từ nước tiêu thụ hàng đầu, Trung Quốc.
Giá nickel giao sau 3 tháng trên sàn giao dịch kim loại London đóng cửa tăng 0,2% lên 15.685 USD/tấn trước đó giá đã đạt 15.815 USD, cao nhất kể từ tháng 11/2019.
Nhà phân tích Jim Lennon tại Macquarie cho biết ít ai dự đoán được sự phục hồi đáng kể trong sản xuất thép không gỉ của Trung Quốc và Indonesia, đặc biệt loại nickel 300.
Giá nickel cao cũng do việc trì hoãn kế hoạch mở rộng sản xuất ở Indonesia cho đến năm tới.
Nhu cầu nickel trên toàn cầu dự đoán ở mức 2,52 triệu tấn trong năm 2021 từ mức 2,32 triệu tấn trong năm nay, theo Tổ chức nghiên cứu nickel thế giới (INSG). Họ dự đoán dư thừa 117.00 tấn nickel trong năm nay và dư 68.000 tấn trong năm tới.
Các kim loại cơ bản được hỗ trợ bởi GDP của Trung Quốc tăng 4,9% trong quý 3, thấp hơn mức dự đoán nhưng cao hơn mức 3,2% trong quý 2. Sản xuất công nghiệp, yếu tố quan trọng cho nhu cầu kim loại trong tháng 9 tăng 6,9% so với cùng tháng năm trước từ mức 5,6% trong tháng 8.
Quặng sắt thấp nhất 3 tuần
Giá quặng sắt trên sàn Đại Liên giảm xuống mức thấp nhất trong 3 tuần do tồn kho ở các cảng của Trung Quốc ngày càng tăng và triển vọng ảm đạm về nhu cầu thép trong nước khi mùa đông.
Hợp đồng quặng sắt giao tháng 1/2021 trên sàn giao dịch kỳ hạn Đại Liên giảm khoảng 1,9% xuống 769,5 CNY (114,86 USD)/tấn, thấp nhất kể từ ngày 29/9, trước khi đóng cửa giảm 0,4% xuống 781 CNY/tấn.
Hợp đồng quặng sắt trên sàn giao dịch Singapore ban đầu giảm giá nhưng đóng cửa tăng 0,2% lên 115,14 USD/tấn.
Quặng sắt đã nhập khẩu chứa ở các cảng của Trung Quốc tăng lên mức cao mới trong 7 tháng tại 124,5 triệu tấn trong tuần trước, theo công ty tư vấn SteelHome.
Trong bối cảnh dự trữ nguyên liệu thô để sản xuất thép ngày càng tăng ở Trung Quốc, nhu cầu sản phẩm thép nội địa sẽ suy yếu trong mùa đông này, khi hoạt động xây dựng chậm lại.
Triển vọng u ám với nhu cầu thép, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong quý 3 không như dự kiến, cho thấy thách thức với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này và là nước tiêu thụ thép hàng đầu thế giới.
Sản thượng thép thô của Trung Quốc trong tháng 9 tăng 10,9% so với tháng 9/2019, đạt 92,56 triệu tấn.
Thép thanh dùng trong xây dựng trên sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải đóng cửa giảm 0,1%, trong khi thép cuộn cán nóng tăng 0,6% . Thép không gỉ tăng 0,8%.
Cao su Nhật Bản lên mức cao nhất 9 tháng
Giá cao su Nhật Bản đạt mức cao nhất trong hơn 9 tháng do lo sợ gián đoạn nguồn cung tại nước sản xuất hàng đầu thế giới, Thái Lan bởi bất ổn về chính trị, trong khi hy vọng về nhu cầu phục hồi ổn định tại Trung Quốc thúc đẩy việc mua mới.
Hợp đồng cao su giao tháng 3/2021 trên sàn giao dịch Osaka (OSE) đóng cửa tăng 3,5 JPY hay 1,7% lên 204,1 JPY (1,94 USD)/kg. Trong đầu phiên giao dịch giá đã lên mức cao nhất kể từ ngày 17/1 tại 208 JPY.
Hợp đồng cao su giao tháng 1/2021 trên sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải tăng 515 CNY lên 14.075 CNY (2.105 USD)/tấn, tiếp tục tăng phiên thứ 7 liên tiếp. Giá đã chạm mức cao nhất kể từ tháng 1/2018 tại 14.370 CNY/tấn trong đầu phiên.
Trong ngày cuối tuần hàng nghìn người biểu tình chống chính phủ đã chiếm các giao lộ quan trọng tại Bangkok, bất chấp lệnh cấm biểu tình.
Đường thô cao nhất 7,5 tháng
Đường thô kỳ hạn tháng 3/2021 đóng cửa tăng 0,29 US cent hay 2% lên 14,72 US cent/lb, giá cao nhất kể từ ngày 26/2.
Thị trường được hỗ trợ bởi Ấn Độ không có thông báo về trợ cấp xuất khẩu cho niên vụ 2020/21. Ấn Độ đã xuất khẩu kỷ lục 5,84 triệu tấn đường trong niên vụ 2019/20, mức trợ cấp xuất khẩu tương đương 6 tới 7 US cent/lb.
Ấn Độ cần xuất khẩu 6 triệu tấn đường trong năm 2020/21 bắt đầu từ 1/10 do sản lượng có thể tăng bởi diện tích trồng trọt tăng lên.
Đường trắng kỳ hạn tháng 12 đóng cửa tăng 7,2 USD hay 1,8% lên 403,2 USD/tấn.
Cà phê trái chiều
Cà phê arabica kỳ hạn tháng 12 đóng cửa giảm 1,2 US cent hay 1,1% xuống 1,0605 USD/lb, mức thấp nhất kể từ ngày 2/10.
Nhu cầu cà phê arabica vẫn hạn chế do việc chậm mở cửa lại các quán cà phê và nhà hàng, trong khi doanh số từ Brazil vẫn lớn do đồng real yếu và giá từ Trung Mỹ đang tăng.
Cà phê robusta kỳ hạn tháng 1/2021 tăng 8 USD hay 0,6% lên 1.305 USD/tấn.
Lúa mì Mỹ cao nhất kể từ tháng 12/2014
Giá lúa mì mềm đỏ mùa đông trên sàn giao dịch Chicago (CBOT) tăng lên mức cao nhất trong gần 6 do lo ngại về tình trạng khô hạn khắp các khu vực trồng trọt trên toàn cầu. Nhưng đà tăng bị hạn chế do giá tăng 8,6% từ đầu tháng tới nay.
Ngô và lúa mì tăng do dự đoán xuất khẩu tăng, làm giảm áp lực từ vụ thu hoạch của Mỹ đang diễn ra.
Lúa mỳ giao tháng 12 trên sàn giao dịch CBOT đóng cửa tăng 1-3/4 US cent lên 6,27 USD/bushel.
Giá ngô kỳ hạn tháng 12 tăng 3-1/4 US cent lên 4,05-1/4 USD và đậu tương kỳ hạn tháng 11 tăng 4-1/4 US cent lên 10,54 USD.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 20/10