Thị trường ngày 19/9: Giá dầu, vàng biến động nhẹ; đậu tương và đồng tăng mạnh

Minh Quân | 19-09-2020 - 08:56 AM

(Tổ Quốc) - Phiên cuối tuần, giá hầu hết các mặt hàng đều đi lên. Tính chung cả tuần, giá dầu, đường, cao su, ngũ cốc đều tăng mạnh.

Dầu tương đối vững trước các yếu tố trái chiều

Giá dầu trong phiên cuối tuần chỉ biến động nhẹ trong bối cảnh một chỉ huy của lực lượng tự xưng Quân đội Libya cho biết sẽ dỡ bỏ lệnh phong tỏa xuất khẩu dầu trong vòng một tháng – yếu tố có thể đẩy tăng nguồn cung dầu thô thế giới và làm giảm tác động tích cực từ việc OPEC sẽ thúc ép các thành viên thực hiện nghiêm túc cam kết cắt giảm sản lượng.

Kết thúc phiên này, dầu Brent giảm nhẹ 15 US cent xuống 43,15 USD/thùng, dầu Tây Texas Mỹ (WTI) tăng 14 US cent lên 41,11 USD/thùng.

Tại Libya, ngày 18/9, Tướng Khalifa Haftar khẳng định lực lượng tự xưng Quân đội Quốc gia Libya (LNA) hậu thuẫn chính quyền ở miền Đông đã quyết định nối lại việc khai thác và xuất khẩu dầu mỏ với điều kiện doanh thu phải được chia công bằng cũng như đảm bảo nguồn tiền này sẽ không được dùng để hỗ trợ khủng bố. Lệnh phong tỏa dầu mà Libya đang áp dụng đã khiến sản lượng dầu của nước này giảm xuống chỉ còn hơn 100.000 thùng/ngày, từ mức 1,2 triệu thùng/ngày trước đó. Hiện chưa rõ Libya có thể tăng sản lượng nhanh đến mức độ nào.

Mặc dù giảm trong phiên cuối tuần, nhưng tính chung cả tuần, giá dầu vẫn tăng do bão Sally ở Vịnh Mỹ tuần qua, một số ngân hàng trong đó có Goldman Sachs dự báo thị trường dầu sẽ thiếu cung, và OPEC cho biết sẽ thúc giục các nước thành viên của nhóm thực hiện tốt hơn thỏa thuận cắt giảm sản lượng và xuất khẩu, trong bối cảnh giá dầu gần đây giảm.

Tính chung cả tuần, dầu Brent tăng 8,3%, trong khi dầu WTI tăng 10,1%.

Vàng tăng do USD yếu đi

Giá vàng tăng trong phiên cuối tuần, tính chung cả tuần cũng đi lên tuần thứ 2 liên tiếp, do đồng USD yếu đi và lo ngại về triển vọng kinh tế thế giới hồi phục khó khăn do Covid-19.

Kết thúc phiên giao dịch, giá vàng giao ngay tăng 0,6% lên 1.953,72 USD/ounce, tính chung cả tuần giá tăng nhẹ 0,6%; vàng kỳ hạn tháng 12/2020 tăng 0,6% trong phiên này, lên 1.962,10 USD/ounce.

Chỉ số đồng USD so với rổ các tiền tệ đối tác chủ chốt đã giảm 0,1% trong phiên vừa qua.

Các nhà kinh doanh vàng nhận định, các yếu tố lúc này đều có lợi cho giá vàng tăng. Đó là các ngân hàng trung ương trên thế giới, nhất là Mỹ, đều tiếp tục tăng cường kích thích kinh tế; dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp…

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tuần này đã quyết định sẽ duy trì lãi suất gần 0% trong một thời gian dài và đang xem xét gói trợ cấp trị giá 1,5 nghìn tỷ USD.

Đồng lập ‘đỉnh’ 2 năm

Giá đồng chạm mức cao nhất trong vòng 2 năm do các nhà đầu cơ mua mạnh bởi đồng USD yếu đi và kinh tế Trung Quốc – nước tiêu dùng kim loại hàng đầu thế giới – hồi phục mạnh.

Trong phiên giao dịch, đồng kỳ hạn giao sau 3 tháng trên sàn London có thời điểm đạt 6.850 USD/tấn, mức cao nhất kể từ tháng 6/2018, trước khi kết thúc ở 6.837 USD, tăng 0,8% so với lúc đóng cửa phiên liền trước.

Giá đồng đã đi lên 6 tuần liên tiếp, và tăng 55% kể từ sau khi giảm xuống mức thấp nhất 45 tháng vào tháng 3/2020.

Sản lượng công nghiệp của Trung Quốc tháng 8/2020 tăng mạnh nhất trong vòng 8 tháng, trong khi OECD nâng dự báo về triển vọng kinh tế Trung Quốc trong năm nay.

Quặng sắt hồi phục vì lượng quặng lưu tại cảng Trung Quốc tăng chậm lại

Giá quặng sắt kỳ hạn trên thị trường Trung Quốc đảo chiều đi lên sau khi số liệu cho thấy lượng quặng lưu tại các cảng biển Trung Quốc tăng chậm lại trong tuần này.

Trên sàn Đại Liên, quặng giao tháng 1/2021 kết thúc tuần tăng 1,6% lên 803 CNY (118,90 USD)/tấn. Tuy nhiên, tính chung cả tuần giá vẫn giảm 3,6% - mức giảm mạnh nhất trong gần 7 tháng, do đã giảm liên tiếp ở 3 phiên cuối tuần.

Trên sàn Singapore, quặng sắt phiên cuối tuần tăng 2,5% lên 120,66 USD/tấn, và tính chung cả tuần cũng giảm giảm 4,5%.

Tuần này, giá quặng sắt tại Trung Quốc – nước chiếm hơn một nửa sản lượng thép của thế giới – có thời điểm đã chạm mức thấp nhất trong nhiều tuần do lượng quặng lưu tại các kho chứa hàng của các cảng biển Trung Quốc tăng khoảng 10% kể từ tháng 6 - khi chạm mức thấp nhất trong hơn ba năm. Tuy nhiên, lượng quặng lưu kho nói trên tại 45 cảng lớn của Trung Quốc tính đến ngày 17/9 vẫn ổn định ở 114,9 triệu tấn, chỉ cao hơn 0,3% so với mức 363.000 tấn của tuần trước đó.

Thị trường ngày 19/9: Giá dầu, vàng biến động nhẹ; đậu tương và đồng tăng mạnh - Ảnh 1.

Thép tăng

Giá thép tại Trung Quốc cũng tăng trong phiên vừa qua, với hợp đồng thép cây kỳ hạn tháng 1/2021 trên sàn Thượng Hải tăng 23 CNY (khoảng 3,4 USD) lên 3.603 CNY/tấn; thép cuộn cán nóng giao cùng kỳ hạn cũng tăng 36 CNY lên 3.723 CNY/tấn.

Đậu tương, lúa mì và ngô đồng loạt tăng

Giá đậu tương trên sàn Chicago phiên cuối tuần tiếp tục tăng, đạt mức cao nhất 2 năm do nhu cầu mạnh từ Trung Quốc. Trong khi đó, giá lúa mì cũng tăng 3% do lo ngại nguồn cung của các nước sản xuất chủ chốt bị thắt chặt, còn giá ngô tăng phiên thứ 3 liên tiếp.

Cụ thể, giá đậu tương kỳ hạn tháng 11 tăng 5 US cent lên 10,43-1/2 USD/bushel vào lúc đóng cửa, sau khi có thời điểm đạt 10,46-3/4 USD, mức cao nhất kể từ tháng 5/2018; lúa mì kỳ hạn tháng 12 tăng 18-3/4 US cent lên 5,75 USD/bushel vào cuối phiên, sau khi có thời điểm đạt 5,78 USD - cao nhất kể từ ngày 21/2; ngô giao cùng kỳ hạn cũng tăng 3-1/4 US cent lên 3,78-1/2 USD/bushel.

Như vậy, giá đậu tương đã tăng suốt 17/19 phiên giao dịch gần đây nhờ việc Trung Quốc mua mạnh.

Lúa mạch Ukraina tăng 20% do nhu cầu từ Trung Quốc

Nhu cầu mạnh từ khách hàng Trung Quốc đã đẩy giá lúa mạch Ukraina niên vụ 2020/21 tăng cao.

Ukraina là nước sản xuất lúa mạch truyền thống, và Saudi Arabia là khách hàng truyền thống chủ chốt của thị trường này. Tuy nhiên, năm nay Trung Quốc đã trở thành khách hàng chủ chốt, với lượng nhập khẩu chỉ riêng trong tháng 7-8 đã tăng 97% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đó là lý do khiến giá lúa mạch xuất khẩu của Ukraina tăng 20% trong mùa này, đạt 177-189 USD/tấn, CPT Biển Đen (tính đến ngày 18/9).

Cà phê arabica giảm

Giá cà phê arabica kỳ hạn tương lai giảm phiên thứ 5 liên tiếp do các quỹ hàng hóa bán mạnh sau khi dự báo sẽ có mưa ở Brazil – giúp cây cà phê sinh trưởng tốt.

Kết thúc phiên giao dịch vừa qua, cà phê arabica kỳ hạn tháng 12/2020 giảm 4,5 US cent (3,8%) xuống 1,135 USD/lb, mức thấp nhất trong vòng một tháng rưỡi. Cà phê robusta phiên này cũng giảm, với hợp đồng kỳ hạn tháng 11 giảm 31 USD (2,2%) xuống 1.356 USD/tấn.

Tính chung cả tuần, cà phê arabica giảm 14%, trong khi robusta giảm 5,4%.

Hầu hết các khu vực ở Brazil dự kiến sẽ có mưa, chấm dứt nỗi lo về khô hạn (lo ngại về thời tiết khô hạn ở Brazil là lý do chính đẩy giá arabica tăng trong thời gian qua).

Đường tăng

Giá đường tăng trong phiên cuối tuần, theo đó đường thô kỳ hạn tháng 10 tăng 0,15 US cent (1,2%) lên 12,77 US cent/lb, là phiên tăng thứ 4 liên tiếp và là mức giá cao nhất kể từ 1/9. Tính chung cả tuần, đường thô tăng giá được 7,2% do nhu cầu mua mạnh đối với hàng physical. Đường trắng phiên này cũng đi lên, với hợp đồng kỳ hạn tháng 12 tăng 3,3 USD (0,9%) lên 371,50 USD/tấn; tính chung cả tuần tăng gần 4%. Mức chênh lệch giá đường trắng giữa hợp đồng kỳ hạn tháng 12/2020 với kỳ hạn tháng 3/2021 giảm gần đây, cho thấy nhu cầu đang mạnh.

Dầu cọ kết thúc tuần tăng mạnh nhất 5 năm

Giá dầu cọ Malaysia trong phiên cuối tuần tăng hơn 3%, tính chung cả tuần tăng mạnh nhất trong vòng 5 năm, theo xu hướng đi lên của các loại dầu thực vật khác và do nhu cầu mạnh từ khách hàng Trung Quốc trước kỳ nghỉ Tuần lễ Vàng.

Kết thúc phiên này, dầu cọ kỳ hạn tháng 12 trên sàn Bursa (Malaysia) tăng 107 ringgit (3,6%) lên 3.082 ringgit (749,88 USD)/tấn, cao nhất kể từ ngày 13/1. Tính chung cả tuần, giá tăng 9,6% và là tuần tăng mạnh nhất kể từ 25/9/2015.

Trung Quốc – khách hàng mua dầu cọ lớn thứ 2 thế giới sau Ấn Độ - sẽ bước vào kỳ nghỉ lễ kéo dài một tuần, bắt đầu từ 1/10. Do đó, giá dầu đậu tương trên sàn Đại Liên cũng tăng 2,66%, trong khi dầu cọ trên sàn này tăng 2,74% trong cùng phiên cuối tuần.

Cao su tăng 5% trong tuần

Giá cao su tại Nhật Bản tăng lên mức cao nhất hơn 2 tuần trong phiên vừa qua, nối dài chuỗi tăng 5 phiên liên tiếp, do Thủ tướng mới của Nhật Bản cam kết sẽ tiếp tục những chính sách của người tiền nhiệm – gọi là Abenomics, và Ngân hàng Nhật Bản (BOJ) nâng nhẹ dự báo về kinh tế nước này.

Kết thúc phiên cuối tuần, trên sàn Osaka, cao su kỳ hạn tháng 2/2021 tăng 0,7 JPY (0,4%) lên 186 JPY/kg, cao nhất kể từ 2/9. Tính chung cả tuần, hợp đồng này tăng giá 5%, là tuần đầu tiên tăng trong vòng 3 tuần.

Tại Thượng Hải, cũng phiên cuối tuần, hợp đồng kỳ hạn tháng 1/2021 tăng 1% lên 12.550 CNY/tấn.

Gạo tuần này giảm

Giá gạo Châu Á tuần này đồng loạt giảm do nhu cầu yếu.

Tại Ấn Độ, gạo đồ 5% tấm giá ở mức 387-394 USD/tấn trong bối cảnh nhu cầu đối với gạo của Ấn Độ chậm lại bởi những khách hàng chủ chốt trong mấy tuần qua đã dự trữ được đủ khối lượng cần thiết. Tại Thái Lan, gạo 5% tấm giá giảm tuần thứ 3 liên tiếp, xuống 480-504 USD/tấn, từ mức 487 – 510 USD/tấn cách đây một tuần, và dự báo sẽ còn giảm tiếp xuống chỉ 450 USD/tấn vì nhu cầu mấy tuần qua không tăng lên. Tại Việt Nam, gạo 5% tấm giá giảm xuống 485-490 USD/tấn, từ mức 490-495 USD/tấn cách đây một tuần.

Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng 19/9

Thị trường ngày 19/9: Giá dầu, vàng biến động nhẹ; đậu tương và đồng tăng mạnh - Ảnh 2.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM

My First Diamond - Món quà tưởng thưởng cho những bước tiến trong năm 2024

Sau 365 ngày nỗ lực không ngừng nghỉ, đã đến lúc bạn chậm lại một phút, nhìn lại chặng đường đã qua với niềm tự hào và trân trọng. Một món quà trang sức ý nghĩa tự thưởng cho bản thân, không chỉ giúp nâng tầm diện mạo mà còn tiếp thêm sức mạnh tinh thần, cùng bạn viết tiếp những câu chuyện thành công trong năm 2025.