Giá dầu tiếp đà giảm
Giá dầu giảm bởi lo ngại số trường hợp nhiễm Covid-19 tại Mỹ và châu Âu tăng, sẽ khiến nhu cầu tại 2 thị trường tiêu thụ nhiên liệu lớn nhất thế giới giảm.
Chốt phiên giao dịch ngày 16/10, dầu thô Brent giảm 23 US cent xuống 42,93 USD/thùng và dầu thô Tây Texas WTI giảm 8 US cent xuống 40,88 USD/thùng. Tuy nhiên, tính chung cả tuần giá dầu Brent tăng 0,2% và dầu WTI tăng 0,7%.
OPEC , nhóm Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh bao gồm Nga, lo ngại làn sóng đại dịch thứ 2 kéo dài và sản lượng dầu tại Libya tăng có thể thúc đẩy thị trường dư thừa trong năm tới, triển vọng ảm đạm hơn nhiều so với 1 tháng trước đó.
Giá khí tự nhiên giảm trở lại
Giá khí tự nhiên tại Mỹ giảm do sản lượng sau cơn bão Delta tăng, làm lu mờ dự báo thời tiết lạnh hơn, nhu cầu sưởi ấm tăng cao và xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng tăng.
Giá khí tự nhiên kỳ hạn tháng 11/2020 trên sàn New York giảm 0,2 US cent tương đương 0,1% xuống 2,773 USD/mmBTU. Tính chung cả tuần, giá khí tự nhiên giảm 1%, sau khi tăng gần 34% trong 3 tuần trước đó.
Giá vàng giảm nhưng vẫn trên 1.900 USD
Giá vàng giảm và có tuần giảm đầu tiên trong 3 tuần, khi cơ hội về thỏa thuận kích thích của Mỹ trước cuộc bầu cử Tổng thống dần mờ nhạt, làm giảm nhu cầu đối với vàng.
Vàng giao ngay trên sàn LBMA giảm 0,3% xuống 1.901,87 USD/ounce. Tính chung cả tuần, giá vàng giảm 1,4% và vàng kỳ hạn tháng 12/2020 trên sàn New York giảm 0,1% xuống 1.906,4 USD/ounce. Tuy nhiên, tính từ đầu năm đến nay giá vàng tăng 25%, khi vàng được coi là công cụ chống lạm phát hữu hiệu.
Các đảng viên của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa dường như không đồng ý về thỏa thuận kích thích của Mỹ trước ngày bầu cử Tổng thống, ngay cả khi các trường hợp nhiễm virus corona tiếp tục tăng và thị trường lao động hồi phục chậm lại.
Giá nhôm cao nhất 17 tháng
Giá nhôm đạt mức cao nhất 17 tháng, do nhu cầu từ nước tiêu thụ hàng đầu – Trung Quốc – tăng mạnh, kỳ vọng nhu cầu tại những thị trường còn lại trên thế giới tăng và đồng USD giảm đã thúc đẩy hoạt động mua vào.
Giá nhôm trên sàn London tăng 0,7% lên 1.865 USD/tấn, trong đầu phiên giao dịch giá nhôm đạt 1.872,5 USD/tấn, cao nhất kể từ tháng 5/2019.
Nhập khẩu nhôm chưa gia công và sản phẩm nhôm của Trung Quốc trong tháng 8/2020 đạt mức cao nhất hơn 11 năm (429.464 tấn), trong tháng 5/2020 đạt 119.145 tấn. Trong khi tồn trữ nhôm tại Thượng Hải chạm 247.965 tấn so với mức 530.000 tấn trong tháng 3/2020.
Hoạt động sản xuất và các đơn hàng mới trên thế giới ngoài Trung Quốc tăng mạnh, điều này sẽ thúc đẩy nhu cầu nhôm tăng cao.
Giá quặng sắt giảm, thép tăng
Giá quặng sắt tại Trung Quốc giảm và có tuần giảm đầu tiên trong 3 tuần, chịu áp lực bởi tồn trữ tại các cảng của nước sản xuất thép hàng đầu thế giới tăng và triển vọng hồi phục nhu cầu sản phẩm thép toàn cầu suy yếu.
Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 1/2021 trên sàn Đại Liên giảm 0,6% xuống 785,5 CNY (117,05 USD)/tấn, giảm phiên thứ 4 liên tiếp và có tuần giảm 4,6%. Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 11/2020 trên sàn Singapore tăng 0,6% lên 114,8 USD/tấn, sau 4 phiên giảm liên tiếp và có tuần giảm.
Tồn trữ quặng sắt tại các cảng của Trung Quốc tăng lên mức cao nhất 7 tháng (123,6 triệu tấn) trong tuần trước, do nhu cầu thép toàn cầu giảm, công ty tư vấn SteelHome cho biết.
Trên sàn Thượng Hải, giá thép cây tăng 0,8%, giá thép cuộn cán nóng tăng 0,4% và giá thép không gỉ tăng 0,3%.
Giá cao su tăng
Giá cao su trên sàn Osaka tăng và có tuần tăng thứ 2 liên tiếp, do lo ngại nguồn cung thắt chặt và các dấu hiệu nhu cầu tại nước mua hàng đầu – Trung Quốc – hồi phục đã hỗ trợ giá.
Giá cao su kỳ hạn tháng 3/2021 trên sàn Osaka tăng 3,3 JPY tương đương 1,7% lên 200,6 JPY (1,91 USD)/kg. Tính chung cả tuần, giá cao su tăng 3%.
Đồng thời, giá cao su kỳ hạn tháng 1/2021 trên sàn Thượng Hải tăng 450 CNY lên 13.825 CNY (2.064 USD)/tấn, cao nhất kể từ tháng 1/2018.
Ngoài ra, giá cao su tăng được hỗ trợ bởi lo ngại về sản lượng tại Thái Lan và các nước sản xuất khác thuộc khu vực Đông Nam Á giảm, do đại dịch Covid-19 gây tình trạng thiếu hụt lao động và hiện tượng La Nina gây thời tiết bất ổn.
Giá cà phê diễn biến trái chiều giữa hai sàn
Giá cà phê Arabica kỳ hạn tháng 12/2020 trên sàn ICE giảm 2,25 US cent tương đương 2,1% xuống 1,0725 USD/lb.
Trong khi giá cà phê robusta kỳ hạn tháng 11/2020 trên sàn London tăng 9 USD tương đương 0,7% lên 1.273 USD/tấn.
Giá đường tăng
Giá đường tăng do sự không chắc chắn về chính sách xuất khẩu của Ấn Độ và lo ngại nguồn cung trong quý 1/2021 thắt chặt trước khi vụ thu hoạch tại nước sản xuất hàng đầu – Brazil – bắt đầu.
Giá đường thô kỳ hạn tháng 3/2021 trên sàn ICE tăng 0,25 US cent tương đương 1,8% lên 14,43 US cent/lb, đạt mức cao nhất 7,5 tháng trong ngày 12/10/2020.
Đồng thời, giá đường trắng kỳ hạn tháng 12/2020 trên sàn London tăng 7,8 USD tương đương 2,0% lên 396 USD/tấn.
Giá lúa mì cao nhất gần 6 năm, đậu tương và ngô giảm
Giá lúa mì tại Chicago tăng lên mức cao nhất gần 6 năm, do thời tiết khô tại các khu vực trồng trọng điểm trên thế giới thúc đẩy lo ngại nguồn cung.
Trên sàn Chicago, giá lúa mì kỳ hạn tháng 12/2020 tăng 7 US cent lên 6,25-1/4 USD/bushel, trong phiên có lúc đạt 6,3-3/4 USD/bushel, cao nhất kể từ tháng 12/2014. Giá ngô kỳ hạn tháng 12/2020 giảm 1-3/4 US cent xuống 4,02 USD/bushel, trong phiên có lúc đạt 4,09 USD/bushel – cao nhất kể từ tháng 8/2019. Giá đậu tương kỳ hạn tháng 11/2020 giảm 12-1/4 US cent xuống 10,5 USD/bushel, sau khi trong tuần trước đó tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 3/2018.
Giá dầu cọ tăng
Giá dầu cọ tại Malaysia tăng 1% do lo ngại nguồn cung, song có tuần giảm bởi xuất khẩu dầu cọ trong tháng 10/2020 giảm và giá dầu thực vật khác giảm mạnh.
Giá dầu cọ kỳ hạn tháng 1/2021 trên sàn Bursa Malaysia tăng 31 ringgit tương đương 1,08% lên 2.897 ringgit (697,4 USD)/tấn, sau 2 phiên giảm liên tiếp. Tính chung cả tuần, giá dầu cọ giảm 0,7%.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 17/10