Dầu giảm trong bối cảnh OPEC trì hoãn cuộc họp
Giá dầu tiếp tục giảm ngày thứ hai sau khi OPEC và các đồng minh hoãn cuộc họp chính thức để quyết định xem liệu có nâng sản lượng trong tháng 01/2021 hay không.
Chốt phiên 01/12, dầu thô Brent giảm 46 US cent hay 1% xuống 47,42 USD/thùng, trong khi dầu WTI giảm 79 US cent hay 1,7% xuống 44,55 USD/thùng.
Tổ chức OPEC, Nga và các đồng minh khác (gọi là OPEC ) đã trì hoãn đàm phán chính sách sản lượng trong năm tới từ ngày 01/12 sang ngày 3/12. OPEC đã dự kiến giảm sản lượng cắt giảm 2 triệu thùng/ngày còn 7,7 triệu thùng/ngày bắt đầu từ tháng 1/2021. Tuy nhiên tổ chức này đang xem xét kéo dài việc cắt giảm sản lượng khoảng 8% nhu cầu toàn cầu trong những tháng đầu năm 2021, một quan điểm được lãnh đạo của OPEC là Saudi Arabia ủng hộ. Trong khi đó Nga ủng hộ tăng dần sản lượng.
Nguồn cung bổ sung thêm sẽ làm suy yếu đà tăng gần đây (giá đã tăng khoảng 27% trong tháng 11), và một số quốc gia lo ngại về giá giảm khi nhu cầu vẫn yếu và số ca nhiễm Covid-19 tăng lên.
Cả hai loại dầu này đều tăng gần đây do hy vọng vaccine phòng Covid-19 sẽ thúc đẩy kinh tế và nhu cầu nhiên liệu, được trợ giúp bởi dự đoán các nhà sản xuất dầu sẽ kiểm soát chặt chẽ sản lượng trong bối cảnh làn sóng virus mới.
Vàng tăng 2%, bạc tăng 6% do USD giảm
Giá vàng tăng hơn 2% trong phiên, phục hồi từ mức thấp nhất 5 tháng trong phiên trước và bạc tăng hơn 6% do USD giảm, với việc đặt cược thêm kích thích kinh tế của Mỹ.
Vàng giao ngay tăng 2,1% lên 1.814,99 USD/ounce. Vàng Mỹ kỳ hạn tháng 2/2021 đóng cửa tăng 2,1% lên 1.818,9 USD/ounce.
Vàng đã giảm xuống 1.764,29 USD trong ngày 30/11, thấp nhất kể từ ngày 2/7.
USD giảm do dự kiến thêm các gói kích thích của Mỹ, khiến vàng hấp dẫn hơn cho các nhà đầu tư mua bằng các đồng tiền khác.
Vàng được xem như một rào cản chống lại lạm phát và giảm giá tiền tệ đã tăng hơn 19% trong năm nay bởi các gói kích thích chưa từng có.
Bạc tăng 6% lên 23,95 USD/ounce sau khi tăng lên mức cao nhất một tuần trong phiên này. Nhu cầu công nghiệp ngày càng tăng sẽ giúp bạc tăng nhiều hơn vàng.
Đồng tiếp tục tăng lên mức cao mới trong 7 năm
Giá đồng đã đạt mức cao nhất kể từ năm 2013 do số liệu cho thấy hoạt động sản xuất đang mở rộng nhanh chóng ở Châu Âu, Mỹ và Châu Á trong tháng 11 và vaccine phòng Covid-19 khiến các nhà đầu tư ngày càng lạc quan về triển vọng kinh tế.
Hoạt động sản xuất tại Trung Quốc, nước sử dụng kim loại nhiều nhất đã tăng trưởng ở tốc độ nhanh nhất trong một thập kỷ.
Giá đồng trên sàn giao dịch London (LME) đóng cửa tăng 1,3% lên 7.677 USD/tấn sau khi chạm 7.743 USD/tấn.
Các thị trường cổ phiếu toàn cầu tăng và USD suy yếu. Giá nhôm LME đạt mức cao nhất 2 năm tại 2.069 USD/tấn trước khi giảm xuống 2.061,5 USD/tấn, tăng 0,8%.
Giá đồng đã phục hồi từ mức thấp 4.371 USD hồi tháng 3 và tăng vọt khoảng 1.000 USD chỉ trong 4 tuần qua do chính phủ bơm tiền vào các thị trường và các nhà đầu cơ đã mua vào.
Các nhà phân tích tại Goldman Sachs cho biết nguồn cung thắt chặt nghĩa là đồng có thể tăng lên 9.500 USD trong vòng một năm và lên mức cao kỷ lục trên 10.000 USD trong năm 2022.
Quặng sắt phục hồi do nhu cầu của Trung Quốc mạnh
Quặng sắt phục hồi sau khi giảm trong đầu phiên giao dịch, cả hợp đồng quặng sắt Đại Liên và Singapore khôi phục đà tăng do nhu cầu mạnh từ Trung Quốc.
Quặng sắt giao tháng 1/2021 trên sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên đóng cửa phiên giao dịch tăng 0,3% lên 908,5 CNY (138,38 USD)/tấn. Hợp đồng cùng kỳ hạn tại Singapore tăng 0,8% lên 130,4 USD/tấn.
Tuy nhiên, sự nhiệt tình của thị trường do tồn kho thép và quặng sắt đang giảm tại Trung Quốc phần nào đã bị kìm hãm bởi nhu cầu chậm lại trong mùa đông tại quốc gia tiêu thụ kim loại hàng đầu thế giới này.
Tồn kho thép của Trung Quốc giảm đáng kể từ mức cao kỷ lục theo mùa 12,92 triệu tấn xuống chỉ cao hơn một chút mức trung bình theo mùa trong 5 năm tại 10,46 triệu trong tuần trước.
Tồn kho quặng sắt tại cảng của Trung Quốc giảm trong hai tuần liên tiếp, sau một đợt tích trữ kéo dài 5 tháng.
Thép thanh dùng trong xây dựng tại Thượng Hải giảm 0,7% trong khi thép cuộn cán nóng tăng 0,4%. Thép không gỉ giảm 0,6%.
Cao su giảm từ mức cao nhất 4 tuần
Giá cao su tại Nhật Bản giảm từ mức cao nhất trong 4 tuần đã đạt được trong phiên liền trước, bởi giá tại Thượng Hải suy yếu và do các nhà đầu tư chốt lời từ đợt tăng giá gần đây.
Hợp đồng cao su giao tháng 5/2021 trên sàn giao dịch Osaka đóng cửa giảm 1 JPY hay 0,4% xuống 249,1 JPY (2,4 USD)/kg.
Giá cao su tại Thượng Hải giao tháng 5/2021 giảm 100 CNY xuống 15.385 CNY (2.341 USD)/tấn.
Bờ Biển Ngà đã xuất khẩu 972.222 tấn cao su tự nhiên trong 10 tháng đầu năm nay, tăng gần 35% so với cùng kỳ năm trước.
Đường không đổi
Đường thô kỳ hạn tháng 3/2021 đóng cửa không đổi tại 14,51 US cent/lb sau khi giảm xuống 14,4 US cent, thấp nhất kể từ ngày 6/11.
Các đại lý cho biết thị trường dường như mất đà tăng sau khi lên mức cao nhất 8,5 tháng vào giữa tháng 11 và các quỹ hiện nay đang giảm vị thế mua vào.
Thị trường này tiếp tục đợi thông báo về chính sách xuất khẩu cho niên vụ hiện nay của Ấn Độ.
Đường trắng kỳ hạn tháng 3/2021 tại 398,8 USD/tấn.
Cà phê giảm
Cà phê arabica kỳ hạn tháng 3/2021 chốt phiên giảm 4,85 US cent hay 3,95% xuống 1,1845 USD/lb với mưa gần đây đã hỗ trợ mùa màng tại miền nam Brazil.
Cà phê robusta kỳ hạn tháng 3/2021 giảm 17 USD hay 1,21% xuống 1.388 USD/tấn.
Lúa mì Mỹ thấp nhất hai tháng, đậu tương, ngô cùng giảm
Lúa mì Chicago đạt mức thấp nhất trong 2 tháng bởi xếp hạng vụ lúa mì mùa đông của Mỹ cải thiện, cạnh tranh xuất khẩu mạnh và ước tính thu hoạch của Úc tăng.
Ngô và đậu tương cũng giảm do các nhà đầu tư tập trung vào dự báo mưa ở khu vực Nam Mỹ.
Lúa mì kỳ hạn tháng 3/2021 trên sàn giao dịch Chicago (CBOT) đóng cửa giảm 7-3/4 US cent xuống 5,77-1/4 USD/bushel, sau khi giảm xuống 5,74 USD, mức thấp nhất kể từ ngày 2/10.
Ngô cùng kỳ hạn giảm 5-1/4 US cent xuống 4,20-3/4 USD/bushel và đậu tương kỳ hạn tháng 1/2021 giảm 6-1/2 US cent xuống 11,62 USD/bushel.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 02/12