Thị trường hàng tỷ USD cho Việt Nam và lợi ích nhận được phụ thuộc hoàn toàn vào năng lực tự thân

Đức Minh | 28-04-2020 - 08:41 AM

(Tổ Quốc) - Việt Nam là nước thứ hai ở Đông Nam Á, sau Singapore có hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu. Lợi ích, như những con số có thể lượng hoá, là rất lớn. Nhưng để biến dự tính thành sự thực, đó sẽ là câu chuyện của những nỗ lực thực thi không ngừng nghỉ.

Điểm sáng giữa dịch Covid-19 và kỳ vọng đòn bẩy tăng trưởng

18h30 ngày 12/2, Bộ Công thương thông báo tin mừng giữa những tin tức mang màu xám xịt vì dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp trên toàn cầu. Nghị viện châu Âu đã chính thức thông qua Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) với tỷ lệ 63,33% số phiếu tán thành.

Cùng với EVFTA, Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) giữa Việt Nam và EU cũng được thông qua.

Đây là thời khắc lịch sử của quan hệ châu Âu – Việt Nam, ông Nicolas Audier, Chủ tịch Phòng thương mại châu Âu (EuroCham) bình luận. Cuộc bỏ phiếu này theo ông là kết quả của gần một thập kỷ nỗ lực không ngừng nghỉ.

Việt Nam là nước đang phát triển đầu tiên ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương có quan hệ thương mại tự do với châu Âu, thông qua Hiệp định này.

Những ích lợi về kinh tế đã được chỉ rõ khi khi về nguyên tắc, EVFTA sẽ thúc đẩy thương mại hai chiều giữa Việt Nam và châu Âu khi 99% thuế nhập khẩu bị xoá bỏ.

2/3 giá trị hàng hoá xuất khẩu từ châu Âu (tương đương 65%) và 71% hàng hoá xuất đi từ Việt Nam sẽ được tự do hoá ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Phần còn lại sẽ được giảm tiếp theo lộ trình 10 năm tới.

Châu Âu hiện là một trong những thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu năm 2019 là 41,48 tỷ USD, và nhập khẩu là 14,91 tỷ USD. Trong khu vực ASEAN, Việt Nam chỉ xếp sau Singapore về mối quan hệ thương mại với khối này.

"EVFTA được coi là đòn bẩy cho tăng trưởng mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập vào thị trường đầy tiềm năng với 508 triệu dân và tổng sản phẩm nội địa (GDP) khoảng 18.000 tỷ USD", Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh trả lời phỏng vấn báo chí.

Theo tính toán của Bộ KHĐT, EVFTA sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với không có Hiệp định. Đồng thời, kim ngạch nhập khẩu từ EU cũng tăng nhưng với tốc độ thấp hơn xuất khẩu, cụ thể là khoảng 33,06% vào năm 2025 và 36,7% vào năm 2030.

Tuy nhiên, một đồng xu luôn có hai mặt. Thị trường tuy rộng nhưng hàng hoá Việt Nam sẽ phải đối mặt với những khách hàng "khó tính" bậc nhất.

Khách hàng và đối thủ đều "khó xơi"

Hàng hoá xuất khẩu sang thị trường để được hưởng biểu thuế ưu đãi phải đảm bảo được rất nhiều yếu tố. Trước hết là vượt qua bằng được các quy định về xuất xứ hàng hoá, theo nhìn nhận của ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

Theo lý thuyết, EVFTA sẽ xoả bỏ hơn 99% số dòng thuế nhập khẩu nhưng chỉ là với hàng hoá đảm bảo được về yêu cầu xuất xứ, bằng không, hàng Việt xuất sang EU chỉ được hưởng mức thuế đãi ngộ tối huệ quốc, chứ không phải là thuế suất 0%.

Trên thực tế, phần lớn nguyên liệu sản xuất của Việt Nam được nhập từ Trung Quốc và ASEAN thay vì Việt Nam và châu Âu. Do vậy, đây là rào cản đầu tiên mà các doanh nghiệp trong nước buộc phải vượt qua, đặc biệt đối với mặt hàng dệt may, giày dép, vốn chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu xuất khẩu sang thị trường EU.

Phía châu Âu cũng đặt rất nặng về việc tuân thủ những quy định về sở hữu trí tuệ, lao động và môi trường từ EVFTA.

Trong khi đó, đa phần doanh nghiệp Việt Nam còn khá thờ ơ với vấn đề sở hữu trí tuệ hay nhiều doanh nghiệp cũng đang tồn tại những vướng mắc khi áp dụng các tiêu chuẩn lao động (làm thêm giờ, nghỉ tuần, môi trường làm việc, vệ sinh an toàn lao động…) mà nếu không giải quyết, những điều này sẽ là rào cản lớn khi xuất hàng sang EU.

Bên cạnh đó Việt Nam cũng phải đối diện với nhiều biện pháp phòng vệ thương mại cũng như sự cạnh tranh gay gắt với với hàng hoá đến từ những nền kinh tế phát triển hơn.

"Năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam còn đang ở mức trung bình của thế giới theo xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế Thế giới. Chúng ta vươn lên cạnh tranh với châu Âu có nghĩa là cạnh tranh với những nền kinh tế có năng lực cạnh tranh hàng đầu thế giới", ông Lộc lưu ý. Khoảng cách về năng lực cạnh tranh đã được vạch rõ mà hành động thu hẹp không thể trong một sớm một chiều.

Vấn đề cơ bản để nâng cao năng lực cạnh tranh của một nền kinh tế là cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Đây không phải là vấn đề mới mẻ đối với Việt Nam khi cụm từ này được xướng lên liên tục trong những năm trở lại đây.

Bài toán được đặt ra là cải cách mạnh mẽ hơn nữa về thể chế, thủ tục hành chính, bãi bỏ điều kiện kinh doanh, tiết kiệm chi phí hành chính… Năm 2019, theo thông tin của Bộ KHĐT, năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam tăng 3,5 điểm, môi trường kinh doanh cải thiện 1,2 điểm.

Tuy nhiên, các chỉ số cho thấy chất lượng môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của Việt Nam còn ở thứ hạng thấp, đứng thứ 5 hoặc thứ 6 trong ASEAN. Điều này hàm nghĩa Việt Nam vẫn đang đứng trước rất nhiều sức ép về cải cách trước ngưỡng của cơ hội.

Chìa khoá là nỗ lực của bản thân

Các bất cập, nguyên nhân vướng mắc ở mỗi lĩnh vực trên thực tế đã được chỉ ra, thậm chí có luôn giải pháp, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO nhìn nhận. Cái khó nhất là cách nào để làm đến cùng, đồng bộ thay vì làm cho có, mở chỗ này nhưng lại thắt chỗ khác.

TS. Võ Trí Thành, cựu Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung Ương (CIEM) từng bình luận: Lợi ích của hội nhập mà nền kinh tế 96 triệu dân nhận được phụ thuộc hoàn toàn vào đối sách.

"Mục đích tham gia các FTA thế hệ mới của Việt Nam không chỉ là tăng cường xuất khẩu, mở rộng sản xuất, thu hút thêm vốn đầu tư nước ngoài..., mà còn coi các cam kết trong các FTA thế hệ mới là chất xúc tác để cải cách thể chế, môi trường đầu tư - kinh doanh, cơ cấu lại nền kinh tế, đa dạng hóa thị trường để tăng sức chống chịu của nền kinh tế, giảm thiểu tác động của chệch hướng thương mại... Nhưng phần lớn các mục tiêu này là công việc tự thân của chúng ta", ông Thành nói.

Theo đó, Việt Nam trong thời gian tới cần phát triển những ngành công nghiệp phụ trợ, đảm bảo cho vấn đề cung ứng nguyên liệu đầu vào cho những ngành xuất khẩu mũi nhọn. Đồng thời cần hoàn thiện thể chế, khung pháp lý và nâng cao nhận thức về lao động, môi trường, sở hữu trí tuệ phù hợp với chuẩn mực quốc tế nói chung và EVFTA nói riêng... cũng như tiếp tục giải toả sức ép về cải cách thể chế, môi trường kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển.

Dịch Covid-19 bùng phát ở Vũ Hán, Trung Quốc làm gián đoạn cả phía cung và cầu trong thời gian qua thách thức tính bền vững của các chuỗi giá trị toàn cầu đang buộc Việt Nam phải nghiêm túc nhìn nhận về việc tìm kiếm những thị trường mới nhằm phân tán sự rủi ro.

EVFTA dù tình cảnh hiện tại có nhiều hạn chế vì tác động của dịch Covid-19 nhưng có thể là một cánh cửa mới cho giai đoạn phục hồi hậu dịch bệnh. Tuy nhiên, Việt Nam phải quyết đoán hành động để thực sự hưởng lợi như số liệu đã viết ra. Bởi sự thật trong quá khứ, dù là một trong những nước có kí nhiều FTA nhất tại Đông Nam Á, tỷ lệ hưởng ưu đãi của Việt Nam còn khiêm tốn với khoảng 61% lợi ích từ thuế quan chưa tận dụng được.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM

Đa dạng lựa chọn TV Samsung 98 inch: Màn hình cực đại cho trải nghiệm Tết cực đỉnh

Đón đầu xu hướng TV màn hình siêu lớn, Samsung với vị thế là thương hiệu TV đứng hàng đầu thế giới 18 năm liên tiếp đã nhanh chóng xác lập thị phần áp đảo ở phân khúc sản phẩm trên 90 inch, đặc biệt là 98 inch. Những thiết bị nghe nhìn đẳng cấp này chính là khởi đầu lý tưởng cho trải nghiệm Tết đỉnh năm nay.