Năm 2013, cái tên Frozen trở thành xu hướng toàn cầu khi nhà nhà, người người phát cuồng với câu chuyện Bà Chúa Tuyết độc lạ và bài nhạc Let It Go đình đám. Bộ phim hoạt hình cộp mác Disney này đã chinh phục trái tim khán giả mọi lứa tuổi, không chỉ oanh tạc phòng vé với doanh thu khủng, mà còn để lại nhiều dấu ấn trong văn hóa đại chúng. Nhất là khi Frozen sâu xa hơn vẻ bề ngoài, chứa đựng nhiều thông điệp quan trọng mà chỉ những người trưởng thành mới có thể để ý tới.
Những thông điệp sâu sắc đằng sau nhân vật mới là điều khiến Frozen trở thành kiệt tác thực sự
1. Ai cũng có thể liên hệ tới dàn nhân vật kém hoàn hảo
Khó có thể phủ nhận rằng các nhân vật trong Frozen đều có cá tính nổi bật. Tất cả đều có đặc điểm riêng biệt, dù không hoàn hảo hoàn toàn nhưng lại khiến khán giả yêu quý, qua đó dễ dàng liên hệ tới cuộc đời thực tế.
Từ chị em Elsa - Anna, nam chính Kristoff, cho đến từng nhân vật phụ như người tuyết Olaf… mọi thành viên trong gia đình Frozen đều phải chiến đấu với bản thân - bao gồm tham vọng, nỗi sợ và sự yếu đuối. Chưa kể là họ sở hữu tính cách chân thực, không bị lãng mạn hóa như nhiều phim cổ tích khác.
Công chúa Anna có niềm đam mê với đồ ngọt và đồ ăn nói chung, rất hài hước và vụng về, nên đố ai không thể không yêu mến cô ấy. Tương tự với nhiều thiếu nữ 18 tuổi ngoài đời thực, Anna tò mò về cuộc sống trưởng thành, khao khát yêu thương và hồ hởi tìm kiếm bạn trai. Trong phân đoạn bình minh nọ, cách Anna ngủ dậy với mái tóc rối bời cũng làm nhiều người xem thích thú, ai nấy thán phục Disney vì đã phá tan hình tượng công chúa truyền thống
Đối với Elsa thì nhân vật này còn mang nội tâm phức tạp hơn, cố gắng sống theo những quy tắc nghiêm ngặt để giấu nhẹm sức mạnh băng giá. Elsa lớn lên trong nỗi sợ, xấu hổ trước con người thật của mình rồi thủ sẵn tâm lý che giấu. Và từ đấy, nữ chính Frozen chính là đại diện cho căn bệnh trầm cảm. Những ai stress nhiều đều có thể tìm thấy bản thân trong Elsa.
2. Cảnh giác trước kẻ phản diện đội lốt “hoàng tử bạch mã”
Khác với những phim công chúa trước đây, nơi phản diện được giới thiệu ngay từ đầu, Frozen lại đi ngược lại quy tắc quen thuộc và để phản diện Hans là cú twist bất ngờ nhất.
Nhân vật Hans là kẻ thao túng điển hình, sẵn sàng “diễn kịch” với người đối diện để đạt được mục đích. Với Anna, hắn tỏ vẻ ấm áp, hài hước, ra dáng “hoàng tử bạch mã” để dễ bề thu phục. Với người dân Arendelle, hắn lại thể hiện khả năng lãnh đạo “thiên bẩm”, cố tình đả kích Elsa để biến cô nàng thành kẻ phá hoại trong mắt dân chúng.
Đáng chú ý hơn cả là Hans xấu xa ngay từ đầu mà chẳng ai để mắt. Có rất nhiều chi tiết nhỏ tiết lộ bản chất thực sự của anh ta. Ví dụ như trong lời hát: “I’ve Found My Place” (ta đã tìm thấy nơi thuộc về), Hans ám chỉ tham vọng chiếm Vương quốc Arendelle chứ không phải “về một nhà” với Anna.
3. Dùng cửa và găng tay để kể chuyện
Xuyên suốt Frozen là hình ảnh những chiếc cửa - đại diện cho rào cản, sự cô lập và một tâm hồn khép kín. Thứ nhất, cánh cửa phòng Elsa đã vô tình chiếm sóng trong bài hát Do You Want To Build A Snowman?, cho thấy sự ngăn cách lâu dài giữa 2 chị em Elsa - Anna. Cánh cổng to rộng của lâu đài thể hiện bước ngoặt trưởng thành của nhân vật. Còn lúc Elsa đóng cánh cửa băng tuyết ở cuối Let It Go thì lại chứng tỏ sự độc lập, không còn sợ hãi trước bản thân mình nữa.
Biểu tượng khó quên còn lại trong Frozen là những chiếc găng tay. Chúng xuất hiện khi Đức Vua đeo cho Elsa, nhắc nhở thận trọng: “Hãy che đi, đừng cảm nhận, đừng để lộ ra ngoài”. Bởi vậy, găng tay đối với Elsa là tấm khiên che giấu con người thật. Chỉ tới khi chạy nhảy một mình lên núi, tự tay rũ bỏ 2 lớp vải “gánh nặng” thì Elsa mới thực sự sống.
Nguồn ảnh: Disney