Theo các quan chức Ấn Độ, chiếc máy bay đang thực hiện một cuộc "tập trận thường lệ" ngoài khơi tiểu bang Goa trước khi bị rơi vào khoảng 10 giờ 30 phút sáng giờ địa phương.
Máy bay phản lực hai động cơ MiG-29K (định danh NATO: Fulcrum-D) của Ấn Độ cất cánh từ căn cứ không quân INS Hansa nằm gần Dabolim ở Goa do một phi công điều khiển được cho là đã gặp "lỗi kỹ thuật" trước khi bị rơi.
Phi công được cho là đã thoát khỏi máy bay bằng ghế phóng và được giải cứu. Hải quân Ấn Độ cho biết đang tiến hành điều tra vụ việc.
Vụ tai nạn xảy ra chỉ 3 tháng sau khi một chiếc MiG-29KUB (biến thể huấn luyện) cũng bị rơi tại Goa vào tháng 11/2019. Máy bay đã rơi trên một cao nguyên đá ở ngoại ô Verna, cách thủ phủ Panaji của Goa khoảng 15 km khi động cơ máy bay bốc cháy (do va phải một đàn chim).
Phi công đã cố gắng hướng máy bay tránh khỏi khu vực đông dân cư trước khi thoát khỏi máy bay và tránh được một thảm kịch lớn. Tháng 1/2018, một chiếc MiG-29K khác cũng đã bị rơi bên trong căn cứ INS Hamsa. Phi công đã cố gắng thoát khỏi máy bay an toàn.
Tính tới thời điểm tháng 6/2019, Hải quân Ấn Độ duy trì hoạt động của 235 máy bay các loại, ngoài các máy bay trinh sát-săn ngầm Boeing P-8I "Neptune" và Ilyushin Il-38 "Dolphin", khoảng 42 máy bay MiG-29K/KUB và chủ yếu thuộc 2 phi đội 300 và 303 đóng tại căn cứ INS Hamsa.
Với việc MiG-29K/KUB liên tục rơi những năm gần đây (Ấn Độ tuyên bố là do những lỗi kỹ thuật của máy bay Nga) nước này đã lên kế hoạch thay thế chúng bằng 57 máy bay (được cho là cuộc cạnh tranh giữa Dassault Rafale và Boeing F/A-18E/F Super Hornet).
Nếu Ấn Độ không có các "biện pháp mạnh" như khắc phục sự cố hay mua sắm máy bay mới thay thế, nhiều khả năng chỉ trong vòng 10 năm tới, số máy bay chiến đấu của hải quân nước này sẽ không đủ để đưa vào trực chiến trước các áp lực ngày càng gia tăng trong khu vực.
Vụ rơi máy bay MiG-29K tại Goa năm 2019.