Cụ thể, HCDC cho biết tính đến tuần 24, TP.HCM ghi nhận 16.057 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, tăng 117,3% với cùng kỳ năm 2021 là 7.388 ca. Số ca sốt xuất huyết nặng là 274 ca. Trong tuần ghi nhận 1 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết, nâng tổng số ca tử vong do sốt xuất huyết từ đầu năm đến nay lên 9 trường hợp.
Đối với bệnh tay chân miệng, tính đến tuần 24, thành phố ghi nhận 6.767 trường hợp mắc bệnh. Trong tuần 24 (từ ngày 10/6/2022 đến 16/6/2022), thành phố ghi nhận thêm 932 ca bệnh tay chân miệng, giảm 105 ca (10,1%) so với trung bình 4 tuần trước đó (cả các trường hợp khám ngoại trú và các trường hợp nhập viện điều trị nội trú).
Theo Th.BS Nguyễn Đình Qui - Phó trưởng khoa Truyền nhiễm, BV Nhi đồng 2 cho biết nếu các bậc phụ huynh thấy con em của mình sốt cao liên tục 2-3 ngày không giảm, hạ sốt rồi lại sốt thì nên đưa con đến các cơ sở y tế để khám, làm xét nghiệm chẩn đoán lâm sàng có mắc sốt xuất huyết hay không.
Nhiều trẻ em mắc sốt xuất huyết nặng, phải thở máy, hỗ trợ hô hấp tại BV Nhi đồng 2
Thông thường, khoảng 60% trẻ mắc sốt xuất huyết có thể điều trị ở nhà. Điều quan trọng của bố mẹ là phải theo dõi diễn tiến bệnh của con em mình, tránh tình trạng chủ quan, lơ là khiến trẻ trở nặng.
"Nếu trẻ qua 3 ngày hạ được sốt, không nôn ói, chảy máu chân răng, xuất huyết âm đạo (đối với bé gái đang tuổi dậy thì), không đau bụng, quấy khóc, ăn uống vui chơi bình thường thì có thể để trẻ ở nhà điều trị. Còn người lại nếu phát hiện trẻ sau 3 ngày có những dấu hiệu bất thường trên (dù đã hết sốt) nhưng tay chân lạnh, tri giác lơ mơ... thì phải nhanh chóng đưa con đến bệnh viện. Nếu không can thiệp kịp thời sẽ gây ra tổn thương đa cơ quan, suy gan, thận rất nguy hiểm", BS. Qui cảnh báo.
Ngoài ra, BS. Qui cho biết việc điều trị sốt xuất huyết khó nhưng dự phòng bệnh thì dễ, bố mẹ cần chú ý đến nơi sinh sống, sinh hoạt để muỗi không có cơ hội để sinh sản. Khi trẻ có dấu hiệu sốt cao 1-2 ngày cần đưa trẻ đi khám để xét nghiệm sốt xuất huyết.