Chuyện Ma Gần Nhà đang là bộ phim điện ảnh Việt hot nhất ngoài rạp, mang về nhiều thành tích ấn tượng mà một phim kinh dị thông thường khó làm được. Tuy nhiên phim cũng đang vấp phải những tranh cãi nảy lửa, đa phần xoáy vào nội dung và cách thiết kế sườn cốt truyện khá kỳ lạ, giống như... web drama.
Thực chất cách làm phim như Chuyện Ma Gần Nhà đã có gần 1 thế kỷ nay, thậm chí được biết bao đạo diễn lừng danh thực hiện. Vậy đây là thể loại phim gì, và vì sao nó lại thuộc hàng "khó nuốt" nhất màn ảnh và thường xuyên biến mất trên các cuộc chiến doanh thu?
Phim thuộc thể loại gì mà nghe "nguy hiểm" thế?
Cần nhìn nhận Chuyện Ma Gần Nhà đã lựa chọn một "khung xương" rất hiếm và rất khó là thể loại phim hợp tuyển (anthology). Phim hợp tuyển cơ bản là một dự án phim điện ảnh bao gồm nhiều phim ngắn hơn, có thể được liên kết bởi một chủ đề hay vật thể nào đó, hoặc chẳng cần phải có sự liên kết.
Đây vốn dĩ là cụm từ vẫn còn quá xa lạ với khán giả Việt và thị trường điện ảnh Việt, song đã có mặt trên thế giới từ những năm đầu của thế kỷ 20. Từ Mỹ, Pháp đến Iran, Hồng Kông, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan,... đều đã đi trước rất lâu với thể loại hợp tuyển này.
... đến Á đều đã có không ít phim hợp tuyển
Vậy vì sao khi so với phim kinh dị, phim hành động, phim nhạc kịch,... cái cụm từ "phim hợp tuyển" vẫn còn lạ quá, "ảo ma" quá, khiến khán giả Việt phải thốt lên rằng Chuyện Ma Gần Nhà giống web series hơn?
Vị lạ điện ảnh - không chiều lòng đại chúng, đuối sức ở khoản doanh thu
Từ đầu, phim hợp tuyển là một sáng kiến để các đạo diễn tên tuổi trực tiếp "tỉ thí" với nhau, như một sàn đấu thực chiến. Three... Extremes chính là ví dụ điển hình nhất khi quy tụ 3 đạo diễn hàng đầu của châu Á: Fruit Chan, Park Chan Wook và Takashi Miike. Cả "cây đa cây đề" như Martin Scorsese, Steven Spielberg, Quentin Tarantino, Robert Rodriguez,... cũng từng vui vẻ bắt tay thực hiện thể loại phim này. Ngoài ra với một số phim của Thái như 4Bia, Chuyện 3 Giờ Sáng,... đây là cơ hội để các đạo diễn trẻ trau dồi, đi từ phim ngắn điện ảnh đến phim điện ảnh tiêu chuẩn.
Bộ phim về nạn ăn thịt thai nhi để trẻ đẹp của đạo diễn Hong Kong từng khiến giới "mọt phim" điên đảo cũng là phim hợp tuyển
Chuyện ma lúc 3 giờ sáng - đừng nhận bản thân là "mọt phim" Thái nếu chưa từng xem hay nghe qua
Có thể nói phim hợp tuyển là thể loại mang tính thử nghiệm cao, mà đã thử nghiệm thì không thể phù hợp với đại chúng. Tính đến hiện tại, phim có doanh thu cao nhất toàn cầu thuộc thể loại hợp tuyển là Twilight Zone: The Movie ra mắt năm 1983, thế nhưng con số chỉ dừng ở mức 42 triệu đô (theo ekip là không thật sự bùng nổ như dự kiến). Giải thích về vấn đề này, đạo diễn của một siêu phẩm từng bị lầm tưởng là "anthology" - Guillermo Del Toro của Chuyện Kinh Dị Lúc Nửa Đêm (Scary Stories To Tell In The Dark), từng nói: "Phim hợp tuyển có thể tệ như câu chuyện tệ nhất trong đó, cũng không bao giờ hay được như câu chuyện hay nhất của nó".
Chuyện Kinh Dị Lúc Nửa Đêm không phải dạng phim hợp tuyển, ít nhất là theo ý của đạo diễn
Câu nói của Del Toro có nghĩa, chất lượng của phim hợp tuyển chính là trung bình cộng của toàn bộ các phim ngắn trong đó. Một bộ phim may mắn hay xuất sắc không có nghĩa là tổng thể cũng hay xuất sắc, trái lại chỉ cần phim tiếp theo tệ thì người xem sẽ dễ bị "tụt mood". Đó chính là trường hợp của Chuyện Ma Gần Nhà, và cũng là của phần lớn các phim hợp tuyển: khi một con sâu bất chợt làm rầu nồi canh, dẫn đến sự tranh cãi không ngừng nơi khán giả.
Tuy nhiên nên nhớ, Chuyện Ma Gần Nhà đang dẫn đầu phòng vé cuối tuần hiện tại, chuẩn bị cán mốc 40 tỷ đồng chỉ sau 3 ngày. Đã bảo là khó bán vé, vậy Chuyện Ma Gần Nhà "cá kiếm" kiểu gì?
Dù gây tranh cãi, nỗ lực thay đổi cuộc chơi phim Việt của Chuyện Ma Gần Nhà vẫn đáng ghi nhận
Lý do đơn giản vì Chuyện Ma Gần Nhà ban đầu... chưa từng dùng yếu tố "anthology" để bán vé, có thể, ekip quảng bá hiểu rõ thế mạnh - yếu của sản phẩm đó.
Vì nếu dùng cái danh phim hợp tuyển kia thì có mơ mà thu được đồng nào từ khán giả thế giới, chứ đừng nói đến công chúng Việt. Tuy vậy, điều mà Chuyện Ma Gần Nhà đã thật sự làm được và đi đầu, mặc cho vẫn còn nhiều điểm khiến khán giả Việt chia phe khen - chê, đó là mang hình ảnh ma quỷ thật, những tình tiết máu me rùng rợn, "chặt chém" nặng đô lên màn ảnh rộng và tạo ra rất nhiều không gian tưởng tượng, bàn tán sôi nổi cho mọi hội nhóm xem phim.
Vì nhiều chi tiết cài cắm từ ngay cảnh đầu phim, tính thách thức trí nhớ và độ tập trung của người xem qua suốt 3 hồi chương của vũ trụ là không thể phủ nhận. Cãi nhau sau khi xem, bàn luận trên đường về nhà, lên mạng tiếp tục khẩu chiến về một bộ phim ma,... Đã lâu rồi, Việt Nam mới có một bộ phim khiến người ta tranh luận đến thế, cùng lúc có nhiều người có xu hướng đi xem lại lần hai để về nhà cãi cho đã miệng.
Đã 15 năm kể từ Mười - phim ma do Hàn Quốc và Việt Nam đầu tư sản xuất - ra rạp và bị "xé nát" bởi khâu kiểm duyệt gắt gao. Hiện tại Chuyện Ma Gần Nhà hoàn toàn có thể tự hào khi giữ được bản sắc của phim đến khâu cuối cùng là trình chiếu, gần như không bị thay đổi hay thêm bớt gì. Kết quả, Chuyện Ma Gần Nhà đang là phim ma - kinh dị có doanh thu và độ phổ biến vô cùng "ổn áp" mà lâu rồi màn ảnh Việt mới có, thậm chí có thể "san bằng" một dự án rom-com hay hài kịch thông thường.
Lời hứa về Mười phần 2 không biết sẽ ra sao, giờ đây đã có chút tia hi vọng nhờ cú "vượt rào" của Chuyện Ma Gần Nhà
Sau cùng, Chuyện Ma Gần Nhà vẫn đóng tốt vai trò là "game-changer" của thể loại phim ma Việt. Các câu chuyện trong phim có hay, có chưa hay, song đây vẫn là dự án lạ vị, mang bản sắc riêng, tự biến mình thành cơ hội để về sau các nhà làng phim Việt thoải mái sáng tạo, đưa phim Việt ra khỏi lề lối nhàm chán suốt hơn 1 thập kỷ qua. OK, xem Chuyện Ma Gần Nhà là "con tốt thí" cũng được, nhưng trước khi bị "thí" thì con tốt này đã và vẫn đang đi được những nước đi mang tính cách mạng, chưa có ai đi xa hơn trên bàn cờ phim Việt. Vậy là quá đủ.
Nguồn ảnh: Tổng hợp