"The Grass Ceiling - Tác phẩm "Trần nhà cỏ" của nghệ sĩ Việt Nam Vince Phan tại Mỹ và lời xin lỗi cỏ cây đáng suy ngẫm

| 18-09-2023 - 11:59 AM

(Tổ Quốc) - Trần nhà cỏ thực chất là một bức tường vô hình, tuy không nhìn thấy nhưng lại ngăn cách hoàn toàn con người khỏi môi trường sống tự nhiên và ngăn chặn sự phát triển của các loài sinh vật khác.

Hơn 10 năm trước, Vince Phan đến Mỹ với một quyết tâm tìm kiếm cho mình một hướng đi trong tương lai. Giống như nhiều người Việt Nam khác, những ngày đầu sang đất khách, khác biệt về văn hoá, về ngôn ngữ về môi trường là những rào cản lớn nhất với anh. Vốn đam mê mỹ thuật nhưng lại tự nhận khả năng vẽ của mình không thật sự giỏi. Đam mê lớn thứ hai của anh chính là thực vật học. Anh từng nghĩ, cánh cửa mỹ thuật đã đóng chặt lại. Nhưng cũng rất nhanh chóng sau đó, anh nhận ra, điều quan trọng nhất anh cần chính là tìm thấy cho mình một cộng đồng những người cùng đam mê mỹ thuật và cùng chung mối quan tâm lớn về thực vật học. Góp nhặt những quan sát, kinh nghiệm, những mối quan hệ dần dần được gầy dựng trên đất Mỹ, anh bắt tay vào nghiên cứu và thực hiện các tác phẩm của mình.

photo-1

Vince Phan - nghệ sĩ đa năng, hiện đang sinh sống và làm việc tại Mỹ

11 năm không phải là dài đối với một người làm nghệ thuật, nhưng 11 năm với Vince Phan là 11 năm kiên trì và nỗ lực không ngừng nghỉ. Tính đến nay, anh đã tham gia nhiều cuộc triển lãm lớn nhỏ trên nước Mỹ, trong đó, có 3 triển lãm cá nhân nhận được nhiều đánh giá tốt từ giới phê bình.

Theo dõi chặng đường sáng tác của Vince Phan, rất dễ nhận thấy sự đa dạng và linh hoạt của anh trong cách thể hiện các tác phẩm của mình, từ những tác phẩm điêu khắc, hội hoạ, sắp đặt, trình chiếu và cả trình diễn. Tuy nhiên, điểm chung lớn nhất trong toàn bộ hệ thống sáng tác của Vince Phan chính là sự sống của những cây cỏ tưởng chừng như mong manh mà lại rất đỗi mãnh liệt.

Trần nhà cỏ (The Grass Ceiling) là một trong những tác phẩm như thế. Lấy cảm hứng từ hiện thực cuộc sống, văn hoá của người Mỹ, Vince Phan đã dành 2 tháng để thực hiện tác phẩm này.

Ở Mỹ, đâu đâu người ta cũng có thể thấy những thảm cỏ xanh rì. Các thảm cỏ được người Mỹ ưa chuộng tới nỗi, họ chẳng còn quan tâm gì nhiều đến những cây hoa, hay những loài côn trùng tự nhiên. Để giữ thảm cỏ xanh mướt, đẹp mắt, người ta đã phải sử dụng rất nhiều thuốc trừ sâu. Việc này một lần nữa huỷ hoại chất màu có trong đất, tiêu diệt các loài côn trùng và làm mất cân bằng sinh thái, thay đổi cấu trúc đất, mất nguồn thức ăn cho các loài côn trùng. Thêm vào đó, việc cỏ ở khắp nơi còn khiến cho chúng "tràn" sang, "xâm chiếm" phần đất vốn có của những cây trồng lâu năm, hút hết chất dinh dưỡng và làm biến mất dần những cây lớn. Hệ luỵ với thiên nhiên hiển hiện rõ nét, với con người, cũng tương tự như vậy.

Vince Phan cho biết, The Grass Ceiling là một cách chơi chữ của The Glass Ceiling với ngụ ý, những thảm cỏ này cũng giống như những bức tường kính, vô hình ngăn cách sự sống, sự phát triển của con người, môi trường và thiên nhiên. Những vách ngăn vô hình này tuy chẳng thể nhìn thấy bằng mắt thường, nhưng ranh giới mà nó tạo ra lại vô cùng lớn, và để phá vỡ nó không phải là câu chuyện của ngày một, ngày hai.

photo-1

Tác phẩm là lời nhắc nhở: hãy coi thiên nhiên như ngôi nhà của chính mình

Vince dựng phần khung tác phẩm dưới hình dáng của một ngôi nhà, không vách ngăn, không mái vòm với ngụ ý, con người chúng ta hãy coi thiên nhiên như ngôi nhà của chính mình. Ngôi nhà ấy không chỉ có con người mà còn có nhiều sinh vật sống khác, nương tựa nhau mà sống. Hãy chăm sóc, bảo vệ và có trách nhiệm với nó như với ngôi nhà của chính mình.

Khoảnh cỏ dưới đất được nhấc lên, treo trên những độ cao khác nhau, tại nơi mà màu nâu của đất lộ ra, rất nhiều cây hoa dại của thành phố Chicago (nơi Vince Phan tổ chức buổi triển lãm này) được anh tự tay trồng và chăm sóc. Người xem tác phẩm có thể dễ dàng nhận ra, những cây hoa dại đã lớn lên từng ngày như thế nào, từ đó, thêm trân trọng và yêu quý thiên nhiên.

photo-2

Vince Phan luôn chọn các loài hoa địa phương gửi gắm thông điệp trong các tác phẩm của mình.

Đặc biệt, Vince Phan cùng cộng sự của mình còn sắp xếp một tấm cờ trắng, tại vị trí này, người xem triển lãm có thể ghi những cảm xúc của mình. "Tôi xin lỗi những chú ong nhỏ, các loài côn trùng bé nhỏ kia vì loài người chúng tôi đã và đang tàn phá mẹ thiên nhiên – môi trường sống của các bạn và của cả chúng tôi nữa". "Tôi xin lỗi vì mình đã vô tình không hề chú ý đến sự ô nhiễm của thiên nhiên". "Tôi xin lỗi vì đã không nhận ra những bông hoa của thành phố này đẹp đến thế mà lại vô tình ngăn chặn sự phát triển của chúng"… Rất nhiều lời xin lỗi đã được ghi lại trên chiếc cờ ấy, rất nhiều trái tim đã được thức tỉnh sau khi xem – hiểu tác phẩm The Grass Ceiling của Vince Phan.

photo-3

Những dòng viết tay ghi lại cảm xúc của người xem tại buổi triển lãm có thể gói gọn trong 2 cụm từ: xin lỗi và cảm ơn.

Sau những thành công nhất định của mình trên con đường nghệ thuật, Vince Phan ấp ủ dự định tạo dựng một cộng đồng kết nối những con người đam mê nghệ thuật và yêu thích thiên nhiên. Hi vọng dự định của anh sẽ sớm thành hiện thực để giúp đỡ, lan toả những thông điệp về thiên nhiên đến cộng đồng thông qua nghệ thuật. 

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM

Tết an vui với ưu đãi miễn phí bảo dưỡng từ Panasonic

Dịp cuối năm là thời điểm mỗi gia đình đều chú trọng tân trang cho ngôi nhà của mình cũng như quan tâm đến sức khỏe cho các thành viên. Hiểu được mong muốn đó, Panasonic triển khai chương trình chăm sóc khách hàng thường niên 2024 với nhiều ưu đãi hấp dẫn, giúp bạn và cả nhà chuẩn bị một mùa Tết khỏe mạnh và an lành.