Công viên Quốc gia Way Kambas ở Indonesia cho biết, mới đây họ vừa đỡ đẻ thành công cho một con tê giác Sumatra hai sừng vô cùng quý hiếm. Con tê giác mẹ này tên là Rosa được phối giống trong một nỗ lực kéo dài suốt 17 năm với một con tê giác đực tên là Andatu.
Andatu là con tê giác đầu tiên được sinh ra trong Công viên Quốc gia Way Kambas trong vòng 120 năm. Trong khi đó, tê giác mẹ Rosa đã xảy thai tổng cộng 8 lần kể từ nỗ lực sinh sản đầu tiên năm 2005.
Việc cặp tê giác Sumatra hai sừng vô cùng quý hiếm này sinh được con là minh chứng kỳ diệu cho thấy công tác bảo tồn của con người có hiệu quả.
Con tê giác dễ thương được sinh ra ở Công viên Quốc gia Way Kambas đã chính thức giúp dân số tê giác trong khu bảo tồn này tăng lên 8 cá thể. Gọi là "dân số", bởi hiện chỉ còn khoảng 80 cá thể tê giác hai sừng Sumatra ((Dicerorhinus sumatrensis) sống trên Trái Đất.
Trong quá khứ loài tê giác này từng sống khắp các khu rừng nhiệt đới và đầm lầy ở Nam Á và Đông Nam Á. Nhưng nạn săn trộm tê giác lấy sừng và tác động của con người làm thu hẹp môi trường sống của chúng đã khiến dân số tê giác Sumatra hai sừng suy giảm.
Hiện loài này chỉ còn được ghi nhận ở đất nước duy nhất Indonesia, sau năm 2019, Malaysia chính thức tuyên bố tê giác Sumatra đã tuyệt chủng ở đất nước họ. Sách đỏ của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) xếp tê giác hai sừng Sumatra vào nhóm động vật cực kỳ nguy cấp (CR).
Trong bối cảnh đó, chính phủ Indonesia đã quyết định chuyển sang phương án bắt tê giác hai sừng Sumatra và "giải cứu ngược" chúng khỏi môi trường hoang dã. Những con tê giác này sẽ được nuôi nhốt và cho sinh sản trong điều kiện nuôi nhốt.
Nếu không bắt buộc làm vậy, Tổ chức Tê giác Quốc tế (IRF) cho biết tê giác Sumatra sẽ tuyệt chủng trong vài thập kỷ tới.
Rosa là con tê giác cái đã được đưa đến khu bảo tồn Công viên Quốc gia Way Kambas vào năm 2004. Nó được bắt khi đang quanh quẩn gần các con đường, khu vườn, làng mạc của con người và tự đưa mình vào tầm ngắm của những kẻ săn trộm và bị thương tật do tai nạn giao thông.
Ngay sau khi được thu dung nuôi nhốt, Rosa đã được các chuyên gia tại khu bảo tồn đánh giá chức năng sinh sản. Loài tê giác Sumatra có một đặc điểm sinh học kỳ lạ, đó là nếu tê giác cái không giao phối trong thời gian dài, chúng thường sẽ phát triển những khối u nang và u xơ tử cung.
Thật không may, Rosa lại rơi vào trường hợp này. Có thể nó đã bất lực trong việc tìm thấy một con tê giác đực trong khu vực sinh sống của mình – với thực tế là tê giác Sumatra ở Indonesia còn lại cũng rất ít và phân bố rải rác trên những hòn đảo tách biệt.
Con tê giác Sumatra chào đời kỳ diệu tại Công viên Quốc gia Way Kambas, Indonesia
U nang và u xơ tử cung khiến nỗ lực phối giống và sinh sản của tê giác trở nên đặc biệt khó khăn. Những con tê giác mẹ ở trong trường hợp này sẽ rất dễ bị xảy thai. Một số sẽ phát triển ung thư và chết, như những gì đã xảy ra ở Malaysia trước đó.
Bản thân tê giác mẹ Rosa cũng đã xảy thai tới 8 lần trước khi hạ sinh tê giác con thành công trong lần này. Các nhà bảo tồn cho biết đây là một sự kiện kỳ diệu.
Họ đã theo dõi sát quá trình sinh nở của tê giác Rosa trong suốt 3 tiếng đồng hồ. Trong suốt thai kỳ của mình, Rosa cũng đã nhận được sự chăm sóc tốt nhất, với nhiều loại thuốc bổ sung hormone cần thiết. Con tê giác được siêu âm định kỳ và bào thai của nó cũng được đánh giá liên tục, với sự hỗ trợ của hormone nó mới có thể phát triển.
Hy vọng rằng, câu chuyện thành công này sẽ trở thành một tấm gương điển hình cho công tác bảo tồn tê giác Sumatra quý hiếm tại Indonesia. "Đây là một trong những chiến thắng của chính phủ sau nhiều nỗ lực nhằm cứu loài động vật cực kỳ nguy cấp này thoát khỏi nguy cơ tuyệt chủng", đại diện Bộ Môi trường nước này cho biết.
Hiện con tê giác Sumatra hai sừng con vẫn chưa được đặt tên, nhưng với việc được xác định là một con tê giác cái, nó sẽ tiếp tục mở ra những hi vọng cho chúng ta trong tương lai, để bảo tồn loài sinh vật quý hiếm và độc đáo này.
Tham khảo Iflscience