Thẻ Căn cước có thể thay thế hộ chiếu khi xuất cảnh hay không?

Đại Phú | 03-11-2024 - 16:53 PM

(Tổ Quốc) - Người dân có thể sử dụng thẻ Căn cước khi xuất cảnh không?

Bộ Công an cho biết, theo quy định tại khoản 2 Điều 20 Luật Căn cước công dân số 59/2014/QH13 ngày 20/11/2014 và khoản 2 Điều 20 Luật Căn cước số 26/2023/QH15 ngày 27/11/2023 có hiệu lực từ ngày 01/7/2024 thì thẻ Căn cước được sử dụng thay cho việc sử dụng giấy tờ xuất nhập cảnh trong trường hợp Việt Nam và nước ngoài ký kết điều ước hoặc thỏa thuận quốc tế cho phép người dân được sử dụng thẻ Căn cước thay cho việc sử dụng giấy tờ xuất nhập cảnh trên lãnh thổ của nhau.

Do đó, khi Việt Nam và các nước có ký kết điều ước hoặc thỏa thuận quốc tế cho phép thì công dân sẽ được sử dụng thẻ Căn cước thay cho việc sử dụng các giấy tờ xuất nhập cảnh hiện nay như hộ chiếu, giấy thông hành… trên lãnh thổ của nhau.

Hiện tại Việt Nam chưa ký kết điều ước hoặc thỏa thuận quốc tế với các nước về vấn đề này. Tuy nhiên, theo thông tin tại Phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các quốc gia trong ASEAN đang thực hiện phấn đấu thống nhất các loại giấy tờ.

Cụ thể, ASEAN đang hướng tới việc thống nhất không sử dụng Visa tương tự như cộng đồng châu Âu. Điều này đồng nghĩa với việc công dân Việt Nam có thể dùng thẻ Căn cước để đi lại trong khu vực ASEAN khi các nước thống nhất được nội dung trên.

6 điểm khác biệt của Thẻ Căn cước được cấp mới từ ngày 1/7 với CCCD gắn chip

1. Đổi tên thẻ Căn cước công dân thành thẻ Căn cước

Khi đổi thẻ mới, tên thẻ Căn cước công dân sẽ chuyển thành Thẻ Căn cước.

Việc đổi tên thẻ CCCD thành thẻ Căn cước để bảo đảm tương đồng với thông lệ quốc tế (nhiều nước trên thế giới cũng đang sử dụng thẻ Căn cước - Identity Card). Việc thay đổi tên thẻ cũng để bảo đảm tính phổ quát, tạo tiền đề cho hội nhập quốc tế, cho việc thừa nhận, công nhận giấy tờ về căn cước giữa các nước trong khu vực và trên thế giới; hạn chế việc phải sửa đổi, bổ sung luật khi Việt Nam có ký kết thỏa thuận với các quốc gia khác để sử dụng thẻ căn cước thay cho hộ chiếu trong việc đi lại giữa các quốc gia (ví dụ như đi lại trong khối ASEAN).

Hiện nay, thẻ Căn cước được thiết kế tuân thủ theo tiêu chuẩn chung của ICAO (Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế) về tổ chức lưu trữ, khai thác thông tin trên chip điện tử; thẻ có tính bảo mật cao, tiến tới thuận lợi cho người dân trong việc bảo quản, sử dụng trên trường quốc tế.

Nếu để tên thẻ là thẻ CCCD thì chưa bảo đảm tương đồng về tên thẻ với thông lệ chung của thế giới; do vậy, có thể không sử dụng được thẻ khi hội nhập quốc tế nếu tiếp tục giữ tên thẻ.

2. Đổi mục Quê quán, Nơi thường trú, chữ ký của cơ quan cấp thẻ

Không chỉ thay đổi về tên gọi, mẫu thẻ mới được đề xuất nhiều điểm khác biệt so với thẻ CCCD.

Theo đó, mục "Quê quán" đổi thành "Nơi đăng ký khai sinh", "Nơi thường trú" đổi thành "Nơi cư trú", đồng thời di chuyển sang mặt sau của thẻ thay vì mặt trước như hiện nay. Chữ ký của cơ quan cấp thẻ đổi từ "Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội" thành "Bộ Công an".

Trên mặt thẻ căn cước sẽ không còn các thông tin về đặc điểm nhân dạng, vân tay ngón trỏ trái và ngón trỏ phải - vốn là những thông tin quen thuộc thể hiện trên chứng minh nhân dân (CMND) và CCCD hàng chục năm qua.

3. Lược bỏ vân tay và đặc điểm nhận dạng

Theo Bộ Công an, việc lược bỏ vân tay ngón trỏ trái - phải, đặc điểm nhận dạng trên mẫu thẻ mới nhằm bảo đảm tính riêng tư cho công dân trong quá trình sử dụng thẻ. Tuy không còn thể hiện trên mặt thẻ nhưng những thông tin này vẫn sẽ được quản lý thông qua bộ phận lưu trữ thông tin được mã hóa của thẻ (chíp điện tử). Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền có thể khai thác thông tin bằng các phương tiện nghiệp vụ, không phát sinh vướng mắc.

Mã QR trên thẻ căn cước cũng được đề xuất chuyển sang mặt sau, thay vì mặt trước như hiện hành. Thông tin trong mã QR bao gồm: họ, chữ đệm và tên, số định danh cá nhân của chủ hộ, cha, mẹ, vợ, chồng, con; số CMND 9 số (nếu có); số định danh cá nhân đã hủy (nếu có).

4. Cung cấp thông tin mống mắt khi làm thẻ Căn cước

Một trong những điểm mới quan trọng được quy định trong Luật Căn cước sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7 tới đây, đó chính là mống mắt của công dân được thu thập và tích hợp vào cơ sở dữ liệu căn cước.

Người từ đủ 6 tuổi trở lên mới phải thu thập mống mắt khi làm thẻ căn cước. Mặt khác, theo khoản 3 Điều 14 Luật Căn cước 2023, công dân Việt Nam dưới 14 tuổi không bắt buộc phải làm thẻ căn cước nếu không có nhu cầu.

5. Cấp thẻ căn cước cho trẻ dưới 14 tuổi

Một trong những điểm đáng chú ý của Luật Căn Cước mới là quy định cấp thẻ căn cước cho trẻ dưới 14 tuổi. Trước đây, theo quy định tại Điều 19 của Luật Căn Cước Công Dân năm 2014, chỉ những công dân Việt Nam từ 14 tuổi trở lên mới được cấp căn cước. Tuy nhiên, với sự đổi mới này, quy định đã được mở rộng để bao gồm cả đối tượng trẻ dưới 14 tuổi.

Điều này đồng nghĩa với việc nếu có nhu cầu cụ thể, trẻ em và phụ huynh hoặc người giám hộ có thể yêu cầu cấp thẻ căn cước cho trẻ em của họ. Quy định này không chỉ giúp nâng cao ý thức về quyền lợi công dân từ khi nhỏ tuổi mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình quản lý hồ sơ và thông tin cá nhân của trẻ em.

Mẫu thẻ căn cước dành cho công dân từ dưới 6 tuổi

Một điều đáng chú ý nữa là chỉ có trẻ dưới 6 tuổi mới không lấy thông tin mống mắt khi làm thẻ căn cước còn các độ tuổi còn lại đều phải thực hiện lấy thông tin này.

6. Bổ sung giấy Chứng nhận căn cước

Một nội dung mới nữa tại luật Căn cước, đó là người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch mà đang sinh sống liên tục từ 6 tháng trở lên tại đơn vị hành chính cấp xã sẽ được cấp giấy chứng nhận căn cước (CNCC).

Giấy CNCC có giá trị chứng minh về căn cước để thực hiện các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam. Để làm thủ tục cấp giấy CNCC, người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch đến cơ quan quản lý căn cước của công an cấp huyện hoặc cơ quan quản lý căn cước của công an cấp tỉnh nơi mình đang sinh sống.

Quá trình cấp lại thẻ căn cước được rút ngắn lại. Thời hạn cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước là 7 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.