Một nghiên cứu mới dựa trên 30 năm quan sát đã tái khẳng định: thay thế thịt đỏ bằng các protein có nguồn gốc thực vật sẽ giúp trái tim khỏe mạnh hơn.
Kết quả cho thấy việc thay thế thịt đỏ bằng các loại thực phẩm có nguồn gốc thực vật như các loại đỗ, hạt, đậu nành… có khả năng làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Nghiên cứu này đã được công bố trên Tập san Y khoa bình duyệt (BMJ) của Hiệp hội Y khoa Anh.
Một số loại thịt đỏ phổ biến bao gồm thịt bò, thịt bê, thịt lợn, thịt nai, thịt cừu. Thịt đã chế biến sẵn bằng các phương pháp như xông khói, muối, hoặc thêm chất bảo quản cũng được coi là thịt đỏ, chẳng hạn như thịt lợn xông khói, xúc xích salami, xúc xích bò, hot dog,...
Theo các nhà khoa học, việc thay thế toàn bộ thịt đỏ bằng ngũ cốc nguyên hạt và các sản phẩm làm từ sữa, hoặc thay thế thịt đỏ đã qua chế biến bằng trứng, cũng có thể giảm thiểu nguy cơ này.
“Đã có nhiều nghiên cứu về việc từ bỏ chế độ ăn thịt đỏ, tập trung hơn vào chế độ ăn dựa trên thực vật”, bác sĩ Anjali Dutta - chuyên gia tim mạch thuộc New York-Presbyterian Medical Group, khu vực Queens (Mỹ) - cho biết.
“Chế độ ăn Địa Trung Hải (ăn nhiều loại hạt, ít carbohydrate) khá được chú trọng”, bà nói. “Nghiên cứu này đã thấy lợi ích của một chế độ ăn dựa trên thực vật, cũng như các tác động lên sức khỏe tim mạch và khả năng giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh”.
Dù nghiên cứu trên tập trung chủ yếu vào đối tượng nam giới ở Mỹ, các nghiên cứu khác cho thấy những kết quả này vẫn đúng ở nữ giới.
Dù con người đã biết đến lợi ích của chế độ ăn Địa Trung Hải từ lâu, nghiên cứu này vẫn đem lại nhiều thông tin mới mẻ.
“Chủ đề này đã được khai thác không ít lần, nhưng nghiên cứu trên đã kiểm tra được các yếu tố quan trọng như lượng thịt đỏ tiêu thụ hàng ngày hoặc thịt đã được chế biến hay chưa”, Nicole Roach - chuyên gia dinh dưỡng tại Bệnh viện Lenox Hill, New York (Mỹ) - nhận định.
Thịt đỏ đã qua chế biến bao gồm thịt muối, hot dog, xúc xích, salami. Theo nghiên cứu, các loại thực phẩm này được cho là có liên quan tới việc gia tăng nguy cơ tử vong và mắc bệnh tim mạch.
Các thực phẩm thường xuyên được sử dụng trong chế độ ăn Địa Trung Hải
Ăn thịt đỏ nhiều có thể khiến bạn mắc bệnh tim mạch
Việc ăn quá nhiều thịt đỏ có thể khiến bạn dễ mắc bệnh tim mạch hơn.
Các nhà khoa học đã tiến hành quan sát 43.272 người đàn ông tại Mỹ, với độ tuổi trung bình là 53. Không ai trong số họ mắc bệnh tim mạch hay ung thư trong thời gian tham gia nghiên cứu.
Nghiên cứu bắt đầu từ năm 1986, trong đó người tham gia sẽ phải trả lời bảng hỏi chi tiết 4 năm/lần. Trong vòng 30 năm, đã có 4.456 sự kiện tim mạch được ghi nhận, trong đó có 1.860 trường hợp gây tử vong.
Nghiên cứu kết luận rằng cứ mỗi khẩu phần ăn/ngày, thịt đỏ có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch thêm 12%. Con số này đối với thịt đỏ chưa qua chế biến là 11%, còn thịt đỏ đã qua chế biến là 15%.
Nếu chế độ ăn giàu protein có nguồn gốc thực vật như các loại hạt, đỗ, đậu, nguy cơ mắc bệnh tim mạch sẽ giảm khoảng 14%.
“Các loại protein có nguồn gốc từ thực vật chất lượng cao như các loại hạt, đậu, đỗ, ngũ cốc nguyên chất, các sản phẩm từ sữa có thể giúp nguy cơ mắc bệnh tim mạch giảm đáng kể”, Roach nói.
Cô cũng bổ sung rằng việc thay thế thịt đỏ bằng các thực phẩm có nguồn gốc thực vật sẽ giúp làm giảm lượng chất béo bão hòa, cholesterol, sắt heme, giúp trái tim thêm khỏe mạnh. 1 oz hạt cứng (hơn 28 g) có chứa 160-190 calo và 3-7 gr protein. 1 oz đậu đỗ chứa nhiều calo hơn, nhưng có lượng protein tương tự. Nửa cup hạt đậu chín chứa 115-225 calo và 7-9 gr protein.
“Chế độ ăn dựa trên thực vật cũng tăng cường hấp thu chất béo không bão hòa, chất xơ, chất chống oxy hóa, polyphenol. Tất cả những chất này đều có lợi cho tim mạch, bằng cách tăng cholesterol tốt, giảm cholesterol xấu, cải thiện chức năng mạch máu trong tim”, Roach nói.
Không cần loại bỏ hoàn toàn thịt đỏ, nhưng nên ăn một cách điều độ
Đây không phải là lần đầu tiên các nhà nghiên cứu khuyến cáo mọi người nên thay thế thịt đỏ bằng các loại thực phẩm giàu protein có nguồn gốc thực vật. Tuy nhiên, xu hướng ăn uống gần đây đã khiến giới khoa học chú ý hơn đến việc này.
Trong năm qua, đại dịch Covid-19 bùng phát ở khắp nơi trên thế giới đã ảnh hưởng đến thói quen ăn uống thịt đỏ của nhiều người. Theo Trường đại học Y tế cộng đồng thuộc Đại học Harvard, do nguồn cung thịt bò và thịt lợn trở nên khan hiếm và đắt đỏ, người tiêu dùng buộc phải lựa chọn chế độ ăn ít thịt đỏ hơn.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng ban hành khuyến cáo dinh dưỡng trong đại dịch Covid-19, nhấn mạnh việc tiêu thụ ít chất béo và đường hơn, nhằm giảm thiểu nguy cơ mắc béo phì, bệnh tim mạch, đột quỵ, đái tháo đường và một số loại ung thư.
Dĩ nhiên, mọi người không bắt buộc phải loại bỏ hoàn toàn thịt đỏ ra khỏi chế độ ăn. Ăn thịt đỏ một cách điều độ vẫn có thể đảm bảo cho bạn một chế độ ăn cân bằng và lành mạnh.
“Thỉnh thoảng ăn một chút thịt đỏ thì không sao”, bác sĩ Dutta nói. “Bạn có thể ăn vài lần trong tuần, kết hợp với các loại rau xanh và ngũ cốc để đảm bảo một chế độ ăn cân bằng, có lợi cho sức khỏe”.
(Theo Healthline, Harvard Health Publishing)