Sau 11 năm tìm tòi, người đàn ông thạo Toán đất Ấn Độ đã tự mình chế tạo được chiếc xe chạy bằng năng lượng mặt trời. Anh Bilal Ahmed, thầy dạy toán vùng Kashmir đặt ra mục tiêu sản xuất một chiếc xe “xa xỉ” chạy bằng năng lượng tái tạo nhưng không chỉ dành cho giới siêu giàu. Giá nhiên liệu tăng lại càng khiến sáng chế của thầy Ahmed thêm thức thời.
“Những hãng xe như Mercedes, Ferrari hay BMW vẫn là giấc mơ cho dân thường. Chỉ vài người có thể mua được chúng, trong khi số còn lại mơ về ngày được lái những chiếc xe ấy. Tôi đã nghĩ tới việc đưa cảm giác xa xỉ đó cho tất cả mọi người”, thầy Bilal Ahmed nói với trang tin địa phương Rising Kashmir.
Đặc biệt hơn, đây là dự án “solo” của người thầy dạy toán. Không nhận vốn từ bất cứ tổ chức hay nhà tài trợ nào, ông bố trẻ kể mình đã phải bỏ ra 1,5 triệu rupee (tương đương 442 triệu VNĐ) để hoàn thành chiếc xe tự động toàn phần. Kiến thức anh có được lấy từ nhiều các mẫu xe của thập niên 50, bên cạnh những lời chỉ dạy của các chuyên gia.
“Khi bắt đầu và đến cả lúc làm xong, đều không có ai hỗ trợ tài chính tôi cả; nếu có được những sự trợ giúp cần thiết, có khi tôi đã trở thành Elon Musk của Ấn Độ rồi cũng nên”, anh nói với phóng viên.
Thầy giáo Bilal Ahmed lái thử chiếc xe trên đường
Hầu hết ngoại thất chiếc xe đều được phủ các tấm pin năng lượng mặt trời, ngay cả phần kính sau xe. Chiếc xe khá nhỏ, diện tích bề mặt pin khá khiêm tốn, vì thế thầy Ahmed đã sử dụng pin năng lượng mặt trời tinh thể đơn để tối ưu năng lượng sản xuất được. Với mỗi cell quang điện làm từ một tinh thể silicon duy nhất, chúng tạo ra số kilowatt giờ lớn hơn các chủng loại cell quang điện thường thấy, là các tấm polycrystalline.
Ngoài vẻ ngoài “công nghệ cao”, chiếc xe còn mang trên mình một yếu tố nữa làm tăng thêm phần xa xỉ. Xe điện tự chế sở hữu cửa cánh chim, mở lên cao như chiếc DeLorean huyền thoại hay những mẫu Aston Martin Valkyrie đời mới.
Việc ngửa cửa bên lên trên sẽ giúp xe nhận được tối đa lượng ánh sáng ban ngày. Hơn nữa, theo lời thầy Ahmed, trong xe còn có hệ thống điều chỉnh hướng của các tấm pin mặt trời, giúp xe có thể đón nắng dù đi về phía nào. “Hệ thống phanh còn có thể tạo điện cho pin, giúp tiết kiệm năng lượng”, thầy giáo Bilal Ahmed nói.
Người thầy trẻ mong muốn mở được một công ty sản xuất hàng loạt mẫu xe điện độc đáo này, giúp cung cấp việc làm cho lớp trẻ trong khu vực. Anh đã đặt tên cho dòng xe điện của mình là YMC, theo chữ cái đầu của tên hai con anh, Yosha và Maisha.
Dù chưa có nhà đầu tư nào ngỏ ý, anh Ahmed đã đang nhận được sự hậu thuẫn từ trung tâm sáng tạo thuộc Viện Công nghệ Quốc gia đặt tại Srinagar. Anh mong muốn người dân địa phương đều sẽ có thể trải nghiệm công nghệ mới của tương lai, công nghệ xe điện.