Chủ nhật ngày 15/8, chiếc xe y tế đậu ngay trước cổng bệnh viện. Nữ y tá bước xuống, chuẩn bị bước vào một ngày làm việc bình thường. Đột nhiên, tài xế hét lên, yêu cầu tất cả quay trở lại.
"Anh ta hét lên 'Phụ nữ hãy trốn đi, các chị em ơi làm ơn đi đi, Taliban đến rồi!'" - nữ y tá 35 tuổi nhớ lại. "Chúng tôi không hiểu gì cả. Nó giống như một chuyện không tưởng vậy."
Bận chiếc quần jeans bên trong tấm áo blouse trắng - phong cách ăn mặc phương Tây mà có lẽ sẽ khó lòng xuất hiện tại Kabul trong thời gian tới, cô y tá cùng vài nữ đồng nghiệp khác lật đật trở lại trong xe để về nhà. Suốt 3 ngày kế tiếp, cô sợ đến mức chẳng dám ra khỏi nhà. Ngày thứ 4, cô nhận được cuộc gọi từ giám đốc bệnh viện.
"Taliban hiện nay không có vấn đề gì với phụ nữ cả. Hãy trở lại làm việc. Có rất nhiều việc mà chỉ cô mới làm được. Chúng tôi cạn nhân lực rồi. Chúng tôi cần cô," - nữ y tá nhớ lại lời khẩn khoản của giám đốc.
Một tay súng Taliban. Đằng sau là những tấm poster in hình phụ nữ đã bị bôi bẩn
Một ngày làm việc dưới quyền Taliban
Trả lời phỏng vấn, nữ y tá yêu cầu giấu kín danh tính để đảm bảo an toàn đã tiết lộ bức tranh thực tế khi là một phụ nữ làm việc tại Afghanistan vào lúc này.
Đối với họ, chuỗi ngày sau khi Kabul thất thủ ngập tràn sợ hãi. Họ không biết cuộc sống của mình sẽ như thế nào khi Taliban trở lại kiểm soát. Suốt nhiều tháng trời, Taliban đã truyền thông về việc họ sẽ xem xét lập trường của mình đối với các quyền lợi của phụ nữ. Hôm 25/8, phát ngôn viên của Taliban Zabiullah Mujahid thông báo phụ nữ "tạm thời không được đi làm", để đảm bảo an toàn cho họ trong tình hình hỗn loạn khi đang thay đổi thể chế.
Phụ nữ sẽ không còn được ra đường thoải mái nữa
"Đội ngũ an ninh của chúng tôi chưa được huấn luyện về cách ứng xử với phụ nữ," - Mujahid cho biết. "Cho đến khi tình hình ổn định hơn, chúng tôi yêu cầu phụ nữ ở nhà."
Nhưng thực tế, chuyện diễn ra sau những ngày đầu tiên khi Taliban kiểm soát Afghanistan chỉ góp phần xác nhận lại những gì phụ nữ nơi đây lo sợ: quê hương của họ một lần nữa trở thành chốn nguy hiểm, nơi phụ nữ bị kìm kẹp và có rất ít cơ hội.
Những người trước kia từng lên tiếng bảo vệ quyền phụ nữ giờ đã phải trốn khỏi đất nước qua những chuyến bay giải cứu. Quê nhà họ bị kiểm soát bởi những tay súng, poster và hình ảnh phụ nữ bị gỡ bỏ xung quanh thủ đô. Nữ sinh từ các trường phải về nhà, với lời cảnh báo không được quay lại. Các bệnh viện - như nơi nữ y tá đang làm việc - trở thành nơi chia rẽ giới tính, khi bác sĩ và y tá nữ chỉ được chữa cho phụ nữ, và tất cả khi rời nhà sẽ không được mặc trang phục gì khác ngoài hijab (bộ quần áo trùm kín từ đầu đến chân).
Thậm chí ngay cả ở những khu vực nơi Taliban chưa kiểm soát, sự trở lại của họ đã dấy lên nỗi sợ dành cho phụ nữ không mặc hijab, hoặc không chịu ở yên trong nhà.
"Chúng tôi chỉ còn biết chờ đợi," - nữ y tá với 10 năm thâm niên cho biết. "Nhưng thực ra cũng chẳng biết phải chờ điều gì."
Trang phục bắt buộc là hijab khi ra đường
Nhiều người phụ nữ cũng giống như nữ y tá, là lao động chính trong nhà. Với họ, đi làm không phải là lựa chọn mà là điều thiết yếu. Giờ đây, cô mong mỏi được rời khỏi đất nước, nhưng sợ rằng sẽ rất khó bởi hoàn cảnh gia đình. Cô hiện đang sống cùng mẹ và người em gái khuyết tật, luôn cần chăm sóc y tế. Cô thậm chí chẳng thể tưởng tượng ra việc làm thế nào để đưa một đứa trẻ và người phụ nữ già cả vượt qua đám đông hỗn loạn nơi cửa sân bay, chờ đợi một cách tuyệt vọng mong mỏi rời khỏi đất nước.
"Nếu như có gì xảy ra với em tôi, hoặc tôi phải bỏ rơi họ, thực sự tôi không thể sống nổi," - cô chia sẻ.
Tình người vượt qua nỗi sợ
Dù chẳng tin vào lời hứa của Taliban hay lời kêu gọi của giám đốc bệnh viện, nữ y tá vẫn quyết định rời nhà vào ngày 26/8. Bởi lẽ, cô cảm thấy mình có trách nhiệm, trong bối cảnh Kabul hỗn loạn vì vụ đánh bom tự sát cùng ngày.
Trên đường, binh lính ở khắp mọi nơi. Họ mang súng, quan sát cô đi ngang qua trong trang phục hijab.
"Tôi đã rất sợ. Họ nhìn tôi như thể một con mồi. Nhưng tôi liên tục tự nhủ rằng có thể họ không còn giống như trước, sẽ không đánh phụ nữ nữa. Trông họ có vẻ tĩnh lặng, không chút bạo lực. Hoặc là chưa đến lúc đó."
Tại bệnh viện, những nhân viên an ninh kiểm soát lối vào đều không ở đó, trong khi mọi thứ như đảo lộn. Đa số các khu trong bệnh viện đều trống, bởi người bệnh đơn giản là giật đứt ống truyền dịch và bỏ đi. Một số ở lại - trong đó có vài người bệnh nặng và một phụ nữ mang thai - thì trông rất kinh hãi.
Khu điều trị Covid-19 - nơi từng quá tải với hàng chục bệnh nhân trước đó chưa đầy 1 tuần - cũng trống trải. Qua tìm hiểu, gia đình người bệnh đã nhận định rằng Taliban nguy hiểm hơn Covid, và họ quyết định đưa thân nhân về nhà điều trị hoặc đi thẳng ra sân bay.
"Chúng tôi không còn bất kỳ dữ liệu nào về số bệnh nhân Covid tại bệnh viện này, thậm chí là ở thành phố này," - cô chia sẻ. "Bộ Y tế vẫn cập nhật số liệu, nhưng đó là những con số không đúng thực tế. Chẳng bệnh nhân nào muốn rời nhà và rơi vào tầm ngắm của Taliban cả."
Một số nạn nhân của vụ hỗn loạn được mang tới bệnh viện, nhưng tất cả đều là nam giới - nghĩa là cô không được phép chữa cho họ theo quy định mới. Một đồng nghiệp của cô từng bị lính Taliban đuổi về, sau khi nhìn thấy cô trò chuyện cùng một người đàn ông đang bị thương ở chân.
Các y tá và bác sĩ được yêu cầu phải đến bệnh viện mỗi ngày, điểm danh rồi báo cáo lại cho Taliban để đảm bảo họ không trốn đi. Nhưng giữa những chính sách mới và các khu chăm sóc trống rỗng, nữ y tá cảm thấy không có chút động lực nào cho chuyện này.
Các bệnh nhân vì quá sợ hãi chuyện rời nhà đã tìm cách lén liên lạc với chuyên gia y tế. Bản thân nữ y tá gần đây đã đỡ đẻ cho một thai phụ gần nhà, khi người này đến cầu xin giúp đỡ. Cô mang theo mọi công cụ có thể, dìu thai phụ về nhà và tiến hành đỡ đẻ, một cách lén lút. Sau khi để lại một đơn thuốc, cô rời đi và đến nay chưa nghe thấy bất kỳ tin tức nào về bà mẹ ấy nữa.
Bản thân cô cũng thấy sợ trước việc phải đến khám tại nhà quá nhiều lần, bởi các tay súng Taliban luôn có mặt tại các trạm gác để theo dõi lịch trình của người dân trong thành phố. Nhưng cô không có lựa chọn, vì không biết làm cách nào để kiếm tiền. Giám đốc bệnh viện gần đây thông báo lương của y tá sẽ bị tạm giữ cho đến khi ngân hàng thành phố hoạt động bình thường trở lại.
Ngân hàng đã đóng cửa từ ngày 15 - ngay trước khi cựu Tổng thống Ashraf Ghani bỏ trốn và Taliban xuất hiện. Nhưng dù đã mở cửa sau gần 1 tuần, dân chúng vẫn chẳng thể tiếp cận tài khoản của mình. Nữ y tá cũng chưa thể đến bất kỳ cây ATM nào, chẳng còn biết làm gì nếu như cạn tiền mặt. Và trong trường hợp Taliban ngăn cản không cho cô đi làm, cô chẳng còn cách nào để nuôi sống gia đình.
Tại khu vực cô sinh sống, nữ y tá cho biết các binh lính của Taliban không phải vấn đề lớn, mà nó đến từ nhóm đàn ông trên phố tự cho mình cái quyền "bảo hộ đạo đức". Họ liên tục bảo phụ nữ phải trở về nhà, nhắc nhở mặc hijab, thậm chí đe dọa đánh đập nếu không tuân thủ.
Cách đây vài ngày, cô đã phải tranh cãi kịch liệt với một chủ sạp hàng. Người này chỉ trích cô vì mặc quần jeans. "Thật tốt vì Taliban đã đến để giải quyết lũ đàn bà như cô" - nữ y tá nhớ lại lời mạt sát của y. Kể từ đó, mẹ cô và một thanh niên trẻ hàng xóm phải thay phiên nhau đi mua nhu yếu phẩm cho gia đình, vì y không bán cho cô nữa.
Hiện tại, cô dành phần lớn thời gian ở nhà, nhưng nguồn giải trí duy nhất là chiếc TV cũng chẳng mang lại cảm giác tích cực hơn, bởi những gì phát sóng chỉ là tin tức. "Chỉ có khăn xếp, râu, và súng," - cô thở dài ngao ngán, ám chỉ trang phục truyền thống và quy định nuôi râu của Taliban. "Không có phim, không có chương trình giải trí mà tôi từng thích."
Radio cũng không còn phát nhạc giải trí nữa, mà chỉ toàn những bài hát tôn giáo. Chúng "không có giai điệu, mà nghe giống nhạc đám ma vậy."
Nguồn: BuzzFeed