Loma Linda nằm nép mình giữa những dãy núi thuộc vùng Thung lũng San Bernardino, California (Mỹ). Thành phố này được biết đến như một trung tâm chăm sóc sức khỏe, với hơn 900 nhân viên y tế đang làm việc tại Bệnh viện Đại học Loma Linda. Trong tiếng Tây Ban Nha, Loma Linda nghĩa là “ngọn đồi xinh đẹp”.
Tuy nhiên, đó không phải là điều duy nhất khiến Loma Linda nổi tiếng. Thành phố 21.000 dân này là 1 trong 5 “vùng xanh” - những nơi có người dân sống lâu và khỏe mạnh nhất thế giới. Trên thực tế, cư dân vùng Loma Linda sống thọ hơn người Mỹ trung bình khoảng 8-10 năm.
Theo các chuyên gia, có thể là do Loma Linda tập trung phần lớn người thuộc Giáo hội Cơ đốc Phục lâm. Tôn giáo này khuyến khích con người sống lành mạnh và làm việc thiện cho cộng đồng.
“Tôi không bao giờ bị stress”
“Như tôi được biết, stress là một thứ được tạo ra”, Ellsworth Wareham - bác sĩ phẫu thuật tim mạch tại Loma Linda - nói với phóng viên CNN. Ở thời điểm đó, Wareham đã 100 tuổi, nhưng vẫn ngày ngày cắt cỏ trong vườn nhà.
“Tôi chưa từng bị stress”, Wareham cho biết. “Tôi có một triết lý sống: Cứ làm hết khả năng của mình. Với những thứ bạn không thể thay đổi, đừng bận tâm đến chúng”.
Ở tuổi 95, Wareham vẫn tham gia hỗ trợ phẫu thuật. Ông từng nói sẽ vẫn cầm dao mổ kể cả khi đã 100 tuổi.
“Tôi có thể thực hiện phẫu thuật tim ngay bây giờ. Đôi tay tôi vẫn vững vàng, mắt tôi vẫn tinh tường”, Wareham nói. “Huyết áp của tôi ở mức 117. Tôi thấy mình còn minh mẫn, không bị ảnh hưởng bởi tuổi già. Nếu bạn bắt tôi ghi nhớ thứ gì đó, tôi sẽ ghi nhớ nhanh như thể mới 20 tuổi”.
Chế độ ăn chủ yếu nhiều rau, ít thịt giúp cơ thể khỏe mạnh
Wareham đã qua đời vào năm 2018, hưởng thọ 104 tuổi. Giống như 10% cộng đồng Giáo hội Cơ đốc Phục lâm. Wareham cũng ăn chay. 30% số người còn lại tuy ăn chay có sữa và trứng, trong khi 8% chỉ ăn cá mà không ăn thịt. Chế độ ăn chay phổ biến ở đây tới mức chẳng có món thịt nào được bày bán trong căng tin trường đại học hay bệnh viện.
“Kể cả những người không ăn chay cũng tiêu thụ tương đối ít thịt”, Michael Orlich - bác sĩ thuộc Bệnh viện Đại học Loma Linda - cho biết. “Trung bình, mỗi ngày họ chỉ ăn khoảng 56 gr thịt - một con số khá thấp”. Ông là điều tra viên chính trong dự án nghiên cứu về lối sống của người dân thuộc Giáo hội Cơ đốc Phục lâm.
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp Mỹ, ước tính mỗi người dân Mỹ đã tiêu thụ khoảng 100kg thịt đỏ trong cả năm 2018. Như vậy, người dân ở Loma Linda ăn ít hơn 20kg thịt/năm.
Nhờ chế độ ăn chay, người dân ở đây có cân nặng khá thấp. Các đối tượng ăn chay trong nghiên cứu có chỉ số BMI trung bình là 23, thấp hơn nhiều so với ngưỡng cao nhất của phân loại khỏe mạnh. Trong khi đó, những người ăn thịt có chỉ số BMI trung bình là 29 - suýt soát ngưỡng béo phì độ 1, bất kể họ ăn ít thịt đến đâu.
Lối sống tích cực là chìa khóa để sống lâu
Ngoài ra, còn một yếu tố khác giúp người dân Loma Linda có tuổi thọ cao nhất thế giới: Chỉ 1% số người trong nghiên cứu hút thuốc. Họ gần như không uống bia rượu. Tập thể thao ngoài trời hàng ngày là điều phổ biến ở đây. Bên cạnh đó, cư dân Loma Linda cũng tích cực tham gia tình nguyện tại nhà thờ, nhằm xây dựng tinh thần cộng đồng.
“Những người này có chế độ ăn lành mạnh hơn, chăm tập thể dục hơn và ít bị trầm cảm”, Kelly Morton - giáo sư Dược học và Tâm lý học tại Đại học Loma Linda, đồng tác giả nghiên cứu - cho biết. “Nhờ vậy, họ sống lâu hơn”.
Theo Morton, việc tham gia các hoạt động tôn giáo cũng là một yếu tố quan trọng giúp người dân ở đây có tuổi thọ đáng ngưỡng mộ.
Với tất cả các yếu tố trên, cư dân vùng Loma Linda có một cơ thể khỏe mạnh hơn, ít mắc các bệnh liên quan đến béo phì như tiểu đường, cao huyết áp, ung thư và bệnh tim mạch.
“Trong nghiên cứu về cộng đồng Giáo hội Cơ đốc Phục lâm, những người ăn chay thường có huyết áp thấp hơn, mức cholesterol xấu LDL thấp hơn, ít mắc hội chứng chuyển hóa hay bệnh tiểu đường”, Orlich nói.
“Cộng đồng người ăn chay, bao gồm cả những người ăn bán chay và ăn chay kèm hải sản, có nguy cơ bị ung thư đại tràng thấp hơn 22% so với bình thường. Họ cũng ít có nguy cơ mắc ung thư tiền liệt tuyến".
Ông cũng nói thêm: “Nếu bạn thực hiện đúng tất cả những yếu tố này, tuổi thọ có thể tăng thêm 10 năm như trong cộng đồng cư dân ở Loma Linda”.
Không bao giờ là quá muộn để theo đuổi thói quen lành mạnh
Rất ít người trong số chúng ta duy trì được những thói quen tốt này; càng hiếm người thực hiện tất cả cùng lúc. Thế nhưng, theo bác sĩ Orlich, chưa bao giờ là quá muộn để bắt đầu hình thành thói quen lành mạnh.
“Vô số bằng chứng đã cho thấy việc thay đổi một vài thói quen sống có thể tạo nên sự khác biệt lớn về nguy cơ mắc bệnh nghiêm trọng và tuổi thọ”, bác sĩ Orlich cho biết. “Cơ thể chúng ta có một khả năng kỳ diệu: tự chữa lành bản thân đến một mức độ nào đó”.
Lấy thói quen hút thuốc làm ví dụ: Rất nhiều người trung niên thuộc thế hệ 4X-7X từng nghiện thuốc lá, bởi khi ấy xã hội coi việc này là phổ biến.
“Nếu đã ngừng hút thuốc lá trong khoảng 20-30 năm, bạn cũng sẽ không khác gì người chưa từng hút là bao”.
Đối với những người lười vận động, bất kỳ môn thể thao nào cũng có lợi cho họ.
“Tập luyện vừa phải, chẳng hạn như đi bộ vài lần 1 tuần, thay vì ngồi một chỗ có thể giúp bạn kiếm thêm không ít tiền”, bác sĩ Orlich cho biết. “Vì thế, chẳng bao giờ là quá muộn để bắt đầu lối sống lành mạnh. Mọi người có thể nhận được vô số lợi ích lớn lao chỉ trong một thời gian ngắn”.
(Theo CNN)