Tháng 6, làm 4 món ăn là "bảo bối" cho toàn cơ thể: Vừa giúp dưỡng gan, tiêu ẩm lại nhuận phổi, bồi bổ tỳ vị

Huệ Lan (T/h) | 18-06-2024 - 15:49 PM

(Tổ Quốc) - Thông qua 4 món ăn đơn giản, dễ làm, chúng ta có thể phát huy hết tác dụng bảo vệ sức khỏe của lá tía tô và cải thiện các triệu chứng khó chịu thường gặp trong mùa hè.

Vào tháng 6 là thời điểm giữa hè, thời tiết dần trở nên nóng bức, ngột ngạt và mưa cũng nhiều hơn. Thời tiết khó chịu khiến cho chúng ta băn khoăn làm thế nào để duy trì sức khỏe tốt thông qua chế độ ăn uống? Chúng ta hãy cùng đi tìm lời giải đáp! Trong mùa này, có một loại rau được đánh giá cao về giá trị dinh dưỡng độc đáo và cách ăn đa dạng - lá tía tô.

Lá tía tô không chỉ là loại rau thơm ngon mà còn là một nguyên liệu thảo dược truyền thống trong Đông y. Lá tía tô có vị cay nồng, tính ấm, có tác dụng làm giảm các triệu chứng bên ngoài và xua tan cảm lạnh, điều hòa khí huyết, giảm nôn mửa. Đặc biệt vào mùa hè, lá tía tô có thể phát huy tác dụng bổ gan, tiêu ẩm, nhuận phổi, bồi bổ tỳ vị. Do đó đây là một loại nguyên liệu thực phẩm bạn không nên bỏ qua khi chế biến món ăn.

Vào tháng 6 thời tiết nóng ẩm, cơ thể con người dễ xuất hiện các triệu chứng như cảm giác dính ướt, mệt mỏi, chán ăn. Lá tía tô có thể thúc đẩy nhu động ruột và tăng cảm giác thèm ăn nhờ mùi thơm độc đáo và vị cay. Nó cũng có thể làm giảm cái nóng mùa hè và loại bỏ ẩm ướt. Để phát huy hết công dụng của lá tía tô đối với sức khỏe, dưới đây là 4 món ngon từ lá tía tô đơn giản, dễ làm để mọi người thử ngay trong tháng 6 này.

Công thức gợi ý 1: Trứng tráng lá tía tô

Nguyên liệu làm món trứng tráng lá tía tô

1 nắm lá tía tô, 4-5 quả trứng gà, 2 tép tỏi, 2 cây hành lá, lượng muối vừa phải, lượng dầu ăn vừa phải.

Cách làm món trứng tráng lá tía tô

Bước 1: Lá tía tô bạn đem rửa sạch, để ráo nước sau đó thái nhỏ. Đập trứng gà vào bát tô, thêm lượng muối thích hợp rồi dùng đũa đánh đều. Tỏi bóc vỏ, đập dập rồi băm nhỏ. Hành lá rửa sạch rồi xắt nhỏ.

Tháng 6, làm 4 món ăn là "bảo bối" cho toàn cơ thể: Vừa giúp bổ gan, tiêu ẩm lại nhuận phổi, bồi bổ tỳ vị - Ảnh 1.

Bước 2: Đun nóng dầu ăn trong chảo sau đó cho hành lá và tỏi băm vào xào cho đến khi dậy mùi thơm.  Tiếp theo bạn đổ trứng đã đánh vào. Khi trứng hơi đặc lại thì thêm lá tía tô cắt nhỏ vào dàn đều. Chiên cho đến khi trứng đông cứng hoàn toàn và lá tía tô trở nên mềm, dậy mùi thơm.

Món trứng tráng lá tía tô hoàn thành có vị thơm dịu của trứng và mùi thơm của lá tía tô bổ sung cho nhau. Món ăn này không chỉ thơm ngon mà còn có tác dụng tăng cảm giác thèm ăn và hỗ trợ tiêu hóa.

Công thức gợi ý 2: Trà hạt kê, gừng và lá tía tô

Nguyên liệu để làm trà hạt kê, gừng và lá tía tô

một nắm lá tía tô, 3 miếng gừng, 30g kê, lượng kỷ tử thích hợp (tuỳ thích).

Cách làm trà hạt kê, gừng và lá tía tô

Bước 1: Lá tía tô bạn mua về đem rửa sạch, để ráo nước. Sau đó cắt lá tía tô thành các miếng nhỏ. Tiếp theo bạn đem lá tía tô đi hấp trong khoảng 5 phút sau đó vớt ra rồi hong cho ráo nước (hoặc phơi nắng nếu có thể). Gừng đem gọt vỏ và thái sợi nhỏ. Hạt kê rửa sạch, để ráo nước. 

Tháng 6, làm 4 món ăn là "bảo bối" cho toàn cơ thể: Vừa giúp bổ gan, tiêu ẩm lại nhuận phổi, bồi bổ tỳ vị - Ảnh 2.

Bước 2: Đun nóng chảo sau đó cho hạt kê vào đảo trên lửa nhỏ. Khi thấy hạt kê có mùi thơm thì thêm gừng và lá tía tô vào, đảo đều trên lửa nhỏ cho đến khi nước trong lá tía tô và gừng cắt sợi ráo hẳn thì tắt bếp. Để nguội các nguyên liệu và cho vào hũ thủy tinh khô bảo quản. Hoặc nếu bạn có túi lọc trà thì hãy chia nguyên liệu vào, khi uống chỉ việc lấy từng phần hãm với nước nóng. 

Loại trà này có tác dụng làm ấm cơ thể, tán lạnh, tiêu ẩm, bồi bổ dạ dày, đặc biệt thích hợp uống vào mùa có độ ẩm cao, có thể giúp cải thiện chức năng của lá lách và dạ dày, tăng cường khả năng miễn dịch.

Công thức gợi ý 3: Dưa chuột trộn lá tía tô

Nguyên liệu để làm món dưa chuột trộn lá tía tô

Một nắm lá tía tô, 1 quả dưa chuột, một quả ớt sừng ngọt màu xanh, 3 tép tỏi, lượng nước tương vừa phải, ượng giấm balsamic vừa phải, lượng muối vừa phải, lượng đường vừa phải và một ít dầu mè.

Cách làm món dưa chuột trộn lá tía tô

Bước 1: Rửa sạch lá tía tô, cắt thành dải dài. Dưa chuột rửa sạch, ngâm nước muối pha loãng. Sau đó cắt dưa chuột thành lát mỏng hoặc dải dài. Ớt sừng rửa sạch sau đó rạch đôi rồi bỏ hạt. Cắt ớt thành các miếng mỏng, dài. Lưu ý, tùy vào sở thích bạn có thể cho ớt hay không.

Bước 2: Chuẩn bị một âu trộn, cho dưa chuột, ớt sừng cà lá tía tô vào. Tiếp theo bạn thêm lượng muối, đường, nước tương, giấm balsamic và tỏi băm nhỏ vừa đủ vào, đảo đều. Cuối cùng bạn rưới một chút dầu mè lên, đảo đều một lần nữa rồi cho dưa chuột trộn lá tía tô ra đĩa.  

Món ăn mát lạnh này có vị thanh mát, giòn ngon của dưa chuột kết hợp với mùi thơm đặc trưng của lá tía tô. Đây sẽ là món ăn mát lành giúp mâm cơm ngày hè của bạn trở nên ngon miệng hơn. 

Công thức gợi ý 4: Nộm rau tía tô

Nguyên liệu làm nộm rau tía tô

350g rau tía tô, 1 củ tỏi, hành lá, lượng lạc rang thích hợp, chút dầu hào, dầu mè, giấm, đường, 1 quả ớt...

Cách làm món nộm rau tía tô 

Bước 1: Lá tía tô rửa sạch, ngâm với nước muối khoảng 10 phút rồi vớt ra để ráo. Sau đó cho lá tía tô vào chần sơ khoảng 1 phút, vớt ra rồi ngâm vào ngay nước lạnh cho đỡ hăng. Khi lá tía tô nguội thì vắt cho lá kiệt nước rồi để riêng ra bát.

Tháng 6, làm 4 món ăn là "bảo bối" cho toàn cơ thể: Vừa giúp bổ gan, tiêu ẩm lại nhuận phổi, bồi bổ tỳ vị - Ảnh 5.

Bước 2: Tỏi bóc vỏ, đập dập, băm nhỏ. Hành lá thái nhỏ, ớt băm hoặc xay nhuyễn. Cho hỗn hợp này vào bát tía tô đã chần. Đun dầu mè cho nóng rồi dưới lên trên, nêm gia vị đường, muối, giấm, dầu hào... vào. Trộn đều để lá tía tô thấm đều gia vị, rắc lạc rang giã dập lên là có thể thưởng thức.

Lá tía tô là một loại rau có lợi cho toàn bộ cơ thể, không chỉ giàu chất dinh dưỡng mà còn có nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe. Tháng 6 là thời điểm thích hợp để ăn lá tía tô. Thông qua một số món ăn đơn giản, dễ làm, chúng ta có thể phát huy hết tác dụng bảo vệ sức khỏe của lá tía tô và cải thiện các triệu chứng khó chịu thường gặp trong mùa hè.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM