Ngày 15 tháng 11 năm 1908, Tây Thái hậu Từ Hi – người thống trị Đại Thanh suốt nửa thế kỷ bệnh nặng qua đời tại Nghi Loan điện, hưởng thọ 74 tuổi.
Tháng 10 năm sau, thi thể bà mới được hạ táng tại Đông lăng. Có lời đồn rằng khi hạ táng Từ Hi Thái hậu, bên trong quan tài và bên trong lăng mộ của bà có chôn theo vô số châu báu ngọc ngà, được xếp thành từng núi từng núi.
Cũng chính vì số châu báu mang giá trị liên thành đó mà mộ phần của Từ Hi bị Tôn Điện Anh xâm nhập và cướp bóc, tạo ra vụ "trộm mộ Đông Lăng" nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc.
Tháng 7 năm 1928, khoảng gần 20 năm sau sau khi Từ Hi Thái hậu được hạ táng, một nhánh quân phiệt do Tôn Điện Anh cầm đầu tiến đến phá hỏng giấc ngủ ngàn thu của Thái hậu trong địa cung, còn nhánh khác tiến về Dụ lăng của Càn Long Đế. Bọn chúng phá mở quan tài, cướp đoạt châu báu, khiến một số lượng lớn vật phẩm quý giá lưu lạc ra nước ngoài, gây ra tổn thất to lớn đối với lịch sử văn vật Trung Quốc.
Bấy giờ, đội quân do Tôn Điện Anh dẫn đầu là nhánh quân do Quốc dân quân cử ra để tiêu diệt bọn thổ phỉ. Trên đường đi, Tôn Điện Anh bị sự tráng lệ, giàu có của Đông lăng thu hút, vì muốn cướp vàng bạc trong đó nên đã nghĩ ra cách trộm mộ.
Để che giấu tai mắt của người khác, Tôn Điện Anh lấy cớ là quân đội cần diễn tập, điều nhóm lính canh gác lăng ít ỏi đi chỗ khác, sau đó bắt đầu chuẩn bị thực hiện hành vi trộm cắp của mình.
Tôn Điện Anh đang cầm di vật lấy được trong lăng mộ Từ Hi Thái hậu.
Lối vào lăng mộ của Hoàng thất đều vô cùng bí mật, kín đáo, chính là để phòng ngừa bọn trộm mộ đến đánh cắp. Ban đầu, nhóm Tôn Điện Anh không thể tìm ra được lối vào địa cung, bọn chúng đào bới lung tung, phá dỡ nhiều nơi nhưng vẫn chẳng thể tìm được lối vào.
Về sau, nghe được một người già từng xây lăng mộ trước đó, bọn chúng mới biết rằng, đằng sau Minh lâu có một "viện câm", chuyên chiêu mộ những nhân công câm để xây dựng tu sửa lăng tẩm nhà Thanh, mà đằng sau bức tường phù điêu ngọc lưu ly ở phía Bắc của sân chính là lối vào địa cung nơi chôn cất Càn Long Đế.
Lăng mộ của Từ Hi Thái hậu lại khác, phải đi vào cửa một động cổ ở dưới chân Minh lâu mới có thể vào trong địa cung.
Cho dù là lăng mộ Càn Long Đế hay lăng mộ của Từ Hi Thái hậu, thì lối vào đều cực kỳ kiên cố, là những cánh cửa "kim cương", muốn mở ra cũng chẳng phải chuyện dễ dàng. Nhóm người Tôn Điện Anh với tâm địa tham lam đã trực tiếp dùng thuốc nổ để cho nổ tung lối ra vào, chính vì thế cả hai lăng mộ đều có dấu vết bị thuốc nổ phá hỏng.
Tôn Điện Anh dẫn theo nhóm cướp khai quật lăng mộ của Từ Hi Thái hậu, vào được địa cung sớm hơn so với nhóm cướp lăng mộ của Càn Long Đế.
Nhóm mộ tặc khuân đồ từ trong lăng mộ Từ Hi Thái hậu ra ngoài.
Sau khi bọn chúng dùng bạo lực phá hỏng quan tài của Từ Hi, đã bị vô số châu báu vàng bạc trong đó làm cho lóa mắt. Cho nên, bọn cướp điên cuồng vơ vét cướp bóc sạch sẽ trân bảo chôn trong quan tài, thi thể của Từ Hi cũng vì vậy mà bị phá hoại.
Theo các nhân viên phục hồi cho biết, ở vùng miệng của Thái hậu có một vết rạch, vết rạch đó là do khi Tôn Điện Anh muốn cướp viên Dạ minh châu trong miệng bà gây ra, thậm chí ngay cả đồ tùy thân như mũ phượng, áo choàng... đều bị cướp sạch, thi thể Từ Hi sau đó còn bị bọn chúng quăng ở cạnh quan tài.
Dụ lăng của Càn Long Đế cũng bị phá hoại nghiêm trọng, địa cung vốn đã có nước đọng bên trong, sau khi bảo vật bị cướp sạch, xương cốt của Càn Long Đế còn bị thất lạc theo dòng nước.
Còn di thể của Hiếu Hiền Hoàng hậu cùng ba vị Hoàng phi cũng đều thất lạc mỗi chỗ một nơi, chỉ duy có Hiếu Nghi Hoàng hậu bởi vì di thể chưa thối rữa nên vẫn được bảo tồn nguyên vẹn.
Sau khi vụ việc bị lộ ra, dư luận cả nước sục sôi, đặc biệt là con cháu Hoàng thất còn lại của nhà Mãn Thanh, họ vô cùng tức giận khi lăng mộ tổ tiên bị trộm, thi thể tổ tiên bị hủy, yêu cầu nghiêm trị tội trộm mộ của Tôn Điện Anh.
Nhưng Tôn Điện Anh bởi vì muốn thoát tội, đã đem số bảo vật trộm được tẩu tán khắp nơi, ngược lại còn tìm một cái cớ đường hoàng để biện minh rằng: "Người Mãn Thanh hại tổ tiên 3 đời của ta, trộm phá mộ cũng chỉ vì muốn báo thù, là việc bất đắc dĩ phải làm."
Sau đó, dưới sự hòa giải của các bên, kẻ trộm mộ Đông Lăng Tôn Điện Anh cũng thoát khỏi sự trừng phạt. Sau vụ trộm mộ, Tôn Điện Anh sống ngoài vòng pháp luật hơn 20 năm, cuối cùng bị quân giải phóng bắt được, mất trong trại giam tội phạm chiến tranh năm 1947.
Thân thế con trai Tôn Điện Anh
Người con trai duy nhất của Tôn Điện Anh là Tôn Thiên Nghĩa lại đi con đường hoàn toàn khác với cha mình.
Ông là người tài hoa hơn người, đã từng đảm nhận chức Hiệu trưởng trường Ngoại ngữ Tây An, Phó Chủ tịch Hiệp hội dịch giả Trung Quốc, Phó Chủ tịch Hiệp hội giao lưu giáo dục quốc tế Trung Quốc…
Với những đóng góp và cống hiến của mình, Tôn Thiên Nghĩa được đánh giá là người "cần cù tận tụy, nghiên cứu học vấn chặt chẽ cẩn thận". Hơn thế, ông còn có một thân phận vô cùng đặc biệt, đó là người bảo vệ lăng Hoàng đế.
Tôn Thiên Nghĩa giữ chức Chủ tịch Ngân sách bảo tồn Lăng Hoàng đế, có nhiều cống hiến lớn lao trong công tác bảo hộ văn vật và tu sửa cổ vật. Con đường của Tôn Thiên Nghĩa hoàn toàn trái ngược với hành vi quật mồ trộm cướp của cha mình trong quá khứ.