Trong xã hội Trung Quốc hiện nay, thành công của 1 người trưởng thành được đánh giá trên các tiêu chí bao gồm thu nhập cao, có địa vị xã hội và được tôn trọng. Trong khi đó, thành công của 1 đứa trẻ lại là có điểm số học tập xuất sắc, có tài từ nhỏ và được tôn là "thần đồng".
Sự ra đời của thần đồng
Trương Di Văn, sinh năm 2007, là 1 ví dụ điển hình của "con nhà người ta", mới lên 4 tuổi cô bé đã nhận diện được hơn 2.000 mặt chữ Hán, thi đại học năm 9 tuổi, vào đại học năm 10 tuổi, được mọi người ưu ái gọi là thần đồng. Nhưng câu chuyện về em không hẳn là 1 chuyện để người khác ngưỡng mộ, mà ngược lại đó là sự thương cảm.
Bố mẹ đặt rất nhiều kỳ vọng vào cô con gái thần đồng của mình
Trương Di Văn sinh ra trong 1 gia đình trí thức, cả bố và mẹ đều có thâm niên trong ngành giáo dục và rất coi trọng việc học của con cái.
Khi cô bé lên 4 tuổi đã có thể nhận diện hơn 2.000 mặt chữ, vượt xa lượng chữ Hán của các bạn cùng trang lứa. Ông Trương Dân Thao, bố của đứa bé cảm thấy môi trường mẫu giáo không phù hợp với năng lực vượt tuổi của con gái mình. Vì thế, ông đưa con về nhà và để mẹ bé tự chăm nom, dạy dỗ.
Để con được tiếp nhận 1 nền giáo dục tốt hơn, 2 vợ chồng ông đã kết hợp nhiều năm kinh nghiệm trong ngành để thiết kế riêng 1 mô hình "giáo dục thần đồng" cho con gái mình. Đó là phương pháp giáo dục "tăng tốc", trong khi những đứa trẻ bằng tuổi khác vẫn đang vô tư chơi đùa, Trương Di Văn phải dành toàn thời gian để giải các loại hình bài tập khác nhau.
Bố mẹ của cô bé tin rằng mô hình giáo dục truyền thống không đáng tin cậy. Vì vậy, ông Trương Dân Thao đặt ra 1 kế hoạch tương lai cho con gái. Theo kế hoạch của bố, Trương Di Văn cần phải hoàn thành tất cả các khóa học của trường tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông trước 9 tuổi, hoàn thành chương trình tiến sĩ ở tuổi 20, và sau đó tham gia vào nghiên cứu khoa học.
Chỉ trong vòng 4 năm, cô bé đã hoàn thành chương trình học phổ thông cần thiết mà đáng lẽ 1 học sinh bình thường phải dành ít nhất 12 năm để học xong.
Năm lên 9, bé gái chỉ ôn tập các kiến thức Hán học và chưa tập trung ôn luyện kỹ các môn Khoa học nên thi đầu vào đại học chỉ đạt được 172 điểm. 1 năm sau, Di Văn quay trở lại và đạt thành tích 352 điểm, đủ để đậu vào Học viện Công nghệ Thương Châu, ngành Công nghệ kỹ thuật thông tin điện tử.
Trương Di Văn được bố đưa đi nhập học
Vào thời điểm đó, trên mạng xã hội có nhiều ý kiến trái chiều về thông tin 1 bé gái chỉ mới 10 tuổi đã vào đại học. 1 số người cho rằng cô bé quả là thiên tài, ý kiến khác thì cho rằng điều này là lố bịch. Nhưng bỏ ngoài tai những lời bàn tán, Di Văn vẫn làm thủ tục nhập học và bắt đầu cuộc sống của 1 sinh viên.
Tuy nhiên, quỹ đạo đi học bình thường của 1 người, từ tiểu học đến khi vào đại học phải mất hàng chục năm, nếu trẻ tiếp nhận nền giáo dục tiên tiến quá sớm, tiềm năng phát triển trong tương lai của trẻ sẽ có thể bị chệch quỹ đạo.
Thực trạng của thần đồng
Dù "nhảy cấp" với danh xưng thần đồng, nhưng cuộc sống ở đại học nhanh chóng trở thành cơn ác mộng của cô bé 10 tuổi.
Do còn nhỏ, khả năng tự chăm sóc bản thân kém nên cô bé khó thích nghi với nhịp sống ở trường đại học, thêm vào đó là không có bạn bè đồng trang lứa, việc giao tiếp xã hội bị cản trở và không có 1 người bạn đúng nghĩa, khiến em luôn cảm thấy tự ti và sợ hãi mỗi khi đến lớp.
Do Di Văn quá "đặc biệt" nên suốt những năm tháng học đại học, cô bé không có lấy 1 người bạn đúng nghĩa
Trong suốt 3 năm học, giáo viên cho biết, kết quả học tập của em không có gì nổi bật vì vốn với đầu óc của 1 đứa bé 10 tuổi, để có những nền tảng nhất định trong các môn chuyên ngành là rất khó. Tuy nhiên, sau 3 năm tự "chiến đấu", cô bé cũng đã tốt nghiệp hệ đại học với điểm số trung bình.
Điều đáng lo hơn nữa là khi tốt nghiệp đại học, Trương Di Văn đã bị hạn chế về mọi mặt do còn quá trẻ để xin việc. Thậm chí, cô bé không thể đăng ký dự thi học cao học vì các chuyên ngành liên quan đến máy tính đòi hỏi em phải thi Toán và Tiếng Anh, trong khi năng lực của em tương đối yếu ở 2 môn này.
Sau đó, cô bé trở về quê nhà. Do quá nhỏ tuổi nên Di Văn không tìm được công việc phù hợp, em đành trở thành trợ giảng tại trường tư thục mà bố mình thành lập và nhận lương tháng khoảng 2.000 tệ (tương đương 7,2 triệu đồng).
Thực tế cho thấy, không ít em từ nhỏ được phong là "thần đồng" khi lớn lên cũng không khá hơn những người cùng độ tuổi. Chính "danh hiệu" đó đã khiến nhiều em do phải chịu áp lực và cách giáo dục sai lệch nên rơi vào trầm cảm, tự ti trong giao tiếp.
Bố của Trương Di Văn đã từng nhận về nhiều chỉ trích vì gò ép con cái trở thành thiên tài từ quá sớm, vạch ra hướng đi quá khổ với khả năng của con. Thế nhưng, ông lại "phản pháo" những người tỏ ý thương con mình rằng: "Con bé cảm thấy cô đơn, nhưng tôi nghĩ cô đơn không hẳn là 1 điều xấu, và cô đơn cũng như 1 bài tập thể dục."
Theo một số nguồn tin, giờ đây cô bé Trương Di Văn đã 15 tuổi và bắt đầu bước vào giai đoạn dậy thì. Do đó, hiện tại tính cách em cũng có ít nhiều sự thay đổi. Trương Di Văn có phần nổi loạn hơn, có những ý kiến độc lập và đôi khi là trái chiều với bố mẹ.
Rõ ràng "tư tưởng giáo dục" mà Trương Dân Thao nhắc đến thực chất là sự gò ép, bó buộc con cái phải trở thành thần đồng, bắt chúng lớn lên theo khuôn khổ do người lớn định sẵn mà không cho chúng có quyền được tự do và phát triển theo tự nhiên.
"Thần đồng" không phải là thứ mà thích gán vào ai cũng được. Không phải cứ giỏi hơn bọn trẻ cùng lứa, khác biệt hơn 1 chút thì gọi là thần đồng.
Cư dân mạng Trung Quốc không tiếc lời chỉ trích hành vi đánh đổi tuổi thơ và sự hồn nhiên chỉ vì những mơ mộng hão huyền được tạo ra từ sự kỳ vọng của bố mẹ em: "Đừng cố nhào nặn ra thiên tài mà hãy để tự nhiên tạo ra thiên tài. Xã hội, giáo dục phát triển thì thiên tài sẽ tự xuất hiện ngày 1 nhiều"; "Tư tưởng áp đặt, cái gì cũng muốn của người làm bố, làm mẹ có thể biến những đứa con yêu quí của mình thành những chú Robot, chỉ biết học, còn bản thân các em thì chẳng hiểu học để làm gì?"; "Thanh thiếu niên thời nay sợ nhất là nhân vật "con nhà người ta", thế nên giờ đây bố mẹ đều 'chơi hệ' thần đồng mà không biết con cái khổ như thế nào"…
Nguồn: Baidu