Ông đánh giá ra sao về tiềm năng tham gia chuỗi cung ứng sản xuất máy bay Boeing của Việt Nam?
Hiện tại Boeing có 7 nhà cung cấp ở Việt Nam. Một chiếc máy bay Boeing B747 có khoảng 6 triệu linh kiện, trong đó khoảng 50% là các vật tư nhỏ, đinh ốc. Và mỗi chiếc Boeing được sản xuất ra đều có linh kiện, thiết bị được sản xuất từ Việt Nam, như cánh, cửa ra vào máy bay.
Boeing mua hàng từ nhiều nhà cung cấp trên toàn thế giới và nhận thấy Việt Nam là một quốc gia có nhiều tiềm năng từ nhân viên, chuyên gia có thể sản xuất, cung ứng sản phẩm cho chúng tôi. Nếu có môi trường phù hợp và nhận được sự quan tâm của các tập đoàn hàng đầu thế giới thì thị trường Việt Nam sẽ được mở mang rất tốt. Boeing muốn theo gương của Samsung, Intel để gia nhập thị trường Việt Nam.
Mục đích diễn đàn ngày hôm nay là để tìm kiếm thêm các nhà sản xuất vật dụng, chuỗi cung ứng tại Việt Nam. Mục đích thứ hai là hợp tác với các trường đại học Việt Nam để xây dựng nền tảng cho sự phát triển lâu dài của ngành công nghiệp hàng không vũ trụ.
Boeing hiện có mối quan hệ hợp tác với nhiều công ty Việt Nam. Tuy nhiên, chúng tôi không phân biệt nhà cung cấp, miễn là hợp tác tốt đẹp và thành công. Có thể đa số doanh nghiệp tại Việt Nam chưa làm việc trực tiếp được với Boeing, tuy nhiên có thể làm việc thông qua các chi nhánh.
Boeing không có sự phân biệt về nhà cung cấp trong khu vực hay trong nước. Quan trọng là kết nối được với những đối tác có trình độ và kỹ năng phù hợp để sản xuất ra các cấu kiện đạt chất lượng đẳng cấp thế giới để cung cấp cho hệ thống của chúng tôi. Boeing cũng đang tìm kiếm các cơ hội để kết nối và nếu tìm được đúng nguồn nhân lực, có các kỹ năng phù hợp như thế chúng tôi cũng có cơ hội để có thể mở rộng nguồn cung cấp các cấu kiện, chi tiết của chúng tôi.
Ngoài ra, chúng tôi cam kết hỗ trợ trợ các sáng kiến “Make in Vietnam”, “Digital Vietnam” của Chính phủ. Đây là một phần rất quan trọng trong chiến lược cạnh tranh toàn cầu của chúng tôi. Các kĩ năng, kỹ thuật hay trình độ của Việt Nam được nâng cao cũng là sự hỗ trợ đối với Boeing trong quá trình cạnh tranh này.
Trong phần trình bày của mình, ông có nói diễn đàn hôm nay còn nhằm mục đích hợp tác với các trường đại học Việt Nam. Ông có thể chia sẻ thêm về dự định này không?
Boeing đề cao mối quan hệ hợp tác với các trường Đại học tại Việt Nam. Diễn đàn hôm nay cũng có sự góp mặt của hơn 12 trường đại học.
Đối với Boeing, ngoài sự hợp tác mang lại lợi ích về kinh tế hay nâng cao về công nghệ, sự hợp tác với mục đích đào tạo và phát triển con người cũng rất quan trọng. Cụ thể tôi muốn nói tới việc đào tạo các phi công, các kỹ sư, các cấp quản lý của các bộ phận trong ngành hàng không, các chuyên viên và các cán bộ nòng cốt cho việc sửa chữa máy bay.
Theo dự đoán của chuyên gia, trong 30 năm tới, thị trường Đông Nam Á có thể cần đến 4,000 máy bay mới và Việt Nam sẽ là một trong những nước dẫn đầu trong việc đáp ứng nhu cầu này. Tập đoàn Boeing có quyết tâm trở thành nhà cung cấp chiến lược, hỗ trợ Việt Nam nhanh chóng đạt được sự phát triển này.
Với số lượng máy bay như vậy, số lượng con người sẽ cần đến rất nhiều, kể cả phi công. Việc đào tạo không chỉ đơn thuần để thực hiện công việc mà còn để nghiên cứu và tiếp nối cho ngành hàng không trong tương lai. Boeing muốn cung cấp các chuyên gia và công nghệ của mình, làm đòn bẩy để hỗ trợ các tập đoàn, các hãng hàng không, các trường Đại học và các công ty chuyên về khoa học ở Việt Nam, nâng cao khả năng cũng như tăng cơ hội để mở rộng và phát triển.
Đây là lần đầu tiên Boeing tổ chức một diễn đàn với quy mô lớn như vậy sau 25 năm đồng hành tại Việt Nam. Ông kỳ vọng gì với sự tham gia của hơn 50 doanh nghiệp và tổ chức tham dự diễn đàn hôm nay?
Tại diễn đàn hôm nay, tôi cũng đã trình bày những kỳ vọng của Boeing về nhà cung cấp, vấn đề an toàn, chất lượng sản phẩm, thời hạn giao hàng, v.v…. Boeing có các quy định rất chặt chẽ về chất lượng sản phẩm, các nhà cung cấp phải đảm bảo cũng như có khả năng phát triển để cung cấp những sản phẩm đạt tiêu chuẩn thế giới.
Boeing không đặt ra bất kỳ một giới hạn nào về số lượng doanh nghiệp có thể hợp tác. Về mặt dài hạn thì tôi hy vọng có cơ hội được làm việc với nhiều hơn nữa những nhà cung cấp tiềm năng, không chỉ dừng lại ở con số 50.
Mong muốn này của chúng tôi đã bị gián đoạn ít nhiều vì các chuỗi cung ứng trải qua nhiều sự gián đoạn cũng như khó khăn vì dịch bệnh. Tuy nhiên, sau đại dịch cũng như theo xu hướng toàn cầu, để vượt qua khó khăn và đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng. Chúng tôi sẽ tìm kiếm cơ hội để có thêm nguồn lực và năng lực.
Điều kiện duy nhất của chúng tôi đặt ra đối với các đối tác là đáp ứng được các tiêu chí của chúng tôi đặt ra, đảm bảo được chất lượng có thể sánh ngang tiêu chuẩn quốc tế. Boeing không ngần ngại việc “bắt tay" hợp tác, phát triển cũng như hỗ trợ trên cơ sở đôi bên cùng có lợi để mang đến những lợi ích to lớn và dài hạn hơn cho toàn ngành.
Xin cảm ơn ông!