Dịch vụ mới nổi này còn tồn tại nhiều góc khuất và không ít nguy hiểm rình rập. Chỉ vì 1 phút cả tin, nhiều cô gái trẻ đã sa chân vào đường dây của những kẻ hành nghề trái phép.
Phóng viên đã đến điều tra ở thành phố Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc và phát hiện ra rằng, ngoài các trang mạng xã hội, những tờ quảng cáo về "đẻ mướn" hay "hiến trứng" được dán khá nhiều trong nhà vệ sinh của các bệnh viện và trung tâm mua sắm. Một nữ sinh đến từ 1 trường đại học ở Trịnh Châu cho biết, những tờ quảng cáo với nội dung ấy xuất hiện nhan nhản khắp nơi trong ký túc xá và nhà vệ sinh ở trường đại học. Dòng chữ "người hiến trứng, bà mẹ mang thai hộ, đảm bảo sinh nở thành công" được in trên đó, phía dưới còn lưu lại số điện thoại và WeChat để tiện liên lạc.
Phóng viên của tờ Tin tức Bắc Kinh đã liên hệ với 1 trong những trung gian và sau khi biết phóng viên "chưa kết hôn", phía bên kia đã đề nghị "hiến trứng".
"Trên đời này chẳng có việc gì kiếm được tiền nhanh vậy đâu em gái, chỉ cần 10 ngày thôi cũng về tay hơn 10 nghìn tệ (tương đương 35 triệu đồng)." Thấy nữ phóng viên ngập ngừng, "bà mai" bèn tiếp tục nêu thêm lợi ích: "Nếu ngoại hình, chiều cao và trình độ học vấn nổi bật, giá cả có thể thương lượng thêm."
Sau khi xem ảnh của phóng viên, người trung gian nói họ có thể đưa thêm mức bồi thường tham khảo là 20 nghìn tệ (tương đương 70 triệu đồng), đồng thời nếu sẵn sàng đi gặp khách hàng, họ có thể thêm tiền hoa hồng cho cô.
Sau khi được chọn, "em gái bán trứng" sẽ giới thiệu hoàn cảnh cơ bản của mình cho khách hàng qua video call.
Một "con cá cắn câu" có thể mang lại thu nhập hàng chục nghìn tệ cho người trung gian (ít nhất là 35 triệu đồng). Cơ sở mang thai hộ giới thiệu với phóng viên tờ Tin tức Bắc Kinh rằng bảng báo giá mang thai hộ của họ chưa bao gồm "giá trứng". Những người có khả năng mang thai hộ cho phụ nữ khác sẽ được nhận thêm ít nhất 80 nghìn tệ (tương đương 285 triệu đồng). Ngoài ra, nếu sở hữu ngoại hình đẹp và học vấn cao thì sẽ được tính thêm phụ phí.
Theo mô tả của người trung gian, quá trình hiến trứng rất dễ dàng. Chỉ cần điền thông tin cá nhân theo mẫu trước khi hiến trứng và khám sức khỏe, sau đó đợi khách hàng có nhu cầu tìm người mang thai hộ đến chọn người là cơ bản hoàn tất thủ tục. "Sau khi chọn xong đối tượng, ngày thứ 2 của chu kỳ kinh nguyệt sẽ chính thức tiêm thuốc để thúc đẩy quá trình thoát dịch. Sau khoảng 11-12 ngày, trứng rụng thì sẽ được phẫu thuật giữ lại, thu nhập trên chục nghìn tệ (tương đương 35 triệu đồng) trong 10 ngày chưa bao giờ dễ dàng đến thế."
Về việc liệu thuốc tiêm thúc đẩy quá trình thoát dịch có gây hại cho cơ thể hay không, người trung gian khẳng định không có tác dụng phụ nào. "Các cô gái rụng trứng hàng tháng, chúng không có tác dụng gì khi chưa kết hôn, bây giờ có cơ hội dùng nó để kiếm tiền chẳng phải rất tốt sao? Bằng cách hiến trứng đó, chúng tôi có thể thu về 200-300 trứng mỗi năm."
Thực tế, theo tìm hiểu của phóng viên cho thấy, thuốc được sử dụng để "kích thích rụng trứng" trong quá trình hiến trứng nếu sử dụng không đúng quy cách sẽ gây ra "hội chứng quá kích buồng trứng", với biểu hiện chủ yếu là buồng trứng trở nên sưng và phù nề, nghiêm trọng hơn sẽ bị đau bụng, tiêu chảy,… kèm theo nhiều triệu chứng khó chịu khác.
Vào ngày 21/1/2021, Đài truyền hình Hà Nam đã bất ngờ ghé thăm 1 cơ sở hiến trứng, mang thai hộ ở Trịnh Châu và phát hiện địa điểm khám là 1 ngôi nhà cho thuê tương đối sơ sài, lộn xộn, ở đó có 1 vài cô gái đang thực hiện xét nghiệm trước khi hiến trứng. Ngoài ra cơ sở còn được tận dụng 2 trong 1, vừa làm nơi khám nghiệm vừa làm văn phòng.
Lưu Hải (tên nhân vật đã được thay đổi), người đang làm việc trong "ngành công nghiệp" mang thai hộ cho biết: "Hiện tại, có ít nhất 3.000 cơ cở như vậy ở thành phố Quảng Châu, bao gồm các em gái bán trứng, các bà mẹ mang thai hộ và các "bà mai" có thâm niên. Tuy nhiên ngành nghề này đang dần trở nên 'tinh gọn' hơn, không còn nhiều khâu rườm rà như trước."
Cách buổi phỏng vấn vài ngày, phóng viên của tờ Tin tức Bắc Kinh đã "phục sẵn" tại cơ sở mang thai hộ nơi Lưu Hải làm việc, và tận mắt chứng kiến họ thuê hơn 10 dãy phòng trong 1 khu tập thể, mỗi phòng có 2 hoặc 3 người mang thai hộ.
Lưu Hải tiết lộ với phóng viên Tin tức Bắc Kinh rằng, do việc mang thai hộ bị cấm ở Trung Quốc, dẫn đến nhiều cơ sở mang thai hộ đã bắt đầu chuyển hướng kinh doanh đa quốc gia: "Có thời điểm chúng tôi đưa khách hàng trong nước đến Thái Lan để phẫu thuật, 1 ngày cũng được 100-200 người. Ngoại trừ đại lý trong nước, còn có các trung gian tìm người từ Campuchia, Myanmar và các nước khác. Giá mang thai hộ cho phụ nữ ở những nước này tương đối thấp, 1 số người nhập cảnh vào Trung Quốc bằng thị thực du lịch, nên không ở lại lâu được."
Số phận của những đứa trẻ sinh ra bằng cách mang thai hộ xuyên quốc gia cũng "bèo dạt mây trôi" không kém. Sau 1 thời gian điều tra, phóng viên đã phát hiện ra, trong trường hợp khách "bom hàng", 1 số cơ sở đẻ mướn sẽ tìm kiếm người bán hoặc "buôn" trẻ sơ sinh bất hợp pháp để bù lỗ.
Theo Tổ chức tình nguyện viên về nạn bắt cóc trẻ em, 1 số cơ sở mang thai hộ sẽ thông đồng với bệnh viện (1 số nơi nhất định) để khi đứa trẻ sinh thuê ra đời, cho phép các mẹ bầu sử dụng danh tính khách hàng và "hợp lý hóa" thủ tục nhập viện, sau đó khách hàng có thể lấy giấy khai sinh cho con mình. Đối với những vị khách không muốn cung cấp chứng minh thư cho các bà mẹ mang thai hộ đang nằm viện (đồng nghĩa với thoái thác trách nhiệm), đơn vị trung gian sẽ bán giấy khai sinh cho các gia đình nhận con nuôi bất hợp pháp. "Bằng cách này, bên trung gian bán giấy khai sinh của trẻ cũng trở thành đồng phạm trong tội buôn bán trẻ em."
Vào ngày 20/1/2021, nhân viên của 1 cơ sở mang thai hộ ở tỉnh Quảng Đông đã rao bán thai nhi có ngày dự sinh vào tháng 2 cùng năm với giá 160 nghìn tệ (tương đương 270 triệu đồng). Phóng viên cũng điều tra được thông tin bài đăng của họ với nội dung "chuyển phôi thành công, sắp sinh, tim thai tốt, ai có nhu cầu xin liên hệ vào số XXX".
Ngay sau đó, phóng viên liền gọi điện thoại xác thực. Người đại diện giới thiệu rằng mẹ bầu sắp đến kỳ sinh nở nhưng lại là song thai, trong khi khách hàng muốn bé trai nên đành phải rao bán. Cũng trong cuộc đối thoại, đầu dây bên kia từ chối cung cấp thông tin về người mang thai hộ, và muốn phóng viên đến Quảng Châu để gặp trực tiếp nói chuyện.
Theo Tổ chức tình nguyện viên về nạn bắt cóc trẻ em tiết lộ, vào tháng 11/2020, cơ sở trên đã từng bán trẻ sơ sinh bị bỏ rơi do bên mua không nhận con. "Thêm giấy khai sinh đầy đủ sẽ là 220 nghìn tệ (tương đương 783 triệu đồng)."
Phóng viên của tờ Tin tức Bắc Kinh đã tìm hiểu trên trang web Tài liệu Phán quyết của Trung Quốc và nhận thấy rằng Tòa án Nhân dân tỉnh Quảng Tây đã từng đề cập về tranh chấp dân sự liên quan đến việc mang thai hộ như sau: "Thỏa thuận lựa chọn giới tính đứa trẻ giữa nguyên đơn và bị đơn được coi là vi phạm đạo đức xã hội, xâm hại đến lợi ích công cộng, không phải là hợp đồng hợp pháp và bị vô hiệu ngay lập tức."
Ngoài ra, vào tháng 6/2017, Tòa án Nhân dân tỉnh Quảng Châu đã từng xét xử vụ án "thiếu nữ bán trứng bị thương nặng". Cụ thể, nạn nhân là cô gái 17 tuổi họ Lương, trải qua ca phẫu thuật lấy trứng trong 1 biệt thự tư nhân của cơ sở mang thai hộ chui lủi không giấy phép. Sau khi được kiểm định, Lương bị vỡ 2 bên buồng trứng và phải phẫu thuật điều trị với tình trạng bị thương cấp độ 2. Sau vụ việc này, 2 trung gian thông đồng với bên bán trứng và mang thai hộ nọ đã bị kết tội "hành nghề y tế bất hợp pháp" và lĩnh án 1 năm 10 tháng tù giam.
Thời gian gần đây, chuyện "đẻ mướn" lại 1 lần nữa làm dậy sóng dư luận. Do đó, Ủy ban Chính trị và Pháp luật Trung ương Trung Quốc đã ra thông báo: "Lợi dụng tử cung của phụ nữ như 1 công cụ sinh sản và mua bán sinh linh mới chào đời như hàng hóa, hoặc thậm chí vứt bỏ các bé theo ý muốn. Chuỗi công nghiệp ngầm này đang thách thức luật pháp và phải nghiêm trị. Nó không chỉ gây hại cho sức khỏe của phụ nữ, hiện thực hóa việc bóc lột phái yếu, mà còn chà đạp lên quyền và lợi ích của công dân, đồng thời làm băng hoại đạo đức con người."
Nguồn: QQ