Thảm bại ở Karabakh, Armenia trút trách nhiệm cho vũ khí Nga là đúng hay sai?

Trịnh Ngọc Tiến | 14-12-2020 - 13:29 PM

(Tổ Quốc) - Su-30SM "nằm đất", Tor-M2M "quanh quẩn" ở thủ đô, các hệ thống phòng không 9K33 Osa, S-300 triển khai với chiến thuật kém, tại sao dư luận Armenia vẫn chỉ trích vũ khí Nga?

Mới đây, báo điện tử Vzglyad (Vz.ru) của Nga đăng tải bài phân tích nhan đề: "В Армении решили обидеться на российское оружие" (tạm dịch: Armenia quyết công kích vũ khí Nga) của tác giả Evgeny Krutikov.

Nhằm đem lại cho độc giả một phản biện liên quan tới cáo buộc của phía Armenia rằng vũ khí Nga trong trang bị của họ đã không thể chứng minh sự hiệu quả trong 6 tuần xung đột vừa qua ở Nagorno-Karabakh, chúng tôi xin lược dịch bài viết.

Vũ khí Nga "có tội"?

Trong giai đoạn ác liệt nhất của cuộc xung đột ở Nagorno-Karabakh vừa qua, Máy bay không người lái (UAV) do Thổ Nhĩ Kỳ và Israel sản xuất, đã trở thành vũ khí tấn công chính của quân đội Azerbaijan.

Phía Azerbaijan đã chế áp thành công hỏa lực của đối phương, gây ra những thiệt hại to lớn cho hệ thống phòng không Armenia. Đồng thời, không quân Armenia đã không thể vô hiệu hóa được UAV của Azerbaijan, kết quả là bầu trời Karabakh thuộc về các UAV của họ.

Khi "khói bắt đầu tan", người Armenia đã kêu gọi từ bỏ việc vận hành các khí tài Nga cũng như mua thêm các hệ thống tác chiến điện tử (EW) và phòng không của Nga. Nguyên nhân là do các hệ thống này bị cáo buộc hoạt động kém hiệu quả, trong cuộc chiến chống lại UAV.

Thảm bại ở Karabakh, Armenia trút trách nhiệm cho vũ khí Nga là đúng hay sai? - Ảnh 1.

UAV tự sát (còn gọi là đạn dược lảng vảng) được cho là biến thể của IAI Harop trong cuộc duyệt binh tại Baku hôm 10/12.

Có những đề xuất xem xét các lựa chọn, mua thiết bị quân sự từ các nước khác, chẳng hạn như của Đức.

Ngoài ra, tính hiệu quả của tiêm kích đa năng Su-30SM của Nga đang bị nghi ngờ? Chúng đã "nằm đất" trong suốt thời gian xung đột.

Phe đối lập Armenia thì cho rằng số tiền bỏ ra để mua Su-30SM có thể được sử dụng để mua vũ khí khác tốt hơn, thậm chí là UAV của Trung Quốc.

Sau thỏa thuận ngừng bắn, cuộc tranh luận này đã bùng nổ gần như ngay lập tức trong giới cựu tướng lĩnh Armenia, những người nhiều "sao vạch", chứng tỏ nó không chỉ là câu chuyện "trà dư tửu hậu".

Nói cách khác, ai đó muốn đổ hết trách nhiệm cho vũ khí của Nga. Và thất bại này không phải do khủng hoảng chính trị hay chiến lược của phía Armenia, mà vì mua "nhầm" vũ khí.

Thảm bại ở Karabakh, Armenia trút trách nhiệm cho vũ khí Nga là đúng hay sai? - Ảnh 2.

4 tiêm kích Su-30SM bay qua Tượng đài "Mẹ Armenia" tại thủ đô Yerevan (Nguồn: Văn phòng báo chí của Chính phủ Armenia).

Vì sao phòng không Armenia "vô dụng"

Có thể thấu hiểu một phần lý do của việc "lời ra tiếng vào" này. Người Armenia đang trải qua một cú sốc tinh thần rất lớn sau thất bại ở Karabakh.

Bàn về sự "kém hiệu quả" của vũ khí mà Moscow cung cấp cho Yerevan, không phải là khía cạnh quân sự, mà thực sự chỉ là vấn đề tâm lý.

Các nhà lãnh đạo chính trị và quân sự Armenia công khai ăn năn về thất bại là điều vô cùng khó khăn, nhưng rất dễ lan truyền những đồn đoán rằng vũ khí Nga không hiệu quả.

Thảm bại ở Karabakh, Armenia trút trách nhiệm cho vũ khí Nga là đúng hay sai? - Ảnh 3.

Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan thị sát một hệ thống Tor-M2M vào năm 2019.

Tuy nhiên cần nhấn mạnh vào các vấn đề sau:

Đầu tiên: Chưa có số liệu thống kê đáng tin cậy nào về kết quả các trận đánh trong cuộc chiến Karabakh vừa qua, nhất là liên quan đến công tác phòng không và tác chiến điện tử.

Những số liệu thống kê rất phức tạp và chỉ các chuyên gia mới hiểu được (như tần số, mật độ, công suất gây nhiễu, và nhiều chỉ số khác có tính chất rất cụ thể) với những con dấu để "sử dụng chính thức" như vậy thường chỉ có được vào khoảng 6 tháng sau khi cuộc chiến kết thúc.

Và tất nhiên khi đó các chuyên gia mới có thể thảo luận về chúng.

Nhưng chưa cần những số liệu trên, chúng ta có thể nhìn thấy một thực tế: Phòng không Armenia thực sự tỏ ra vô cùng kém hiệu quả trước các UAV của Azerbaijan.

Nhưng tại sao lại như vậy lại là một câu hỏi riêng biệt.

Câu trả lời cho câu hỏi này, hiện đang được tìm kiếm, không chỉ ở Armenia, Azerbaijan, Nga hay Thổ Nhĩ Kỳ, mà ở tất cả các quốc gia khác. Giới quân sự trên thế giới đều đang tích cực nghiên cứu kinh nghiệm của cuộc xung đột Karabakh vừa qua một cách kỹ lưỡng nhất.

Thảm bại ở Karabakh, Armenia trút trách nhiệm cho vũ khí Nga là đúng hay sai? - Ảnh 4.

"Niềm hy vọng" S-300 của Armenia bị UAV của Azerbaijan phá hủy.

Thứ hai: Các hệ thống tác chiến điện tử (EW) của Armenia hoàn toàn không có "cận vệ", tức là các hệ thống phòng không bảo vệ độc lập.

Đối với các trạm radar cũng vậy, những hệ thống này phải được trang bị hệ thống phòng không riêng, nếu không, chúng sẽ biến thành mục tiêu của các loại vũ khí tương ứng.

Trong xung đột Karabakh, chúng không có được sự bảo vệ như vậy; vì vậy, giới lãnh đạo quân sự Armenia là bên phải chịu trách nhiệm duy nhất về việc này.

Thứ ba: Các tính toán triển khai phòng không Armenia cho thấy chiến thuật rất kém, và có rất nhiều bằng chứng về điều này.

Quân Armenia đã bố trí các hệ thống phòng không cơ động 9K33 Osa trong công sự rất sâu, và được ngụy trang bởi những cành cây.

Những bệ phóng Osa này chỉ có thể "thoát" ra khỏi công sự, với sự trợ giúp của máy kéo; đi ngược với nguyên tắc chiến thuật "bắn và chạy", mà học viên phòng không được dạy ngay trong năm đầu tiên.

Tổn thất của những hệ thống phòng không Armenia do các UAV của Azerbaijan tấn công các vị trí như vậy, đã đạt tỷ lệ rất lớn trong 2 tuần đầu của cuộc giao tranh.

Thảm bại ở Karabakh, Armenia trút trách nhiệm cho vũ khí Nga là đúng hay sai? - Ảnh 5.

Một hệ thống 9K33 Osa trong công sự và được "ngụy trang" bằng các cành cây.

Cuối cùng: Không có cố vấn quân sự hay chuyên gia nào của Nga ở Armenia để giúp đỡ binh lính Armenia vận hành các khí tài công nghệ cao này. Nhìn chung việc hợp tác quân sự - kỹ thuật giữa Nga và Armenia dưới thời Thủ tướng Pashinyan bị giảm mạnh.

Điều này rõ ràng ngược lại với phía Azerbaijan.

Quân đội Azerbaijan ban đầu không có các chuyên gia để bảo dưỡng một số UAV, cũng như các hệ thống EW và phòng không do tốc độ của cuộc chiến diễn ra nhanh chóng, nhưng họ đã không ngần ngại mời cố vấn từ nước ngoài giúp mình.

Các khí tài mà Azerbaijan mua của Thổ Nhĩ Kỳ được bảo dưỡng bởi chính các chuyên gia Thổ Nhĩ Kỳ. Niềm tự hào dân tộc của người dân Azerbaijan không hề vì điều này mà "tự ái", vì họ "biết người, biết ta", nên Azerbaijan giành chiến thắng cũng là đúng quy luật.

Thảm bại ở Karabakh, Armenia trút trách nhiệm cho vũ khí Nga là đúng hay sai? - Ảnh 6.

Một khí tài được cho là hệ thống 9K33 Osa trước khi bị phía Azerbaijan phá hủy.

Armenia đã sai từ đầu?

Xung quanh chuyện Armenia mua Su-30SM từ Nga 1 năm trước, Bộ trưởng Quốc phòng Armenia khi đó là David Tonoyan, đã có những phát biểu "hào sảng" rằng, Không quân Armenia có thể “tạo ra hỗn loạn sau chiến tuyến của kẻ thù” và tấn công “không chỉ tại điểm B, mà còn ở C, D, E…”.

Theo chân Su-30SM, các hệ thống phòng không tầm thấp Tor-M2M cũng được mua, được tuyên bố là "hoàn hảo" như của hệ thống được Nga vận hành ở chiến trường Syria.

Tuy nhiên trên thực tế, những hệ thống Tor-M2M vẫn "quanh quẩn" ở thủ đô Yerevan, và những chiếc Su-30SM đóng ở căn cứ Gyumri thậm chí còn không cất cánh. Một số chuyên gia Armenia bắt đầu cố gắng giải thích điều này, cho rằng phòng không Azerbaijan quá mạnh.

Tuy nhiên, theo các nguồn tin khác, giới lãnh đạo Armenia lo sợ Thổ Nhĩ Kỳ can thiệp bằng một hành động quân sự vào Gyumri và quyết định không sử dụng tới tiêm kích hạng nặng vì bị cho là "nguy hiểm".

Thảm bại ở Karabakh, Armenia trút trách nhiệm cho vũ khí Nga là đúng hay sai? - Ảnh 8.

Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan và một chiếc tiêm kích Su-30SM được bàn giao vào ngày 27/12/2019 (Nguồn: Văn phòng báo chí của Chính phủ Armenia).

Chính giới lãnh đạo Armenia cũng không tự thuyết phục được mình rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không dám tấn công Armenia. Do vậy chất lượng vũ khí Nga không liên quan gì đến thất bại của họ.

Câu chuyện mua Su-30SM liên quan đến chính chiến lược của lực lượng vũ trang Armenia, theo đó việc mua các loại vũ khí cụ thể được lên kế hoạch. Và do đó, trong toàn bộ phạm vi vũ khí có thể mua ở Nga, họ chỉ dừng lại ở Su-30SM.

Ông Pashinyan thậm chí còn cam kết sẽ tăng số lượng tiêm kích này lên 12 chiếc (cả một phi đội). Rõ ràng, Armenia đã không biết rõ mình sẽ phải đối mặt với loại kẻ địch nào và loại vũ khí nào sẽ cần thiết.

Vào thời điểm đó, Azerbaijan rõ ràng đã chuẩn bị cho một hoạt động quân sự cụ thể, được lên kế hoạch với sự tham gia của các chuyên gia Thổ Nhĩ Kỳ. Ở Baku (hoặc Ankara), các điểm yếu của phòng thủ Armenia đã được xác định và toàn bộ vũ khí được chế tạo cho nhiệm vụ này.

Azerbaijan khoe chiến tích hủy diệt toàn bộ hệ thống phòng không OSA, S-300 của Armenia

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM