Thái Lan "méo mặt” vì mua tàu ngầm Trung Quốc: Bắc Kinh rơi vào tình huống xấu hổ

Nam Anh | 07-04-2022 - 07:20 AM

(Tổ Quốc) - Những thông tin về việc Trung Quốc gặp vấn đề với động cơ để sản xuất tàu ngầm cho Thái Lan đang là trọng tâm gây tranh cãi ở Thái Lan.

Nói về việc này, tờ WSJ hồi tháng 3 vừa qua dẫn lời theo phát ngôn viên hải quân Thái Lan cho biết, thỏa thuận giữa họ với Trung Quốc có điều khoản phải trang bị động cơ diesel do chính công ty MTU Friedrichshafen GmbH của Đức sản xuất.

Nhưng Đức đang cấm xuất khẩu động cơ sang Trung Quốc, áp dụng nghiêm ngặt theo lệnh cấm vận vũ khí của Liên minh châu Âu (EU) áp đặt nhằm vào Bắc Kinh vào năm 1989. Điều này làm nảy sinh một tình huống đáng xấu hổ cho Trung Quốc và khiến Thái Lan rối bời.

Tình huống xấu hổ của Trung Quốc

Thỏa thuận trị giá 410 triệu USD là một trong hai dấu mốc quan trọng trong tham vọng xuất khẩu vũ khí quốc phòng của Trung Quốc.

Chính thỏa thuận này cũng trở thành biểu tượng cho mối quan hệ chặt chẽ hơn giữa Bắc Kinh và Thái Lan, một đồng minh quan trọng của Mỹ ở châu Á- Thái Bình Dương.

Thái Lan méo mặt” vì mua tàu ngầm Trung Quốc: Bắc Kinh rơi vào tình huống xấu hổ - Ảnh 1.

Các sĩ quan hải quân Thái Lan năm 2017 với một mô hình tàu ngầm mà Thái Lan đặt mua từ Trung Quốc. Ảnh: EPA

Cột mốc quan trọng còn lại là thương vụ bán 8 tàu ngầm trị giá hàng tỷ USD cho Pakistan mà hiện không rõ có được trang bị động cơ của Đức hay không. Berlin đã không trả lời yêu cầu bình luận về vấn đề này.

Tuy nhiên, về thỏa thuận với Thái Lan, tùy viên quốc phòng của Đức tại Thái Lan, Philipp Doert, hồi tháng Hai cho biết trên tờ Bangkok Post rằng, nước này không đồng ý xuất khẩu động cơ diesel.

Nguyên nhân vì đó là mặt hàng liên quan đến quân sự hoặc công nghiệp quốc phòng của Trung Quốc. "Trung Quốc đã không tham khảo ý kiến của Đức trước khi ký hợp đồng cung cấp động cơ MTU với Thái Lan", ông nói.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, lệnh cấm xuất khẩu của EU "đã có từ lâu và hiện không còn phù hợp với tình hình quốc tế hiện tại cũng như chiều hướng phát triển quan hệ Trung Quốc-EU và quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Trung Quốc-EU.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc hy vọng EU sẽ "đưa ra quyết định chính xác càng sớm càng tốt".

Lỗ hổng của lệnh cấm vận

Vào năm 2005, một số chính phủ châu Âu thúc đẩy dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí Trung Quốc nhưng Mỹ phản đối.

Washington cho rằng, động thái như vậy sẽ làm mất cân bằng trong quan hệ giữa Trung Quốc và đảo Đài Loan.

Thái Lan méo mặt” vì mua tàu ngầm Trung Quốc: Bắc Kinh rơi vào tình huống xấu hổ - Ảnh 2.

Tàu ngầm Type-039A, nền tảng để Trung Quốc phát triển dòng S26T cho Thái Lan. Ảnh: Sina

Nhưng lệnh cấm vận chưa bao giờ được thực thi toàn diện. Những cách giải thích khác nhau của các quốc gia EU đã mở đường cho một số hoạt động xuất khẩu nhất định sang Trung Quốc vẫn tiếp tục diễn ra.

Ví dụ, các mặt hàng có mục đích sử dụng cho cả dân sự và quân sự, đôi khi vẫn được phép xuất sang Trung Quốc.

Siemon Wezeman, một nhà nghiên cứu cấp cao thuộc chương trình chuyển giao vũ khí của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) có trụ sở tại Thụy Điển cho biết, đã có thời gian, động cơ diesel do Đức sản xuất đã rơi vào tình trạng đó, tức là được liệt vào danh sách mặt hàng có mục đích sử dụng cho cả dân sự và quân sự.

Năm ngoái, MTU cho biết, trả lời về thông tin của đài truyền hình Đức ARD và tờ báo Welt am Sonntag cho rằng, trước đây họ đã cung cấp động cơ cho tàu ngầm lớp Song, công ty này cho biết việc xuất khẩu động cơ cho tàu ngầm lớp Song được chính quyền Đức phê chuẩn.

Nhưng kể từ đó đã có một sự thay đổi trong các quy định. "Cuối cùng chúng tôi đã ngừng cung cấp động cơ cho tàu ngầm Trung Quốc", đại diện MTU nói.

MTU đã không trả lời yêu cầu bình luận về thời điểm thay đổi quy định cũng như từ chối bình luận về vụ việc lần này giữa Trung Quốc và Thái Lan. Bộ ngoại giao của Đức cũng không trả lời yêu cầu bình luận về sự thay đổi.

Tàu ngầm dành cho Thái Lan, được gọi là S26T, là một biến thể xuất khẩu của tàu ngầm lớp Yuan của hải quân Trung Quốc, kế thừa của tàu ngầm lớp Song.

Theo báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ về phát triển quốc phòng Trung Quốc năm 2021, đến thời điểm tháng 12/2020, Trung Quốc vẫn chưa chuyển giao bất kỳ tàu ngầm lớp Yuan nào cho bất kỳ quốc gia nào.

Thái Lan rối bời

Vì Trung Quốc không thể tuân thủ yêu cầu về động cơ của Thái Lan, các điều khoản của thỏa thuận cần được sửa đổi theo hướng không gây bất lợi cho hải quân Thái Lan, phát ngôn viên hải quân Phó Đô đốc Pokkrong Monthatphalin cho biết.

Hai bên vẫn đang đàm phán và Trung Quốc đã đề xuất một số mẫu động cơ khác, nhưng không đạt được thỏa thuận nào, ông nói cho biết thêm rằng việc giao tàu ngầm có thể bị trì hoãn vì lý do này.

Các cuộc đàm phán về hợp đồng thương mại quân sự hiếm khi diễn ra công khai.

Thái Lan méo mặt” vì mua tàu ngầm Trung Quốc: Bắc Kinh rơi vào tình huống xấu hổ - Ảnh 3.

Người dân Thái Lan cầm mô hình tàu ngầm giấy phản đối thương vụ mua tàu ngầm của chính phủ hồi năm 2020. Ảnh: Reuters

Nhưng thông tin về việc Bắc Kinh gặp vấn đề với động cơ xuất hiện sau khi tờ Bangkok Post đăng một câu chuyện hồi tháng 2 cho biết, Đức phản đối Trung Quốc sử dụng động cơ của họ trong một chiếc tàu ngầm để bán cho nước thứ ba, trong trường hợp này là Thái Lan.

Ngay ngày hôm sau, tùy viên Quốc phòng Đức tại Thái Lan Doert lên tiếng khẳng định, khúc mắc không phải là việc đích đến cuối cùng của động cơ, mà là việc lần đầu tiên động cơ rơi vào tay nền công nghiệp quốc phòng của Trung Quốc.

Các nhà chức trách Thái Lan ban đầu có kế hoạch mua 3 chiếc tàu ngầm với giá khoảng 1,1 tỷ USD, nhưng đã trì hoãn lại và chỉ quyết định mua một chiếc sau khi vấp phải làn sóng phản đối vì chi quá nhiều trong bối cảnh đại dịch tàn phá nền kinh tế.

Collin Koh, một nhà nghiên cứu tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam của Singapore, cho biết: "Các khách hàng tương lai có thể phải cân nhắc những rủi ro đó khi ký thỏa thuận với Trung Quốc.

"Với môi trường chiến lược phổ biến nơi Trung Quốc đang phải đối mặt với sự kìm hãm ngày càng tăng của phương Tây trong lĩnh vực công nghệ, Bắc Kinh có thể mất doanh số bán vũ khí tiềm năng và thậm chí cả triển vọng mở rộng phạm vi tiếp cận thị trường cho các khách hàng nằm ngoài phạm vi khách hàng truyền thống của họ".

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM