Là một người hoạt động lâu năm trong ngành sản xuất gạo – đặc biệt là gạo sạch, ông Phạm Thái Bình – Tổng Giám đốc Công ty CP Công nghệ cao Trung An có rất nhiều tâm tư với thị trường và đồng nghiệp trong ngành tại Hội thảo trực tuyến với chủ đề Xuất khẩu châu Âu từ lợi thế EVFTA – Hàng Việt cần gì?, do BSA với hợp với Hội Việt Nam hàng chất lượng cao tổ chức.
Trung An hiện đang là nhà sản xuất – xuất khẩu lúa gạo sạch lớn nhất Việt Nam. Vùng trồng của họ có hàng chục ngàn hecta trải rộng khắp các tỉnh miền Tây, trong đó chủ yếu trồng gạo sạch chuẩn GlobalGAP và một phần trồng gạo hữu cơ. Sản lượng khoảng 150.000 đến 200.000 ngàn tấn/năm. Họ chủ yếu làm nhà cung cấp cho các chuỗi siêu thị như VinMart và Bách Hóa Xanh, cũng như có khoảng vài chục cửa hàng liên kết.
Theo ông Phạm Thái Bình, thì EVFTA sẽ giúp gạo Việt Nam có vị thế tốt hơn ở thị trường châu Âu. Tất nhiên, với sau khi Hiệp định có hiệu lực, doanh nghiệp của ông sẽ thu về nhiều lợi ích cao hơn, tuy nhiên giá bán gạo Việt vẫn không cao như mong đợi mà vẫn sẽ thấp hơn giá trị thật của nó vì nhiều nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan khác nhau.
Muốn xuất khẩu vào thị trường châu Âu, các doanh nghiệp sản xuất gạo cần làm chuẩn GlobalGAP thay vì VietGAP và nên có chọn lọc sản phẩm, cụ thể là nên chọn những loại gạo sạch hoặc hữu cơ chất lượng cao thay vì gạo chất lượng thấp.
Sau đây là những chia sẻ của ông Phạm Thái Bình mà chúng tôi ghi nhận được.
Hiệp định EVFTA giúp nâng cao vị thế của gạo Việt tại châu Âu
Đối với gạo Việt Nam nói chung và gạo sạch Trung An nói riêng, Hiệp định thương mại EVFTA đặc biệt có ý nghĩa vì nó là cơ hội rất lớn cho ngành gạo Việt Nam nâng cao được vị thế tại thị trường châu Âu.
Trước đây, khi Hiệp định chưa ký kết, gạo Việt Nam đã vào châu Âu rồi nhưng với thuế xuất rất cao: từ 5% đến 45% - tuỳ quốc gia nhập khẩu gạo. Theo đó, gạo Việt Nam rất khó cạnh tranh với những nước như Campuchia, Lào, Myanmar… Vì họ là những nước nghèo, được Liên minh châu Âu miễn thuế, mặc dù họ không có Hiệp định. Tức họ được đặc cách!
Riêng với gạo Thái Lan, dù họ cũng nộp thuế nhưng họ có thương hiệu mạnh và lâu năm. Thế giới khi nghe đến gạo Thái Lan, người ta tin dùng ngay. Chính vì thế, khi có EVFTA, các doanh nghiệp Việt – nhất là trong ngành gạo có cơ hội lớn cạnh tranh sòng phẳng và tăng tốc.
Trước đây, khi chúng tôi nhập khẩu gạo vào châu Âu, với mức thuế tôi vừa kể trên, có khi chúng tôi phải đóng thuế tới 300 Euro/tấn, giờ với việc không đóng thuế nữa, các nhà nhập khẩu có được mức giá rất cạnh tranh. Hơn nữa, trong vài năm gần gây, gạo Việt Nam đã có chất lượng rất tốt, nhờ chúng ta cơ cấu lại ngành nông nghiệp với chủ trường từ Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn và Chính phủ. Ngành lúa gạo đã rất tích cực thay đổi về quy trình sản xuất, khiến chất lượng cải thiện đáng kể. Như tháng 10/2019, gạo Việt Nam đi thi đã đạt giải ngon nhất thế giới.
Ông Phạm Thái Bình đang giới thiệu sản phẩm gạo sạch Trung An. Ảnh: Hữu Đức - báo Nông nghiệp.
Bây giờ, gạo Việt Nam bước vào thị trường châu Âu một cách danh chính ngôn thuận, đặc biệt giá trị được người tiêu dùng châu Âu chấp nhận và tin dùng.
Nhiều người cho rằng, khi châu Âu miễn thuế nhập khẩu gạo, họ sẽ tăng độ khó về hàng rào kỹ thuật, để bảo hộ doanh nghiệp trong nước. Thật ra, việc bảo hộ doanh nghiệp quốc nội nước nào cũng làm; tuy nhiên thứ nhất là châu Âu không trồng hay sản xuất lúa gạo, thứ hai mỗi năm châu Âu nhập khẩu trên dưới 2 triệu tấn gạo, 80.000 tấn gạo nhập của Việt Nam chỉ là số nhỏ, sẽ không bị nhòm ngó đặc biệt.
Điều quan trọng là chúng ta phải làm đúng, như đừng nhập gạo Campuchia sau đó gắn mác gạo Việt Nam để xuất khẩu hay xuất những loại gạo bẩn với dư lượng thuốc bảo vệ thực vật cao. Chúng ta hãy làm thật tốt, nhằm hướng đến sau này không chỉ 80.000 tấn gạo của Việt Nam được hưởng thuế suất bằng 0 mà tất cả và làm sao để người châu Âu muốn ăn gạo Việt.
Vì văn hóa xuất khẩu kém của nhiều doanh nghiệp, nên gạo Việt đang thu lại giá trị thấp hơn thực tế
Mặc dù EVFTA mang lại lợi ích lớn cho doanh nghiệp của tôi, nhưng chừng đó chưa phải là nhưng gì tôi mong muốn.
Trước đây, khi xuất khẩu gạo thơm, cao lắm chỉ 800 USD/tấn. Bây giờ, chúng tôi xuất với giá báo chí đưa tại Việt Nam, với hợp đồng 3.000 tấn, giá FOB (giá giao lên tàu) là 1008 USD/tấn, chưa có bao bì và vận chuyển.
Tuy nhiên, theo tôi, mức giá đó bán tại thị trường Việt Nam không hề cao. Gạo sạch của Trung An bán vào châu Âu phải từ 2.000 USD đến 3.000 USD mới đúng với giá trị thật của nó. Nhưng vì chính tập tục văn hóa thương mại kém của nhiều doanh nghiệp Việt - chiếm được thị trường nào là hạ giá thành xuống để cạnh tranh, khiến giá gạo Việt luôn thấp hơn giá trị thật rất nhiều.
Vấn nạn này xảy ra không chỉ riêng ngành gạo, mà còn ở lĩnh vực hoa quả, cá tra…Cá tra là đặc sản Việt Nam, song vì sự cạnh tranh quá kịch liệt giữa những doanh nghiệp Việt với nhau, tới mức có công ty phải phá sản, ngưng nuôi vì ko thể xuất khẩu.
Như thế, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam có thể lời hơn ở mức trước và sau VFTA, chứ so với giá trị thực thì giá đó không nhằm nhò gì. Rõ ràng, gạo Việt Nam rất ngon và giá trị của nó trên mức 1.000 USD rất nhiều. Người châu Âu sẵn sàng trả mức giá cao nếu chúng ta làm được gạo hữu cơ.
Bây giờ, chúng ta không nghĩ đến chuyện lời nhiều hay lời ít, mà phải làm sao để hàng hóa Việt đạt chất lượng châu Âu và cần phải nâng giá từ từ. Đâu phải quốc gia nào cũng có những cánh đồng lúa trù phú như ở đồng bằng Sông Cửu Long! Nhưng rất tiếc, do văn hoá thương mại của nhiều doanh nghiệp Việt khiến chúng ta không những không phát huy mà thậm chí còn dìm lợi thế của mình.
Trung An làm GlobalGap vì người châu Âu không còn tin vào những nhà chứng nhận VietGAP Việt Nam
Ở khía cạnh khác, không phải chúng ta muốn lúa gạo đạt tiêu chuẩn để xuất vào châu Âu lúc nào cũng được, mà phải chuẩn bị từ gieo trồng, chăm sóc, bảo quản và chế biến xuất khẩu. Như Trung An, chúng tôi đã chuẩn bị tư thế để vào châu Âu từ năm 2012.
Thời điểm đó, Hiệp định vẫn đang trong giai đoạn bàn bạc, nhưng với người châu Âu, dù có hay không Hiệp định, thì tiêu chuẩn để nông sản xuất vào thị trường họ cũng không bao giờ thay đổi! Người châu Âu rất xem trọng vệ sinh an toàn thực phẩm – nhất là gạo. Nếu nông sản có dư lượng thuốc trừ sâu, thì họ sẽ tẩy chay ngay, không riêng gì gạo. Không chỉ có châu Âu, mà cả Mỹ, Malaysia hay Nhật và Hàn, tất cả các vấn đề an toàn thực phẩm phải đặt lên hàng đầu.
Muốn đáp ứng được cầu của người châu Âu, chúng ta phải làm theo quy trình GlobalGAP. Việc đạt các chứng chỉ canh tác như VietGAP hoặc GlobalGAP, nói khó thì không khó, chỉ là chúng ta có thực hiện hay không thôi. Theo tôi, VietGAP hay GlobalGAP đều giống nhau, đã gọi là GAP tức thực hành nông nghiệp tốt, nôm na là không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong nông sản. Lý thuyết là, chỉ cần chúng ta trồng hoa màu, nuôi thuỷ sản hay trồng lúa gạo, theo tiêu chuẩn GAP, đủ chuẩn đưa vào châu Âu.
Nhưng, vì sao chúng tôi lại làm GlobalGAP chứ không phải là VietGAP? Tại Việt Nam, lúc thực hiện chứng chỉ VietGAP, có khi người trồng chưa thực hành nuôi trồng đủ chuẩn GAP, các tổ chức vẫn cấp chứng chỉ VietGAP. Tức có sự du di ở đây! Do đó, có những sản phẩm đạt VietGAP, khi đi vào châu Âu vẫn còn còn dư lượng thuốc phân hóa học, nên châu Âu người ta trả lại. Sau một vài lần như vậy, người châu Âu không còn tin vào các nhà chứng nhận VietGAP nữa. Còn về lý thuyết, GAP Việt Nam cũng bằng GAP thế giới.
Lúc quyết định làm chứng chỉ chất lượng, vì chúng tôi thấy câu chuyện có hơi phức tạp và nhạy cảm, nên chúng tôi thuê các tổ chức làm tiêu chuẩn quốc tế về làm GlobalGap luôn. Làm tiêu chuẩn GlobalGAP không khó, chúng ta vẫn sử dụng phân vô cơ – thuốc bảo vệ thực vật, chỉ là chúng ta phải sử dụng với liều lượng nhất định và đúng quy trình, theo đúng hướng dẫn. Làm sao để khi gạo đến tay người tiêu dùng không có bất cứ dư lượng hóa chất xấu nào.
Nên xuất khẩu có chọn lọc
Công ty Trung An đang thử nghiệm canh tác bằng máy bay không người lái.
Ngoài ra, theo tôi, trong ngành gạo hay các ngành nông sản khác cũng thế, chúng ta phải chọn lọc sản phẩm để xuất khẩu.
Ví dụ, nếu muốn xuất khẩu châu Âu, doanh nghiệp Việt cần sản xuất những sản phẩm nông sản chất lượng cao. Châu Âu là thị trường khó tính nhưng đẳng cấp, là phân khúc tiêu dùng hạng sang. Nôm na, người tiêu dùng ở đó tương đối khó tính, thích ăn sang và ăn chuẩn. Chính vì thế, giá trị xuất khẩu sẽ rất cao.
Việt Nam nên phát triển sản xuất nông nghiệp theo kiểu trọng tâm - trọng điểm, không chỉ cho hàng xuất khẩu châu Âu, mà cả tiêu dùng trong nước.
Ví dụ, Trung An chọn phân khúc của mình là xuất khẩu gạo chất lượng cao và gạo thơm. Chúng tôi tập trung chủ lực để sản xuất 2 mặt hàng đó, cho cả tiêu dùng trong và người nước. Năm 2010, khi mô hình cánh đồng liên kết được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn khuyến khích phát triển, tôi đã biết đây là cách tốt để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Chúng tôi không thể tiếp tục sản xuất – kinh doanh theo cách của hàng chục năm nay - người nông dân trồng gì thì doanh nghiệp mua cái đó để đi xuất khẩu.
Việt Nam hiện có 200 doanh nghiệp nằm trong top tương đối lớn về xuất khẩu gạo. Các doanh nghiệp Việt nên chọn lọc sản phẩm – phân khúc – thị trường theo khả năng và quy mô doanh nghiệp của mình. Chúng ta phải sản xuất sản phẩm theo nhu cầu người dùng, chứ không thể bán những gì chúng ta có – sản phẩm phổ thông bán được nhưng giá trị không cao và đầu ra bấp bênh. Nói thật, gạo Việt dù luôn xuất khẩu sản lượng lớn - đứng thứ 2 hoặc 3 thế giới, xong có năm bán được có năm phải giải cứu vì thừa. Trong khi gạo sạch Trung An năm nào cũng không đủ để bán!
Tại Việt Nam, năm 2015, VinGroup đã cử ngay 1 đội xuống khảo sát và ký hợp đồng độc quyền với chúng tôi khi nghe chúng tôi làm được gạo sạch. Gạo sạch thương hiệu VinEco là do Trung An sản xuất. Theo quan điểm của Trung An, gạo ngon hay không ngon tùy thuộc vào khẩu vị mỗi người khác nhau, song gạo bán ra thị trường phải an toàn và sạch tuyệt đối.