Tên lửa bờ Rubezh-ME Nga: Lá chắn thép "bất khả xâm phạm" bảo vệ biển

N. Tuấn Sơn | 29-06-2022 - 19:52 PM

(Tổ Quốc) - Hải quân bất cứ nước nào sở hữu tên lửa bờ Rubezh-ME do Nga chế tạo sẽ có sức mạnh phòng thủ vượt trội, đủ sức tạo cơn mưa tên lửa, đập nát các cụm tàu lớn của đối phương.

Tên lửa bờ: "Lá chắn thép" bảo vệ bờ biển

Bất cứ quốc gia nào có biển thì Quân đội của họ đều phải tính phương án phòng thủ nhằm bảo vệ bờ biển trước các nguy cơ tiềm tàng từ lực lượng đổ bộ và chiến hạm đối phương.

Tuy điều kiện kinh tế và tiềm lực quốc phòng của từng nước họ có thể lựa chọn cho mình những vũ khí phòng thủ thích hợp. Trên thị trường vũ khí thế giới hiện rất sẵn các loại pháo, tên lửa bờ hiện đại để khách hàng lựa chọn.

Bên cạnh Nga, Trung Quốc được cho là những quốc gia sở hữu nhiều loại tên lửa bờ hiện đại và uy lực nhất thế giới thì gần đây một số quốc gia khác cũng bắt đầu vào cuộc. Đến ngay như Mỹ, dù là cường quốc hải quân số 1 thế giới trước đây vốn "không thèm" trang bị tên lửa bờ thì nay họ cũng đã bắt đầu phải tính tới việc đưa loại vũ khí này vào biên chế.

Có thể kể tới các loại tên lửa bờ tối tân tiêu biểu nhất trên thế giới đã và đang được phát triển

- Mỹ: Hiện nước này đang có 2 loại tên lửa bờ gồm Harpoon (tầm bắn có thể lên tới khoảng 300km) do hãng Boeing chế tạo và loại NSM (tầm bắn 250km), sản phẩm do hai hãng Kongsberg của Na Uy và Raytheon của Mỹ cùng phát triển.

- Thụy Điển: Năm 2018 nước này đã trình làng một phiên bản mới của hệ thống tên lửa bờ RBS-15 Mk4 Gungnir có tầm bắn gần 300km, tương đương với Bastion-P của Nga.

- Trung Quốc: Bản báo cáo của Vụ Khảo cứu Quốc hội Mỹ (CRS) hồi đầu tháng 3/2022 về tiềm lực hải quân Trung Quốc đã trích dẫn nhận định của các chỉ huy quân đội hàng đầu nước này cho rằng kho tên lửa đạn đạo diệt hạm (ASBM) của cường quốc châu Á này có thể bắn trúng mục tiêu di động ở cự ly tới hơn 1.500km, tính từ bờ biển nước này.

- Châu Âu: Exocet MM40 Block 3 được coi là tên lửa chống hạm đáng sợ nhất châu Âu, do Tập đoàn MDBA (có trụ sở tại Pháp) chế tạo. Theo nhà sản xuất, cấu hình tên lửa Exocet MM40 Block 3 giúp kéo dài đáng kể tầm bắn (từ 70 km của phiên bản Block 2 lên tới 180 km), cho phép mở rộng phạm vi tác chiến lên gấp hơn 2 lần.

Tên lửa bờ Rubezh-ME Nga: Lá chắn thép bất khả xâm phạm bảo vệ biển - Ảnh 2.

Tổ hợp NSM (tầm bắn 250km), sản phẩm do hai hãng Kongsberg của Na Uy và Raytheon của Mỹ cùng phát triển.

- Ấn Độ: Tên lửa BrahMos do Ấn Độ và Nga cùng phát triển, có vận tốc Mach 2,8 (3.430 km/giờ) và có tầm bắn 290 km, mang theo đầu đạn 200 kg.

- Nga: Bastion-P trang bị không chỉ cho Hải quân nước này mà còn xuất khẩu cho một số quốc gia khác. Tổ hợp tên lửa bờ này được các chuyên gia quân sự quốc tế đánh giá cao không chỉ bởi tầm bắn xa (tới 300km) mà còn vì khả năng xuyên thủng các lá chắn phòng thủ nhờ tốc độ cao và đặc tính tàng hình tương đối tốt.

Theo thông tấn TASS Nga hiện đang đang phát triển một hệ thống phòng thủ bờ biển mới sử dụng tên lửa siêu vượt âm Zircon, dự kiến sẽ được đưa vào biên chế Hải quân Nga vào cuối năm 2022". Tháng 2/2019, Nga tiết lộ tên lửa Zircon có thể đạt tốc độ khoảng Mach 9 (tương đương 10.000 km/h), với khả năng đánh trúng các mục tiêu ở khoảng cách hơn 1.000 km.

Nga hiện đã hoàn thiện một hệ thống tên lửa bờ mới và bắt đầu có những bước quảng bá xúc tiến bán hàng để xuất khẩu cho nước ngoài.

Tên lửa bờ Rubezh-ME Nga: Lá chắn thép bất khả xâm phạm bảo vệ biển - Ảnh 3.

Tổ hợp tên lửa bờ Bastion-P của Nga.

Tổ hợp tên lửa bờ Rubezh-ME mới nhất của Nga

Tổ hợp tên lửa bờ Rubezh-ME là một trong những sản phẩm quốc phòng mới nhất của Nga được phát triển dựa trên thành công của Bal-E - một trong những tổ hợp tên lửa bờ chủ lực của Quân đội Nga hiện nay.

Không chỉ kế thừa toàn bộ những điểm vượt trội của Bal-E, Rubezh-ME còn khắc phục được các điểm hạn chế của thế hệ trước như không có khả năng tác chiến độc lập, bởi các xe phóng tự hành của tổ hợp phụ thuộc quá nhiều vào đài radar Monolith-B vốn sẽ là đối tượng đầu tiên bị đối phương tấn công khi trận địa Bal-E bị phát hiện, từ đó khiến cả tổ hợp bị vô hiệu hóa.

Theo nhiều chuyên gia quân sự đánh giá, Rubezh-ME cùng Bastion-P và tới đây sẽ là Zicron, trở thành những lá chắn "bất khả xâm phạm" bảo vệ bờ biển của nước Nga.

Theo catalogue giới thiệu của Rosoboronexport, tổ hợp Rubezh-ME cùng tên lửa Kh-35UE có vùng hỏa lực hiệu quả từ 7-260km.

Một trong những điểm đặc biệt mới khiến Rubezh-ME được đánh giá rất cao là ngoài đài radar Monolith-B, mỗi xe phóng tự hành của Rubezh-ME còn được trang bị riêng một radar chiếu xạ cho phép nó hoạt động độc lập mà không cần tới đài radar trinh sát nhìn vòng Monolith-B, cho phép nó theo dõi đồng thời tới 200 mục tiêu ở cự ly từ 250-750km tùy chế độ.

Nhờ vậy, mỗi mỗi xe phóng tự hành của Rubezh-ME hoạt động như một tổ hợp tên lửa bờ thu nhỏ có thể tác chiến độc lập, hợp với nghệ thuật quân sự "tác chiến phi đối xứng" lấy phòng tránh, đánh trả là chính.

Tên lửa bờ Rubezh-ME Nga: Lá chắn thép bất khả xâm phạm bảo vệ biển - Ảnh 5.

Tổ hợp tên lửa bờ Rubezh-ME (gần) và trạm radar cảnh giới nhìn vòng Monolith-B (ở phía xa). Ảnh: iarex.ru.

Rubezh-ME có thể tác chiến theo phương thức "hỏa khí phân tán, hỏa lực tập trung" bởi các xe bệ phóng tự hành có thể bố trí cách nhau rất xa nhưng khi cần vẫn có thể tạo ra một cơn mưa đạn tên lửa diệt hạm tập trung vào một khu vực mục tiêu.

Với mật độ đạn dày đặc, "bầy sói" Kh-35 hoặc Kh-35UE tận dụng khả năng bay siêu thấp, bám đỉnh sóng để tiếp cận các tàu đối phương mà không bị phát hiện hoặc nếu bị phát hiện thì cũng không thể kịp đánh chặn và/hoặc bị quá tải do số lượng mục tiêu lớn khiến hệ thống phòng thủ trên tàu bị quá tải.

Các xe phóng tự hành của Rubezh-ME có thể bố trí cách xa nhau cũng mang lại cho lực lượng phòng thủ khả năng bảo vệ đường bờ biển dài hơn so với tổ hợp BAL-E thông thường, kết hợp hoàn hảo giữa yếu tố chi phí và hiệu quả chiến đấu. Do vậy, Rubezh-ME xứng đáng được xem là ứng viên sáng giá dành cho các quốc gia mà ngân sách quốc phòng có hạn.

Tổ hợp tên lửa bờ Rubezh-ME do Nga chế tạo

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM