Thế hệ thứ sáu
Tempest là dự án liên minh hợp tác phát triển máy bay chiến đấu của các nhà thầu quốc phòng đến từ bốn quốc gia khác nhau.
Vương quốc Anh dẫn đầu liên minh đang hướng tới phát triển Hệ thống Không quân Chiến đấu Tương lai Tempest thế hệ thứ sáu (FCAS).
FCAS là một điểm thu hút nổi bật tại Triển lãm Hàng không Quốc tế Farnborough tuần này, bắt đầu vào ngày 18/7. Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace đã xác nhận tại Farnborough rằng chiến đấu cơ Tempest sẽ bay trong 5 năm tới.
Ông Wallace tuyên bố trong một thông cáo báo chí rằng dự án cho thấy những lợi ích của sự hợp tác đa quốc gia.
"Công việc thiết kế và phát triển máy bay là một cột mốc quan trọng, thể hiện sự thành công và tài năng của các kỹ sư, lập trình viên và nhà phát triển phần mềm của chúng tôi. Chương trình này sẽ tiếp tục để mang đến cơ hội cho nhiều trí tuệ và tài năng tuyệt vời hơn từ khắp Vương quốc Anh".
Các nhà thầu quốc phòng từ Vương quốc Anh, Ý, Thụy Điển và Nhật Bản đang làm việc cùng nhau cho chương trình Tempest FCAS.
Máy bay được thiết kế để có tính năng siêu tàng hình; phần mềm có thể hỗ trợ nhiều loại nhiệm vụ; đa dạng khả năng cho phi công lựa chọn các loại vũ khí và cảm biến; đáp ứng nhiên liệu cho các nhu cầu đa dạng. Máy bay cũng có thể hoạt động ở chế độ có người lái hoặc không người lái.
Động cơ sẽ cung cấp cho máy bay khả năng cơ động cao với sức mạnh lớn hơn, tầm bay mở rộng, trọng tải tuyệt vời và tỷ lệ lực đẩy trên trọng lượng tối đa. Một hệ thống làm mát mới sẽ làm giảm đặc tính nhiệt của máy bay, cho phép nó hoạt động ẩn mình hơn.
Công nghệ máy bay mới đang được trình diễn tại cơ sở của BAE Systems gần Preston, miền bắc nước Anh. Các nhà thầu khác của Anh tham gia bao gồm Leonardo UK và MBDA UK.
Chương trình đang tuyển dụng 2.500 người ở Anh và Scotland, với 1.300 người sẽ được thuê vào năm 2023. Các nhà nghiên cứu tại các trường đại học ở Anh cũng cung cấp nguồn nhân lực để phát triển dự án máy bay đầy tham vọng này.
Liệu có quá đông đúc?
Có rất nhiều công ty tham gia vào sản xuất Tempest. Rolls-Royce đang bắt tay thực hiện động cơ tuabin khí cho Tempest mà công ty gọi là "Orpheus", được chế tạo và thử nghiệm trong vòng chưa đầy hai năm.
BAE Systems phụ trách phần thân máy bay. Leonardo UK và Mitsubishi Electric của Nhật Bản đang làm việc trên một hệ thống cảm biến thế hệ tiếp theo được gọi là "Jaguar".
Hệ thống này sẽ "tích hợp bộ công cụ hỗ trợ phòng thủ của Tempest, các biện pháp hỗ trợ tìm kiếm và theo dõi hồng ngoại, hỗ trợ điện tử để hoạt động liên hợp thông qua một hình thức tổng hợp dữ liệu tiên tiến", theo báo cáo vào ngày 18/7 tại Triển lãm Hàng không ở Farnborough.
Leonardo của Italy đang phát triển hệ thống thông tin liên lạc. Hãng MBDA đang sử dụng trí tuệ nhân tạo và máy học cho hệ thống nhắm mục tiêu của vũ khí. Saab và GKN AerospaceThụy Điển cũng tham gia với vai trò nhà tích hợp hệ thống.
Bộ Quốc phòng Anh muốn có Tempest FCAS được sản xuất với số lượng lớn vào năm 2035, được nhắm cho vai trò thay thế Eurofighter Typhoon. Năm 2021, chính phủ Anh đã đầu tư 350 triệu USD vào liên minh Tempest.
Tuy nhiên, giới quan sát đang đặt ra câu về việc liệu chương trình Tempest đang có quá nhiều "đầu bếp trong nhà bếp" hay không. Cách tiếp cận đa quốc gia sẽ khó có hiệu quả.
Nếu một nhà thầu quốc phòng chậm tiến độ hoặc bị phụ thuộc vào chi phí dự kiến, các công ty khác có thể phải chịu sự chậm trễ liên quan.
Tuy nhiên, chương trình đã khai thác những nguồn nhân lực tốt nhất và sáng giá nhất từ một số quốc gia, đồng thời tạo đòn bẩy cho sự phát triển kinh tế. Chính phủ Anh được kỳ vọng sẽ tài trợ đầy đủ cho máy bay và dẫn dắt chương trình thành công.
Các nhà thầu quốc phòng khác sẽ phải tùy chỉnh lượng công việc của mình, nhưng có đủ thời gian để tích hợp đầy đủ nhiều hệ thống khác nhau của máy bay, cho phép máy bay chiến đấu thế hệ thứ sáu bay trong vòng 5 năm tới.
Nếu các công ty có thể thành công, Tempest sẽ cung cấp một khuôn mẫu cho các hợp tác đa quốc gia trong tương lai về thiết kế và sản xuất máy bay mới.