Theo thông tin từ Techcombank, Hội đồng Quản trị ngân hàng này vừa phê duyệt cấp khoản tín dụng 1.500 tỷ đồng cho Công ty TNHH Khai thác Chế biến Khoáng sản Núi Pháo (Khoáng sản Núi Pháo) và Công ty TNHH Vonfram Masan (Vonfram Masan - MTC).
Trong đó, hạn mức tín dụng cấp cho Khoáng sản Núi Pháo là tối đa 1.500 tỷ và cho Vonfram Masan không quá 600 tỷ đồng. Hạn mức tín dụng này có thời hạn 12 tháng, gồm hạn mức cho vay, hạn mức bảo, hạn mức thư tín dụng, hạn mức chiết khấu và hạn mức thấu chi.
Đây là khoản tín dụng ngắn hạn nhằm bổ sung vốn lưu động phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh. Tài sản đảm bảo cho hạn mức tín dụng là cổ phiếu của CTCP Masan High-Tech Materials (UPCoM: MSR) do CTCP Tầm nhìn Masan sở hữu. Tài sản đảm bảo còn có toàn bộ khoản phải thu ngắn hạn của Công ty Núi pháo và toàn bộ hàng tồn kho luân chuyển là nguyên liệu oxit vonfram của Khoáng sản Núi Pháo.
Được biết cả Vonfram Masan và Khoáng sản Núi Pháo đều là công ty con do Tập đoàn Masan sở hữu gián tiếp.
Trước đó, vào tháng 2, HĐQT Techcombank cũng đã phê duyệt khoản tín dụng 250 tỷ đồng cho Công ty Cổ phần Phúc Long Heritage (Phúc Long) – công ty con do Masan sở hữu gián tiếp 51% vốn.
Đáng chú ý, động thái cấp tín dụng của Techcombank diễn ra chỉ sau ít ngày Tập đoàn Masan thông báo mua thêm 31% cổ phần của chuỗi trà, cà phê Phúc Long với giá 110 triệu USD. Sau thương vụ này, công ty của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang trở thành cổ đông nắm quyền chi phối một trong những doanh nghiệp F&B lâu đời nhất Việt Nam.
Masan và Techcombank được biết đến là bộ đôi doanh nghiệp – ngân hàng điển hình tại Việt Nam với mối quan hệ đặc biệt thân thiết.
Masan hiện đang là đơn vị sở hữu 19,9% vốn của Techcombank, gần chạm mức trần 20% theo quy định và là cổ đông lớn nhất tại ngân hàng này.
Ngoài ra, ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch HĐQT Masan hiện đang là Phó Chủ tịch thứ nhất tại Techcombank. Trong khi, Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh cũng từng có thời gian giữ cương vị Phó Chủ tịch tại Masan Group.