Tang thương, chết chóc đeo bám sau đại dịch và công cuộc tìm thuốc chữa "tâm bệnh" cho người dân Vũ Hán

Trần Quỳnh | 03-04-2020 - 13:28 PM

(Tổ Quốc) - Liệu có hay không phương thuốc trị "tâm bệnh" để xoa dịu những tổn thương và mất mát mà dịch bệnh để lại cho những người dân ở tâm dịch Vũ Hán?

Bất kỳ một công cuộc chiến đấu nào cũng không đơn thuần dừng lại ở đấu tranh trực diện, và cuộc chiến giữa những người dân Vũ Hán từng sống giữa tâm dịch ngày nào cũng nằm trong số đó.

Không chỉ phải chấp nhận những đau đớn về thể xác do bệnh tật mang tới, người Vũ Hán còn phải gánh chịu vô vàn những vết thương trên phương diện tinh thần ngay cả khi bệnh dịch đã và đang dần qua đi.

Đó là nỗi sợ hãi về bệnh tật, nỗi ám ảnh về những đám tang, nỗi mặc cảm vì bị kỳ thị cùng với đó là sự mong chờ mòn mỏi trong những ngày tháng phong thành dài đằng đẵng… Có lẽ hết thảy những ký ức này vẫn sẽ còn tồn tại lâu dài trong ký ức của người Vũ Hán.

Cũng bởi vậy mà câu hỏi làm thế nào để có được liều thuốc chữa trị "tâm bệnh"cho những người dân nơi đây khi dịch bệnh qua đi vẫn đang là một đề thi khó cho những người đứng đầu của đất nước này hiện nay…

Từ nỗi ám ảnh khi chứng kiến người thân qua đời...

Tang thương, chết chóc đeo bám sau đại dịch và công cuộc tìm thuốc chữa tâm bệnh cho người dân Vũ Hán - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: Nguồn Internet.

10 giờ sáng ngày 23 tháng 1, Vũ Hán chính thức tuyên bố "phong thành". Gia đình của Hoàng Kiện cũng kẹt lại trong thành phố đang bị hoành hành bởi dịch bệnh khi ấy. (Tên nhân vật đã được thay đổi).

Chỉ vài ngày sau đó, vào ngày mùng 1 và mùng 8 của tháng 2, cha ruột của ông cùng người cậu 86 tuổi và người anh họ 53 tuổi lần lượt buông tay trần thế.

Trước đó, cậu của Hoàng Kiện không được chẩn đoán chính xác là có mắc Covid 19 hay không. Tuy nhiên cụ ông 86 tuổi ấy đã xuất hiện nhiều triệu chứng tiêu biểu của bệnh như ho khan, phát sốt.

Không lâu sau đó, người con trai luôn kề cận chăm sóc ông, cũng là người anh họ 53 tuổi của Hoàng Kiện nhanh chóng xuất hiện các biểu hiện tương tự.

Mặc dù đã được nằm viện sau khi cha ruột qua đời, thế nhưng người anh họ ấy cũng không thể qua khỏi trước sự hành hạ của căn bệnh quái ác.

Về phần cha của Hoàng Kiện, ông ban đầu may mắn không mắc căn bệnh viêm phổi do Virus Corona gây ra.

Thế nhưng ở vào thời điểm dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, ông lại phải nằm lại một bệnh viện tuyến đầu trong thành phố Vũ Hán vì trúng gió.

Khi bệnh viện đang ngày càng quá tải do dịch bệnh gia tăng, các bác sĩ đã khuyên Hoàng Kiện cũng như nhiều người nhà bệnh nhân khác ra về trước ngày 22 để tránh tình trạng lây nhiễm.

Cho tới bây giờ, Hoàng Kiện vẫn còn nhớ như in những lời bác sĩ nói với mình khi ấy:

"Căn bệnh này có tính lây lan rất mạnh, tốt nhất là anh nên trở về đi thôi".

Chẳng bao lâu sau, cha của Hoàng Kiện qua đời trong bệnh viện vì suy hô hấp.

"Sau đó, nhà tang lễ gọi điện thoại cho tôi. Chỉ 5 phút sau xe đã đến, trong xe đặt sẵn 6 chiếc quan tài" – Hoàng Kiện nghẹn ngào hồi tưởng về ngày nhận được hung tin.

Ông nói rằng vào ngày hay tin cha qua đời, không có lấy một lời cáo biệt, cũng không có nghi thức tang lễ. Thân nhân của những người đã mất chỉ nhận được thông báo và phải chờ tới khi dịch bệnh qua đi mới có thể tới nhà tang lễ để nhận tro cốt về.

Trong suốt một tuần sau đó, Hoàng Kiện chìm trong đau đớn trước sự ra đi đột ngột của 3 người thân.

Cho tới ngày thứ 40 sau khi cha qua đời, ông vẫn ngày ngày uống rượu, khiến mình chìm trong những cơn say để quên đi thực tại khốc liệt đang ngày đêm giày vò thành phố bị phong tỏa này…

...cho tới những ưu tư mà lệnh "phong thành" cũng không thể phong tỏa

Tang thương, chết chóc đeo bám sau đại dịch và công cuộc tìm thuốc chữa tâm bệnh cho người dân Vũ Hán - Ảnh 3.

Ảnh minh họa: Nguồn Internet.

Sau khi Vũ Hán bị phong tỏa, những con đường nối liền giữa nơi này với những địa phương khác tuy đã bị chặn lại, thế nhưng những nỗi ưu tư của thành phố ấy không ngừng vẫn lan tỏa từ nơi này tới nơi khác.

Ngày 20/ 2, người đứng đầu của Trung tâm Tư vấn Tâm lý thuộc Đại học Công nghệ Quế Lâm là bà Đàm Vịnh Mai nhận được một cuộc điện thoại từ tâm dịch Vũ Hán.

Người gọi tới là một người đàn ông vốn đã tính rời Vũ Hán về quê ăn Tết. Thế nhưng bởi vì lệnh phong tỏa, một nhà bốn người bao gồm con cái cùng cha mẹ của anh đang ngày đêm sống trong cảnh túng quẫn.

Trong điện thoại, Đàm Vịnh Mai biết được rằng cha mẹ và con cái của người ở đầu dây bên kia cũng đang mắc bệnh nhẹ. Người đàn ông ấy luôn tự trách mình, ngày đêm trông chờ dịch bệnh qua đi để trở về cố hương đoàn tụ.

Không ai có thể ngờ được rằng, tình hình càng lúc càng nghiêm trọng tới nỗi vượt xa sức tưởng tượng của anh. Ngày đoàn tụ của gia đình không mấy khá giả ấy có lẽ vẫn còn là một điều khó nói ở vào thời điểm đó.

May mắn thay, Đàm Vịnh Mai trong vai trò của một người tư vấn tâm lý đã giúp đối phương bước ra khỏi vực sâu tuyệt vọng để giúp anh hiểu được rằng, việc anh không rời khỏi Vũ Hán đã đem lại sự an toàn cho chính gia đình anh trước dịch bệnh.

Phong ba nào rồi cũng có lúc qua đi, và chỉ cần anh cùng gia đình không có ai nhiễm bệnh, thì họ chắc chắn vẫn sẽ có ngày đoàn tụ.

Công cuộc đi tìm phương thuốc cho "tâm bệnh" của người dân Vũ Hán của chính phủ Trung Quốc

Tang thương, chết chóc đeo bám sau đại dịch và công cuộc tìm thuốc chữa tâm bệnh cho người dân Vũ Hán - Ảnh 5.

Ảnh minh họa: Nguồn Internet.

Theo số liệu thống kê trên tờ báo Sohu, từ ngày 24/2 đến ngày 7/3, nền tảng đường dây nóng tư vấn tâm lý cho những người dân bị dịch bệnh ảnh hưởng tại Vũ Hán đã có tổng cộng 1798 chuyên gia tư vấn, tiếp nhận 6.319 cuộc gọi.

Trong số đó, có 3862 trường hợp đã được giải quyết và chỉ có 54 trường hợp rơi vào khủng hoảng.

Đường dây hỗ trợ tâm lý này được cung cấp sớm nhất bởi Đại học Sư phạm Hoa Trung (Vũ Hán) với mục tiêu là giúp đỡ về phương diện tinh thần với những người bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh tại Vũ Hán nói riêng và trên cả nước Trung Quốc nói chung.

Hình thức tư vấn của các chuyên gia cũng hết sức đa dạng với 3 loại hỗ trợ thông qua điện thoại, tin nhắn thoại và văn bản.

Là người khởi xướng nền tảng tư vấn tâm lý nói trên, Giáo sư Đại học Sư phạm Hoa Trung Chu Tông Khuê cho rằng:

"So với thời điểm mới bắt đầu phong tỏa thành phố, nhịp sống bình thường của người dân về cơ bản đã được thiết lập trật tự. Những lo lắng của họ đã được xoa dịu và được truyền thêm cảm hứng về sự kiên cường. Tuy nhiên, trong một thời gian dài như vậy, nhu cầu tâm lý của công dân cũng cần phải được giải tỏa".

Theo ông Chu, ngoài việc triển khai những đường dây nóng tư vấn tâm lý qua điện thoại, các chính quyền địa phương cũng có thể sắp xếp nhân lực đi tới từng tiểu khu, từng gia đình, một mặt động viên họ, mặt khác lại đem tới các tin tức tích cực như tiến độ sản xuất vắc-xin, số lượng các ca khỏi bệnh đang ngày càng tăng...

Bên cạnh đó, những người này còn có thể trở thành cầu nối giữa những người bị cách ly, giữa các bệnh nhân cùng với gia đình của họ, từ đó cải thiện tâm lý của mọi người theo chiều hướng đi lên.

Ông Chu Tông Khuê cũng cho rằng việc tư vấn tâm lý nên được bố trí ở tầm vĩ mô, đi sâu vào cộng đồng, tiến vào từng xã khu, từng gia đình, kích thích sản sinh những năng lượng tích cực từ trong nội bộ, đó mới là liều thuốc trị tâm bệnh hiệu quả nhất đối với những người dân bị dịch bệnh ảnh hưởng.

Bệnh dịch qua đi nhưng niềm đau liệu có mãi ở lại?

Tang thương, chết chóc đeo bám sau đại dịch và công cuộc tìm thuốc chữa tâm bệnh cho người dân Vũ Hán - Ảnh 7.

Ảnh minh họa: Nguồn Internet.

Những ngày tháng đen tối nhất của Trung Quốc đang dần đi qua, thế nhưng trận chiến dai dẳng trong công cuộc tiến hành tâm lý trị liệu cho người dân sau dịch bệnh mới chỉ vừa bắt đầu.

Nhìn lại những lần đối diện với không ít các thiên tai hay khủng hoảng từ trước đó của đất nước này, có thể thấy việc điều trị tâm lý cho người dân giờ đây đang trở thành việc làm cần thiết hơn bao giờ hết.

Minh chứng là 6 tháng sau trận động đất ở Tứ Xuyên với tâm chấn tại Vấn Xuyên, một cuộc khảo sát được tiến hành với hơn 6000 học sinh ở các trường tiểu học và trung học khác nhau của Viện Khoa học Trung Quốc đã cho thấy:

Số người mắc hội chứng PTSD (rối loạn căng thẳng sau chấn thương) chiếm tới 12,7 – 22,1% trong giai đoạn hậu thảm họa. Song song với đó, những người có triệu chứng lo âu rõ rệt đạt 20,2 – 20,9 %.

Trong vòng một năm sau thảm họa, vẫn có tới 13,4% dân số mắc PTSD, 22,7% dân số có triệu chứng lo âu và 16,1% dân số bị trầm cảm tiếp tục được phát hiện.

Tương tự như vậy, sau thảm họa hỏa hoạn Karamay ở Tân Cương, những người sống sót và gia đình của các nạn nhân đã trải qua không ít vấn đề tâm lý nghiêm trọng khác nhau.

Viện Sức khỏe Tâm thần thuộc Đại học Bắc Kinh thậm chí đã lập tức phải cử một nhóm chuyên gia tới khu vực thảm họa trong vòng 2 tháng để tiến hành can thiệp tâm lý.

Mặc dù đã có nhiều kinh nghiệm để tiến hành tâm lý trị liệu trên diện rộng đối với người dân sau các thảm họa và khủng hoảng, thế nhưng theo nhận định của tờ báo Sohu, Trung Quốc vẫn thiếu các quy tắc và những quy định chi tiết cũng như các quy định pháp lý về vấn đề can thiệp tâm lý trong những trường hợp khẩn cấp công cộng.

Tuy nhiên cũng không thể phủ nhận rằng so với những lần trước đó, các công tác liên quan tới tâm lý ngày nay đã ngày càng có nhiều tiến bộ nhất định.

Tại Vũ Hán giờ đây, các chính quyền địa phương đang đi tới việc thống nhất nhu cầu của các bên để đề xuất Ủy ban Y tế Quốc gia phân bổ nguồn lực tới điều trị tâm lý cho người dân nơi đây.

Như vậy, những vấn đề cơ bản nhất như cần bao nhiêu y bác sĩ, cần bổ sung hay cung cấp bao nhiêu nguyên vật liệu… đều sẽ được thu xếp ổn thỏa. Hiệu quả trong việc khắc phục các sang chấn tâm lý sau dịch bệnh chắc chắn cũng sẽ tăng lên đáng kể.

Tang thương, chết chóc đeo bám sau đại dịch và công cuộc tìm thuốc chữa tâm bệnh cho người dân Vũ Hán - Ảnh 9.

Ảnh minh họa: Nguồn Internet.

Nhìn vào trường hợp của Hoàng Kiện, từ một người mượn rượu tiêu sầu để quên đi những đau thương mất mát, ông dường như đang bước ra khỏi bóng đen tâm lý để quay trở lại hòa nhập với cuộc sống bình thường ngoài kia.

Người đàn ông từng mất đi 3 người thân trong một khoảng thời gian ngắn ngủi ấy, giờ đây đã có thể hòa cùng đám đông vui vẻ đi tranh bao lì xì lấy may về cho mình.

Ông cũng dần quan tâm tới câu chuyện của những người bên cạnh, tìm kiếm những thú vui mới trong cuộc sống.

Ông lại trở về là một người thích tiết kiệm, ngày ngày than phiền rằng thuốc lá loại ngon bây giờ đã đắt hơn tới 20 tệ so với ngày trước.

Những người xung quanh Hoàng Kiện đều có thể cảm nhận được rằng, người đàn ông ấy đang dần trở nguôi ngoai đi nỗi đau để trở về với cuộc sống bình thường sau khi đã trải qua không ít biến cố đau thương vì dịch bệnh.

Tang thương, chết chóc đeo bám sau đại dịch và công cuộc tìm thuốc chữa tâm bệnh cho người dân Vũ Hán - Ảnh 11.

Ảnh minh họa: Nguồn Internet.

Vào ngày 8/4 sắp tới, Vũ Hán dự kiến sẽ chính thức dỡ bỏ các biện pháp phong tỏa. Thành phố hưng thịnh với hàng triệu dân cư này sẽ nhanh chóng trở lại đường đua sau hơn 2 tháng bị phong thành.

Có lẽ, đoạn ký ức đau thương trong khoảng thời gian vừa rồi sẽ nằm mãi trong lòng của những người dân Vũ Hán, lưu lại trong tâm trí họ những hồi ức khó thể nào quên được.

Một vài người có thể nhờ thời gian mà quên đi vết thương lòng, thế nhưng cũng có người cần một cái nắm tay thật chặt, cần một bàn tay vững vàng để kéo họ dứt ra khỏi vực sâu của vô vàn đau thương đã trải qua trước đó.

Thế nhưng dù cho liều thuốc tâm bệnh mà họ cần là gì, dù cho chính phủ có làm công tác điều trị tâm lý tới ra sao, thì hơn ai hết, chính những con người ấy buộc phải nỗ lực tự mình vượt qua nỗi sợ hãi.

Có như vậy, họ mới có thể thoát khỏi bóng đen tâm lý để chân chính hòa nhập với cuộc sống bình thường sau khi dịch bệnh quái ác đã qua đi…

*Theo Sohu (Trung Quốc).

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM

Tìm hiểu bột ngậm hỗ trợ bật tông da Gilaa

Nắm bắt xu hướng làm đẹp tiên tiến, bột ngậm trắng da Gilaa (TPBS Glow White Premium Glutathione C) đã ứng dụng công nghệ hấp thụ Melting hiện đại, hỗ trợ khả năng chuyển hóa và tốc độ phát huy của hoạt chất. Công nghệ này hỗ trợ Glutathione hấp thụ trực tiếp vào cơ thể nhanh chóng, mang lại hiệu quả dưỡng trắng vượt trội.