Tăng Phúc: "Người nước ngoài hát nhạc Việt thì chẳng nghe ai nói gì, còn mình hát nhạc người ta thì dân mình lại tự chửi nhau"

Minh Khôi | Photo: Viết Thanh | Design: Minh Trang | Clip: Kinglive | 27-04-2021 - 07:48 AM

(Tổ Quốc) - Chúng tôi đã có buổi trò chuyện với Tăng Phúc và lắng nghe anh kể lại về buổi diễn "lịch sử" tại Đà Lạt chiều hôm ấy, những áp lực của anh trong việc thoát khỏi cái mác "ca sĩ cover" cũng như nhiều nhận định về nền âm nhạc với tư cách một nghệ sĩ đã trải qua nhiều thăng trầm trong suốt 4 năm qua.

Phỏng vấn Tăng Phúc

Hoạt động âm nhạc chuyên nghiệp được hơn 4 năm, cái tên Tăng Phúc vẫn luôn chật vật tìm kiếm một vị thế trong làng nhạc Việt. Khán giả nghe đến có thể thấy cái tên này quen quen, nhưng để kể cụ thể ra anh chàng đã hát những gì, thành tựu ra sao không phải là một điều dễ dàng. Tuy nhiên, vận may cuối cùng đã "mỉm cười" với Tăng Phúc khi bản cover nhạc Hoa lời Việt Chỉ Là Không Cùng Nhau bất ngờ vươn lên vị trí top 1 trending, nam ca sĩ lập tức nhận được rất nhiều chú ý.

Chúng tôi đã có buổi trò chuyện với Tăng Phúc và lắng nghe anh kể lại về buổi diễn "lịch sử" tại Đà Lạt chiều hôm ấy, những áp lực của anh trong việc thoát khỏi cái mác "ca sĩ cover" cũng như nhiều nhận định về thị trường âm nhạc với tư cách một nghệ sĩ đã trải qua nhiều thăng trầm trong suốt 4 năm qua.

Tăng Phúc: Người nước ngoài hát nhạc Việt thì chẳng nghe ai nói gì, còn mình hát nhạc người ta thì dân mình lại tự chửi nhau - Ảnh 2.
Tăng Phúc: Người nước ngoài hát nhạc Việt thì chẳng nghe ai nói gì, còn mình hát nhạc người ta thì dân mình lại tự chửi nhau - Ảnh 3.

Khi màn trình diễn Chỉ Là Không Cùng Nhau đạt top 1 trending, anh đang làm gì?

Lúc ấy, tôi chuẩn bị có một đêm diễn ở phòng trà và đang loay hoay make-up ở hậu trường. Cô bé trợ lý của Trương Thảo Nhi đang ngồi bấm máy tính và thấy đọc: “Top 1 trending…”, lúc ấy tôi cũng không để ý vì nghĩ là bé ấy đang đọc tên ca khúc đạt top 1 trending thôi. 

Cá nhân tôi cũng chả suy nghĩ gì nhiều vì khi ấy Chỉ Là Không Cùng Nhau đã lên đến top 2 trending, vốn đã là một kì tích và tôi nghĩ chỉ lên đến thế là tối đa. Tôi ra hỏi bé trợ lý: “Em đọc gì thế…”, em trả lời rất thản nhiên: “Ủa top 1 trending rồi nè mọi người ơi” rồi chúng tôi đến vây quanh màn hình máy tính, la hét muốn sập nhà.

Tăng Phúc: Người nước ngoài hát nhạc Việt thì chẳng nghe ai nói gì, còn mình hát nhạc người ta thì dân mình lại tự chửi nhau - Ảnh 4.

Tôi nhớ lại buổi diễn được ghi hình ở Đà Lạt ấy hoàn toàn không nằm trong kế hoạch ban đầu. Tôi và Trương Thảo Nhi thường sẽ hát cùng nhau những ca khúc quen thuộc đã từng diễn trước đó thì bất ngờ khi ấy Thảo Nhi bảo tôi: “Bài Thời Không Sai Lệch hay quá mà trước giờ chưa thấy bản Vietsub nào ưng ý cả. Hay nhờ anh nhạc sĩ Huỳnh Quốc Huy (cũng là quản lý của Tăng Phúc) viết lời mới rồi chiều diễn luôn?”. Đấy, tính của Thảo Nhi thích bài nào là hát bài ấy, chưa cần biết mình hợp hay không nhưng tôi cũng đành gật đầu đồng ý.

Chỉ Là Không Cùng Nhau - Tăng Phúc x Trương Thảo Nhi

Khi lên diễn, mọi người có thể thấy Nhi còn chưa thuộc lời, nhiều lần phải xem lời trên điện thoại, hát thậm chí đôi chỗ còn run rẩy phần vì áp lực phần vì thời tiết Đà Lạt khi ấy se lạnh. Tôi đánh giá đó không phải là một màn trình diễn hoàn hảo. Cũng khá áp lực vì bản gốc của Ngải Thần quá hay. Khi đem ca khúc ấy dịch sang tiếng Việt, tôi thấy nhiều nghệ sĩ khác dịch khá sát nghĩa như một cách tôn trọng nguyên tác tuy nhiên nhạc sĩ Huỳnh Quốc Huy lại chỉ dựa trên nội dung chủ yếu của ca khúc nói về hai người yêu nhau nhưng không đến được với nhau để viết nên một phần lời hoàn toàn mới.

Tăng Phúc: Người nước ngoài hát nhạc Việt thì chẳng nghe ai nói gì, còn mình hát nhạc người ta thì dân mình lại tự chửi nhau - Ảnh 6.

Vừa diễn xong, Trương Thảo Nhi đi thẳng một mạch ra xe, tỏ vẻ rất buồn. Tôi hỏi thì Nhi bảo hôm ấy không được tự tin, không “show” được hết khả năng của mình và thấy khán giả không hưởng ứng được bằng tôi. Tối về, Nhi còn bảo với quản lý thôi đừng đăng tải màn trình diễn ấy lên vì thấy bản thân hát không hay. Gần đến sát giờ mà vẫn chưa quyết định được là đăng hay không.

Nhưng rồi, tôi biết được bạn trợ lý có đăng tải một 1 đoạn cắt phần trình diễn của tôi và Thảo Nhi lên MXH lại mang về hiệu ứng rất ấn tượng, phải nói là chưa từng thấy đối với tôi, lên đến cả triệu view. 2 đứa cảm thấy có điều gì đó không ổn ở đây và tự nhủ có lẽ do mình là nghệ sĩ nên thấy chưa ổn nhưng khán giả vẫn thấy thích. Thế là quyết định đăng, và thành quả là như hiện tại bạn đã thấy.

Tăng Phúc: Người nước ngoài hát nhạc Việt thì chẳng nghe ai nói gì, còn mình hát nhạc người ta thì dân mình lại tự chửi nhau - Ảnh 7.

Đà Lạt giờ đã thành một địa điểm tổ chức show đầy uy tín, có phải đây là điểm đến mới yêu thích của các nghệ sĩ với giọng hát thực lực? 

Nhu cầu hiện tại của khán giả là được nghe nhạc hay, giọng hát tốt ở một không gian đẹp. Tôi hát ở Đà Lạt còn nhiều hơn ở Sài Gòn và luôn lấy một cái giá rất dễ thương với Đà Lạt so với những nơi khác. Có những nghệ sĩ hát rất hay, rất nổi tiếng nhưng khi lên Đà Lạt lại không hợp.

Tăng Phúc: Người nước ngoài hát nhạc Việt thì chẳng nghe ai nói gì, còn mình hát nhạc người ta thì dân mình lại tự chửi nhau - Ảnh 8.

Nhắc đến việc các nghệ sĩ đến diễn ở Đà Lạt thì phải nhắc ngay đến anh Hà Anh Tuấn, người tổ chức những show diễn thành công nhất tại đây. Tôi rất thích anh Hà Anh Tuấn, một nghệ sĩ không scandal, rất sang trọng thanh lịch lại vừa lãng tử, hát thì hay. Đôi khi sự lãng tử khiến anh trình diễn nhiều bài nghe bị “hư” một chút nhưng đó không phải là vấn đề. 

Nhiều người bảo anh Tuấn chỉ cover nhưng rõ ràng, số ca khúc của riêng anh cũng rất nhiều, chỉ là không viral đến công chúng mà thôi. Khán giả của riêng anh vẫn thuộc lòng và hát theo những bài ấy. Thử để một nghệ sĩ trẻ nổi tiếng hiện giờ ra làm một show như anh Hà Anh Tuấn, họ dám làm không?

Tăng Phúc: Người nước ngoài hát nhạc Việt thì chẳng nghe ai nói gì, còn mình hát nhạc người ta thì dân mình lại tự chửi nhau - Ảnh 9.

Việc công chúng yêu mến giọng hát thực lực hơn có phải là do thời gian qua họ đã quá chán ngán với các “thảm hoạ âm nhạc”?

Khán giả giờ đây chọn lọc rất kĩ lưỡng, những bài nào hay thì mới nghe, phần nào giảm bớt đi những ca khúc không được văn minh, những ca khúc sáo rỗng không có ý nghĩa. “Thảm hoạ” thì đời nào cũng có, những năm trước thậm chí còn thấy nhiều hơn nữa. Tôi gọi đó là những ca khúc giải trí và những sản phẩm này vẫn hot, vẫn viral và đây là một hướng đi để những “ca sĩ giải trí” kinh doanh mà thôi. 

Tôi suy nghĩ thậm chí không biết có nên gọi họ đang “hoạt động âm nhạc” hay không vì một nghệ sĩ chân chính sẽ luôn quan tâm đến việc họ có hát hay hay không, các sản phẩm sau phải hay hơn nữa. Nhưng rồi tại sao có những người họ làm ra được những sản phẩm như vậy? Dường như họ cố tình làm như vậy, mình không cản được.

Tăng Phúc: Người nước ngoài hát nhạc Việt thì chẳng nghe ai nói gì, còn mình hát nhạc người ta thì dân mình lại tự chửi nhau - Ảnh 10.

Hoạt động miệt mài hơn 4 năm nhưng vẫn chưa thực sự có dấu ấn mạnh mẽ trong lòng công chúng, mãi đến tận dạo gần đây nổi lên cùng 1 bản cover. Bạn có chạnh lòng không?

Trước đó, tôi vẫn có nhận show đều đặn, nhưng chủ yếu là hát các bài nhạc xưa. Giờ có bản hit thì người ta cũng biết đến mình nhiều hơn và yêu cầu được nghe chính bài đó. Đặc biệt là một lượng khán giả mới và rất đông đảo đã tìm đến mình. Tôi xem đây là niềm vui để làm những động lực tiếp theo chứ không “bám” theo mãi màn trình diễn này được vì đây chỉ là một bản cover, một màn trình diễn ngẫu hứng mà thôi. 

Tăng Phúc: Người nước ngoài hát nhạc Việt thì chẳng nghe ai nói gì, còn mình hát nhạc người ta thì dân mình lại tự chửi nhau - Ảnh 11.
Tăng Phúc: Người nước ngoài hát nhạc Việt thì chẳng nghe ai nói gì, còn mình hát nhạc người ta thì dân mình lại tự chửi nhau - Ảnh 12.

Tôi sẽ không phát hành bản studio để “ăn theo” vì tôi nghĩ sự chưa hoàn hảo của màn trình diễn ở Đà Lạt là nhân tố quan trọng khiến nó thành công. Nếu cần một bản studio hoàn hảo thì khán giả đã nghe bản của Ngải Thần được rồi. 

Tôi muốn dành thời gian để ra mắt album của riêng mình. Thừa nhận một điều: Số lượng ca khúc của riêng Tăng Phúc mà khán giả biết chỉ đếm trên đầu ngón tay. Khi đi show, không lẽ hát 20-30 bài mà chỉ có 5-6 bài của mình thì cũng hơi chạnh lòng. Có rất nhiều người cover bài hát người khác thì được yêu thích, đây là do khán giả thích bài hát thôi. Tôi nghĩ phải làm sao để khán giả thích được cái giọng hát của mình, khi ấy thì hát bài nào thì cũng sẽ nhận được tình cảm của công chúng.

Tăng Phúc: Người nước ngoài hát nhạc Việt thì chẳng nghe ai nói gì, còn mình hát nhạc người ta thì dân mình lại tự chửi nhau - Ảnh 13.

Nhưng với nhiều người hơi cực đoan, cứ muốn tôi đừng hát nhạc người khác mà hãy hát ca khúc của riêng bản thân, tôi thấy hơi kì. Tôi vẫn đi đóng tác quyền, vẫn xin phép tác giả để được làm lại ca khúc chứ đâu có hát khơi khơi được. Tôi muốn công chúng nhìn nhận rằng mình đang giữ các ca khúc sống lâu hơn với thời gian, ngày càng nhiều người biết đến nó hơn. 

Các nghệ sĩ cover hẳn không tránh khỏi các sự cố đáng tiếc về việc bản quyền ca khúc, anh đã từng gặp trường hợp nào chưa?

Có chứ. Lúc ấy tôi chưa đi hát, chỉ đăng tải “chơi chơi” lên YouTube mà cũng chẳng bật kiếm tiền nữa, view cũng không nhiều. Lúc ấy tôi có hát một bài không tiện nhắc tên của một nhạc sĩ ngoài miền Bắc. Người ấy gọi điện cho tôi, đòi tiền tác quyền 5 triệu đồng và yêu cầu gỡ xuống, nếu muốn giữ lại thì đóng thêm. Nghe thì không nhiều lắm nhưng lúc ấy tôi đang là nhân viên văn phòng, lương 1 tháng 6-7 triệu, đóng 5 triệu coi như là hết cả tháng lương rồi. Nhưng rồi tôi vẫn đóng cho xong vì đã bị người ta để ý rồi.

Tăng Phúc: Người nước ngoài hát nhạc Việt thì chẳng nghe ai nói gì, còn mình hát nhạc người ta thì dân mình lại tự chửi nhau - Ảnh 14.
Tăng Phúc: Người nước ngoài hát nhạc Việt thì chẳng nghe ai nói gì, còn mình hát nhạc người ta thì dân mình lại tự chửi nhau - Ảnh 15.

Kể từ đó, tôi đều xin phép thật kĩ trước khi hát bất kì bài nào, nhạc sĩ nào không liên lạc được thì tôi lên thẳng Cục Tác quyền để đóng. Một số bài hát hồi xưa người ta cho nhưng giờ khi tôi đã nổi lên thì họ không cho nữa. Tôi không tiện nhắc đến tên người ấy ở đây vì họ vẫn còn làm nghề, vẫn còn đi hát. Khi họ thấy bản cover của mình nổi tiếng hơn sẽ làm ảnh hưởng không ít và họ yêu cầu tôi phải gỡ bài này khỏi YouTube để khán giả tập trung nghe phiên bản của họ mà thôi. 

Tăng Phúc: Người nước ngoài hát nhạc Việt thì chẳng nghe ai nói gì, còn mình hát nhạc người ta thì dân mình lại tự chửi nhau - Ảnh 16.

Tôi cũng thiện chí đề cập việc sẽ đóng tác quyền trong 1 năm, rồi 2 năm nhưng họ vẫn nói không và chỉ muốn tôi gỡ bài hát ấy xuống. Lúc đó tôi hơi buồn vì người ấy bên ngoài cũng chơi khá thân, lại còn làm việc chung khá lâu nữa. Tôi và người ấy vẫn kết bạn trên Facebook, người ấy lại là một người có ơn với Phúc trong quãng thời gian đầu đi hát nên tôi vẫn bình thường, còn người ấy có bình thường với tôi hay không thì không biết. 

Trào lưu cover các ca khúc nhạc Hoa lời Việt cũng đang hot trở lại. Nhiều ý kiến cho rằng những bản cover này làm giảm đi sự sáng tạo của các nghệ sĩ, khiến nền âm nhạc không có bản sắc Việt?

Có những người mình làm gì thì họ cũng ném đá. Người nước ngoài hát nhạc Việt thì chẳng nghe ai nói gì, còn mình hát nhạc người ta thì dân mình lại tự chửi nhau. Người nước ngoài nói tiếng Việt bập bè thì khen hay quá, giỏi quá còn người Việt phát âm chưa chuẩn cũng chửi. Sao mình không chọn cách góp ý nhẹ nhàng hơn? Sao lúc nào cũng sính ngoại, khen người ta và chê dân mình? 

Tăng Phúc: Người nước ngoài hát nhạc Việt thì chẳng nghe ai nói gì, còn mình hát nhạc người ta thì dân mình lại tự chửi nhau - Ảnh 17.

Nhạc Hoa lời Việt rất nhiều người hát. Ngày xưa có anh Đan Trường, anh Ưng Hoàng Phúc,... Có người còn vào “kháy” tôi đã xin tác quyền chưa, đó là chuyện của tác giả lo, sao lại quan tâm dùm người khác vậy? Tôi cũng có tâm lí khá vững rồi, ai chửi gì thì kệ. Họ chửi thì cũng bỏ công lên YouTube, đăng nhập, xem được một tí rồi gõ: “Thằng này hát dở quá,...”, cũng mất thời gian khá nhiều cho mình đấy chứ nên tôi thả tim để ghi nhận. 

Tất nhiên có những bình luận xác đáng không thể nào ngó lơ được, nhiều góp ý về việc tôi lấy hơi bị lộ, hát hơi điệu, đôi khi hơi nặng quá,... đó là những ý kiến tôi luôn lắng nghe, chọn lọc để có thể chỉnh sửa.

Tăng Phúc: Người nước ngoài hát nhạc Việt thì chẳng nghe ai nói gì, còn mình hát nhạc người ta thì dân mình lại tự chửi nhau - Ảnh 18.
Tăng Phúc: Người nước ngoài hát nhạc Việt thì chẳng nghe ai nói gì, còn mình hát nhạc người ta thì dân mình lại tự chửi nhau - Ảnh 19.

Tăng Phúc và Trương Thảo Nhi dạo này đi diễn như một cặp “tri âm” trong âm nhạc, liệu sau này có tiếp tục hợp tác cho ra các bản song ca?

Trương Thảo Nhi rất giỏi, sáng tác được nhiều thể loại và có một giọng hát rất cá tính. Khi gặp tôi, tôi cảm thấy giọng này vẫn hát được ballad và khuyên chị ấy thử sức với thể loại này xem sao. Giọng Thảo Nhi kén người nghe, có chút gì đó ma mị, ai thích sẽ nghiện còn ai không thích rồi thì không nghe nổi. Hiện giờ thì tôi và Trương Thảo Nhi cùng một công ty và gần như bắt đầu lại.

Trương Thảo Nhi cũng rất… lười, phải được yêu cầu thì mới làm, gần như không chủ động. Cô ấy hoạt động được 10 năm rồi chứ không ít nhưng suốt những năm qua luôn loay hoay và kẹt trong cảnh không biết mình phải đi đâu hay làm gì, vắng bóng hẳn trên đường đua âm nhạc. Sản phẩm thì vẫn ra nhưng hiệu ứng không bao giờ bằng được thời Bốn Chữ Lắm khi hát cùng Trúc Nhân.

Tăng Phúc: Người nước ngoài hát nhạc Việt thì chẳng nghe ai nói gì, còn mình hát nhạc người ta thì dân mình lại tự chửi nhau - Ảnh 20.

Đôi khi tôi và Trương Thảo Nhi cảm thấy khá đồng điệu vì cả 2 đều là những nghệ sĩ chật vật trong sự nghiệp. Sau Bốn Chữ Lắm, người ta chỉ nhớ đến Trúc Nhân và anh liên tiếp ra những sản phẩm còn hay ho hơn khiến khán giả liên tục nhớ đến, mời đi show cũng nhiều và dần quên đi cái tên Trương Thảo Nhi. Thời điểm đó một phần do kinh tế, một phần do đường hướng của công ty khi ấy không rõ ràng và chúng ta có thể thấy Trương Thảo Nhi lùi hẳn so với anh Trúc Nhân. Nhưng hiện tại thì có thể xem như là một màn “tái debut” rồi, và chúng tôi sẽ cố gắng.

Tăng Phúc: Người nước ngoài hát nhạc Việt thì chẳng nghe ai nói gì, còn mình hát nhạc người ta thì dân mình lại tự chửi nhau - Ảnh 21.

Cảm ơn anh vì cuộc trò chuyện này.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM

Khám phá "Thế giới trang sức" lộng lẫy của Lộc Phúc tại triển lãm Jewelry Fair 2024

Sau 9 ngày diễn ra sôi nổi, Triển lãm Jewelry Fair 2024 với chủ đề "Tôn vinh phụ nữ - Tỏa sáng vẻ đẹp vượt thời gian" đã chính thức khép lại vào ngày 07/11/2024 tại Aeon Mall Tân Phú. Sự kiện do Lộc Phúc Fine Jewelry phối hợp cùng các đối tác uy tín tổ chức đã thực sự mang đến một không gian trang sức đầy màu sắc,