Với sự sụp đổ của WeFit, Covid-19 đang tỏ ra là một thuốc thử liều mạnh cho tất cả các startup công nghệ của Việt Nam. Trong sự chọn lọc tự nhiên tàn khốc của virus Corona, dường như chỉ những startup công nghệ vẫn đang được các nhà đầu tư rót vốn mới có thể sống sót. Tuy nhiên, giống như cuộc đời, chẳng có gì là đúng tuyệt đối, giới startup công nghệ Việt vẫn có những thành viên đi ngược lại quy luật chung đó, ví dụ như Tanca.io.
Tanca.io là một startup công nghệ với dịch vụ cốt lõi là chấm công online qua điện thoại, bằng cách sử dụng những công nghệ cũ và mới như thông qua wifi, GPRS, AI… Trong mùa dịch Covid-19, với phong trào Work from home, cái tên Tanca.io đột nhiên được nhiều người nhắc đến vì nó giải quyết được bài toán chấm công của nhiều doanh nghiệp, với cung cách làm việc online hoàn toàn mới này.
Dù thế, theo chia sẻ của Trần Viết Quân – Founder của Tanca.io, thì Covid-19 không hoàn toàn là tin tốt với doanh nghiệp của mình. Mặt tốt là Tanca được nhiều người biết đến hơn, giúp lượng khách hàng tăng 20%; nhưng mặt xấu là doanh thu hàng tháng bị giảm xuống một chút, do khó khăn nên không ít khách hàng của họ đề nghị được giãn trả nợ hoặc thậm chí thôi sử dụng dịch vụ của Tanca. Để giữ khách hàng cũng như hỗ trợ họ trong thời điểm khó khăn, Tanca đã cho phép nhiều khách hàng của mình được tiếp tục sử dụng dịch vụ miễn phí.
Rõ ràng là Covid-19 không giúp Tanca.io bùng nổ doanh thu như dự đoán của nhiều người!
Nhưng, chút bất lợi này với team Tanca.io hay Trần Viết Quân chẳng là gì cả. Cho dù cộng thêm những điều kiện trông tệ khác như chưa có nhà đầu tư hay tuổi đời còn non trẻ - chính thức ra mắt từ năm 2018, Trần Viết Quân và các đồng đội của mình tin là Tanca.io sẽ bình yên vượt bão Covid-19. Bởi, dù đây là lần đầu Tanca.io gặp phải khủng hoảng kinh tế - xã hội quy mô lớn như thế này; song với bản thân những nhà sáng lập Tanca.io, trong quá trình khởi nghiệp họ đã gặp rất nhiều khó khăn còn lớn hơn Covid-19.
Chàng sinh viên Nhân văn yêu thích khởi nghiệp công nghệ
Trần Viết Quân - Founder của Tanca.io
Mặc dù đã phỏng vấn kha khá founder startup công nghệ tại Việt Nam, song chúng tôi vẫn khá bất ngờ khi lần đầu nghe về trường học của Trần Viết Quân. Anh không xuất thân từ khoa công nghệ hay khoa kinh tế mà là cựu sinh viên của trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM. Tiêu biểu của trường hợp học ngành khoa học xã hội nhưng thích làm doanh nhân là đây!
"Ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường đại học tôi đã nhận ra là mình thích kinh doanh hơn. Trước khi khởi nghiệp cùng Tanca.io, tôi đã trải qua rất nhiều công việc kinh doanh khác nhau, không may là chúng đều không thành công", Founder sinh năm 1984 cho biết.
Khởi sự kinh doanh đầu tiên của Quân chính là bán ảnh đã photoshop cho các bạn nữ trong trường đại học. Sau khi ra trường, Quân tiếp tục hợp tác với một vài người bạn làm lập trình khác nhận làm website. "Lúc đó là năm 2007, công việc làm website rất có ăn. Có những website làm với giá rất cao song khách hàng vẫn đồng ý. Trong giai đoạn đầu ra riêng kinh doanh, thậm chí chúng tôi phải đi thuê giấy phép kinh doanh của một người quen để làm hợp đồng, vì lúc đó cả đám không có gì ngoài quyết tâm lập nghiệp của bản thân", Co-Founder Tanca.io hồi tưởng.
Sau nữa, Trần Viết Quân về đầu quân cho FPT, với tư cách là nhân viên của phòng truyền thông. Trong suốt quá trình làm việc tại tập đoàn công nghệ hàng đầu Việt Nam này, máu tự kinh doanh làm chủ lại bắt đầu nhen nhóm lên trong lòng Quân. Thế nên, sau vài năm cống hiến cho FPT, Quân lại bỏ ra ngoài vay tiền ngân hàng để kinh doanh hoa tươi. Tuy nhiên, do không biết cách quản lý tài chính, dự án khởi nghiệp tử tế đầu tiên đã thất bại.
Lần ‘ra quân’ nghiêm túc thứ 2, Quân và đồng đội của mình chọn tham gia ‘cuộc chơi’ gia công phần mềm. Mặc dù công việc gia công cho các đối tác lớn nhỏ khác nhau kiếm được không ít tiền, nhưng nó lại không thỏa được đam mê sáng tạo đột phá. Vì thế, sau khi cảm thấy đã kiếm được một số vốn tương đối, Quân cùng các đồng sự quyết định dấn thân vào mảng khởi nghiệp công nghệ với dự án nongnghiepangiang.vn. Vạn sự khởi đầu nan, dù dự án cập nhật giá theo thời gian thật của anh rất được chính quyền lẫn người nông dân hoan nghênh, song không tạo ra được dòng tiền cho doanh nghiệp.
"Mình cứ nghĩ sau khi mình xây dựng được một cơ sở dữ liệu hoàn chỉnh cũng như mạng lưới cộng tác viên rộng khắp, mình có thể bán thông tin giá cả theo thời gian thực cho nông dân và doanh nghiệp; nhưng sự thật là không ai chịu bỏ tiền để mua nó.
Rõ ràng chúng tôi đã suy nghĩ quá đơn giản, bởi nếu nhìn trên bình diện thế giới, chẳng phải người ta không nghĩ ra mà bởi nó không khả thi. Trên thế giới, có không ít ngành hàng như cà phê, điều…cũng có cập nhật giá theo thời gian thật ở một cấp độ nào đó, nhưng họ không hề bán dữ liệu đó mà xem như một giá trị gia tăng tặng thêm cho các đối tác của họ", Trần Viết Quân phân tích về thất bại của dự án khởi nghiệp công nghệ đầu tiên.
Tanca là dự án khởi nghiệp thứ 4 trong cuộc đời của Trần Viết Quân.
Những tưởng, sau thất bại của dự án nông nghiệp nói trên, Quân và cộng sự sẽ lại yên phận quay về chuyên tâm gia công phần mềm; song thực tế ngược lại, sự bướng bỉnh trong xương tủy của đoàn đội này khiến họ lần nữa bước ra khỏi vùng an toàn. Cách đây 2 năm, sau khi cảm thấy đã lần nữa tích góp đủ nguồn lực, Quân khởi nghiệp lần 3, cùng nhau xây dựng Tanca.io.
Học hỏi, thực thi nhanh và tích hợp để có thể đi nhanh - đi xa hơn
Với rất nhiều bài học xương máu rút ra từ những thất bại trước, Trần Viết Quân hiểu rằng, muốn khởi nghiệp thành công, tính hiệu quả phải được đặt lên hàng đầu chứ không phải những giấc mơ xa vời. Startup muốn sống sót cần nhanh chóng kiếm được tiền ngay từ giai đoạn đầu tiên, theo một cách nào đó. Cách nhanh nhất để lớn lên là học hỏi mô hình đã thành công trên thế giới, thực thi nhanh và tích hợp đa công nghệ.
"Sở dĩ, chỉ sau gần 1.5 năm ra mắt chính thức mà đã app đã có 13 dịch vụ và phục vụ được 10 ngành hàng, là nhờ chúng tôi chú trọng học hỏi từ những công ty công nghệ hàng đầu thế giới và tích hợp nhiều công nghệ thay vì xây dựng từ đầu. Chúng tôi đã sử dụng những công nghệ tiên tiến nhất trên thế giới, phù hợp với mục tiêu – nhu cầu phát triển của mình, sau đó tìm cách kết hợp chúng lại với các tính năng mình đã vẽ ra.
Hiện tại, phần lớn tính năng của nền tảng là do đội ngũ Tanca phát triển, một số tính năng tiên tiến thì được tích hợp với các hệ thống hàng đầu thế giới… Nhưng theo sự phát triển của mô hình kinh doanh này, chúng tôi sẽ tập trung cho nghiên cứu và phát triển để sở hữu các công nghệ cốt lõi trong tương lai!", Trần Viết Quân tiết lộ.
Cùng việc nhanh chóng cho ra mắt rất nhiều tính năng, Tanca.io đã tối ưu hóa mô hình bán hàng. Hiện tại Tanca có thể phục vụ cho khách hàng của nhiều lĩnh vực với những cách thức bán hàng đa dạng; ngoài chấm công đơn thuần, họ còn có các dịch vụ khác như tính lương tự động, quản lý nhân sự, có hệ thống KPI, quản lý tài sản, quản lý truyền thông…
Nói chung, ai mua gì thì Tanca.io bán cái đó, giá thuê phụ thuộc vào việc đối tác dùng bao nhiêu dịch vụ của họ. Ngoài ra, Tanca.io có thể cá nhân hóa dịch vụ ở một mức độ nào đó, tùy vào yêu cầu cụ thể của từng doanh nghiệp. Hiện tại Tanca có hơn 50.000 nhân sự sử dụng hàng ngày.
Mục tiêu của Tanca.io là tự động hóa công việc nhân sự cho doanh nghiệp và giúp lãnh đạo thấu hiểu nhân viên hơn
Một bộ phận của team Tanca.io.
"Không ít người hỏi chúng tôi, có phải tự động hóa là lấy đi công việc của người khác, như Tanca.io sẽ tranh việc của bộ phận nhân sự trong công ty?
Theo quan điểm của tôi, tự động hóa là xu hướng tất yếu của thời cuộc. Mọi công ty trên thế giới đều đang phải đối mặt với việc chuyển đổi số và Tanca chỉ là đang đảm nhiệm công việc chuyển đổi số ở lĩnh vực quản lý nhân sự. Nếu như làm theo cách cũ, doanh nghiệp sẽ mất nhiều thời gian, chi phí, rủi ro…; Tanca.io chỉ đang hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số nhằm tiết kiệm và tối ưu hóa hoạt động quản trị.
Có những vấn đề mà CEO sẽ không thấy nếu không có dữ liệu. Những số liệu mà Tanca.io cung cấp sẽ giúp doanh nghiệp có một cái nhìn toàn diện hơn về mỗi nhân viên của mình và hiểu hơn về văn hóa doanh nghiệp", Trần Viết Quân nhận định.
Có thể nói, Tanca.io là một giải pháp chuyển đổi số ngon – bổ - rẻ cho bộ phận nhân sự trong các công ty SMEs và startup – loại doanh nghiệp không có nhiều tiền để đầu tư các hệ thống chuyển đổi số quy mô lớn nhiều tiền. Hiện tại, có một vài doanh chủ cảm thấy lấn cấn khi sử dụng Tanca.io để chuyển đổi số, vì họ sợ sau này không thể tích hợp với các app ở các bộ phận khác. Song theo Trần Viết Quân, Tanca.io là nền tảng mở và sẵn sàng kết nối.
Cũng theo Co-founder này, điều mà startup này hướng đến không phải chỉ là trở thành một công cụ chuyển đổi số cho bộ phận nhân sự, mà còn hướng đến giúp doanh nghiệp hiểu được mỗi nhân viên đi làm để đạt những mục tiêu gì, họ làm cách nào để đạt các mục tiêu của tổ chức và cá nhân, làm sao để họ vui hơn để phát huy được năng lực cao nhất của bản thân. Bên cạnh đó, dựa vào các dữ liệu được ghi nhận và phân tích, nền tảng này sẽ giúp mỗi nhân viên biết được hiệu suất của mình đang như thế nào.
Ví dụ: một nhân sự bình thường làm việc rất hiệu quả cũng như chăm chỉ, tự dưng tuần nào đó các chỉ số của họ thể hiện trên Tanca.io vô cùng kém, thì thay vì kêu họ lên để la lối, các lãnh đạo cần gặp gỡ và tìm hiểu xem lý do vì sao tình trạng của nhân sự đó lại xuống dốc như thế. Ngoài ra, việc Tanca.io chú trọng về cập nhật số liệu tức thời, cũng sẽ giúp các CEO nhanh chóng điều phối công việc linh động và kịp thời hơn nhằm bảo đảm hoàn thành các dự án đúng kế hoạch.
Có thể nói, chính nhờ sự ăn ý tuyệt vời của các founder đã nhiều năm vào sinh ra tử, cộng với những kinh nghiệm – tài lực tích luỹ được trong khoảng 10 năm khởi nghiệp với nhiều dự án khác nhau; Quân tin rằng mình có thể dẫn dắt startup này đi qua đại dịch Covid-19 một cách an bình.