Tân CEO GS25 Việt Nam: Chúng tôi muốn làm mới và cao cấp hóa ngành kinh doanh cửa hàng tiện lợi bằng công nghệ

Quỳnh Như | 29-11-2020 - 09:30 AM

(Tổ Quốc) - Với 6.000 cửa hàng tiện lợi và siêu thị mini, cạnh tranh trong ngành bán lẻ Việt Nam ngày càng lớn, đổi mới – sáng tạo là điều các doanh nghiệp nhất định phải làm. Theo tân CEO GS25 Việt Nam – Mai Thụy Nhân, thì chiến lược sắp tới của chuỗi này là cao cấp hóa mảng cửa hàng tiện lợi thông qua cải tiến sản phẩm và trải nghiệm khách hàng bằng công nghệ - bắt đầu cùng thanh toán khuôn mặt FacePay.

GS25 Việt Nam sẽ là chuỗi bán lẻ đầu tiên tại Việt Nam sử dụng công cụ thanh toán bằng khuôn mặt

Vừa qua, GS25 Việt Nam cùng startup Wee Digital đã tổ chức cho giới truyền thông và quan khách trải nghiệm dịch vụ thanh toán bằng khuôn mặt tại một cửa hàng ở Quận 1. Các bước thực hiện khá đơn giản: người dùng tải app FacePay về, sau đó để app chụp ảnh khuôn mặt của mình rồi cứ thế ra cửa hàng GS25 thanh toán.

Sau khi chọn hàng và nhân viên cửa hàng quét giá xong, người cùng chỉ cần để mặt mình trước một máy tính bảng nhỏ, nó sẽ quét khuôn mặt rồi người dùng xác thực bằng password tài khoản là hoàn tất thanh toán. Tất nhiên, trước đó app FacePay của bạn phải tích hợp với một tài khoản ngân hàng hoặc ví điện tử nào đó. Hiện tại, app FacePay chỉ mới có bản beta - chưa chính thức có mặt trên các chợ ứng dụng Android hoặc iOS.

Và theo chia sẻ của ông Mai Thụy Nhân - CEO GS25 Việt Nam, chuỗi này sẽ nhanh chóng thử nghiệm công nghệ thanh toán mới này tại một vài cửa hàng ở TP. HCM trong vài tháng tới; nếu mọi chuyện thuận lợi, sẽ áp dụng cho cả chuỗi trên toàn quốc vào đầu năm 2021. Theo đó, GS25 Việt Nam chính là chuỗi bán lẻ đầu tiên tại Việt Nam sử dụng công cụ thanh toán thông minh này vào kinh doanh.

"Thanh toán bằng tiền mặt luôn vô cùng rắc rối, nhất là ở khâu vận hành và tính an toàn cũng như rất khó để mang đến những trải nghiệm khách hàng khác biệt. Dù hiện tại, nhiều người Việt vẫn chủ yếu thích thanh toán bằng tiền mặt, nhưng soi vào các con số mà GS25 thu thập được, rõ ràng thanh toán bằng tiền mặt đang ngày càng được ưa chuộng hơn. Trước đây, chỉ có 10% doanh thu của GS25 là không dùng tiền mặt, nhưng nay đã tăng lên 30%.

Tuy nhiên, mảng thanh toán không tiền mặt cũng có các vấn đề của nó, ví dụ: GS25 Việt Nam hiện đang hợp tác với khoảng 22 dịch vụ thanh toán, tức chúng tôi cũng phải dành nhiều thời gian và nguồn lực để tích hợp với các hệ thống thanh toán. Qua sự hợp tác cùng Wee Digital – FacePay và NAPAS, chúng tôi mong muốn việc thanh toán qua online sẽ giúp người dùng cảm thấy an toàn, tiện lợi, nhanh hơn và thú vị hơn. Chính fintech và ngân hàng sẽ giúp ngành bán lẻ chuyển đổi một cách toàn diện để trở nên mới mẻ và tốt hơn", ông Mai Thụy Nhân khẳng định.

Tân CEO GS25 Việt Nam: Chúng tôi muốn làm mới và cao cấp hóa ngành kinh doanh cửa hàng tiện lợi bằng công nghệ - Ảnh 1.

Ông Mai Thụy Nhân (trái) đang tiến hành ký kết hợp tác với ông Cristian Nguyễn - Founder kiêm CEO của Wee Digital.

Trả lời cho câu hỏi: nếu GS25 Việt Nam sau khi dùng FacePay và thành công mỹ mãn, liệu GS25 có sử dụng công nghệ này cho cả chuỗi trên toàn cầu hay không?; ông Mai Thụy Nhân cho biết, hiện tại, đây là hợp tác riêng giữa GS25 Việt Nam và Wee Digital, không liên quan đến GS25.

Thêm nữa, chuỗi cửa hàng tiện lớn lớn nhất Hàn Quốc này cũng có phòng thí nghiệm công nghệ riêng, họ đã dùng nhiều công cụ thanh toán tiên tiến hàng đầu thế giới từ lâu. GS25 thậm chí còn có cửa hàng không nhân viên kiểu như Amazon Go. Còn tương lai không thể biết trước được!

Chúng tôi sẽ làm mới và cao cấp hóa ngành kinh doanh cửa hàng tiện lợi bằng công nghệ

Hiện tại, Việt Nam có khoảng 6.000 cửa hàng (2.600 tại TP. HCM và 1.200 Hà Nội) tiện lợi và cửa hàng thực phẩm theo chuỗi trên toàn quốc; trong đó chúng ta có thể kể đến những cái tên sừng sỏ như Vinmart , Bách Hóa Xanh, Satra Food, 7-Eleven, Cicle K, Family Mart…Thế nên, mức độ cạnh tranh trong ngành bán lẻ ngày càng khốc liệt, muốn tồn tại rồi vượt lên dẫn đầu, các chuỗi bán lẻ nhất định phải đầu tư vào đổi mới – sáng tạo cả về dịch vụ lẫn sản phẩm.

Thế nên, việc triển khai công nghệ thanh toán bằng tiền mặt chỉ là một bước nhỏ trong hành trình làm mới và cao cấp hóa ngành kinh doanh chuỗi cửa hàng tiện lợi của GS25 Việt Nam.

"Hiện tại, với GS25 Việt Nam, khi nói đến trải nghiệm khách hàng, chúng tôi không chỉ quan tâm đến hành vi của khách hàng lúc đến mua sắm tại cửa hàng mà còn quan tâm đến hành vi sinh hoạt – làm việc trong 1 ngày của khách hàng. Bắt đầu từ lúc họ thức giấc cho đến lúc nhắm mắt ngủ. Với những hành vi khác nhau trong từng thời điểm khác nhau, người dùng có những mong muốn khác nhau.

Mục tiêu cuối cùng: chúng tôi muốn làm mới ngành kinh doanh cửa hàng tiện lợi vốn đang cũ kỹ cũng như cao cấp hóa chúng. Tôi không nghĩ rằng, chỉ với một dịch vụ thanh toán bằng khuôn mặt FacePay có thể giúp chuỗi của chúng tôi ngay lập tức khác biệt so với thị trường, nhưng cộng rất nhiều bước nhỏ như thế sẽ khác", CEO GS2 Việt Nam nêu cụ thể.

Tân CEO GS25 Việt Nam: Chúng tôi muốn làm mới và cao cấp hóa ngành kinh doanh cửa hàng tiện lợi bằng công nghệ - Ảnh 2.

Cận cảnh dịch vụ thanh toán bằng khuôn mặt FacePay sắp triển khai ở các cửa hàng GS25 Việt Nam.

Sau khi nghiên cứu hành vi tiêu dùng trong 1 ngày của người dân Việt Nam, chuỗi này đã có những cải tiến về sản phẩm như sau: vào giữa tháng 11/2020, họ giới thiệu 3 khẩu phần ăn làm sẵn cao cấp có giá lần lượt 49.000, 54.000 và 79.000 để ‘đánh bay’ định kiến ‘cửa hàng tiện lợi chỉ có đồ ăn rẻ tiền không tốt cho sức khỏe’; sắp tới, sẽ bổ sung thêm ngành hàng tươi sống theo thực đơn có sẵn vào kệ.

"Chúng tôi cũng thấy rằng, rất nhiều bạn trẻ hay dân văn phòng mất khá nhiều thời gian để đi chợ mua thực phẩm và lên thực đơn để nấu ăn cho gia đình. Nếu chúng ta làm về lúc 5 giờ, 8 giờ mới có thể ngồi vào bàn ăn. Ngoài ra, quy mô gia đình ở Việt Nam ngày càng nhỏ, nên lượng thực phẩm cần để chế biến ra một bữa ăn cũng không cần quá nhiều.

Thế nên, sắp tới chúng tôi sẽ triển khai thêm các sản phẩm thực phẩm tươi sống theo set – thực đơn có sẵn. Trên đường đi làm về, khách hàng chỉ cần tạt qua GS25, mua một set thực phẩm đã chế biến sẵn và về nhà, bỏ vào nồi nấu là xong. Hiện trong cửa hàng của chúng tôi đã bán cả thịt bò tươi.

Để hạn chế hàng tồn kho – vấn đề nhức nhối nhức của ngành hàng thực phẩm tươi sống, chúng tôi sẽ giảm giá cho những khách hàng nào đã đặt hàng trước qua các nền tảng online. Chúng tôi hy vọng, công nghệ sẽ giúp GS25 vận hành hiệu quả mảng miếng mới này", ông Mai Thụy Nhân bàn luận tiếp.

Ông Cao Thụy Nhân thay bà Nguyễn Hồng Trang làm CEO GS25 Việt Nam muộn nhất là vào tháng 7/2020

Ở khía cạnh khác, ông Mai Thụy Nhân chính là CEO mới của chuỗi GS25 Việt Nam.

Tân CEO GS25 Việt Nam: Chúng tôi muốn làm mới và cao cấp hóa ngành kinh doanh cửa hàng tiện lợi bằng công nghệ - Ảnh 3.

Bà Nguyễn Hồng Trang hiện không còn là CEO của GS25 Việt Nam nữa.

Khi mới chính thức ra mắt tại thị trường, CEO của GS25 Việt Nam là ông Yun Ju Young đến từ GS25 Hàn Quốc. Sau một thời gian ngắn, chức vụ CEO lại chuyển đến tay bà Nguyễn Hồng Trang – em gái của Chủ tịch SơnKim Group – Nguyễn Hoàng Tuấn, đơn vị góp vốn ở GS25 Việt Nam.

Việc ông Mai Thụy Nhân lên thay bà Nguyễn Hồng Trang không được Sơn Kim Group thông báo cụ thể, tuy nhiên theo tìm hiểu của chúng tôi, ít nhất ông Nhân lên ngồi ghế nóng muộn nhất là vào tháng 7/2020. Còn tiết lộ từ chính ông Mai Thụy Nhân, vị CEO này xuất thân từ dân công nghệ nên rất cởi mở với những công nghệ mới đang có trên thị trường.

Nhìn vào hành trình thay CEO của GS25 Việt Nam, chúng ta có thể thấy việc chuyển giao quyền lực giữa 3 cá nhân kể trên chắc chắn diễn ra êm đẹp, bởi mỗi người đều biết mình đã hoàn thành nhiệm vụ và cần rời đi để người mới đến hoàn thành nhiệm vụ tiếp theo.

Nhiệm vụ của ông Yun Ju Young là khiến mô hình GS25 nhận quyền tại Việt Nam trở nên chuẩn chỉnh như quy định, còn nhiệm vụ của bà Nguyễn Hồng Trang là phát triển đội ngũ nhân sự để tạo nền tảng cho doanh nghiệp scale-up thật nhanh, còn của ông Mai Thụy Nhân chính là nâng tầm sản phẩm – dịch vụ qua công cụ hữu hiệu nhất là công nghệ, để giúp GS25 tiến lên dẫn đầu thị trường.

Thế nên, cho dù tốc độ scale-up của GS25 Việt Nam, do nhiều nguyên do cả khách quan lẫn chủ quan, đã chậm hơn so với kế hoạch ban đầu khi chỉ mới có hơn 80 cửa hàng sau hơn 2 năm ra mắt; song họ vẫn tiếp tục giữ nguyên mục tiêu đầy tham vọng đến năm 2028 như ban đầu: có 2.500 cửa hàng khắp Việt Nam.

Cuối năm 2019, GS25 Việt Nam bắt đầu cho phép các nhà đầu tư nhượng quyền, song do Covid-19 khiến kế hoạch của họ bị đổ bể và doanh nghiệp này mới khởi động kế hoạch lại gần đây. Dự kiến đến năm 2021, GS25 Việt Nam sẽ có những cửa hàng nhượng quyền đầu tiên.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM

My First Diamond - Món quà tưởng thưởng cho những bước tiến trong năm 2024

Sau 365 ngày nỗ lực không ngừng nghỉ, đã đến lúc bạn chậm lại một phút, nhìn lại chặng đường đã qua với niềm tự hào và trân trọng. Một món quà trang sức ý nghĩa tự thưởng cho bản thân, không chỉ giúp nâng tầm diện mạo mà còn tiếp thêm sức mạnh tinh thần, cùng bạn viết tiếp những câu chuyện thành công trong năm 2025.