Trong thời điểm cả nước đang ‘Chống dịch như chống giặc’, cùng với đó là rất nhiều nước trên thế giới chấp nhận hy sinh việc tăng trưởng kinh tế để kiềm chế virus Corona tốt nhất có thể, thì việc các hàng quán đóng cửa như là điều tất yếu để kiềm chế tình hình dịch bệnh đang dâng cao.
Như mọi công dân Việt Nam khác, các chủ cửa hàng cho biết họ sẵn sàng làm những việc cần thiết góp phần cùng xã hội dập dịch, ngay cả việc đóng nhà hàng và đình chỉ tất cả hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, đằng sau việc ‘phải làm’ này là những mất mát to lớn cho chính bản thân người kinh doanh cùng những nhân công làm việc cho họ, mà nếu họ không nói chẳng mấy ai có thể tường tận.
"2 tháng trở lại đây, kể từ khi dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát ở Trung Quốc tới các nước khác và Việt Nam, số lượng khách tới nhà hàng của tôi - đặc biệt là khách du lịch, đã giảm khá nhiều; dẫn tới doanh thu của tháng này giảm hơn 50% so với tháng trước.
Sau lệnh đóng hàng quán ở TP. HCM cách đây chưa lâu, nhà hàng của tôi đã chuyển toàn bộ sang dịch vụ giao hàng và trong thời gian sắp tới, sẽ đưa ra các chương trình quảng cáo và giảm giá cho dịch vụ giao hàng trên mạng xã hội và các ứng dụng giao hàng như GrabFood, Now, GoViet…", anh Nam, chủ nhà hàng phong cách Thái tên Kin Đee trên đường Lê Thánh Tôn – Quận 1, chia sẻ với chúng tôi.
Song với việc chuyển sang bán online, bắt đầu từ tháng 3, để cân bằng lại quỹ lương, Kin Đee đã phải cắt giảm bớt nhân sự của một vài vị trí không cần thiết và cho một số nhân viên nghỉ không lương trong vòng 2-4 tuần tới. Ngoài ra, lương của các vị trí quản lý trong tháng này cũng phải giảm 20%.
"89’s Presso có điểm bất lợi là chúng tôi vừa khai trương dịp Tết, nên hoạt động không bao lâu là đứng trước rủi ro ảnh hưởng của dịch Covid-19. Theo đó, chúng tôi vừa phải xây dựng hình ảnh vừa phải xoay xở trong mùa dịch bệnh, doanh thu chưa lớn mà chi phí bỏ ra nhiều.
Tuy nhiên, từ cuối tháng 2, chúng tôi đã lường trước được việc TP. HCM có thể sẽ yêu cầu đóng hết các hàng quán nhằm phòng dịch, nên chúng tôi đã nhanh chóng hợp tác với các bên giao nhận ngay thời điểm đó. Nên khi có lệnh đóng cửa tạm thời từ Thành phố, chúng tôi chuyển hẳn 100% sang bán hàng online. Nếu không có sẵn kế hoạch ứng phó như vậy, chắc giờ chúng tôi cũng phải ngưng hoạt động vì không xoay xở kịp", đại diện 89’s Presso, một quán cà phê nằm trên đường Lê Thị Riêng – Quận 1 kể lại.
Cũng như các doanh nghiệp khác, theo 89’s Presso, điều tiết nhân sự là một bài toán nan giải nhất trong mùa dịch.
Mặc dù phải cân đối chi phí, nhưng 89’s Presso lại không muốn sa thải nhân viên trong lúc khó khăn; giải pháp được họ thực hiện ngay lúc đó là trò chuyện với các nhân viên, thẳng thắn trao đổi những khó khăn mà doanh nghiệp đang gặp phải, lắng nghe ý kiến nhân viên trước mới ra quyết định. Và quyết định cuối cùng là: cắt giảm giờ làm và lương tương ứng, nhân viên sẽ phải phân chia san sẻ công việc cho nhau.
"Chúng tôi nhận thức các biện pháp trên sẽ quy thành chi phí mà doanh nghiệp phải gánh, nhưng vì sức khoẻ và sự an toàn của bản thân, nhân viên và khách hàng lúc này quan trọng nhất", đại diện 89’s Presso cho biết.
Ngoài ra, mặc dù đã thực hiện rất nhiều biện pháp để giảm thiểu rủi ro lây nhiễm như sử dụng đồ dùng 1 lần, khử khuẩn thường xuyên, nhân viên phục vụ mang khẩu trang – găng tay – rửa tay thường xuyên; song 89’s Presso cũng trao đổi thẳng thắn với các nhân sự về rủi ro có thể gặp phải. Nếu không chấp nhận, nhân viên có thể dừng làm việc! Cửa hàng này còn thường xuyên nhắc nhở nhân sự của mình, sau khi đi làm về cần thay nhanh quần áo, sát khuẩn để tránh lây nhiễm bề mặt cho gia đình.
Trong khi Kin Đee và 89’s Presso đóng cửa hàng quán song vẫn còn phục vụ online, thì nhà hàng Khoái trên đường Lê Quý Đôn – Quận 3 đã đóng tất cả hoạt động của mình, không offline cũng chẳng online.
Chị Nguyễn Thị Ngọc Diệp – Founder nhà hàng Khoái kể cụ thể: dịch Covid 19 đã thật sự ảnh hưởng nặng nề đến kết quả kinh doanh của Khoái. Khoảng sau Tết đến trước ngày 5/3, doanh số của Khoái tuy có giảm nhưng nhà hàng vẫn đảm bảo được thu bù chi. Nhưng kể từ khi dịch tái phát từ ngày 6/3 đến nay, doanh số của Khoái rớt gần như 85-90%.
Trước sự lây lan ngày càng tăng cũng như tính nguy hiểm của dịch bệnh cùng với sự kêu gọi của Chính phủ mong mọi người ở yên trong nhà để nhanh chóng dập tắt dịch, Khoái cho rằng việc bảo vệ sức khoẻ của cộng đồng cũng như sức khoẻ của tập thể nhân viên nhà hàng là quan trọng nhất lúc này, nên họ đã quyết định đóng cửa nhà hàng trong ít nhất 2 tuần hoặc có thể dài hơn tuỳ theo tình hình dịch.
"Thật ra, trước đây khi doanh số giảm, chúng tôi có chuyển hướng sang giao đi, bán online; song mô hình của chúng tôi là nhà hàng, nơi gặp gỡ bạn bè, đối tác, người thân, trong suy nghĩ của khách chúng tôi không phải là những món ăn dân dã tại gia đình nên cũng khó để họ lựa chọn cho những bữa ăn gia đình. Dù vậy, chúng tôi vẫn linh hoạt với các combo cho gia đình và dần được mọi người ủng hộ.
Tuy nhiên, trong giai đoạn này, chúng tôi quyết định đóng cửa hẳn mà không duy trì online vì muốn nhân viên được bảo vệ an toàn trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch", chị Ngọc Diệp kể thêm.
Ở giai đoạn này, khi nhà hàng hoàn toàn đóng cửa, Khoái đã nhận được sự đồng lòng hỗ trợ của toàn thể nhân viên với nửa tháng nghỉ không nhận lương. Nếu dịch phức tạp hơn và cần nghỉ dài hơi hơn, nhà hàng sẽ hỗ trợ mức lương cơ bản để mọi người có mức chi tiêu căn bản. Với những nhân viên phải nuôi gia đình, Khoái cũng có chính sách phụ cấp thêm một tỷ lệ nhất định.
Nói chung, tình hình hiện tại là tất cả các cửa hàng/nhà hàng nhỏ trên địa bàn TP. HCM vẫn đang cố gắng cầm cự, nhưng nếu tình trạng này kéo dài, sẽ rất gay go và khả năng phá sản có thể xảy ra.
"Nhà hàng sẽ tiếp tục tập trung vào dịch vụ giao hàng đồng thời giữ các chi phí hoạt động ở mức thấp nhất trong mùa dịch. Tuy nhiên, doanh thu từ dịch vụ giao hàng cũng không đủ để duy trì dòng tiền ổn định để trả các chi phi hoạt động của nhà hàng.
Vì vậy, chúng tôi sẽ phải tiếp tục sử dụng tiền dự trữ để bù vào phần còn thiếu và nếu tình hình dịch tiếp tục kéo dài thì sẽ phải tính đến phương án xin chủ nhà hỗ trợ giảm thêm tiền nhà trong 1 hoặc 2 tháng tới hoặc gọi thêm vốn từ bên ngoài", chủ nhà hàng Kin Đee tiết lộ giải pháp của mình.
Còn đại diện 89’s Presso cũng thú nhận: với tình hình dịch đang diễn biến căng thẳng như hiện tại, cửa hàng cà phê này cũng không loại trừ khả năng cửa hàng phải tạm ngưng mọi hoạt động trong khoảng thời gian không xác định.
Hiện tại, 89’s Presso đã chia sẻ thẳng thắn với các đối tác như chủ mặt bằng, bên cung ứng nguyên vật liệu về việc hỗ trợ giá, giảm giá thuê mặt bằng, hay như kéo dài thời gian thanh toán nhất có thể. May mắn là các đối tác đều thông cảm và muốn đồng lòng giúp nhau cho đến khi thị trường ấm lên. Ví dụ: bên hệ thống quản lý và thanh toán, họ tự nguyện hỗ trợ 3 tháng miễn phí cho tất cả đối tác; chủ mặt bằng cũng giảm giá thuê và đồng ý nếu 89’s Presso phải tạm ngưng kinh doanh, họ sẽ chỉ lấy tiền thuê tượng trưng.
"Nhưng nếu dịch kéo dài hơn đến tháng 6, chắc nhiều doanh nghiệp lớn cũng sẽ điêu đứng chứ không chỉ chúng tôi, vì nguồn thu không có. Nói chung, cầm cự càng lâu lỗ càng nhiều", đại diện 89’s Presso lo lắng.
Ngoài mong chóng dịch bệnh nhanh chóng được kiểm soát để doanh nghiệp quay trở lại làm ăn như bình thường như trước đây, Founder nhà hàng Khoái còn mong chờ sự hỗ trợ từ Nhà nước.
"Nếu cần những hỗ trợ thêm từ bên ngoài, cá nhân tôi mong Nhà nước làm mạnh tay và thật triệt để trong việc lockdown mọi hoạt động, buộc (không chỉ kêu gọi) mỗi người dân phải ở nhà, chấp nhận việc kinh tế có thể ảnh hưởng mạnh trong thời gian lockdown. Nhưng, chỉ với cách này thì mới ngăn chặn lây lan trước khi chúng ta vỡ trận không kiểm soát được, khi ấy dịch mới mau chóng được dập tắt và mọi hoạt động mới nhanh trở lại bình thường. Càng dây dưa sẽ khó trong công tác dập dịch!
Sau dịch, kinh tế sẽ khó để phục hồi nhanh, nhà nước có thể hỗ trợ các doanh nghiệp như miễn hoặc giảm thuế tối đa nhất, để doanh Nghiệp có thêm dòng tài chính giúp nhanh chóng phục hồi và khi ấy kinh tế đất nước mới có thể phục hồi", chị Ngọc Diệp đề nghị.