Đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi người. Đối với những người độc thân, sống một mình, thời gian giãn cách xã hội, nỗi cô đơn, tình hình biến động suốt thời gian vừa qua còn khó khăn hơn theo nhiều khía cạnh.
Đối với một số người độc thân, họ hài lòng với việc "đơn thương độc mã" trước đại dịch, nhưng điều đó đã trở nên tồi tệ hơn khi dịch COVID-19 bùng nổ. Họ phải đối mặt với sự cô đơn và thiếu thốn sự hỗ trợ về mặt tinh thần.
"Trong vài tháng đầu tiên khi có dịch COVID-19, tôi nghĩ: Không sao, mình có thể tự làm việc. Nhưng sau đó tình trang này cứ tiếp tục kéo dài. Rồi ngày nọ, tôi nhận ra rằng đã 3 tháng tôi không hề chạm vào người khác". Gagan Bhatnagar (35 tuổi), một nhà tư vấn bệnh ung thư lâm sàng tại London chia sẻ.
Chia sẻ về chủ đề này trên mạng xã hội Twitter vào tháng 12/202, Bhatnagar nhận được hàng nghìn phản hồi và trong đó không ít người cũng bày tỏ sự chán nản tương tự. Thế nhưng một chút cô đơn trong khi bao nhiêu người khác nhiễm virus và đang đối mặt với cái chết có là gì?
Một số người cho biết họ cảm thấy bị bỏ rơi khi các điều lệnh giãn cách xã hội được thực hiện, khuyến cáo các gia đình không giao lưu với nhau. Ngay cả khi chính phủ cho phép những người sống 1 mình tụ họp để hỗ trợ nhau theo nhóm nhỏ ví dụ tại Anh các cá nhân sống một mình có thể đến ở cùng người thân, người yêu, thì những cá nhân độc thân dường như bị cô lập.
Theo đó, việc không thể hẹn hò như bình thường đã cướp đi hy vọng và sự an ủi tinh thần của những người độc thân. Ngoài việc thiếu thốn tình cảm nam nữ, đối với nhiều người, những cái ôm, sự tiếp xúc hàng ngày hay thậm chí là bắt tay, đập tay cũng là điều khó kiếm.
"Lần tiếp xúc thể chất với người khác gần nhất tôi có được là với một nhân viên thu ngân. Tôi không nghĩ rằng bản thân mình cần nó tới vậy", Marc Fein (35 tuổi, nhân viên hoạt động giáo dục và sức khỏe tinh thần) nói.
Thậm chí, Fein từng dùng tay chống vào tường để có cảm giác tiếp xúc với ai đó hoặc ngủ với gối ôm để bớt trống vắng.
Khoa học cũng đã chứng minh sự cần thiết của tiếp xúc thể chất giữa người với người. Tiffany Field, giám đốc Viện nghiên cứu xúc giác, đại học Miami, Mỹ cho biết, các nghiên cứu chỉ ra rằng, việc tiếp xúc cơ thể đóng với người khác đóng vai trò quan trọng đối với sự ổn định tâm trạng.
"Bạn cần có sự tiếp xúc với người khác để cảm thấy an toàn và hạnh phúc. Nếu không, bạn rất dễ rơi vào trạng thái lo lắng, trầm cảm", bà Tiffany nói.
Lane Moore, một diễn viên hài ở New York, tác giả cuốn sách How to be alone cho biết, lời than thở phổ biến nhất cô nghe được từ những người độc thân trong suốt thời gian qua là thiếu sự tiếp xúc. Theo Lane Moore, đại dịch đã gây ra những tổn thất tinh thần, làm gia tăng lo lắng và trầm cảm. "nửa kia có thể giúp bạn bình tĩnh lại khi tâm trạng bắt đầu xấu đi".
Đối với một số người, gần một năm qua không thể hẹn hò, tìm hiểu ai là một sự lãng phí. Nhất là khi họ đã nóng vội và muốn có con.
Ngay cả những người tự tin làm chủ bản thân cũng dần cảm thấy mất sự phấn khích hay giảm khả năng xây dựng mối quan hệ với người khác.
Kris Herndon, 49 tuổi, sống tại Anh là một người độc thân. Cô cho biết vẫn luôn cảm thấy ổn dù vẫn tưởng tượng về một ngày nào đó trong tương lai gặp được người bạn đời phù hợp. Thế nhưng trong đại dịch, cô làm việc ở nhà là chính, và điều đó đồng nghĩa với cơ hội gặp gỡ một đối tác ưng ý nào đó gần như bằng 0.
Đối với Fein, trong thời gian phải sống cô lập, anh thường tự đặt ra nhiều câu hỏi cho bản thân: "Mình có thể làm gì khác? Bao giờ mọi thứ sẽ thay đổi?". Tuy nhiên, Fein cũng chia sẻ rằng, chính những khó khăn trong mùa dịch đã thôi thúc anh hành động. Fein bắt đầu gọi điện thoại nhiều hơn cho những người bạn đã lâu không liên lạc, tham gia các nhóm bạn trên mạng, gặp gỡ bạn mới quen trong các khóa học trực tuyến bằng cách trò chuyện qua video.
"Sống một mình tại thời điểm này không dễ dàng. Thật khó khăn khi bạn không có chỗ dựa về vật chất hay tinh thần. Song, mỗi người đều có thể tự tạo ra năng lượng để khiến cuộc sống của mình tích cực hơn", Fein nói.
Những người độc thân vốn đã cô đơn lại càng thêm khó khăn hơn trong đại dịch vì không có chỗ dựa tinh thần. Ảnh: GI
Grace Rogers, 24 tuổi, sống một mình tại Mỹ cho biết, bạn bè đôi khi cho rằng cô thật may mắn vì không bị "nhốt chung" với vợ/chồng, con cái trong thời điểm này. Họ cho rằng, sống một mình như cô thì sẽ có thời gian dành cho riêng mình, tùy ý đọc sách hay làm bất cứ điều gì theo ý thích. Tuy nhiên, Grace không hoàn toàn đống tình, bởi ít ra những người bạn đó có người để trò chuyện, tâm sự thường xuyên, còn cô thì hoàn toàn cô đơn.
"Chẳng ai có thể hoàn toàn thoải mái trong hoàn cảnh này. Mỗi người sẽ phải chịu đựng những khó khăn riêng", Grace nói.